Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023

Update 22 - 12 - 2023
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

*Baodienbienphu.com.vn (20/12): Đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng ngày 20/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 12/2023, định hướng tuyên truyền tháng 1 và 2/2024.

Bám sát định hướng tuyên truyền, tháng 12 các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử, website, các ấn phẩm báo chí trong tỉnh và cơ quan báo chí trung ương thường trú tại Điện Biên đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các vấn đề thời sự, chính trị của tỉnh; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Nội dung thông tin đảm bảo tính định hướng chính trị; các chuyên mục tiếp tục được duy trì, hình thức trình bày hấp dẫn, sinh động; chất lượng tin, bài có chiều sâu, phong phú, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc. Trong tháng, nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được các cơ quan báo chí đưa tin, phản ánh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe thông cáo báo chí tuyên truyền Lễ hội đua thuyền đuôi Én lần thứ IX, Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn Quốc gia lần thứ IV, năm 2024 và hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên tại thị xã Mường Lay; tuyên truyền Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ năm 2024.

Theo đó, Lễ hội đua thuyền đuôi Én lần thứ IX, Giải vô địch các câu lạc bộ Dù lượn Quốc gia lần thứ IV, năm 2024 và hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên tại thị xã Mường Lay được diễn ra từ 31/12/2023 - 03/01/2024. Chương trình với nhiều điểm mới, như: Nội dung đua thuyền đuôi Én nâng lên quy mô cấp tỉnh; nội dung dù lượn tổ chức tăng thêm 2 nội dung thi đấu; lần đầu tiên tổ chức hoạt động giao lưu khiêu vũ thể thao và trình diễn trang phục của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh tại thị xã.

Đối với Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ năm 2024, diễn ra từ 12 - 14/1/2024 tại TP. Điện Biên Phủ. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội: Biểu diễn giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản; Tiệc rượu “Sa Kê - Mông Pê” và “Lẩu thắng cố - Lẩu Ô Đê”; thi ẩm thực “Hương sắc Điện Biên”; Giải chạy “Điện Biên phủ Marathon 2024”; Giải đua thuyền KAYAK mở rộng…

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Sở Giao thông vận tải trao đổi làm rõ thông tin nội dung báo Vietnamnet phản ánh về Dự án nâng cấp đường Tà Lèng - Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ). 

Tháng 1, 2/2024, các cơ quan báo chí được định hướng tập trung tuyên truyền 13 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bản tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ ; Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ năm 2024; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

*Baodienbienphu.com.vn (20/12): Kỳ họp thứ 16, HĐND huyện Nậm Pồ thông qua 11 nghị quyết

Trong 2 ngày (19-20/12), HĐND huyện Nậm Pồ khóa III tổ chức thành công kỳ họp thứ 16, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (kỳ họp thường lệ cuối năm); thảo luận, chất vấn các vấn đề cử tri quan tâm và thông qua 11 nghị quyết.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cho thấy: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Nậm Pồ có nhiều kết quả, tín hiệu tích cực với 50/57 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, một số kết quả nổi bật như: Tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế ước đạt trên 1.505 tỷ đồng, đạt 103,74% kế hoạch. Thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện cả năm đạt 26,901 tỷ đồng.

Tại kỳ họp HĐND huyện Nậm Pồ xem xét, thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024, phân bổ ngân sách địa phương năm 2024... Xem xét các báo cáo giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo công tác của Thường trực HĐND, các ban HĐND huyện, UBND huyện, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự huyện và các báo cáo chuyên đề khác theo quy định của pháp luật… Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và một số nội dung được cử tri quan tâm.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND huyện đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND huyện bầu, biểu quyết thông qua 11 Nghị quyết của HĐND. Đồng thời đề ra 3 chỉ tiêu lớn và 6 nhiệm vụ giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024.

*Baodienbienphu.com.vn (20/12): HĐND tỉnh Điện Biên trao đổi kinh nghiệm hoạt động với HĐND 3 tỉnh Phoong - Sa - Lỳ, U - Đôm - Xay và Luông - Pha - Băng

Ngày 20/12, HĐND tỉnh Điện Biên tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt động với HĐND 3 tỉnh Bắc Lào: Phoong - Sa - Lỳ, U - Đôm - Xay và Luông - Pha - Băng.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thông tin khái quát về tỉnh Điện Biên và chia sẻ về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình hoạt động của HĐND tỉnh.

Theo đó, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 52 đại biểu. Cơ cấu tổ chức gồm: Thường trực HĐND và 4 Ban (Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế và Ban Dân tộc); 10 Tổ đại biểu HĐND được thành lập theo các đơn vị hành chính cấp huyện nơi đại biểu ứng cử. Thường trực HĐND tỉnh gồm 6 người: Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Trưởng ban HĐND đều là đại biểu hoạt động chuyên trách. HĐND thực hiện hai chức năng chủ yếu: Quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh theo phân cấp, quy định của pháp luật và hoạt động giám sát.

