KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

Update 28 - 02 - 2017
100%

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015

 

I. Đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường 5 năm 2011-2015

1. Tình hình triển khai thực hiện

Thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới; cùng với sự suy thoái của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng như trong tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, với diễn biến phức tạp trên Biển Đông khiến cho nguồn lực đầu tư từ NSNN bị sút giảm; thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... diễn biến bất thường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, chưa đồng bộ; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao...đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong điều kiện đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế -xã hộc, quốc phòng, an ninh. Đến hết năm 2015, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm cơ bản hoàn thành, đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển, cụ thể như sau:

2Tình hình và kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 

2.1. Về kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2011-2015 tính theo phương pháp so sánh tăng 9,12%/năm, chưa đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 12%/năm), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,53%/năm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,3%/năm; khu vực dịch vụ tăng 12,95%/năm (Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo thông báo của Tổng cục Thống kê bình quân 5 năm (2011-2015) ước đạt 5,93%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nướcNhịp độ phát triển bình quân thời kỳ 2011-2015 khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 3,49%/năm, công nghiệp - xây dựng 5,86%/năm, dịch vụ 7,14%/năm - Chưa đạt mục tiêu đề ra).

 GRDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt trên 1.106,6 USD, gấp 1,84 lần năm 2010 và gần bằng 50% GDP bình quân đầu người cả nước (cả nước ước đạt 2.245 USD) .

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định, đến năm 2015 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,92%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26,37%, dịch vụ chiếm 49,71%, trong cơ cấu kinh tế.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 2010) năm 2015 ước đạt 2.517 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,8%/năm (chưa đạt mục tiêu đề ra tăng 19,4%/năm).

Tổng sản lượng lương thực năm 2015 ước đạt 250,375 ngàn tấn, tăng 12,43so với năm 2010, lương thực bình quân đầu người năm 2015 đạt 457,41kg/người/năm, vượt so với mục tiêu đề ra.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn năm 2015 ước đạt 42,5 triệu USD, nhịp độ tăng trưởng bình quân 26,15%/năm, vượt mục tiêu 35 triệu USD.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 13,37%/năm. Thu ngân sách năm 2015 ước đạt 824,94 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2010; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa đạt 7.242 tỷ đồng, gấp 2,99 lần so với năm 2010.

 Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 là 33.615 tỷ đồng, tăng gấp 2,53 lần giai đoạn 2011-2015, vượt so với mục tiêu đề ra.

2.2. Về văn hóa - xã hội

Quy mô dân số đến năm 2015 ước khoảng 54,7 vạn người, tỷ lệ tăng dân số 1,73%/năm, so với mục tiêu kế hoạch là 2,78%; chất lượng dân số được nâng lên; mức giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm đạt 0,16%o/năm, chưa đạt mục tiêu đề ra là 0,56%o/năm.

Mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000-8.500 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 29,51% năm 2010 lên 43,77% năm 2015, đạt 87,7% mục tiêu giai đoạn (là 44,8%); tạo việc làm mới đạt trung bình 8.526 lao động/năm, đạt mục tiêu đề ra 8.000-8.500 lao động/năm.

Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ học sinh các cấp lên lớp đạt 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 97,5%; 241/520 trường (46,3%) số trường đạt chuẩn quốc gia. Huy động trẻ từ 3-5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 92,3% (trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 đạt 98,4%); học sinh 6-10 tuổi đến trường đạt 99,2%; học sinh 11-14 tuổi đi học THCS đạt 90,2%; học sinh 15-18 tuổi đi học THPT đạt 55,2%. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Đến năm 2015, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về y tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Đạt tỷ lệ 10,87 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 7 loại vắc xin đạt 94%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 18,8%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã đạt 30,8%, tỷ lệ xã có bác sỹ đạt 60%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi giảm dần, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 29,9% gần đạt so với mục tiêu đề ra 32 giường bệnh/vạn dân.

Có 70 xã, phường, thị trấn (53,85%) đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em tăng 9,2% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm (44,64%); Tỷ lệ chăm sóc trẻ em có HCĐB đạt 82% tăng 12% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm (70%).

