Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023

Update 06 - 10 - 2023
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

*Baodienbienphu.com.vn (04/10): Bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sáng ngày 4/10, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh tổ chức công bố trao quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ đối với vị trí Phó Giám đốc Sở. Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu giao nhiệm vụ cho cán bộ lãnh đạo mới.

Theo Quyết định số 1586/QĐ-UBND, ngày 27/9 của UBND tỉnh Quyết định về việc tiếp nhận vào làm công chức và bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh được tiếp nhận vào làm công chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở. Thời gian bổ nhiệm là 5 năm kể từ ngày 1/10/2023.

Tham dự buổi lễ, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Thanh Chuyên. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Đối với tân Phó Giám đốc, xác định đây vừa là niềm vinh dự, tin tưởng được giao phó, nhưng trước mắt có nhiều việc hết sức khó khăn ở vị trí mới, đòi hỏi đồng chí sớm tiếp cận, nắm bắt để thực hiện tốt việc tham mưu và các nhiệm vụ được giao theo phân công. Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sớm hoàn thiện thủ tục kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tân Phó Giám đốc trên cơ sở phù hợp năng lực cá nhân, tình hình đơn vị. Lãnh đạo các phòng ban phổ biến quán triệt tới tập thể cán bộ, viên chức, người lao động, cùng làm tốt công tác tham mưu cho đồng chí tân Phó Giám đốc để góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới. Tập thể Sở tiếp tục đoàn kết, chia sẻ và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nhận nhiệm vụ mới, tân Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thị Thanh Chuyên thể hiện sự quyết tâm, trách nhiệm để xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh. Trên cương vị công tác mới, đồng chí hứa nỗ lực, cố gắng, không ngừng nghiên cứu học hỏi, nâng cao năng lực, chủ động, đổi mới; cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.

*baodienbienphu.com.vn (5/10): Ðổi thay nhờ có Ðảng

Cách đây hơn bảy thập kỷ, Ban Cán sự Ðảng tỉnh Lai Châu (nay là Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu) được thành lập với nhiệm vụ “Gây cơ sở quần chúng tạo nên điều kiện tiến tới lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai”. Ngày 10/10/1949 đánh dấu sự ra đời của Ðảng bộ tỉnh, là bước ngoặt lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc toàn tỉnh đã được dẫn dắt bởi một tổ chức đảng chân chính.

Hơn bảy thập kỷ xây dựng và phát triển, Ðảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, tập hợp nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, giành nhiều thắng lợi quan trọng. Dấu ấn nổi bật là chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có sự góp công, góp sức của đồng bào Ðiện Biên để các thế hệ hôm nay tự hào viết tiếp trang sử vẻ vang.

Thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân đổi thay, no ấm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên nâng lên khi nhiều bản vùng cao, biên giới đã thành lập được chi bộ, phát triển đảng viên. Từ một tổ chức đảng với 20 đảng viên,  đến nay, Ðảng bộ tỉnh đã phát triển lớn mạnh với 14 đảng bộ và hơn 45.500 đảng viên. Mục tiêu Ðảng bộ tỉnh đặt ra không còn bản “trắng” đảng viên, không có chi bộ sinh hoạt ghép. Mỗi tổ chức đảng, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc đề ra chủ trương, quyết sách, triển khai thực hiện nhiệm vụ, tạo niềm tin của dân với Ðảng. Có ánh sáng của Ðảng soi đường, chỉ lối, các bản làng từ vùng thấp tới vùng cao được quan tâm đầu tư bằng những chủ trương, nghị quyết phù hợp, mang lại diện mạo mới nơi biên cương. Những bản làng khó khăn, nghèo đói đang dần lùi vào quá khứ, thay vào đó là những thôn bản nông thôn mới; tư duy, nhận thức của người dân được nâng lên với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Ðiện Biên.

Là địa bàn miền núi, biên giới, hạ tầng kinh tế xã hội chưa được đầu tư đồng bộ nên đời sống của người dân Ðiện Biên còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Ðảng bộ tỉnh luôn giữ vai trò lãnh đạo; phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, giai đoạn. Ðặc biệt, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay, Ðảng bộ tỉnh đã nghiêm túc đánh giá, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm để tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xác định giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra. Cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc theo hướng sâu sát thực tiễn, nâng cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu. Cán bộ, đảng viên sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình để xác định nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh với mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống người dân.

Những nỗ lực, cố gắng đã mang lại hiệu quả nhất định khi đời sống người dân được nâng lên song thách thức, khó khăn vẫn không nhỏ khi toàn tỉnh vẫn còn 26,6% hộ nghèo, trong đó phần lớn là hộ người dân tộc thiểu số. Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị song vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy cơ sở rất quan trọng thông qua sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế địa bàn để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Hướng về Ðiện Biên, người dân cả nước đang chung sức hỗ trợ xây dựng 5.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ của cả nước, Ðiện Biên tiếp tục huy động nguồn lực xã hội giúp người dân xóa nhà tạm, phấn đấu không để người dân nào phải sống trong nhà tạm, dột nát. Những khó khăn, thách thức của địa bàn biên giới không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả những yếu tố tiềm ẩn phức tạp trong đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ðiều đó càng đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và tính tiên phong, gương mẫu của mỗi tổ chức đảng, đảng viên, tạo niềm tin của người dân với Ðảng.

Từ những chủ trương, quyết sách phù hợp hơn bảy thập kỷ qua, Ðảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cả nước để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu giành nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðiện Biên vững mạnh, giàu đẹp nơi biên cương Tổ quốc.

*baodienbienphu.com.vn (5/10): Niềm tự hào mang tên Ðiện Biên

Ðiện Biên đang ngày càng phát triển, ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân đều hân hoan, thêm động lực, khí thế thi đua lao động, sản xuất, học tập, góp sức vào xây dựng diện mạo mới cho mảnh đất biên giới cực Tây. Ðể làm nên một Ðiện Biên như ngày hôm nay, có vai trò quan trọng của Ðảng bộ tỉnh trong lãnh đạo, điều hành. Ðiều đó được các thế hệ nhân dân Ðiện Biên ghi nhận, đánh giá tích cực.

Chủ trương đường lối trúng và đúng, đưa Ðiện Biên phát triển

Những năm qua, đặc biệt là các nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng bộ tỉnh gần đây (khóa XIII, XIV), tôi nhận thấy Ðiện Biên thay đổi nhiều, nhờ đưa ra được các chủ trương, định hướng, nghị quyết, chương trình hành động để đầu tư, phát triển Ðiện Biên “trúng” và “đúng”.

Cấp ủy các cấp, ngay từ cơ sở cùng vào cuộc mạnh mẽ, chỉ đạo quyết liệt và triển khai có hiệu quả, nhất là đối với công tác phát triển kinh tế, xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng. Có thể thấy rõ qua các dự án trọng điểm trên địa bàn thời gian qua, như: Cảng hàng không, đường 60m (nay là đường 7/5), đường A1 - C4, các dự án phát triển cây ăn quả, cây mắc ca, dược liệu và phát triển du lịch... Với tinh thần chỉ đạo sát sao, các ngành, các cấp vào cuộc rất “đều tay”, có trách nhiệm hơn để hiện thực hóa đưa đường lối chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống. Năm nay, tỉnh ta tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ chính trị và được Trung ương quan tâm đầu tư hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, chú trọng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội cho nhân dân. Chắc chắn rằng, với những việc làm đó, công cuộc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn sẽ có thêm nhiều thuận lợi và thay đổi vượt bậc.

Qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau, Ðảng bộ tỉnh lãnh đạo triển khai các định hướng phù hợp với đặc thù địa phương, tình hình địa bàn. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay có thể thấy là ghi nhiều dấu ấn, được nhân dân đánh giá cao. Việc luân chuyển, điều động cán bộ các cấp cũng phát huy hiệu quả tích cực. Tuần Giáo nói riêng, Ðiện Biên nói chung đang có nhiều bước tiến.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ðảng bộ tỉnh xuống đến cấp ủy huyện, xã đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ đột phá để lãnh đạo thực hiện. Người đứng đầu quyết liệt, sát sao triển khai và “khơi thông” nhiều chương trình, dự án vướng mắc, tồn đọng từ trước. Từ tỉnh đến huyện đã bắt tay vào thực hiện được nhiều công trình quan trọng, thiết yếu phục vụ nhân dân, như: Sân bay, đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học... Tại Tuần Giáo, mới đây đã khảo sát xây dựng hồ chứa nước, triển khai đồng loạt trồng gần 1.000ha mắc ca, kêu gọi đầu tư phát triển dược liệu, kết nối đầu ra cho nông sản... là những điều mà người dân đều mong mỏi và ủng hộ. “Nói được làm được”, triển khai nhanh và hiệu quả những công trình, dự án vì cuộc sống nhân dân và sự phát triển của địa phương thì dân mới ngày càng tin tưởng và làm theo. Mong là các vị lãnh đạo, cán bộ các cấp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần ấy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn, người dân ngày thêm khấm khá.

Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, người dân Luân Giói đang có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần. Với sự chỉ đạo, triển khai của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở, các chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều đang đến từng bản, trực tiếp trợ lực cho người dân với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học tập, xóa mù chữ, kiên cố hóa giao thông nông thôn...

Qua các chương trình, người dân trên địa bàn có nhiều sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, dân trí ngày càng cao. Bà con cũng mạnh dạn phát triển kinh tế hơn, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tự nguyện hiến đất cho các công trình cộng đồng góp phần xây dựng nông thôn mới... Nhờ đó, hiện nay Luân Giói đứng thứ 2 của huyện về các tiêu chí cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, nằm trong top đầu của huyện về y tế, giáo dục, duy trì sĩ số học sinh, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia... 100% bản có điện lưới quốc gia; số hộ sử dụng điện, điều kiện sinh hoạt (nhà vệ sinh, nước sinh hoạt...) được nâng lên. Các hộ gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội như vay vốn, hỗ trợ làm nhà ở, cây con giống... có thêm động lực vươn lên. Với sự quan tâm ấy, đời sống nhân dân ổn định, phát triển, hạn chế tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư. Người dân thêm tin tưởng vào Ðảng, Nhà nước.

*dienbien.gov.vn (6/10): Tiếp tục tích cực hơn, sâu sát hơn trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh

Sáng 6/10, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu nghe lãnh đạo UBND thành phố Điện Biên Phủ và lãnh đạo UBND huyện Điện Biên báo cáo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Theo tổng hợp báo cáo từ ngày 30/9 đến ngày 5/10, các dự án trọng điểm phát triển đô thị của Nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh gồm 11 dự án: Dự án Khu đô thị mới và dịch vụ thương mại Nam Thanh B; Dự án Khu đô thị mới Nam Thanh Trường; Dự án đấu giá quyền sử dụng đất khu dọc trục đường 60m; Dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh; Khu dân cư đô thị Mường Thanh A; Khu dân cư đô thị Mường Thanh B; Khu đô thị, du lịch, vui chơi giải trí khu vực hồ Pá Khoang; Dự án Khu dân cư, dịch vụ thương mại tại xã Thanh Hưng, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Khu A); Khu đô thị mới Bắc Hồng Cúm, huyện Điện Biên; Khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ tổ dân phố 17, 18 phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ và Khu đô thị mới Him Lam, phía Đông đường 60m tại khu A. Đa số các dự án đang triển khai thực hiện chậm tiến độ so với kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh tại Quyết định 1041/QĐ-UBND ngày 30/6/2023. 0/4 Dự đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai chưa tổ chức đấu giá để lựa chọn được nhà đầu tư. 2/7 dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án gồm: Dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh và Dự án Khu dân cư, dịch vụ thương mại tại xã Thanh Hưng, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Khu A). Nguyên nhân chính do chưa huy động được nguồn lực để triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch đề ra; một số dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết (Khu đô thị, du lịch, vui chơi giải trí khu vực hồ Pá Khoang; Khu đô thị mới Bắc Hồng Cúm, huyện Điện Biên); một số dự án chưa hoàn thiện việc bồi thường, GPMB cho các hộ gia đình, cá nhân (Dự án Khu đô thị mới và dịch vụ thương mại Nam Thanh B; Dự án Khu đô thị mới Nam Thanh Trường; Dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh; Khu đô thị mới Him Lam, phía Đông đường 60m tại khu A); Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư đô thị Mường Thanh B chưa lập xong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các đơn vị trong triển khai dự án thời gian qua, thời điểm này tiến độ triển khai một số dự án được thúc đẩy hơn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên tiếp tục quyết liệt hơn, tập trung hơn trong công tác GPMB, khẩn trương kiểm đếm tăng cường nhân lực, vật lực lên phương án thẩm định phê duyệt, xác định nguồn gốc đất đai. Liên quan đến xác định hỗ trợ khác về chế độ chính sách đất đai đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị tham mưu khẩn trương hoàn thiện trình UBND tỉnh xem xét. Việc khai thác tận thu cát thuộc gói kè sông Nậm Rốm, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện phương án báo cáo UBND tỉnh.

Liên quan tiến độ chung của các Dự án Đoạn đường tránh sân bay nối tổ 1, 2 và tổ 8, phường Thanh Trường, đề nghị thành phố tiếp tục khẩn trương phối hợp huyện Điện Biên GPMB. Dự án Xây dựng hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đoạn đường tránh sân bay nối từ đường đi xã Thanh Hưng, xã Thanh Luông. Huyện Điện Biên tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền vận động các hộ gia đình chưa nhận tiền, nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án. Đối với dự án Đường nội đồng và kênh tiêu thoát nước (chạy dọc theo sân bay đến đường đi Thanh Luông), huyện Điện Biên sớm hoàn thiện phương án của 01 hộ gia đình chưa có thủ tục thừa kế để thẩm định và phê duyệt theo quy định. Đồng thời phối hợp với thành phố tiếp tục tuyên truyền vận động 01 hộ gia đình đồng ý về chế độ chính sách nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án. Thành phố chỉ đạo Ban QLDA các công trình thành phố hoàn thiện hồ sơ quy chủ của 03 hộ gia đình còn lại để lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường. Liên quan đến dự án cầu Thanh Bình, thành phố tập trung hoàn thiện dự án trước khi thông xe kỹ thuật đảm bảo giao thông.../.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* baochinhphu.vn (4/10): 16 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành tư pháp

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BTP hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.

Thông tư này hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp có hoạt động sự nghiệp công trong các lĩnh vực gồm: trợ giúp pháp lý; bồi thường nhà nước; lý lịch tư pháp; công chứng; đấu giá tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp luật, tư vấn pháp luật.

Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, lĩnh vực tư pháp trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Căn cứ xác định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, lĩnh vực tư pháp trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP. 