HĐND tỉnh Điện Biên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 như: Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng chính quyền; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của tỉnh; quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong phạm vi được phân quyền; trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quyết định chủ trương, biện pháp để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh…

Tại các buổi làm việc, đại diện HĐND 3 tỉnh: Phoong - Sa - Lỳ, U - Đôm - Xay và Luông - Pha - Băng đã giới thiệu tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh; vai trò, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy tổ chức của HĐND các tỉnh; phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Một số nội dung được HĐND các tỉnh bạn chú trọng trao đổi với HĐND tỉnh Điện Biên là: Việc kiểm tra, giám sát lĩnh vực pháp chế và an ninh trật tự; việc nghiên cứu, phân bổ ngân sách Nhà nước; phối hợp giữa HĐND và UBND tỉnh; hoạt động của Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh…

Qua buổi trao đổi kinh nghiệm, đại biểu HĐND 3 tỉnh Bắc Lào và HĐND tỉnh Điện Biên đã hiểu rõ hơn về bộ máy, cơ chế tổ chức và hoạt động của mỗi bên; làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam nói chung, HĐND các tỉnh Bắc Lào - HĐND tỉnh Điện Biên nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu.

*Baodienbienphu.com.vn (20/12): Ngành Nội vụ triển khai 6 giải pháp 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Chiều ngày 20/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Trong năm 2023 ngành Nội vụ đã tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách pháp luật bảo đảm tính khả thi. Đến nay các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ đã cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của nền hành chính nhà nước và sự phát triển của đất nước. Ngành kịp thời tham mưu điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 01/7/2023.

Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính. Theo đó, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị SNCL; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người.

Công tác CCHC được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các lĩnh vực cơ bản, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nội vụ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục: Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Việc sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nhiều nơi còn mang tính cơ học. Công tác Chuyển đổi số ngành Nội vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa nhận được sự quan tâm đúng mức…

Triển khai nhiệm vụ năm 2024, ngành Nội vụ đề ra 6 giải pháp, 10 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã; chú trọng CCHC, tiết giảm chi phí xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước…

Đại biểu một số địa phương đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị SNCL thuộc ngành, lĩnh vực…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Nội vụ trong năm 2023; đặc biệt là trong công tác xây dựng thể chế. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cùng với các bộ, ngành địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng thể chế; chú trọng công tác thi đua khen thưởng; làm tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, có chính sách thu hút nhân tài.

*Baodienbienphu.com.vn (21/12): Đại biểu HĐND 3 tỉnh Bắc Lào tham quan một số dự án, mô hình kinh tế tiêu biểu của tỉnh Điện Biên

Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Điện Biên, ngày 21/12, đoàn đại biểu HĐND 3 tỉnh Bắc Lào: Phoong Sa Ly, U Đôm Xay và Luông Pha Băng đã tham quan một số dự án và mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Cùng đi với đoàn đại biểu HĐND các tỉnh bạn có đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Đoàn đại biểu HĐND 3 tỉnh Bắc Lào đã tham quan Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ (TP. Điện Biên Phủ); thăm mô hình nuôi hươu sao tại HTX chăn nuôi hươu Tiến Đạt, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên); tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn đại biểu HĐND 3 tỉnh Bắc Lào tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh cây cà phê, cây mắc ca, cây ăn quả trên địa bàn huyện Mường Ảng. Tại đây, đại diện lãnh đạo huyện Mường Ảng đã giới thiệu về những lợi thế của huyện Mường Ảng trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, cây ăn quả. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả của huyện.

Đại biểu HĐND 3 tỉnh bắc Lào chúc mừng những kết quả mà tỉnh Điện đạt được trong phát triển kinh tế, hạ tầng. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới tỉnh Điện Biên tiếp tục có những hợp tác, phối hợp, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết; nhất là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả đối với các tỉnh bắc Lào.

*Baodienbienphu.com.vn (21/12): Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường thăm, động viên giáo dân và chức sắc, chức việc tôn giáo nhân Lễ Noel năm 2023

Chiều ngày 21/12, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã tới thăm, động viên giáo dân Giáo xứ Điện Biên (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) và chức sắc, chức việc điểm nhóm Đạo Tin lành tại bản Huổi Lóng (xã Na Sang, huyện Mường Chà) nhân Lễ Noel năm 2023.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đã thông tin tóm tắt tới giáo dân, chức sắc, chức việc tôn giáo những kết quả nổi bật của đất nước, của tỉnh trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, ngoại giao thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy chúc toàn thể giáo dân, chức sắc, chức việc, trưởng các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung sức khoẻ; ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chức sắc, chức việc, trưởng các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung tiếp tục hướng dẫn tín đồ sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, sống “tốt đời, đẹp đạo” góp phần xây dựng huyện Điện Biên và Mường Chà ngày càng giàu đẹp.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị huyện Điện Biên và huyện Mường Chà tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác tôn giáo. Xem xét, giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng; vận động tín đồ tôn giáo giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết giữa người theo đạo và người không theo đạo, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng địa phương.

Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Điện Biên và Mường Chà đã tặng quà chúc mừng Giáo xứ Điện Biên và điểm nhóm Đạo Tin lành (Mường Chà).

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Baochinhphu.vn (20/12): Các trường hợp không chịu phí sử dụng đường bộ

Nghị định số 90/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp xe ô tô không chịu phí sử dụng đường bộ và các trường hợp được miễn phí.

Theo Nghị định số 90/2023/NĐ-CP, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ gồm: Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: Xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (gọi chung là ô tô).

Các trường hợp không chịu phí sử dụng đường bộ

Nghị định quy định rõ các xe ô tô ở trên không chịu phí sử dụng đường bộ trong các trường hợp sau:

- Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai.

- Bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.

- Bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.

- Xe kinh doanh vận tải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải (doanh nghiệp) tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.