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,14%/năm; dự ước đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2011-2015) giảm xuống còn 28,01%, (5 huyện nghèo còn khoảng 40,25%), vượt mục tiêu đề ra[1].

2.3. Về môi trường

Dự ước đến năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,84%, tăng 4,57% so với năm 2010 chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra (45,2%); tất cả các đô thị và bệnh viện tuyến tỉnh đã được thu gom và xử lý rác thải; 61,18% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh (mục tiêu đề ra 95%), 97,49% dân cư đô thị được cấp nước sạch sinh hoạt (mục tiêu đề ra 100%).

II. Tình hình và kết quả thực hiện 3 đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ

1. Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hệ thống luật pháp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. UBND tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; Quyết định số 529/QĐ- UBND, ngày 14/7/2014 về việc Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia và Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được xây dựng đồng bộ, vai trò giám sát, phản biện của Hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên, việc cải cách thể chế đã có những tiến bộ rất lớn về thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước.

2. Về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ

Đã xây dựng và ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020, phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Đặc biệt đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực để huy động nguồn lực xã hội đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng biên giới để từng bước nâng cao trình độ dân trí và nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển tại địa phương. Các trường chuyên nghiệp và cơ sở đào tạo nghề đã thực hiện tốt công tác liên kết, đa dạng hóa các loại hình đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức và nhân dân. Hoạt động khoa học và công nghệ được duy trì và có bước chuyển biến tích cực theo hướng triển khai ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản vào sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu điều tra cơ bản và cung cấp các dữ liệu cơ bản phục vụ quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

3. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị

3.1. Về kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật

Đến cuối năm 2015 có 116/130 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được bốn mùa đạt 89% đạt kế hoạch (mục tiêu đến 2015 là 82%); Trong 5 năm đã nâng cấp, cải tạo được 502,8 km đường quốc lộ; 98,58 km đường tỉnh lộ; 1.260 km đường huyện lộ; 1.575 km đường xã; 1.838 km đường thôn xóm; 171,5 km đường vành đai biên giới; 4.413,4 km đường giao thông nông thôn; đã có 7/10 trung tâm đô thị được đầu tư cơ bản hệ thống giao thông với 65 km đường nội thị được xây dựng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống trụ sở làm việc. Đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa 202 công trình thủy lợi. Đến hết năm 2015 có 9 nhà máy thủy điện hoạt động với tổng công suất 80,54 MW; 170,74 km đường truyền tải điện cao thế (110 KV); 2.077 km đường dây trung thế (10-35KV); 2.061km đường dây hạ thế (0,4 KV); 777 trạm phân phối với tổng dung lượng 84.119 KVA. Đến cuối năm 2015 có 130/130 xã, phường thị trấn có điện và trên 83,36% số hộ dân được sử dụng điện, vượt mục tiêu đề ra 80%.

3.2. Về kết cấu hạ tầng xã hội và môi trường

Giai đoạn 2011-2015, đã xây dựng mới 1.000 phòng học (808 phòng học kiên cố); 137 phòng bộ môn, 667 phòng công vụ (418 phòng kiên cố); 1.115 phòng nội trú (461 phòng kiên cố), đạt 53,2% so với mục tiêu Đề án kiên cố hóa trường lớp học; đầu tư hoàn chỉnh 4 bệnh viện huyện; 02 phòng khám đa khoa khu vực; 7 trạm Y tế xã, phường, 01 trung tâm phòng chống HIV/AIDS, 04 cơ sở điều trị methadone. Hoàn chỉnh 3 trung tâm hội nghị văn hóa huyện, 01 trung tâm đào tạo phát triển cộng đồng huyện Tuần Giáo; 19 nhà văn hóa bản, 20 trung tâm học tập cộng đồng và hoàn thành Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn I. Hoàn thành dự án xây dựng bãi rác thải khu vực thị trấn Tuần Giáo, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Ảng; triển khai xây dựng Dự án thu gom xử lý nước thải thành phố Điện Biên Phủ.