16 vị trí việc làm

Theo Thông tư, danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp gồm 16 vị trí việc làm, cụ thể như sau:

 

TT

Tên vị trí việc làm

Ghi chú

I

Vị trí việc làm Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp

 

1

Chủ tịch Hội đồng quản lý

 

2

Thành viên Hội đồng quản lý

 

II

Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập ngành, lĩnh vực tư pháp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp

 

1

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ

Giám đốc hoặc tương đương

2

Cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ

Phó Giám đốc hoặc tương đương

3

Trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ

Trưởng phòng hoặc tương đương

4

Phó Trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ

Phó trưởng phòng hoặc tương đương

5

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ

Giám đốc hoặc tương đương

6

Cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ

Phó Giám đốc hoặc tương đương

7

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục thuộc Bộ

Giám đốc hoặc tương đương

8

Cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục thuộc Bộ

Phó Giám đốc hoặc tương đương

9

Trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục thuộc Bộ

Trưởng phòng hoặc tương đương

10

Phó Trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục thuộc Bộ

Phó trưởng phòng hoặc tương đương

III

Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập ngành, lĩnh vực tư pháp thuộc Sở Tư pháp

 

1

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Giám đốc Trung tâm/Trưởng phòng Công chứng

2

Cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Phó Giám đốc Trung tâm/Phó Trưởng phòng Phòng công chứng

3

Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Trưởng phòng

/Trưởng chi nhánh

4

Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Phó Trưởng phòng/Phó Trưởng chi nhánh

 

Đối với viên chức lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục thực hiện cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Đối với viên chức hiện đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao hơn so với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại Thông tư này trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục giữ hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 20/11/2023.

*baochinhphu.vn (4/10): Giảm 30% tiền thuê đất năm 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm (người thuê đất).

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai) và pháp luật khác có liên quan.

Mức giảm tiền thuê đất

Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất quy định nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).

Mức giảm tiền thuê đất nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

*moj.gov.vn (4/10): Hướng dẫn cách xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành thống kê

Ngày 02 tháng 10 năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BKHĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành thống kê.

Thông tư nêu rõ, việc bổ nhiệm và xếp lương vào các ngạch công chức chuyên ngành thống kê quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận của công chức. Khi bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành thống kê tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch công chức.

Việc xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành thống kê được quy định như sau:

1- Các ngạch công chức chuyên ngành thống kê quy định tại Thông tư này áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ như sau:

Ngạch Thống kê viên cao cấp (mã số 23.261) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Ngạch Thống kê viên chính (mã số 23.262) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Ngạch Thống kê viên (mã số 23.263) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Ngạch Thống kê viên trung cấp (mã số 23.264) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;

Ngạch Nhân viên thống kê (mã số 23.265) áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

2- Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành thống kê quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

3- Công chức đang giữ ngạch thống kê viên trình độ cao đẳng, áp dụng bảng lương công chức loại A0 kể từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì cơ quan có thẩm quyền xem xét chuyển xếp vào ngạch thống kê viên trung cấp (mới).

4- Công chức đang giữ ngạch thống kê viên trung cấp áp dụng bảng lương công chức loại B kể từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch thống kê viên trung cấp (mới) thì cơ quan có thẩm quyền xem xét chuyển xếp vào ngạch thống kê viên trung cấp (mới) áp dụng bảng lương công chức loại A0 kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Trường hợp công chức chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch thống kê viên trung cấp (mới) thì cơ quan có thẩm quyền xem xét chuyển xếp vào ngạch nhân viên thống kê.

Đối với cơ quan, tổ chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch tuyển dụng công chức, thi nâng ngạch công chức trước ngày ban hành Thông tư này thì tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2023.

*baochinhphu.vn (4/10): Đề nghị sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong thực hiện.

Bộ Tài chính cho biết, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Qua gần 10 năm thực hiện Luật, công tác THTK, CLP nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật THTK, CLP đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật THTK, CLP cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình thực tế.

Thứ nhất, kể từ khi Luật THTK, CLP năm 2013 được ban hành và có hiệu lực (1/7/2014), Quốc hội đã ban hành nhiều Luật mới có liên quan, trong đó có nhiều luật chuyên ngành được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (năm 2017), Luật Đầu tư công (năm 2014 và năm 2019), Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (năm 2019)... Chính vì vậy đã làm cho một số quy định tại Luật THTK, CLP có những điểm chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ hai, tại Luật THTK, CLP năm 2013 đã đưa ra các khái niệm về "tiết kiệm","lãng phí" (khoản 1, khoản 2 Điều 3). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các khái niệm này chưa thể hiện đầy đủ, bao quát hết các trường hợp, nhất là khi áp dụng cho các đối tượng khu vực doanh nghiệp và trong nhân dân; đồng thời, các khái niệm này cũng được cho là khó xác định thế nào là tiết kiệm, lãng phí đối với những lĩnh vực không có định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Do đó, cần rà soát lại các khái niệm này để đảm bảo tính bao quát, rõ ràng hơn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như những thay đổi của hệ thống pháp luật trong thời gian qua.

Thứ ba, Luật THTK, CLP năm 2013 có quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí đồng thời có quy định liên quan đến khen thưởng đối với những người phát hiện, có thông tin phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để lãng phí xảy ra. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy các quy định này là chưa đủ để khuyến khích người dân phát hiện, cung cấp thông tin về các vụ việc gây lãng phí. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, việc thực hiện các quy định về khen thưởng đối với người phát hiện lãng phí còn hạn chế, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có trường hợp được khen thưởng về công tác THTK, CLP. Do đó, cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách bảo vệ, khen thưởng những người phát hiện và cung cấp thông tin lãng phí để tạo động lực khuyến khích mọi người dân tham gia.

Thứ tư, Luật THTK, CLP hiện hành đã có một số quy định về việc kiểm tra giám sát, xử lý đối với tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm, trong đó, có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan đơn vị mình phụ trách. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định tại Luật THTK, CLP cho thấy vẫn còn tồn tại một số bất cập làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực của của việc xử lý các hành vi vi phạm. Một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo kết quả THTK, CLP; nội dung một số báo cáo chưa đánh giá đầy đủ kết quả THTK, CLP, chưa đánh giá so sánh với chỉ tiêu đề ra, một số đánh giá còn chung chung, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, báo cáo...

Do vậy, việc xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhằm mục đích tạo khung khổ pháp lý về THTK, CLP rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác THTK, CLP, thực sự tham gia có trách nhiệm vào công tác này. Từ đó, phát huy hiệu lực và hiệu quả công tác THTK, CLP, góp phần tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

Đề xuất 5 nhóm chính sách thực hiện

Dự thảo đề xuất 5 nhóm chính sách thực hiện bao gồm:

Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật THTK, CLP.

Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về khái niệm "tiết kiệm", "lãng phí" làm cơ sở định hướng xây dựng các quy định có liên quan tại Luật.

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định để tạo cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân THTK, CLP; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Chính sách 4: Hoàn thiện các quy định về xử lý đối với tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm về THTK, CLP, trong đó tập trung về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và bổ sung quy định các trường hợp miễn trừ việc xử lý đối với cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương.

Chính sách 5: Hoàn thiện các quy định về xây dựng Chương trình THTK, CLP và báo cáo kết quả THTK, CLP.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

TIN QUỐC HỘI

*daibieunhandan.vn (4/10): Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chiều 4.10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023. Tham dự có: Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tiếp công dân Trung ương…

Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nêu rõ, tình hình khiếu nại, tố cáo của năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7.10.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Tòa án nhân dân các cấp, số công dân đến khiếu nại, tố cáo về hành chính không nhiều và không có vụ việc đông người. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán Nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo về hành chính. Đối với cơ quan hành chính các cấp, số vụ việc khiếu nại đã giải quyết nhiều hơn 23% so với năm 2022; số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền đã giải quyết nhiều hơn 12,5% so với năm 2022. Trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung nêu rõ, qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 có những chuyển biến theo hướng tích cực, cơ bản đạt mức chỉ tiêu phấn đấu đề ra, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tình trạng một số cơ quan chậm gửi Báo cáo đến Thanh tra Chính phủ để tổng hợp xây dựng Báo cáo chung vẫn chưa được khắc phục triệt để. Việc này dẫn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể xem xét, cho ý kiến về Báo cáo theo đúng kế hoạch và nội dung của Báo cáo cũng chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm công tác báo cáo của các cơ quan; rà soát, bổ sung thông tin theo yêu cầu trong Đề cương Báo cáo. Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ cũng như dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, tổng hợp được tương đối đầy đủ tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

So với năm 2022 số đơn các loại do các cơ quan hành chính tiếp nhận tăng 29,6%. Các đại biểu đề nghị, Báo cáo cần phân tích rõ thêm về tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng là do đâu và tập trung ở những nội dung, lĩnh vực nào và khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội hay liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay cấp phép xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023. Qua các ý kiến cho thấy, các đại biểu cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân, phương hướng thời gian tới. Các ý kiến cũng phân tích cụ thể, có nhiều kiến nghị làm sâu sắc thêm nội dung trong Báo cáo của Chính phủ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp thu đầy đủ những vấn đề được góp ý tại phiên họp, khẩn trương rà soát để hoàn thiện nội dung Báo cáo trong thời gian sớm nhất.