- Xe của doanh nghiệp không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ (chỉ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và không cấp Tem kiểm định theo quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông vận tải) hoặc xe đang tham gia giao thông, sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ (đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và cấp Tem kiểm định theo quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông vận tải) chuyển sang không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông, chỉ sử dụng trong phạm vi: Trung tâm sát hạch lái xe; nhà ga; cảng; khu khai thác khoáng sản; khu nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; công trường xây dựng (giao thông, thủy lợi, năng lượng).

- Xe đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên.

- Xe bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên.

Các trường hợp trên không chịu phí sử dụng đường bộ nếu có đủ hồ sơ đáp ứng các quy định tại Điều 8 Nghị định số 90/2023/NĐ-CP. Trường hợp xe ô tô đó đã được nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện sẽ được trả lại số phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 90/2023/NĐ-CP.

Các trường hợp được miễn phí sử dụng đường bộ

Nghị định số 90/2023 cũng quy định miễn phí sử dụng đường bộ đối với người nộp phí cho các loại xe ô tô sau:

1- Xe cứu thương. 

2- Xe chữa cháy.

3- Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm:

- Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác). 

- Các xe liên quan phục vụ tang lễ (bao gồm: xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh) là xe chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ có giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên đơn vị phục vụ tang lễ. Đơn vị phục vụ tang lễ có văn bản cam kết các loại xe này chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ gửi đơn vị đăng kiểm khi kiểm định xe (trong đó nêu cụ thể số lượng xe, biển số xe theo từng loại).

4- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh và các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng).

5- Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng công an nhân dân bao gồm:

- Xe cảnh sát giao thông có in dòng chữ: "CẢNH SÁT GIAO THÔNG" ở hai bên thân xe.

- Xe cảnh sát 113 có in dòng chữ: "CẢNH SÁT 113" ở hai bên thân xe.

- Xe cảnh sát cơ động có in dòng chữ "CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG" ở hai bên thân xe.

- Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng công an nhân dân làm nhiệm vụ.

- Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng công an nhân dân.

- Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng công an nhân dân).

TIN QUỐC HỘI

*Daibieunhandan (19/12): Thí điểm phân cấp để đẩy nhanh tiến độ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Giao trách nhiệm cho HĐND cấp tỉnh được lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp; giao trách nhiệm cho UBND tỉnh thực hiện việc quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm... là những giải pháp được đề xuất nhằm gỡ vướng mắc đẩy nhanh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Sáng 19.12, tại TP. Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo: “Tham vấn về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kiến nghị, đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030”. 

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cùng đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước…

Vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, đây là diễn đàn quan trọng để Hội đồng Dân tộc cũng như các cơ quan liên quan của Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ theo mục tiêu đề ra, nhất là các vấn đề đã được xác định tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước. Đến nay, công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện.

"Tuy nhiên, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định, đã được chỉ ra tương đối rõ nét qua giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, trong đó, có vấn đề về cơ chế thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia". 

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, tại Nghị quyết số 108, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Chỉ một ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 108, Chính phủ đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, có văn bản phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù; đến ngày 8.12 đã xây dựng xong Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và hồ sơ kèm theo tương đối đầy đủ.

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, kết quả của hội thảo này sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất.

Cho phép địa phương linh động, tập trung vốn cho nội dung, dự án hiệu quả

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Ngọc Hưng, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản được ban hành đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 21,02%; tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62%; cả nước có 73,65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời tháo gỡ về: phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương; quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án… Những khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan, vượt thẩm quyền của Chính phủ và cần phải báo cáo Quốc hội.

Cụ thể, ông Vũ Ngọc Hưng cho biết, qua theo dõi giám sát, đến tháng 10 năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới chỉ giải ngân được khoảng 23.300 tỷ đồng vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (đã bao gồm vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2022), đạt 39% kế hoạch.

Việc giải ngân vốn chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc xác định, dự báo đối tượng thụ hưởng, xây dựng cơ chế phân bổ, sử dụng vốn chưa được tính toán kỹ lưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn tới một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia không còn đối tượng để thực hiện dự toán chi, chưa giải ngân được kinh phí thường xuyên được giao.

Chính vì vậy, nhiều địa phương kiến nghị cơ quan trung ương cho phép địa phương được điều chỉnh linh động phần kinh phí không còn đối tượng chi hoặc thực hiện không có hiệu quả để tập trung vốn thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, ông Vũ Ngọc Hưng đề xuất các giải pháp như: giao trách nhiệm cho HĐND cấp tỉnh được lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp; giao trách nhiệm cho UBND tỉnh phải thực hiện việc quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm; cho phép HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Các giải pháp trên được đề xuất để áp dụng cho 2 năm cuối của giai đoạn 2021-2025. Khi bước sang giai đoạn 2026-2030, giải pháp này cần được nghiên cứu thay đổi theo hướng giao tổng nguồn lực cho cấp huyện.

*Daibieunhandan (19/12): Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Công tác đại biểu

Chiều 19.12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Ban Công tác đại biểu về tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, năm 2023, khối lượng công việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung, của Ban Công tác đại biểu nói riêng rất lớn, số lượng công việc so với kế hoạch không giảm, chưa kể nhiệm vụ đột xuất, phát sinh tăng. Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tập thể Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu và tập thể cán bộ, công chức, đảng viên trong đơn vị đã cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm cao để hoàn thành cơ bản, xuất sắc nhiệm vụ năm 2023, đặc biệt là việc tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23.6.2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.  

Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của Ban Công tác đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ban Công tác đại biểu bám sát chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh công tác nhân sự, Ban Công tác đại biểu còn được giao nhiệm vụ tham mưu, phục vụ ban hành và thực hiện Kế hoạch phục vụ Lễ kỷ niệm hướng tới 80 năm Quốc hội Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần chi tiết, cụ thể kế hoạch các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, rõ đầu công việc, rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ vai trò, trách nhiệm. Hàng tháng, Ban Công tác đại biểu cần duy trì việc hậu kiểm, rà soát các việc hoàn thành, chưa hoàn thành, việc điều chuyển tiến độ, các việc phát sinh theo yêu cầu, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội một cách khoa học, lớp lang, bài bản.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Ban Công tác đại biểu tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong cách làm để đạt hiệu quả cao hơn, bảo đảm cả chất lượng và tiến độ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Theo Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Công tác đại biểu, năm 2023, với khối lượng công việc lớn, quan trọng, trọng tâm là tham mưu, thực hiện công tác nhân sự tại 5 kỳ họp (trong đó có 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường), Ban Công tác đại biểu đã hoàn thành 348 nhiệm vụ cụ thể, nổi bật là: nghiên cứu xây dựng các đề án, các chuyên đề, các nghị quyết được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; công tác nhân sự, công tác quy hoạch, công tác hoạt động đại biểu, công tác Hội đồng nhân dân, công tác thực hiện chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội Khóa XV và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Với tinh thần chủ động, tập trung, nỗ lực thực hiện, lãnh đạo Ban đã chỉ đạo quyết liệt, điều hành công việc khoa học, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra, đôn đốc và đã hoàn thành nội dung công việc bảo đảm chất lượng.

Về công tác nghiên cứu xây dựng đề án, nghị quyết, Ban đã tích cực, chủ động triển khai, bảo đảm chất lượng, tiến độ, cơ bản đạt được thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận.

Về công tác nhân sự, chế độ chính sách, hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, công tác tham mưu được chuẩn bị chu đáo, bài bản, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; bảo đảm nhanh, kịp thời, chất lượng, không để xảy ra sai sót; hồ sơ nhân sự được chuẩn bị đầy đủ; công tác phối hợp với các cơ quan tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Văn phòng Quốc hội… bảo đảm nhịp nhàng, kịp thời, chính xác.

Công tác hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bảo đảm kịp thời.

Về một số phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, báo cáo nêu, Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục tham mưu Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quy trình, thủ tục về công tác nhân sự còn thiếu ở các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu việc chuyển sinh hoạt đoàn, phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, phê chuẩn cho thôi làm Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách; tham mưu thực hiện quy trình, thủ tục về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tham mưu rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm của đại biểu Quốc hội chuyên trách, các chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

*Daibieunhandan (20/12): Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024

Sáng 20.12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Ban Thư ký đã làm việc với đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan nhằm tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Báo cáo về dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 do Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký Phan Thị Thùy Linh trình bày cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến chỉnh lý 2 vấn đề lớn.

Thứ nhất, chưa bố trí vào chương trình phiên họp năm 2024 đối với một đề nghị xây dựng dự án Luật; đưa ra khỏi chương trình dự phòng các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 11 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội đề xuất, nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thứ hai là điều chỉnh nội dung và thời gian tiến hành một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ban Thư ký Phan Thị Thùy Linh cũng cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong chuẩn bị nội dung và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thời hạn gửi tài liệu phiên họp, bảo đảm thời gian cho các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan có ý kiến về việc rà soát khẳng định tiến độ chuẩn bị các nội dung dự thảo Nghị quyết; làm rõ căn cứ một số nội dung đề xuất vào Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 để Tổng Thư ký Quốc hội có căn cứ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, phát biểu kết luận, thay mặt Ban Thư ký, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận các ý kiến đóng góp xác đáng, tập trung vào các nội dung cần bổ sung thông tin để hoàn thiện trong dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, Ban Thư ký sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến trên tinh thần nội dung Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm hài hòa, cân đối, tránh dồn việc vào các Phiên họp trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, chắc chắn hoàn thành mới đưa vào Chương trình; vấn đề chưa đủ căn cứ, chưa chắc chắn về tiến độ, thời gian thì đưa vào chương trình dự phòng. Bởi, ngoài Chương trình công tác năm 2024 còn có Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo từng quý.

Đối với những nội dung chưa chắc chắn hoàn thành, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, Thường trực Ban Thư ký phối hợp với các đơn vị liên quan (cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra) khẳng định thời gian trình để đưa vào dự kiến Chương trình công tác, hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 31.12.2023.

*Daibieunhandan (20/12): Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Sáng 20.12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ về một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Sáu, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo về các công việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung của dự án Luật từ sau Kỳ họp thứ Sáu đến nay, các nội dung đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm chất lượng khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát từng điều khoản, từng phương án trên tinh thần bám sát các nguyên tắc, quan điểm sửa đổi Luật đã được xác định. 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP

*Tienphong.vn (20/12): Dự báo khách bay quốc tế tăng, nội địa giảm

Cục Hàng không dự báo, năm 2024 tổng lượng khách hàng không vẫn tăng nhẹ nhưng chủ yếu tới từ phục hồi thị trường khách quốc tế, còn khách nội địa năm tới đi máy bay có thể giảm tới hơn 10% so với năm nay.