III. Kết quả thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế và tình hình nợ đọng trong đầu tư từ NSNN

1. Về cân đối vốn đầu tư phát triển

Tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 ước đạt 33.615 tỷ đồng, tăng gấp 2,53 lần giai đoạn 2006-2010, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm (mục tiêu kế hoạch 30 ngàn tỷ đồng). Tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP đạt 69%. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước 18.303 tỷ đồng (chiếm 54,45% - bao gồm cả vốn ODA 436 tỷ đồng); vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 1.066 tỷ đồng (chiếm 3,17%) và vốn khu vực tư nhân và dân cư đạt 14.551 tỷ đồng (chiếm 43,29%) trong tổng nguồn vốn, cho thấy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh từng bước được đầu tư khai thác, phát huy hiệu quả.

Trong 5 năm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 47 dự án đầu tư của các thành phần kinh tế với tổng số vốn đăng ký 8.870,6 tỷ đồng; đã có có 12 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, vốn thực hiện ước đạt 2.418,5 tỷ đồng.

2. Về cân đối thu chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm dự kiến đạt 3.804 tỷ đồng, trung bình hàng năm tăng 13,37%, năm 2015 đạt 824,,94 tỷ đồng tăng gấp 1,87 lần so với năm 2010 (824,94/440,5 tỷ đồng). Trong đó thu từ thuế và phí ước đạt 764,5 tỷ đồng tăng 2,81 lần so với thực hiện năm 2010 (đạt mục tiêu kế hoạch); tỷ lệ huy động từ thuế và phí chiếm khoảng 6,65% GRDP (764,5/11.495 tỷ đồng). Số thu tại địa bàn đáp ứng được khoảng 11,85% nhu cầu chi tại địa phương. Chi ngân sách đúng qui định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, đáp ứng đủ yêu cầu chi cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo và sự nghiệp khoa học công nghệ theo qui định.

3. Tình hình nợ đọng trong đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ

Đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường công tác quản lý đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Bước đầu đã kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư hỗ trợ từ ngân sách trung ương, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải nguồn cân đối ngân sách địa phương. Tình hình triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng dự án hoàn thành đúng tiến độ tăng khá. Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại hạn chế chưa được giải quyết triệt để như: một số công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ vẫn chưa thu xếp, bố trí đủ vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành; chưa bố trí đủ vốn đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. Một số chương trình đầu tư có số lượng và quy mô dự án vượt quá nhiều so với khả năng cân đối, bố trí vốn dẫn đến tình trạng nợ đọng, thời gian xây dựng kéo dài như Chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục Đào tạo; các dự án trái phiếu Chính phủ thuộc lĩnh vực giao thông, một số công trình thủy lợi lớn.

Tổng số dự án đầu tư còn nợ khối lượng XDCB đến 31/12/2014 là 189 dự án, tổng mức vốn đầu tư là 3.554,75 tỷ đồng. Lũy kế số vốn NSNN và TPCP đã bố trí đến hết ngày 31/12/2014 là 2.092,03  tỷ đồng; lũy kế khối lượng thực hiện từ khởi công đến hết ngày 31/12/2014 là 2.587,98 tỷ đồng; lũy kế giải ngân từ khởi công đến hết ngày 31/01/2015 là 1.886,59 tỷ đồng; khối lượng nợ chưa có vốn thanh toán đến 31/12/2014 là 754,62 tỷ đồng.

IV. Tình hình và kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và cơ cấu nền kinh tế

1. Kết quả thực hiện kiềm chế lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Hoạt động tài chính tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quản lý chặt chẽ, linh hoạt theo chính sách tiền tệ của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đến cuối năm 2015 ước đạt 6.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,81%/năm, đáp ứng được gần 60% dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh. Tổng dư nợ tín dụng năm 2015 ước đạt 9.550 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,84%/năm. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu được khống chế dưới 3% tổng dư nợ. Đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách tài khóa của Chính phủ tại địa phương, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Kết quả đạt được khá tích cực từ mức tăng 24% năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2014 được giảm xuống mức tăng 5,32%, năm 2015 tiếp tục khống chế mức tăng dưới 5% góp phần ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ.