* quochoi.vn (5/10): Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được sửa đổi theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này, vẫn còn có quan điểm khác nhau, đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện đảm bảo tính phù hợp của quy định.

Theo Chương trình Xây dựng luật và pháp lệnh, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 tới đây (10/2023). Một trong những điểm mới tại dự thảo là quy định về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Theo đó, Điều 15 Dự thảo luật được sửa đổi theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Cụ thể: Trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về việc Tòa án không có nghĩa vụ (trách nhiệm) thu thập chứng cứ (TTCC). Trong đó: Đối với vụ án hình sự: việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thu thập trong hồ sơ vụ án và đã được kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết về vụ án; nếu thiếu chứng cứ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm... thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính: nghĩa vụ TTCC và chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án không có trách nhiệm TTCC. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên thu thập được và giao nộp cho Tòa án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết.…

Một số ý kiến cho rằng, việc không quy định Tòa án TTCC trong hoạt động xét xử cần được cân nhắc kỹ vì liên quan đến mô hình tố tụng của nước ta và có thể ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án. Khác với mô hình tố tụng tranh tụng của một số nước, Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các luật tố tụng hiện hành tiếp tục xác định vai trò tích cực, chủ động của Tòa án trong hoạt động TTCC ở mức độ nhất định. Trong đó, Luật Tổ chức TAND quy định Tòa án TTCC theo quy định của luật tố tụng; các luật tố tụng đều có quy định thẩm quyền TTCC trong hoạt động xét xử đối với một số trường hợp, điều kiện nhất định . Việc quy định Tòa án TTCC trong hoạt động xét xử phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, góp phần bảo đảm chất lượng xét xử, giảm oan sai. Tuy nhiên, có quy định của Luật Tổ chức TAND và các luật tố tụng hiện hành về thẩm quyền TTCC của Tòa án còn bất cập, cần được rà soát kỹ lưỡng, sửa đổi cho phù hợp. Nghị quyết 27 yêu cầu: “Nghiên cứu làm rõ…., những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Yêu cầu của Nghị quyết 27 cần được thể chế hóa trong dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị quy định Tòa án TTCC trong hoạt động xét xử đối với một số trường hợp, điều kiện luật định.

Quan tâm tới dự luật, dưới góc độ nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp bày tỏ đồng tình với quy định tại dự thảo luật. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thoa quy định như vậy sẽ bảo đảm Tòa án giữ vai trò là trọng tài, phán xử. Việc Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể dễ có định kiến trước, dẫn tới xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập, gây có lợi hoặc bất lợi cho một bên nào đó, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của Tòa án, hạn chế việc thực hiện yêu cầu về tăng cường tranh tụng trong xét xử cũng như chưa đảm bảo đảm nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Bên cạnh đó, trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tòa án thu thập chứng cứ có thể dẫn đến việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một trong các bên đương sự, ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng, vô tư, khách quan của Tòa án và không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng.

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, thực tiễn cho thấy xuất phát từ quy định này, người có nghĩa vụ chứng minh không chủ động thu thập, cung cấp chứng cứ mà ỷ lại, trông chờ vào Tòa án. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa cũng phân tích một số vấn đề đặt ra cần tháo gỡ như: Các đương sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu đó đang do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác lưu trữ, quản lý. Những trường hợp này đương sự không thể thu thập được nên phải đề nghị tòa án thu thập; Trình độ dân trí, ý thức, hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế, trong khi cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân;…

Nêu quan điểm về nội dung này, TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân đề nghị: Nghiên cứu bổ sung quy định tại khoản 1 về việc Tòa án phải căn cứ vào cả các tài liệu, chứng cứ mà những người tham gia tố tụng nộp cho Tòa án. Bởi vì, theo quy định của pháp luật tố tụng, thì những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức có quyền nộp cho Tòa án chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án; và tại điểm h khoản 2 Điều 23 dự thảo Luật này cũng đã quy định có việc cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại khoản 4 về những biện pháp hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Ở góc độ khác, chưa đồng tình với quy định của dự thảo, Ths. Lại Thị Thu Hà, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng đề xuất bỏ quy định thu thập chứng cứ của Tòa án ở giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với thực tiễn. Lý giải cho quan điểm này, Ths. Lại Thị Thu Hà nêu rõ, thực tế ở nước ta hiện nay trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân, nhất là người lao động còn hạn chế trong khi cơ chế Luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng được nhu cầu. Người dân không có đủ thông tin và điều kiện để đến các cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ, trong khi cơ quan nhà nước không tự cung cấp chứng cứ cho người dân nếu không có yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, đương sự cũng không có quyền yêu cầu Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ trong mọi trường hợp mà chỉ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập được và trong những trường hợp do pháp luật quy định; đồng thời cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để yêu cầu Toà án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ .

Cũng theo Ths. Lại Thị Thu Hà, pháp luật hiện hành đã có cơ chế trợ giúp pháp lý cho người yếu thế, bao gồm cả hỗ trợ việc thu thập chứng cứ. Mặt khác, việc ưu tiên hỗ trợ người yếu thế là cần thiết, tuy nhiên mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và không bị phân biệt đối xử. Trên thực tế, vẫn có trường hợp mặc dù Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ, xác minh, thẩm định… nhưng vẫn chưa đánh giá đúng bản chất của vụ việc, còn có sai sót, bị hủy, sửa hoặc không thi hành án được. Nếu người dân không được Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ thì có khả năng sẽ tăng thêm khó khăn ngay cả cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án, vụ việc, tăng thêm các trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa...

Do đó, Ths. Lại Thị Thu Hà đề xuất, để phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng một nền tư pháp “phục vụ nhân dân”, đề nghị tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhân dân./.

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*tapchitaichinh.vn (4/10): 9 tháng, chi ngân sách đạt hơn 1.239 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 9/2023 ước đạt 156 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 9 tháng đạt khoảng 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2022.

Bộ Tài chính cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đã chủ động nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước đảm bảo từ ngày 01/7/2023.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng là 2,9 nghìn tỷ đồng, trong đó bổ sung cho Bộ Y tế (550,058 tỷ đồng) để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; hỗ trợ cho các địa phương (1.828,2 tỷ đồng) kinh phí phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; kinh phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 21,56 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 707 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương...) khoảng 53,81 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao

Theo Bộ Tài chính, tổng số kế hoạch vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết là 745,5 nghìn tỷ đồng, đạt 105,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 97,82%); còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương chưa phân bổ chi tiết 15,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 26/9/2023, đã thực hiện phát hành 243,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,44 năm, lãi suất bình quân 3,38%/năm.