Tổng kết năm 2023, Cục Hàng không đánh giá thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phục hồi, nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt từ khôi phục mạng đường bay quốc tế. Riêng thị trường hàng không nội địa đã vượt lượng khách của năm 2019 (năm chưa có dịch COVID-19), khách quốc tế dự kiến năm sau sẽ bằng ngưỡng của năm 2019.

Ước cả năm nay, khách đi đường hàng không nội địa và quốc tế đi/đến Việt Nam xấp xỉ 74 triệu lượt, tăng 34,5% so năm trước và bằng gần 94% tổng lượng khách hàng không năm 2019.

Trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 32 triệu lượt, tăng 1,7 lần so với năm trước và bằng 77% năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới tới Ấn Độ, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Bên cạnh đó, các đường bay tới Trung Quốc và Nga cũng dần phục hồi, dù còn nhiều hạn chế.

Cục Hàng không dự báo, năm 2024 lượng khách hàng không sẽ đạt ngưỡng 80 triệu lượt (tăng khoảng 7% so với năm nay). Trong đó, khách nội địa hơn 38 triệu lượt, giảm trên 10% so với năm nay; khách quốc tế gần 42 triệu lượt tăng 30,6% so với năm nay.

Năm tới, các hãng hàng không Việt xây dựng kịch bản vận chuyển khoảng 58 triệu lượt khách, tương đương lượng khách năm nay. Trong đó có hơn 19 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với năm nay.

Một số chuyên gia hàng không cho rằng khách hàng không nội địa năm tới giảm một phần do tác động từ khó khăn kinh tế, việc làm, một phần tới từ giá vé máy bay duy trì ở mức cao. Đặc biệt, từ ngày 1/3/2024, trần giá vé máy bay nội địa được điều chỉnh tăng, qua đó cho phép các hãng tiếp tục điều chỉnh khung giá vé ở mức cao hơn năm nay.

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Daibieunhandan.vn (21/12): Phù hợp cả về lý và tình

Sáng ngày 20/12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ 2 về tăng lương tối thiểu vùng áp dụng năm 2024. Tại phiên họp này, Hội đồng đã thống nhất phương án tăng thêm 6% và áp dụng từ ngày 1.7.2024.

Với mức tăng này, lương tối thiểu vùng I có thể tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, dù thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 không như thông lệ là 1.1 nhưng lại được "chốt" khá nhanh, chỉ sau hai phiên họp và đương nhiên cũng có quan điểm, ý kiến khác nhau của các bên tham gia đàm phán về mức tăng. Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Ngọ Duy Hiểu thì tổ chức công đoàn đề xuất mức tăng khoảng 6,5 - 7,3%. Thời điểm tăng từ ngày 1.7.2024 để bảo đảm đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... theo Nghị quyết số 27.

Lý giải việc đề xuất mức tăng cao hơn so với phiên họp lần trước, ông Hiểu cho biết, đó là dựa trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc nhiều mặt gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động. Mặt khác, do thời điểm tăng lương tối thiểu đã phải lùi lại 6 tháng nên cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động.

Đại diện phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Hoàng Quang Phòng dù đồng tình cần điều chỉnh lương tối thiểu vùng như mong muốn của tổ chức đại diện người lao động nhưng mức tăng như đề xuất là chưa phù hợp với tình hình. Mức tăng phù hợp có thể ở mức 4,5 - 5% vì phải tính đến "sức khỏe" của doanh nghiệp.

Theo ông Phòng thì việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cần thiết bởi lương khu vực công điều chỉnh, thì khu vực doanh nghiệp cũng cần thực hiện tương ứng. Thế nhưng hiện doanh nghiệp cũng rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang phải "gồng mình" để duy trì việc làm cho người lao động.

Mặt khác, thị trường trong nước cũng khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Các chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng khiến đơn hàng giảm, việc làm của người lao động cũng bị giảm. Do đó, để có mức tăng cụ thể, các bên cần thương lượng, đàm phán, hài hòa dựa trên việc cân đối chỉ số giá tiêu dùng, năng lực sản xuất, chi trả và các điều kiện khác như sức chịu đựng, năng lực chi trả của doanh nghiệp...

Tăng lương tối thiểu vùng luôn là mong mỏi và là nguyện vọng chính đáng bởi thực tế đời sống người lao động còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh những tác động "hậu" Covid-19 vẫn còn hiện hữu và có những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống cũng như kinh tế - xã hội.

Vậy nên, cho dù theo quy định thì lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung - cầu lao động... nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần; điều kiện đủ phải là khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Và khi cả doanh nghiệp và người lao động cùng khó khăn thì điều quan trọng nhất đó là sự chia sẻ. Cũng từ sự chia sẻ này sẽ có được mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp cả về lý và tình. Năm 2024 này là ví dụ, dù đây là quyết định khá khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.

QUẢN LÝ

*Vtv.vn (19/12):3 khoản thu nhập chính thức của cán bộ công chức khi cải cách tiền lương

3 khoản thu nhập chính thức của cán bộ, công chức khi cải cách tiền lương là lương cơ bản, các khoản phụ cấp và tiền thưởng.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, một trong những nội dung cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) là:

Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, 03 khoản thu nhập chính thức của cán bộ công chức khi cải cách tiền lương bao gồm: Lương cơ bản; Các khoản phụ cấp; Tiền thưởng.