2. Tình hình thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh theo từng ngành, lĩnh vực 

Thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013, UBND tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động tái cơ cấu với mục tiêu tổng quát là: Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Qua 5 năm thực hiện đã có những những kết quả tích cực bước đầu với sự ổn định của nền kinh tế, lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng trưởng tuy không cao nhưng khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng, hiệu quả đầu tư phát triển có xu hướng được cải thiện.

2.1. Tình hình thực hiện tái cơ cấu thị trường tài chính, sắp xếp doanh Nhà nước

Tái cơ cấu thị trường tài chính, tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại: UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc các chính sách bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước; trong giai đoạn 2011-2015 nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng trên địa bàn liên tục tăng, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn hoạt động tương đối ổn định, dư nợ liên quan đến bất động sản và chứng khoản chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dư nợ, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ hàng năm được khống chế ở mức dưới 2%.

Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là Công ty Nhà nước: Tập trung vào việc sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn ở 19 doanh nghiệp (trong đó có 5 công ty TNHH 100% vốn nhà nước và 14 công ty cổ phần có vốn nhà nước). Đến hết tháng 10/2015 tỉnh Điện Biên đã hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn nhà nước ở 6/11 doanh nghiệp, cổ phần hóa 2/3 doanh nghiệp. Dự kiến đến hết năm 2015 còn 02 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nhà nước độc quyền quản lý và lĩnh vực then chốt, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất mà các thành phần kinh tế khác chưa có điều kiện đầu tư; 5 Công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ hoạt động trong lĩnh vực công ích thiết yếu và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn. 

2.2. Thực hiện tái cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực

Trong giai đoạn 2011- 2015 tỉnh đã tập trung chỉ đạo quy hoạch và hỗ trợ đầu tư phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả các ngành và lĩnh vực:

- Trong nông nghiệp: chuyển đổi cơ cấu các loại cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao như cao su, cà phê, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến giai đoạn 2016- 2020. Đẩy mạnh chăn nuôi các loại gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của đồng bào đặc biệt là trâu, bò, dê. Khuyến khích phát triển rừng sản xuất và các loại cây lâm nghiệp đa mục đích để thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

- Trong công nghiệp: đã có thêm nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến và khai thác được đầu tư và đi vào hoạt động như nhà máy chế biến gỗ tại Tuần Giáo, các nhà máy thuỷ điện Nậm He, Nậm Mức; ngành khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp, giảm giá thành xây dựng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

- Các ngành dịch vụ thị trường như thương mại, vận tải, du lịch cũng đã có những chuyển biến tích cực phù hợp với xu thế phát triển, nâng cao sức cạnh tranh góp phần tích cực thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đã tăng từ 40,06% năm 2010 lên 45,01% năm 2015.

3. Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế

3.1. Phát triển nông nghiệp và nông thôn 

Sản xuất nông lâm nghiệp: Giai đoạn 2011-2015, tổng quỹ đất nông lâm nghiệp đạt 824.712 ha, tăng 66,7 ngàn ha so với năm 2010; Tổng sản lượng lương thực năm 2015 ước đạt đạt 250 ngàn 375 tấn (đạt 101,43% mục tiêu kế hoạch 5 năm và tăng 12,43% so với năm 2010). Lương thực bình quân đầu người năm 2015 đạt 457,4 kg/người/năm, tăng 13,5 kg/người so với năm 2010. Đến năm 2015 tổng diện tích cao su toàn tỉnh là 5.258,4 ha, diện tích chè 577 ha và 4.368 ha cà phê; tỷ lệ che phủ rừng, năm 2015 đạt 41,84%, tăng 4,57% so với năm 2010. Tốc độ phát triển chăn nuôi khá ổn định, tổng đàn gia súc 533,598 ngàn con. Sản lượng thịt hơi các loại năm 2015 đạt 18,38 ngàn tấn, tăng bình quân 8,85%/năm.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai thực hiên, dự kiến đến hết năm 2015, 100% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới; 01 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 21/116 xã đạt tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; 30/116 xã đạt tiêu chí giáo dục; 23/116 xã đạt tiêu chí y tế xã; 36/116 xã đạt tiêu chí văn hóa; 01/116 xã đạt chuẩn tiêu chí về môi trường; 44/116 xã đạt tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn; 91/116 xã đạt tiêu chí về an ninh, trật tự, xã hội.