*tapchitaichinh.vn (4/10): Điểm lại chính sách tài chính được ban hành hoặc có hiệu lực từ tháng 9/2023

Trong tháng 9/2023, hàng loạt chính sách tài chính được Bộ Tài chính ban hành hoặc bắt đầu có hiệu lực. Trong đó nổi bật là các quy định như: Biểu mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm mới nhất; Mức thu mới trong đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…

Biểu mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm mới nhất

Ngày 28/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 61/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.

Theo đó, kể từ ngày 15/11/2023, sẽ thay đổi các khoản phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm như: Đăng ký biện pháp bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm; Đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký; Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi thông báo xử lý tài sản bảo đảm; Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm…

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 61/2023/TT-BTC

Mức thu mới trong đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Tháng 9/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 60/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thông tư số 60/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Áp dụng đối với người nộp lệ phí, tổ chức thu lệ phí và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí cấp chứng nhận đăng ký, biển số phương tiện giao thông. Không áp dụng đối với việc cấp chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ (do Sở Giao thông vận tải cấp chứng nhận đăng ký, biển số) và xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 60/2023/TT-BTC

Hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Có hiệu lực từ ngày 23/9, Thông tư số 52/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành đã hướng dẫn cụ thể cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 52/2023/TT-BTC

Bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch số 213/2013/TTLT/BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, Thông tư số 47/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính đã bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch số 213/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020.

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 47/2023/TT-BTC

*tapchitaichinh.vn (6/10): Kinh tế Việt Nam vượt qua “cơn gió ngược”

Việt Nam đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng vừa qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, trong đó, quý III GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả tích cực này đã bù cho kết quả các quý trước và 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.

Phát biểu tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/10/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Đầu tiên, phải kể đến công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng vừa qua. Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống. Tiếp đó, chúng ta cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.

Điểm sáng tiếp theo là giải ngân đầu tư công. 2023 là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm. Cuối cùng, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Bổ sung thêm về điểm nhấn trong điều hành trong thời gian qua, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Chính phủ đã chủ động, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách như giảm thuế, miễn thuế, gia hạn hoặc kéo dài các nghĩa vụ về tài chính khoảng 150 nghìn tỷ. Bên cạnh đó, phải kể đến sự quyết liệt, quyết tâm, hành động rất mạnh mẽ của Chính phủ khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện, Nghị quyết về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp rất mạnh mẽ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

"Không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, Chính phủ còn chỉ đạo cắt giảm cả chi phí tuân thủ pháp luật, thậm chí Chính phủ chỉ đạo không ban hành các quy định trong thời gian khó khăn nếu quy định đó tạo ra những khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp", Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Đồng tình về nhận định này, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ trong việc cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Với các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ, cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và kịp thời.

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*baochinhphu.vn (4/10): Lạm thu trong trường học

Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm học mới, lạm thu hay loạn thu trong trường học lại trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều. Mặc dù, những năm gần đây, vấn đề lạm thu có xu hướng giảm bớt, nhưng ở nơi này, nơi kia, tình trạng này vẫn gây bức xúc cho không ít phụ huynh.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin phản ánh của phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Thanh Trì, Hà Nội về việc "phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp". Hay ít ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc mua bán đồng phục của một trường trung học phổ thông ở  Quận 6, TPHCM. Theo đó, phụ huynh phản ảnh, nhân viên của trường yêu cầu: "Balo phải là balo đồng phục, balo không có logo trường bảo vệ không cho vào. Đồng phục phải mua theo đơn vị bộ, không được mua lẻ áo, quần, váy...". Sau đó, các hiệu trưởng nhà trường kể trên đều lên tiếng bác bỏ, khẳng định không chỉ đạo, không phát ngôn, không yêu cầu hay bắt buộc các nội dung như thông tin trên mạng xã hội nêu. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có những quy định rõ về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng, tình trạng này như căn bệnh mãn tính, có suy giảm, nhưng không khỏi hoàn toàn.

Thực tế có nhiều trường buộc phải thu một số khoản để bù đắp vào các khoản mà Nhà nước chưa thể đầu tư hết cho giáo dục. Khi ngân sách Nhà nước hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Bởi giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với tâm lý "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", nhiều phụ huynh tự nguyện chung tay với nhà trường để có thể tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình. Mọi việc sẽ không trở thành nỗi lăn tăn của nhiều bậc cha mẹ nếu các khoản phụ thu chính đáng và phù hợp với khả năng đóng góp của các gia đình. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu đúng và làm đúng về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp, gây bức xúc xã hội. Trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng) để xảy ra lạm thu, tiếp đến là trách nhiệm giám sát của ngành giáo dục, của cơ quan chức năng, của ban phụ huynh học sinh. Nhiều vụ việc lạm thu đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, ép phụ huynh tự nguyện qua ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ.

Nhiều trường hợp ban phụ huynh học sinh cũng không thực hiện đúng vai trò, trở thành "cánh tay nối dài" giúp nhà trường thu thêm nhiều khoản không hợp lý, ngoài quy định. Dù thế nào, lạm thu tạo thêm áp lực, gánh nặng cho gia đình học sinh, nhất là gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc ở các trường vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn. Vấn đề này làm xấu đi hình ảnh môi trường giáo dục, vốn đề cao sự nêu gương. Giáo dục đổi mới thì quản lý giáo dục cũng phải thay đổi – bắt đầu từ hiệu trưởng, từ tư duy quản lý cho đến hành động, sự nêu gương... Thu gì, chi gì, nhất định phải được đưa ra bàn bạc, thỏa thuận với phụ huynh học sinh một cách công khai, minh bạch, chứ không được lạm quyền.

Chống lạm thu rất cần những giải pháp thực tiễn và nghiêm minh. Với gần 23 triệu học sinh đang ở độ tuổi đến trường, chắc rằng ai cũng mong muốn ngành giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt là không để xảy ra ở vùng khó khăn, với những gia đình có kinh tế khó khăn.

Các ban phụ huynh phải phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, tránh tình trạng như hiện nay, ban phụ huynh ở một số nơi trở thành "ban phụ thu". Sự đoàn kết của tất cả phụ huynh, sự công tâm của phụ huynh sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn lạm thu.

Các hiệu trưởng phải vì học sinh thân yêu, nói không với lạm thu. Những hiệu trưởng không lạm thu có thể không có bằng khen, giấy khen, nhưng trong lòng dư luận xã hội khen tặng, đó là thành tích vô cùng cùng cao quý, để làm sao 2 tiếng lạm thu không còn được nhắc tới mỗi dịp năm học mới.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*caicachhanhchinh.gov.vn (5/10): Kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vừa ký Kết luận số 62-KL/TW, ngày 2/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem xét báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" (gọi tắt là Nghị quyết 19) và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị kết luận như sau:

1. Thời gian qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 19 đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an sinh, thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo; kết quả thực hiện chủ trương xã hội hoá đã góp phần tăng thêm nguồn lực, giảm áp lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước hình thành thị trường dịch vụ sự nghiệp công lành mạnh.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, yếu kém đó là, chưa thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp; cơ chế tự chủ tài chính; định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở để định giá dịch vụ sự nghiệp công; trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình. Một số nơi sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn máy móc, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp chưa đáp ứng yêu cầu. Chính sách xã hội hoá chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được quan tâm đúng mức, một số cá nhân, đơn vị còn vi phạm pháp luật.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa sâu sắc, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 19; công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên; một số nơi còn thụ động, tư tưởng bao cấp, ỷ lại Nhà nước còn phổ biến; chưa phát huy được vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

2. Để tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

2.1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19. Kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập điển hình, có cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả; khen thưởng, biểu dương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; kiểm điểm tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2.2. Quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 19 gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan, nhất là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp, nhân lực và cơ cấu đội ngũ, chế độ, chính sách, chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực sự nghiệp; định mức kinh tế - kỹ thuật để định giá từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát, quản trị theo hướng tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; hoạt động kiểm định, định giá, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; chính sách xã hội hoá phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh chung đối với đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện Nghị quyết 19.