5 bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức, lượng lượng vũ trang khi cải cách tiền lương

Cũng theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

- Bảng 1: Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc:

 (1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;

(2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

- Bảng 2: Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

+ Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;

+ Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;

+ Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

- Bảng 3, 4, 5: Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:

+ 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);

+ 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;

+ 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

4 khoản phụ cấp sẽ bị bãi bỏ khi cải cách tiền lương

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018, việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành sẽ bãi bỏ các khoản phụ cấp như sau:

- Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).

- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ).

- Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.

- Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);

- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

*Vtv.vn (20/12): Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc dịp Tết, lễ hội Xuân 2024

Cục ATTP đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian tới có nhiều lễ hội, sự kiện diễn ra trong phạm vi cả nước, đặc biệt là Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nước đá, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay, nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong thời gian Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật.

Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

*Vtv.vn (21/12): Thủ tướng ra công điện yêu cầu rà soát bữa ăn của học sinh vùng cao

Thủ tướng yêu cầu rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1385/CĐ-TTg ngày 20/12/2023 về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án nhằm tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, nhất là cho trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số nơi còn chưa được tốt, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, học tập của trẻ em mầm non, học sinh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và việc thực hiện các chế độ chính sách khác đối với trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm.

Tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra việc thực hiện chính sách về giáo dục dân tộc, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị giáo dục và quy định về đạo đức nhà giáo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục; tích cực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Ủy ban Dân tộc sử dụng hiệu quả các nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cho giáo dục, đảm bảo thực hiện mục tiêu "100% số trường, lớp học ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được xây dựng kiên cố".  

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá, huy động các nguồn lực để bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh tại trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ, chính sách ở các cấp quản lý.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Baochinhphu.vn (19/12): Để người dân hiểu được lợi ích của cải cách hành chính và chuyển đổi số

Ngày 19/12, Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trọng tâm của thường trực cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, theo hình thức trực tuyến.

Bỏ thủ tục đang là rào cản 

Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); lãnh đạo các đơn vị, địa phương trao đổi, thảo luận tập trung vào việc phân tích, đánh giá các nguyên nhân, tồn tại, đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao và phương án triển khai thực hiện các giải pháp cải cách TTHC trong thời gian tới...

Theo đó, về công bố, công khai TTHC, từ ngày 1/1/2023 đến 1/11/2023, UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hưng Yên đã ban hành 197 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó công bố mới 381 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 799 thủ tục; bãi bỏ 421 thủ tục. 

Các TTHC được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng dịch vụ công của tỉnh, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện khi có nhu cầu.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các quyết định về công bố TTHC để thực hiện 25 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành; cập nhật, công khai đầy đủ các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật, công khai đầy đủ.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa hồ sơ, cắt giảm các thông tin cần khai báo, cung cấp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các tỉnh được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện tích hợp, đồng bộ dữ liệu; duy trì hoạt động ổn định; triển khai cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia (Payment Platform) phục vụ nhu cầu thanh toán phí/lệ phí trong giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp...

UBND các tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh mở các đợt cao điểm thu nhận hồ sơ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử; phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, đối sánh, cập nhật, đồng bộ dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ban hành kế hoạch triển khai 43 mô hình điểm về thực hiện Đề án 06. Các tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác Đề án 06 khóm, ấp phát huy vai trò, trách nhiệm, là hạt nhân trong công tác tuyên truyền về Đề án 06 và chuyển đổi số.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đơn giản hóa mẫu đơn, tờ khai trên nguyên tắc khai thác tối đa dữ liệu từ nguồn sẵn có của cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội, từ nguồn chia sẻ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Kết quả, đã hoàn thành tái cấu trúc các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, phục vụ người dân và doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính 

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm đến hết năm 2023 và thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ như: Tiếp tục rà soát, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết trên Cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có; kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các địa phương, các hệ thống thông tin chuyên ngành của tỉnh; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong công tác cải cách TTHC, các nghiệp vụ về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa TTHC và ứng dụng dữ liệu dân cư trong quá trình giải quyết TTHC…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác đánh giá tác động và thẩm định quy định TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất theo thẩm quyền bãi bỏ các TTHC đã và đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh và hoàn thành việc hợp nhất, kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác, tiến tới đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu về trạng thái, tình hình xử lý hồ sơ với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành tại phương mình.

Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác cải cách TTHC tới người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để người dân hiểu được những lợi ích mà công tác cải cách hành chính, công tác chuyển đổi số mang lại, từ đó giúp người dân biết và thực hiện trong giao dịch hành chính.

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Tienphong.vn (20/12): 'Thảm họa Carina’ 13 người tử vong: Triệu tập gần 800 người tham gia phiên tòa

Tòa án triệu tập gần 800 người, trong đó có 646 bị hại, 71 đơn vị và cá nhân là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, tham gia phiên tòa.

Ngày mai (21/12), TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 bị cáo trong vụ cháy chung cư Carina là Nguyễn Văn Tùng (cựu Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại, dịch vụ và sản xuất Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (cựu Trưởng ban quản lý chung cư Carina) về tội danh “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 21 đến ngày 25/12). Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa hình sự TAND TPHCM). Bà Trần Thị Liên là Kiểm sát viên, đại diện cho Viện KSND TPHCM tại phiên tòa.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập gần 800 người tham gia phiên tòa, trong đó có 646 bị hại, 71 đơn vị và cá nhân là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Trước đó, vào tháng 4/2023, phiên tòa này đã được mở, nhưng sau gần một ngày xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung và Viện Kiểm sát ban hành cáo trạng, qua đó đã giữ nguyên quan điểm truy tố.