3.2. Về xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2015 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 2.517,7 tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với năm 2010, nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 12,8%/năm. Các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào như dệt thổ cẩm, mây tre đan được khuyến khích, hỗ trợ phát triển góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, có thêm sản phẩm hàng hóa phục vụ mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch, tạo thu nhập cải thiện đời sống nhân dân.

3.3. Về dịch vụ

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 5 năm ước đạt 32.609 tỷ đồng, riêng năm 2015 ước đạt 7.550 tỷ đồng, gấp 2,27 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 17,67%/năm (vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra đến năm 2015 đạt 5.900 tỷ tốc độ tăng trưởng bình quân 13,53 %/năm). Du lịch có bước phát triển tốt, đến năm 2015 tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 400% so với năm 2010; góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xác định. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2015 ước đạt 42,5 triệu USD tăng 3,19 lần so thực hiện năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,83% /năm.

4. Tình hình thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển các ngành lĩnh vực trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai lập và điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với yêu cầu chỉ đạo điều hành trong tình hình mới. Chất lượng quy hoạch cơ bản đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ phát triển; đã đảm bảo sự liên kết khớp nối với các loại quy hoạch ở cấp quốc gia, cấp vùng như quy hoạch giao thông, quy hoạch thủy điện…

5. Kết quả về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức

Đã xây dựng và tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năn 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 532 trường với 168.140 học sinh tăng 64 trường, 27.116 học sinh so với năm 2010. Toàn tỉnh hiện có 04 trường Cao đẳng, với 12.654 sinh viên, học viên; 9 trung tâm giáo dục thường xuyên, quy mô đào tạo khoảng 3.000 sinh viên. Giai đoạn 2011-2015 ước đào tạo nghề cho 39.980 lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 43,77%; giải quyết việc làm mới cho 42.628 lao động, bình quân 8.525 lao động/năm (trong đó xuất khẩu lao động 382 người).

Đã triển khai 73 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, điều tra cơ bản, nghiên cứu khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất...; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 trong hoạt động của một số cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

6. Tình hình thực hiện các mục tiêu về tiến bộ và công bằng xã hội

6.1. Xóa đói giảm nghèo

Trong 5 năm ước huy động được 11.803,5 tỷ đồng cho chương trình XĐGN. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 50,01% năm 2010 ước xuống còn 28,01% năm 2015, với 18.844 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân ước đạt 4,14%/năm. Riêng 5 huyện nghèo đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 70,44% năm 2010 xuống còn 40,25% (bình quân giảm 6,04%/năm).

6.2. Y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình

Đến năm 2015 toàn tỉnh có 595 bác sĩ, 51 dược sĩ đại học; đạt tỷ lệ 10,87 bác sĩ/1 vạn dântăng 1,86 lần so với năm 2010, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ số trạm y tế xã có bác sỹ từ 16,1% năm 2010 tăng lên 60% năm 2015; quy mô dân số giai đoạn phát triển khá ổn định, đến năm 2015 đạt khoảng 54,7 vạn dân; chất lượng dân số được nâng lên; mức giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm đạt 0,16%o/năm, chưa đạt mục tiêu đề ra là 0,56%o/năm.

6.3. Văn hóa - Thể thao

Đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, nổi bật là các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/2014) thiết thực, góp phần quảng bá hình ảnh Điện Biên với cả nước và bạn bè quốc tế. Đến năm 2015 có 60% hộ gia đình, 50% thôn, bản đạt chuẩn văn hoá (tăng 24,26% về tỷ lệ hộ gia đình văn hóa và tăng 33,6% tỷ lệ thôn, bản văn hóa so với năm 2010), 17 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh, đạt kế hoạch đề ra, tăng 142,8% so với năm 2010;

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, nhất là phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Dự ước năm 2015, số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên đạt 24%, tăng 22,4% so với năm 2010; số gia đình được công nhận gia đình thể thao đạt 15% tổng số gia đình toàn tỉnh, đạt 106,2% kế hoạch, tăng 13,3% so với năm 2010. Thể thao thanh tích cao đạt kết quả khá, từ năm 2011-2015, tỉnh đã đạt trên 234 huy chương các loại trong các cuộc thi khu vực và toàn quốc (tăng 30,7% so với giai đoạn 2006-2010).