2.3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, góp phần bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Tiếp tục tăng ngân sách nhà nước và đổi mới việc phân bổ theo hướng tập trung cho dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước; cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người gặp khó khăn trong cuộc sống, đồng thời đẩy mạnh cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Phân cấp, phân quyền cụ thể, rành mạch giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính. Nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn quyền hạn với trách nhiệm, quyền lợi với hiệu quả công việc.

2.4. Trên cơ sở xác định các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; điều kiện, khả năng và mức độ tự chủ của các đơn vị để xây dựng kế hoạch, lộ trình tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết 19. Các đơn vị sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm; phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ; hiệu quả hoạt động được đánh giá dựa trên sản phẩm, kết quả công việc. Bảo đảm xuyên suốt việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, nhất là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; tạo thuận lợi cho nhân dân trong tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công.

Tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ; chính sách thí điểm xã hội hoá các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; thi tuyển và thuê giám đốc điều hành đơn vị sự nghiệp công lập.

2.5. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hoá, nhất là chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng, thu hút đầu tư đối với dịch vụ sự nghiệp công; các chính sách xã hội hoá phải sát với thực tiễn, khả thi, bình đẳng để phát triển nhanh các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học - công nghệ ở những nơi có đủ điều kiện, các thành phố, đô thị lớn có dân số tăng nhanh; hoàn thành việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện và trường học).

Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết 19, nhất là điều kiện tiếp cận và chất lượng cung ứng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

3. Tổ chức thực hiện

- Các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ, tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận này; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; lồng ghép việc thực hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện.

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan.

- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận này; sơ kết, tổng kết mô hình thí điểm; sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật theo thẩm quyền.

- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và Kết luận này.

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* tienphong.vn (4/10): Hải Phòng: Xây cống, làm đê khi chưa được chấp thuận

Dù chưa được Bộ NN&PTNT chấp thuận phương án đào, cắt đê dọc sông Cấm, khu vực thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc Sông Cấm (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), nhưng nhiều hạng mục đê, cống qua đê đã được thi công, xây dựng.

Tuyến đê tả sông Cấm là hạng mục công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT Bắc sông Cấm. Tuyến đê này có hạng mục: nâng cấp đê hiện có kết hợp làm đường giao thông; xây tuyến đê mới trên bãi sông thay thế đê hiện có và xây dựng 2 cống qua đê.

Dự án được UBND TP Hải Phòng phê duyệt tháng 9/2016, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2023. Trong đó, đoạn đê mới thay thế và một cống trên bãi sông thi công năm 2018 đến nay đã cơ bản hoàn thành. Một đoạn đê khác và cống Tân Hoa qua khu dân cư Bến Bính tháng 8/2022 chủ đầu tư mới được bàn giao mặt bằng để thi công.

Theo Luật Đê điều, các hoạt động đào, cắt đê phải được Bộ NN&PTNT chấp thuận, UBND cấp tỉnh cấp phép trước khi thi công. Để thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án (QLDA) Phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng (chủ đầu tư) đề nghị cấp phép đào cắt đê để thi công đoạn đê và cống Tân Hoa. Tháng 10/2022, UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận phương án đào cắt đê để thi công. Tuy nhiên, tháng 12/2022, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã phản hồi, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Đến tháng 4/2023, UBND TP Hải Phòng gửi hồ sơ đã chỉnh sửa, bổ sung đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận phương án đào, cắt đê. Tuy nhiên, cống Tân Hoa và tuyến đê Tả Cấm đã được thi công xây dựng dù chưa được chấp thuận, cấp phép. Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai xác định, các hoạt động xây dựng liên quan đê điều khi chưa hoàn chỉnh thủ tục chấp thuận, cấp phép đã vi phạm Luật Đê điều. Do đó, Cục đề nghị UBND TP Hải Phòng xử lý vi phạm tại công trình này.

Mới đây Sở NN&PTNT Hải Phòng đề xuất UBND TP Hải Phòng không xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xây dựng khi chưa có giấy phép nêu trên với lý do nếu xử phạt, dự án phải đình chỉ hoạt động công trình và phải khắc phục hậu quả. Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Ban QLDA Phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng giải trình, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện và đề xuất xử lý những tồn tại, khuyết điểm.

* tienphong.vn (4/10): Hai công ty con của Tân Hoàng Minh được nữ giám đốc công ty kiểm toán giúp sức ra sao?

Bùi Thị Ngọc Lân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (Công ty Kiểm toán Nam Việt), Chi nhánh phía Bắc đã làm sai lệch kết quả kiểm toán tạo điều kiện để Tân Hoàng Minh “hô biến” những hồ sơ tài chính bết bát của các công ty con thành có lãi nhằm phát hành trái phiếu, từ đó chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc, Bùi Thị Ngọc Lân làm Giám đốc đã thực hiện kiểm toán không chính xác, tạo điều kiện cho Tân Hoàng Minh biến tài liệu tài chính không tích cực của các công ty con thành báo cáo tài chính hấp dẫn, nhằm mục đích phát hành trái phiếu. Cụ thể, thay vì làm việc theo chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam với Ban Giám đốc, Ban Quản trị Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil, Bùi Thị Ngọc Lân đã tiếp cận trực tiếp và thống nhất với Phùng Thế Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán và đồng thời là Kế toán trưởng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng như Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư và Du lịch Khách sạn Soleil để ký hợp đồng kiểm toán.

Vào tháng 6/2021, Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc đã ký 2 hợp đồng kiểm toán số 7.11 và 7.12/2021/HĐKT với Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil, mỗi hợp đồng trị giá 121 triệu đồng (đã bao gồm VAT), với nhiệm vụ kiểm toán Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil. Bùi Thị Ngọc Lân đã giao cho Trần Thị Linh, Kiểm toán viên trưởng nhóm kiểm toán Công ty Ngôi Sao Việt, và Nguyễn Thị Nguyên Nhung, Kiểm toán viên Trưởng nhóm kiểm toán Công ty Soleil, cùng với các trợ lý kiểm toán thực hiện nhiệm vụ. Theo thỏa thuận và đề nghị của Phùng Thế Tính, Bùi Thị Ngọc Lân với vai trò phụ trách tổng thể 2 cuộc kiểm toán đã thực hiện không đầy đủ các quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, nhiều khoản mục chủ chốt chưa thực hiện kiểm tra hoặc thiếu bằng chứng kiểm toán nhưng vẫn đưa ra kết luận như: không tiếp cận hồ sơ pháp lý và hồ sơ kế toán của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil để tìm hiểu về tình hình quản trị, hoạt động kinh doanh và các vấn đề khác; đối với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, không kiểm tra hoặc soát xét đối chiếu với các tài liệu gốc, chỉ dựa trên các hợp đồng chuyển nhượng bản photocopy để xác định các khoản đầu tư đến thời điểm 31/12/2020. Đồng thời, thông qua việc điều chỉnh các bút toán, Bùi Thị Ngọc Lân đã "phù phép" làm đẹp tình hình hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil, nhằm thể hiện rằng hai công ty này đã có lãi trong năm 2020.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2020 sau khi kiểm toán của Công ty Ngôi Sao Việt thể hiện Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 460 tỷ đồng đồng. Tại Bảng cân đối kế toán năm 2020 sau khi kiểm toán của Công ty Soleil thể hiện Tài sản ngắn hạn là 1.455 tỷ đồng, nhỏ hơn nợ ngắn hạn là 1.722 tỷ đồng. Đây là những dấu hiệu bất minh về khả năng hoạt động liên tục của hai công ty, nhưng không làm việc với Ban Giám đốc, Ban Quản trị của các công ty để bàn luận về vấn đề này, cũng như không đề xuất các phương án nhằm đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.