Theo cáo trạng, rạng sáng ngày 23/3/2018, lửa xuất hiện tại khu vực tầng hầm block A, chung cư Carina (quận 8, TPHCM), từ chân 1 xe máy của người dân. 3 phút sau, khói và lửa phát ra phía trước đầu xe rồi lửa bùng lên cao ngang ống thông gió ở tầng hầm.

Ngọn lửa sau đó bùng lên thiêu rụi nhiều xe máy, ô tô. Luồng khí nóng, độc luồn theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng nổi phía trên chung cư, khiến 13 người tử vong, 72 người bị thương. Tổng tài sản bị thiệt hại là 126 tỷ đồng.

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (20/12): Thái Lan thiết lập 1.500 lớp học số cho các trường trên toàn quốc

Các lớp học này sẽ được trang bị các công cụ thiết yếu, chẳng hạn như máy tính và phần mềm được thiết kế để dạy kỹ năng viết mã cho học sinh.

Thái Lan đã bắt tay vào mục tiêu đầy tham vọng, đó là thiết lập 1.500 lớp học số cho các trường học trên toàn quốc để đào tạo ít nhất 100.000 lao động trong lĩnh vực này mỗi năm.

Bộ Kinh tế và Xã hội Số Thái Lan cho biết, dự án 1.500 lớp học số mang tên "Mã hóa vì cuộc sống tốt đẹp hơn: Xây dựng nền tảng cho tương lai của Thái Lan" nhằm bồi dưỡng tài năng số của đất nước, yếu tố quan trọng giúp Thái Lan làm chủ trong kỷ nguyên kinh tế số.

Trích dẫn nghiên cứu gần đây cho thấy, mỗi năm Thái Lan hiện cần trung bình 100.000 lao động số, trong khi ngành giáo dục chỉ đào tạo ra khoảng 25.000 cá nhân mỗi năm nên Bộ Kinh tế và Xã hội Số Thái Lan cho rằng, nếu không có hành động để giải quyết khoảng cách này, Thái Lan sẽ gặp khủng hoảng.

Vì thế, Thái Lan sẽ triển khai Thị thực Tài năng số toàn cầu và giới thiệu một danh mục duy nhất dành cho những cư dân có khả năng số đặc biệt, đồng thời thúc đẩy phát triển kiến thức và kỹ năng số cho số đông người dân Thái Lan, trong đó các lớp học viết mã đóng một vai trò quan trọng.

Trong khi đó, theo Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan thì cơ quan này cũng sẽ xúc tiến đào tạo ít nhất 3.000 giáo viên và mở 20 khóa học kỹ năng giảng dạy liên quan đến phát triển mã hóa ở ba cấp độ - cơ bản, trung cấp và nâng cao.

Hiện đã có khoảng 700 trường học đăng ký tham gia chương trình này và Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu 1.500 trường học trong quý đầu tiên của năm tới. Bên cạnh đó, để thúc đẩy kỹ năng viết mã trong giới trẻ Thái Lan, cơ quan này sẽ tổ chức một cuộc thi viết mã quốc tế với tổng giải thưởng lên tới gần 30.000 USD.

*Vtv (20/12): Số người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc năm 2023 ở mức cao kỷ lục

Số lượng công dân nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc ở mức cao kỷ lục 1,43 triệu người, được ghi nhận đến tháng 5/2023.

Tổng số cư dân nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc đánh dấu mức tăng 9,9% so với một năm trước đó và là mức cao nhất kể từ năm 2012 khi chính phủ nước này bắt đầu tổng hợp dữ liệu. Trong tổng số người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, số người trẻ ở độ tuổi 30 chiếm hơn 50%, tương đương 923.000 người.

Xu hướng gia tăng người nước ngoài ở Hàn Quốc phù hợp với tình hình suy giảm dân số và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, khiến quốc gia này phải chật vật duy trì mức dân số 50 triệu người.

Xu hướng này cũng phù hợp với dự báo của cơ quan thống kê rằng cứ 3 người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) sẽ có một người là công dân nước ngoài vào năm 2072 nếu cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết.

Một quan chức Hàn Quốc cho biết, có sự biến động mạnh về cơ cấu cư dân là do sau khi kết thúc đại dịch COVID-19, một làn sóng lao động phổ thông từ nước ngoài cũng như sinh viên quốc tế đã được nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Số lượng người nước ngoài cư trú ở Hàn Quốc đã tăng từ 1,23 triệu người hồi năm 2017 lên 1,32 triệu người vào năm 2019. Trong giai đoạn 3 đại dịch COVID-19, con số này duy trì ở mức 1,33 triệu người cho đến năm 2022.

Trong tổng số cư dân người nước ngoài, 813.000 là nam giới (chiếm 56,8%) và 617.000 người còn lại là nữ giới (chiếm 43,2%). Theo quốc gia xuất xứ, người Trung Quốc gốc Hàn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 472.000 người. Trong khi đó, số lượng người gốc Hàn giảm 7.000 người.