6.4. Báo chí - xuất bản, phát thanh - truyền hình

Hoạt động báo chí được duy trì, đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai, đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới của địa phương. Hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh chấp hành quy định của pháp luật, không có ấn phẩm vi phạm quy định của Nhà nước và sai định hướng tuyên truyền của tỉnh, của Trung ương. Phát thanh truyền hình đã có sự đầu tư về nội dung, hình thức, hiệu quả công tác tuyên truyền từng bước nâng cao, nội dung tuyên truyền theo hướng cập nhật thông tin nhanh nhạy, đa dạng hóa các thể loại, tập trung tuyên truyền tới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

6.5. Thực  hiện  các  quyền  của  trẻ em, phát triển thanh niên, chăm sóc người có công và bình đẳng giới

Đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2020. Thực hiện tốt các hoạt động thăm hỏi tặng quà, trao học bổng, xe đạp, xe lăn,… cho trẻ em nghèo và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; đến năm 2015, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh là 98%, tăng 13% so với giai đoạn 2006-2010; có 70 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc người có công, gia đình chính sách được thực hiện kịp thời, đầy đủ với 1.277 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng; đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên được sự giúp đỡ của chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội.

Phụ nữ ngày càng tham gia tích cực và có vai trò quan trọng hơn trong công tác Đảng, công tác quản lý nhà nước ở chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp.

7. Kết quả bảo vệ, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên để đưa vào quy hoạch khai thác, sử dụng có hiệu quả phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội  đảm bảo quốc phòng, an ninh;

Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường; tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn; bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, các lưu vực sông; đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

8. Tình hình và kết quả phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng kinh tế khác

a) Tình hình và kết quả phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh

- Trục kinh tế động lực Quốc lộ 279Tiếp tục được đầu tư mạnh theo định hướng với việc xúc tiến nâng cấp đô thị Thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu trung tâm huyện lỵ Điện Biên, thị trấn huyện Mường Ảng, Khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang tạo thành chuỗi đô thị làm nền tảng căn bản cho việc phát triển công nghiệp và dịch vụ theo định hướng. Thời gian vừa qua với các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư tích cực, đã có thêm một số dự án trọng điểm về công nghiệp, thương mại, chế biến nông lâm sản được các nhà đầu tư đăng ký; diện tích cà phê, cao su tiếp tục được mở rộng  góp phần đưa khu vực này tiếp tục trở thành khu vực tăng trưởng năng động nhất trong nền kinh tế của tỉnh với mức đóng góp ước tính trên 70% tổng sản phẩm trong tỉnh, đặc biệt là sản xuất lương thực, công nghiệp khai thác, chế biến  các ngành dịch vụ... đưa vùng kinh tế động lực quốc lộ 279 có vị trí vai trò ngày càng quan trọng hơn trong quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.

Vùng kinh tế sinh thái ven sông Đà: Trong thời gian qua, tập trung chủ yếu vào thực hiện nhiệm vụ tái định cư thủy điện Sơn La thuộc địa bàn huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay. Đến nay khu vực Tủa Chùa và thị xã Mường Lay đã cơ bản hoàn thành công tác tái định cư, đang tích cực thực hiện các chương trình dự án hỗ trợ phát triển xuất cho nhân dân tái định cư theo quy hoạch, tập trung vào phát triển mở rộng diện tích chè đặc sản, trồng rừng sản xuất, quy hoạch và từng bước triển khai tuyến vận tải thủy gắn với du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La, nền kinh tế đã cơ bản phát triển theo định hướng quy hoạch.