Ngày 23/6/2021 và 24/6/2021, Bùi Thị Ngọc Lân, đại diện Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc ký phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập số 216/2021/BCKT và số 219/2021/BCKT đối với Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 của Công ty Soleil và Công ty Ngôi Sao Việt, với ý kiến dạng chấp nhận toàn phần. Theo cơ quan điều tra, ý kiến kiểm toán dạng chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil là không phù hợp theo yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do kiểm toán viên chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.

Kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính. Tại cơ quan điều tra, Bùi Thị Ngọc Lân cũng thừa nhận quá trình thực hiện kiểm toán, Lân và nhóm kiểm toán đã không tiến hành kiểm tra một số hạng mục quan trọng, chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, không tiến hành đối chiếu tài liệu gốc nhưng vẫn ký phát hành báo cáo kiểm toán độc lập số 216/2021/BCKT và số 219/2021/BCKT ngày 24/6/2021 với ý kiến dạng chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 của Công ty Soleil và Công ty Ngôi Sao Việt trái với chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam.

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

*baodautu.vn (5/10): Dự kiến GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%, Chính phủ cần vay 676.057 tỷ đồng

Chính phủ dự kiến các các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2023 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định.

Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về tình hình nợ công năm 2023, dự kiến năm 2024 và sơ kết 3 năm kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trả nợ đầy đủ theo cam kết

Năm 2023, Quốc hội phê chuẩn tổng mức vay của ngân sách trung ương (NSTW) là 621.015 tỷ đồng, trong đó vay để bù đắp bội chi NSTW là 430.500 tỷ đồng (bằng 4,18% GDP), vay để trả nợ gốc NSTW là 190.515 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ phê duyệt vay về cho vay lại vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài của Chính phủ là 23.394 tỷ đồng. Trên cơ sở thực hiện 9 tháng đầu năm, Chính phủ dự kiến nhu cầu huy động cả năm 2023 ước đạt 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch), trong đó vay về cho vay lại là 14.626 tỷ đồng (62,5% kế hoạch). Vay trong nước dự kiến sẽ huy động khoảng 547.085 tỷ đồng, trong đó chủ yếu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đạt mức 12,6 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9-11 năm tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021. Kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục TPCP là 9 năm, giảm 0,14 năm so với năm 2022; lãi suất phát hành bình quân là 3,7-4%/năm, tăng 0,22-0,52 điểm phần trăm so với năm 2022 (3,48%/năm). Theo báo cáo, tổng trả nợ của Chính phủ năm 2023 ước đạt 311.537 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp ước đạt 279.742 tỷ đồng, bằng 95,3% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước đạt 31.795 tỷ đồng, bằng 93,8% kế hoạch. “Việc trả nợ của Chính phủ năm 2023 được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm, tỷ giá các đồng tiền có biến động dẫn đến việc sử dụng dự toán bằng tiền đồng ít hơn khi mua ngoại tệ để trả nợ”, Chính phủ báo cáo.

Về tình hình vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia, báo cáo dẫn đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự kiến thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2023 bằng 100% hạn mức được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, ước thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn 7.500 triệu USD, dư nợ vay ngắn hạn tăng khoảng 20% so với cuối năm 2022. Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2023 dự kiến khoảng 37-38% GDP, đảm bảo mục tiêu trong phạm vi mức trần nợ nước ngoài của quốc gia 50% GDP được Quốc hội phê duyệt. Quy mô vay nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả chiếm khoảng 26-27% GDP. Về trả nợ, chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2023 (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức 7-8% , đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%. Chính phủ dự kiến các các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2023 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định. Cụ thể nợ công/GDP ước thực hiện 39-40%. Nợ Chính phủ/GDP 36-37%; nợ nước ngoài cuả quốc gia/GDP 37-38%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước 20-21%, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia/kim ngạch xuất khẩu 7-8%.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 395.874 tỷ đồng

Căn cứ các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 khoảng 6-6,5%.  Dự toán thu NSNN năm 2024 là 1.650 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN khoảng 3,6% GDP, nhu cầu vay, trả nợ để triển khai dự toán NSNN năm 2024. Về huy động vốn, Chính phủ cho hay, tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2024 là 676.057 tỷ đồng. Bao gồm, vay bù đắp bội chi NSTW là 372.900 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW khoảng 287.034 tỷ đồng; vay về cho vay lại là 16.123 tỷ đồng.  Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ phát hành TPCP, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và trong trường hợp cần thiết sẽ huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác. Căn cứ danh mục nợ Chính phủ hiện hành, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ năm 2024, Chính phủ dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 395.874 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 287.034 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 108.840 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 58.245 tỷ đồng (trả gốc khoảng 50.502 tỷ đồng, trả lãi khoảng 7.743 tỷ đồng). Dự kiến đến cuối năm 2024, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 23/2021/QH15.

Theo Chính phủ, trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, dự báo đến cuối năm 2024, dư nợ công khoảng 39-40% GDP, nợ Chính phủ khoảng 37-38% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24-25%, đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép.

*tapchitaichinh.vn (6/10): Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2024

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp tục thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và nghiên cứu trình Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) vào năm 2024.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Trương Bá Tuấn, thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cấp thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách về giảm phí, lệ phí, thuế, gia hạn thuế… nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó có chính sách giảm 2% thuế GTGT.

Năm 2023, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách nêu trên là khoảng 196.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỷ đồng. Các chính sách này đã phát huy tác dụng và nhận được sự đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp trong nỗ lực giúp kinh tế phục hồi.

Phó Cục trưởng Trương Bá Tuấn thông tin, hiện Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể các giải pháp đã triển khai trong giai đoạn vừa qua để có thể tham mưu Chính phủ, Quốc hội các giải pháp trong thời gian tới. Thông tin thêm tại buổi họp báo, ông Trương Bá Tuấn cho biết, vừa qua, trên cơ sở cuộc họp của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu hai nội dung, bao gồm: Thực hiện tiếp việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024; trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong năm 2024.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiến hành các bước theo quy trình, thủ tục nghiên cứu chính sách để đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội”, ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh. Ngoài ra, tại buổi họp báo, liên quan đến vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, Phó Cục trưởng Trương Bá Tuấn cho biết, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế đã nâng từ 9 triệu lên mức 11 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Lãnh đạo Cục nhấn mạnh, thẩm quyền điều chỉnh đã quy định trong luật là thuộc UB Thường vụ Quốc hội.

Ông Trương Bá Tuấn nêu rõ, Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi sát sao, đề xuất theo đúng thẩm quyền, đúng quy định, khi CPI biến động hơn 20% thì đề xuất điều chỉnh, không phải sửa luật. Cùng với đó, Phó Cục trưởng cho hay, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được đề xuất sửa đổi nhiều vấn đề tổng thể vào thời gian tới. Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ kết quả rà soát tổng thể các luật thuế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, trong đó có một số định hướng lớn về sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

THẾ GIỚI

*vtv.vn (4/10): Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị bãi nhiệm

Hạ viện Mỹ cách đây vài giờ đã bỏ phiếu cách chức Chủ tịch Hạ viện đối với ông Kevin McCarthy, người vừa được bầu vào vị trí này hơn 8 tháng trước.

Kết quả cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm là 216/210, trong đó có 8 hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa (cùng đảng với ông McCarthy) đã bỏ phiếu loại ông khỏi chức vụ cao nhất của cơ quan lập pháp Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Hạ viện nước này cần phải nhanh chóng bầu chọn một Chủ tịch mới.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Patrick McHenry, sinh năm 1975, đại diện của bang North Carolina, sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho đến khi cơ quan lập pháp này bầu ra nhà lãnh đạo mới.