Xét theo độ tuổi, những người ở độ tuổi 30 chiếm 33,3% tổng lực lượng lao động nước ngoài, tiếp theo là những người trong độ tuổi từ 15 đến 29 với 23,2%. Những người ở độ tuổi 40 chiếm 18,5% và độ tuổi 50 chiếm 15,7%.

Các lĩnh vực khai thác và sản xuất là những ngành sử dụng nhiều lao động nước ngoài nhất hiện nay. Khoảng 44,6% trong số lao động nước ngoài đang việc làm trong các ngành trên. Cùng với đó, 18,4% làm việc trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, kinh doanh khách sạn và nhà hàng, 15,5% làm việc trong các dịch vụ công cộng và doanh nghiệp nhỏ.

Số lượng sinh viên nước ngoài theo học tại Hàn Quốc trong năm 2023 tăng 14,1% so với năm trước, lên 188.000. Sinh viên đến từ Việt Nam chiếm 38,3%, tiếp theo là Trung Quốc với 27,7% và Uzbekistan với 6,4%.

*Vtv.vn (20/12): Anh hạn chế trẻ em truy cập mạng xã hội

Người Anh dưới 16 tuổi có thể bị cấm sử dụng mạng xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần của họ theo luật an toàn Internet do Thủ tướng Rishi Sunak đề xuất.

Các nguồn tin cho biết, lệnh cấm toàn diện đối với việc thanh thiếu niên truy cập các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Twitch và Snap là một trong những đề xuất nghiêm ngặt nhất đang được các bộ trưởng Anh xem xét. Mục đích là nhằm thu thập bằng chứng về cách các nền tảng mạng xã hội này có thể gây hại cho trẻ em trước cuộc tham vấn dự kiến diễn ra vào tháng 1/2024.

Lệnh cấm đã gây tranh cãi giữa các chuyên gia đằng sau Đạo luật An toàn trực tuyến của Vương quốc Anh, một số người trong số họ mô tả lệnh cấm này là phản tác dụng trong những bình luận gửi đến các phóng viên.

Một nguồn tin chính phủ khác cho biết, các bộ trưởng Anh đang "tìm cách trao quyền cho phụ huynh, thay vì trấn áp bất cứ điều gì cụ thể", nhấn mạnh "khoảng trống trong nghiên cứu" cần được tìm hiểu thêm thay vì biện pháp cấm đoán thẳng thừng.

Vào tháng 10, Anh đã thông qua Đạo luật An toàn trực tuyến, yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội ngăn chặn và nhanh chóng xóa nội dung bất hợp pháp bao gồm khủng bố, trả thù, khiêu dâm, nếu không sẽ phải đối mặt với hình phạt lên tới 17 triệu Bảng Anh (22 triệu USD) hoặc 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Luật cũng yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội áp dụng công nghệ xác minh độ tuổi để ngăn chặn trẻ em có thể tiếp xúc với nội dung bất hợp pháp hoặc có hại khi truy cập.

Theo báo The Times, Anh đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt số lượng người thuộc nhóm trẻ tuổi mắc bệnh tâm thần trong thập kỷ qua, với 20% trong số này là trẻ em và thanh niên từ 8 đến 25 tuổi hiện có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần. Việc sử dụng mạng xã hội nói riêng có liên quan đến khả năng gia tăng hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy và sức khỏe tâm thần kém cao hơn, mặc dù các nhà nghiên cứu không thể chứng minh rằng tồn tại mối quan hệ nhân quả.

*Vtv.vn (20/12): Nga và Trung Quốc không còn sử dụng đồng USD trong thương mại song phương

Theo Thủ tướng Nga, Moscow và Bắc Kinh đã chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố, các đồng tiền phương Tây gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn trong thương mại Nga - Trung, vì gần như tất cả những khoản thanh toán giữa Moscow và Bắc Kinh hiện được thực hiện bằng đồng Ruble và Nhân dân tệ.

Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc gặp hôm 19/12 giữa Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin với người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường. Thủ tướng Nga đang có chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh để dự cuộc gặp theo lịch trình giữa những người đứng đầu Chính phủ Nga và Trung Quốc.

"Chúng tôi tiếp tục tăng tỷ trọng tiền tệ quốc gia trong các hoạt động thanh toán chung. Nếu vào năm 2020, con số này là khoảng 20%, năm nay chúng tôi thực sự đã loại bỏ hoàn toàn tiền tệ của các nước thứ ba trong những hoạt động thương mại chung", Thủ tướng Mishustin nói.

Ông Mishustin cũng đề cập đến việc tăng cường quan hệ kinh tế, đồng thời nhắc lại diễn đàn kinh doanh chung được tổ chức tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 5 đã thu hút hơn 1.500 doanh nhân từ cả hai nước.

"Chúng tôi đang tạo điều kiện tốt cho hoạt động của các công ty thương mại trên thị trường Nga và Trung Quốc. Chúng tôi có một chương trình nghị sự chung sâu rộng", ông Mishustin nhấn mạnh.

Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lưu ý rằng hợp tác Nga - Trung Quốc tiếp tục được tăng cường và ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh "bất ổn toàn cầu".

Nga và các đối tác thương mại đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các loại tiền tệ thay thế trong thương mại song phương, sau khi các lệnh trừng phạt đã cắt đứt Moscow khỏi hệ thống tài chính phương Tây. Ngày càng có nhiều quốc gia chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ trong thương mại.

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
410 người đã bình chọn