VPUB - Giảm ô nhiễm môi trường từ mô hình ủ phân hữu cơ

Update 09 - 09 - 2021
100%

Dienbien.gov.vn – Để giảm thiểu tối đa những tác động hằng ngày của con người đến môi trường, trong những năm qua nhiều mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Trong đó, các mô hình tận dụng rác thải, phế phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ đã được nhiều người áp dụng và đem lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình phân bón hữu cơ của anh Lò Văn Nước, bản Xôm, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ.

Ngoài bã dong riềng, anh còn sử dụng thêm cả rơm và phân chuồng để làm nguyên liệu nhằm tạo ra chất lượng phân vi sinh tốt nhất.

Tận dụng chất thải, rác thải từ sinh hoạt và sản xuất để chế biến thành phân bón hữu cơ là một trong những giải pháp góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Với những hữu ích đó, cuối năm 2020 nông dân Lò Văn Nước, bản Xôm, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ bắt tay vào thí điểm mô hình ủ phân hữu cơ từ chất thải trong sản xuất, nhất là chất thải từ bã dong riềng bước đầu đem lại hiệu quả trong thực tế.

Mô hình được thực hiện bởi những trăn trở của anh Nước trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ bã dong riềng tồn tại nhiều năm qua ở Nà Tấu. Nhìn các xưởng chế biến có bã dong riềng thải ra rất nhiều, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, anh Nước bắt tay thu gom bã dong riềng, rơm rạ, phân chuồng kết hợp để ủ 40 khối phân hữu cơ từ cuối tháng 12/2020. Sau khi phân mục hoàn toàn, gia đình anh Nước và bà con nông dân trong bản đã sử dụng bón cho rau, lúa, bước đầu mang lại hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương.

Theo anh Nước, khi thực hiện ủ phân, ngoài bã dong riềng, anh còn sử dụng thêm cả rơm và phân chuồng để làm nguyên liệu nhằm tạo ra chất lượng phân vi sinh tốt nhất có thể. Việc tận dụng các nguyên liệu này đều góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường từ chất thải trong sản xuất và chăn nuôi, đảm bảo mỹ quan nông thôn. Trong quá trình thí điểm ủ phân, anh Nước áp dụng các công thức khác nhau để rút ra phương pháp tối ưu khi nhân rộng mô hình. Anh Lò Văn Nước cho biết: Quy trình ủ phân vi sinh được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là 6 tháng với 3 công thức (đào hố ủ bã dong riềng; để trên cạn và dùng rỉ mật để tưới; để trên cạn và không tưới gì). Cả 3 công thức ấy đều tốt, nếu chỉ có ủ trong hố thì phân hữu cơ chậm phân hủy, chậm mục, chỉ hợp với việc làm thức ăn chăn nuôi. Còn ủ trên cạn mà phủ bạt kín thì nhanh nhưng phải đảo 1 tuần 1 lần để phân mục đều…

Mô hình ủ phân của gia đình anh Nước không chỉ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường từ chất thải trong sản xuất, mà còn tạo ra loại phân hữu cơ, thân thiện với môi trường. Khi sử dụng phân hữu cơ từ mô hình ủ phân bằng chất thải nông nghiệp, thay cho sử dụng phân bón hóa học sẽ tránh được những tác hại nhất định đối với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, mô hình ủ phân hữu cơ của anh Nước đem lại nhiều giá trị thiết thực cho người dân nông thôn.

Để thử nghiệm mức độ phù hợp với các loại cây trồng trên địa bàn xã Nà Tấu trước khi đưa bán ra thị trường, được biết vụ ngô Đông Xuân 2021 này, xã Nà Tấu sẽ sử dụng dòng phân hữu cơ của anh Lò Văn Nước bón cho ngô sinh khối (ngô làm thức ăn cho gia súc), nếu phù hợp sẽ cho nhân rộng mô hình và cho xuất bán ra thị trường…

Mô hình ủ phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp của anh Lò Văn Nước cũng đã góp phần đẩy mạnh phong trào thu gom, tái chế chất thải, rác thải thành những sản phẩm hữu dụng trong cuộc sống sinh hoạt và sản xuất ở Điện Biên nói chung, thực trạng ô nhiễm bã dong riềng tại Nà Tấu nói riêng./.

Tuyết Anh

°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
410 người đã bình chọn