*thanhnien.vn (4/10): Triều Tiên lên án chiến lược chống vũ khí hủy diệt hàng loạt của Mỹ

Bình Nhưỡng đã lên tiếng chỉ trích chiến lược mới của Mỹ trong nỗ lực chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, vì tài liệu này mô tả CHDCND Triều Tiên là "mối đe dọa dai dẳng".

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 28.9 đã công bố một phiên bản không mật của tài liệu "Chiến lược chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) năm 2023", trong đó nêu rằng "Triều Tiên, Iran và các tổ chức cực đoan bạo lực vẫn là mối đe dọa dai dẳng khi họ tiếp tục theo đuổi và phát triển hơn nữa các khả năng liên quan WMD".

Trong tuyên bố được hãng thông tấn KCNA đăng tải ngày 4.10, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cáo buộc Mỹ làm trầm trọng thêm nguy cơ từ vũ khí hạt nhân. Tuyên bố nhắc lại các cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington cũng như việc quân đội Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân chiến lược đến Hàn Quốc như là minh chứng cho cáo buộc của Bình Nhưỡng.

"Về 'mối đe dọa dai dẳng', đó là cách diễn đạt phù hợp nhất dành cho Mỹ, quốc gia có kho WMD lớn nhất thế giới đồng thời là quốc gia tội phạm duy nhất từng sử dụng bom A, vốn đã coi Triều Tiên là 'kẻ thù' và leo thang mối đe dọa vũ khí hạt nhân chưa từng có, cũng như đã hăm dọa Triều Tiên kể từ thế kỷ trước”, tuyên bố cho hay.

Người phát ngôn Triều Tiên cũng chỉ trích tài liệu chiến lược của quân đội Mỹ vì mô tả Trung Quốc là "thách thức đang lớn dần" và Nga là "mối đe dọa cấp tính". 

Người phát ngôn cho biết quân đội Triều Tiên sẽ chống lại chiến lược quân sự của Mỹ bằng "chiến lược đáp trả áp đảo và bền vững nhất", nhắc lại việc Triều Tiên vừa sửa đổi hiến pháp.

Theo truyền thông nhà nước, Triều Tiên tuần trước đã thông qua sửa đổi hiến pháp để đưa vào chính sách về lực lượng hạt nhân, qua đó tăng cường vị thế của lực lượng này. Động thái diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết đẩy nhanh sản xuất vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các "hành động khiêu khích" của Mỹ. Phản ứng trước động thái này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 4.10 cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ nếu nước này cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân. "Quân đội của chúng tôi được trang bị tư thế sẵn sàng kết hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ, có thể đáp trả áp đảo bất kỳ cuộc tấn công nào từ Triều Tiên", hãng tin Yonhap trích dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

*vtc.vn (4/10): 41 ngày tới Mỹ sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine thế nào?

Theo các quan chức Lầu Năm Góc, họ chỉ còn khoảng 7 tỷ USD để viện trợ cho Ukraine trong 41 ngày tới.

Sputnik dẫn bức thứ của Kiểm soát viên Lầu Năm Góc Michael McCord gửi cho các nhà lập pháp Mỹ vào đầu tuần cho biết, cơ quan này chỉ còn khoảng 5,4 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine được lấy ra từ quyền rút ngân sách của Tổng thống Mỹ và 1,6 tỷ USD còn dư từ gói viện trợ 25,9 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Trong bức thư ông McCord cảnh báo, Mỹ sẽ sớm cạn tiền khi Lầu Năm Góc thực hiện việc bổ sung kho vũ khí của nước này sau quá nhiều đợt viện trợ cho Ukraine.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm đa số thông qua một dự luật ngân sách tạm thời cho chính phủ liên bang nhằm ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa. Tuy nhiên điều kiện của các thành viên đảng Cộng hòa là phải rút viện trợ cho Ukraine khỏi dự luật ngân sách tạm thời.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra lo lắng và tức giận về hành động trên của đảng Cộng hòa đồng thời cho biết: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn”.

Ngân sách cho Ukraine “bốc hơi”

Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với Sputnik: “Những tuyên bố vừa qua chỉ là điều mà chính quyền của ông Biden mong muốn. Người dân Mỹ không nhất thiết phải ủng hộ cuộc chiến này bằng mọi giá. Trên hết họ không muốn chiến tranh với Nga”. Cũng theo Maloof, ông không nghĩ viện trợ cho Ukraine sẽ bị cắt ngay lập tức mà nó sẽ giảm dần đáng kể trong 41 ngày tới.

Sự phản đối của đảng Cộng hòa đối với viện trợ Ukraine dường như đã đạt được động lực ban đầu ở đồi Capitol. Gần một nửa số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu loại 300 triệu USD cho Ukraine khỏi dự luật chi tiêu của Lầu Năm Góc hôm 28/9. Mặc dù số tiền này sau đó đã được phê duyệt trong một đề xuất riêng để tài trợ cho Kiev nhưng xu hướng này đã gây ra những lo ngại. Đến ngày 30/9, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đề xuất tách ngân sách 6 tỷ USD (đề xuất của Nhà Trằng là 24 tỷ USD) cho Ukraine khỏi dự luật ngân sách tạm thời cho phép chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 17/11.

41 ngày tới Mỹ lấy gì viện trợ cho Ukraine?

Theo Maloof, ngân sách hỗ trợ Ukraine của Lầu Năm Góc có thể sẽ sớm cạn kiệt với tốc độ “đốt đạn” của Kiev trong chiến dịch phản công. Kịch bản xấu nhất là viện trợ cho Kiev sẽ hết vào ngày 17/11.

“Từ nay đến ngày 17/11, trừ khi một dự luật ngân sách bổ sung hoặc một ủy quyền cho Lầu Năm Góc được phê duyệt, nếu không viện trợ cho Ukraine sẽ dừng lại. Thậm chí chính phủ Mỹ còn đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa nếu dự luật ngân sách mới không được thông qua”, ông Maloof phân tích. Ngay thời điểm hiện tại các nhà phân tích vẫn chưa thể nắm bắt được chính quyền của ông Biden sẽ viện trợ cho Ukraine trong thời gian tới mà không bị gián đoạn.

Tuy nhiên ông Maloof cho rằng ngay cả khi Quốc hội Mỹ không thông qua viện trợ quân sự mới cho Ukraine thì họ vẫn sẽ có các khoản hỗ trợ nhân đạo, ngân sách cho hoạt đông này không nhiều nhưng là giải pháp tình thế. Theo cựu nhà phân tích của Lầu Năm Góc, cả Mỹ và châu Âu dường như đã mệt mỏi với cuộc xung đột ở Ukraine. Các cuộc thăm dò vào tháng 9 chỉ ra rằng 41% số người được hỏi tin rằng Washington đang gửi quá nhiều viện trợ cho Kiev. Khi nói đến đảng phái chính trị của họ, 62% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine là quá mức, với 17% đảng viên đảng Dân chủ có cùng quan điểm. Vào tháng 7, khoảng 55% người Mỹ được hỏi cho rằng Quốc hội không nên phê duyệt thêm tài trợ cho Kiev. Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, cuộc bầu cử quốc hội Slovakia đã dẫn đến chiến thắng của cựu Thủ tướng Robert Fico - người từng tuyên bố sẽ dừng viện trợ quân sự cho Kiev khi tranh cử.

“Ngay cả châu Âu cũng cảm thấy đã quá đủ. Trường hợp của Slovakia có thể sẽ trở thành phát súng mở màn”, ông Maloof. Đồng thời cho rằng sự rạn nứt của châu Âu đối với viện trợ cho Ukraine sẽ ngày càng lớn trong những tháng tới khi mùa đông bắt đầu.

 

 

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    410 người đã bình chọn