- Vùng kinh tế Mường Chà, Mường Nhé: Hiện tại là khu vực khó khăn nhất, trong những năm qua tình trạng di dịch cư tự do tuy đã giảm nhưng chưa triệt để, tiếp tục gây ra những ảnh hưởng xấu tác động đến việc thực hiện phát triển vùng theo định hướng quy hoạch. Tuy nhiên, với sự tích cực của tỉnh, sự quan tâm đầu tư của Trung ương, đến nay đã tập trung chỉ đạo Đề án sắp xếp ổn định dân cư gắn với phát triển kinh tế- xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé theo Quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạm cho huyện Nậm Pồ mới chia tách, bộ máy chính quyền của huyện Nậm Pồ, Mường Nhé đã hoạt động ổn định sau chia tách, góp phần tăng cường năng lực quản lý địa bàn, quản lý dân cư và chủ quyền biên giới, kết hợp đẩy mạnh phát triển các cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê), kinh tế cửa khẩu là những bước đi phù hợp với lộ trình, góp phần phát triển ổn định, bền vững vùng biên giới phía Tây của tỉnh.

b) Về phát triển liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Đã phối hợp các tỉnh Sơn La - Lai Châu  trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng công trình thủy điện Sơn La và Lai Châu; phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong việc bảo tiến độ và chất lượng một số tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh trong vùng; xúc tiến hình thành tuor du lịch vùng Tây Bắc với 2 trọng điểm đến là Sa Pa và Điện Biên với số lượng du khách ngày càng tăng, từng bước khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của vùng Tây Bắc. Phối hợp chặt chẽ với trường Đại học Tây Bắc trong công tác tuyển sinh, quản lý sinh viên và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên nhà trường đến thực tập tại Điện Biên.

9. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển

Trong 5 năm tổng số vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước 17.988 tỷ đồng, trong đó: Vốn NSNN do địa phương quản lý 12.397 tỷ đồng; Vốn NSNN do các bộ ngành Trung ương quản lý 5.601 tỷ đồng. Việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước theo đúng qui định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

10. Tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; công tác đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế

a) Quốc phòng, an ninh

Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được xây dựng củng cố. Tình hình chủ quyền an ninh biên giới trên hai tuyến biên giới của tỉnh cơ bản ổn định. Hoàn thành công tác cắm mốc tuyến Việt - Lào với 144 vị trí tương ứng 156 cột mốc đã cắm trên thực địa. Làm tốt bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, văn hóa tư tưởng, kinh tế, an ninh thông tin. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị quan trọng của tỉnh.

b) Công tác đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế

Tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; Duy trì quan hệ hữu nghị với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) góp phần giữ vững ổn định chính trị, hợp tác và phát triển trên các lĩnh vực. Thiết lập quan hệ với tỉnh Nan (Thái Lan). Tăng cường quan hệ với Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về các nguồn lực góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đồng thời quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người tỉnh Điện Biên đến với bạn bè trong nước và thế giới. Công tác phi chính phủ của tỉnh được quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả, đảm bảo theo các quy định hiện hành góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

11. Các kết quả thực hiện cải cách hành chính, công tác thi hành pháp luật. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực; chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…

a) Cải cách hành chính và công tác thi hành pháp luật, nhất là cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có kết quả. Đến nay hầu hết các cơ quan, đơn vị đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công được đẩy mạnh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức và người dân.

b) Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực được tăng cường. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý đối với các ngành, cấp huyện nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng. Các công cụ Kiểm toán xã hội đã được giới thiệu và bước đầu thực hiện nhằm lấy ý kiến phản hồi của người dân về các dịch vụ và chính sách xã hội liên quan đến giáo dục và y tế nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ.

c) Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên qua từng năm. Đến năm 2015 dự ước 98% cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên có trình độ đại học và trên đại học; 100% được đào tạo lý luận chính trị; 90% bồi dưỡng kiến thức về quản lý. Cán bộ chuyên trách cơ sở: 100% có trình độ văn hóa từ THCS trở lên, trong đó 60% có trình độ THPT; 85% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% được đào tạo chuyên môn, trong đó 60%  có trình độ trung cấp và tương đương trở lên.

d) Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, góp phần tích cực, từng bước ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng lãng phí. Trong 03 năm (2011-2013) đã triển khai 497 cuộc thanh tra, đã phát hiện sai phạm về kinh tế trên 35 tỷ 604 triệu đồng, 420.929m2 đất các loại; kiến nghị thu hồi nộp NSNN gần 20 tỷ 121 triệu đồng, 2.748m2 đất nông nghiệp; đã thu hồi nộp sách nhà nước trên 14 tỷ 596 triệu đồng, 2.748m2 đất; xử lý khác trên 15 tỷ 247 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 12 tập thể, 73 cá nhân.

V. Đánh giá về việc tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 -2015

Các cấp, các ngành có bước đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 -2015. Đã xây dựng và cụ thể hóa hệ thống giải pháp chỉ đạo điều hành, cơ chế phối hợp gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, từng ngành để tổ chức thực hiện các mục tiêu đề ra. Chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, các trương trình, dự án trọng điểm đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò  giám  sát của  HĐND, Mặt  trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm.

VI. Các giải pháp, chính sách quan trọng đã ban hành để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015

Trong giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng và tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 như: Thực hiện Rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tế; Cụ thể hóa các chính sách của Trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh; ban hành một số chính sách đặc thù về hỗ trợ chính sách phát triển nông, lâm nghiệp, hỗ trợ phát triển cây cà phê, cao su, chính sách đào tạo cán bộ của tỉnh. Ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 21/10/2015 về ban hành quy chế quản lý đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức thuộc tỉnh;

VII. Đánh giá tổng quát về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm

1. Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển ổn định, tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn so với nhịp độ tăng trưởng GDP cả nước. Các ngành sản xuất chủ yếu có mức tăng trưởng khá. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được tích cực thực hiện và đạt được kết quả đáng khích lệ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La và sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé đạt kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại được tăng cường; chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Đến năm hết năm 2015, các mục tiêu chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm cơ bản hoàn thành, đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển.

2. Các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém

2.1. Các hạn chế, yếu kém

(1) Tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp chưa đạt mục tiêu đề ra; Tái cơ cấu nền kinh tế còn rất chậm; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp; Tốc độ áp dụng và đổi mới công nghệ chậm, chưa đáp ứng nhu cầu.

(2) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa vững chắc, việc thực hiện chính sách phát triển các thành phần kinh tế còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước của địa phương còn thấp.

(3) Sản xuất nông, lâm nghiệp: Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch, chất lượng hiệu quả chưa cao, quy mô nhỏ lẻ, tốc độ phát triển chậm chưa phát huy được lợi thế ở địa phương, tỷ lệ che phủ của rừng tăng thấp đến năm 2015 mới đạt 41,84%. Tiềm năng về rừng và đất rừng chưa được khai thác có hiệu quả, việc triển khai các dự án trồng rừng đã đăng ký chậm, thiếu khả thi; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả không cao. Hơn 70% dân cư trong tỉnh (đặc biệt ở các vùng cao và vùng biên giới cuộc sống liên quan trực tiếp đến rừng), song rừng chưa tạo được nhiều việc làm thường xuyên, thu nhập của những người làm nghề rừng thấp, rừng chưa thực sự đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo. Việc triển khai thực hiện chương trình 5 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn vốn đầu tư hàng năm kết dư lớn, năng lực, hiệu quả hoạt động của các Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ còn hạn chế. Hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến lâm, khai thác sử dụng các công trình thủy lợi còn hạn chế.

(4) Công nghiệp tăng trưởng chưa ổn định, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa cao, quy mô ngành công nghiệp nhỏ, mức đóng góp vào nền kinh tế còn thấp, một số sản phẩm công nghiệp mặc dù đã có mức tăng trưởng khá song vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đạt kế hoạch. Tiến độ triển khai các dự án phát triển sản xuất công nghiệp chậm so với dự kiến. Các sản phẩm công nghiệp còn nghèo nàn, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, khó tiêu thụ nên chủ yếu chỉ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.

(5) Các thành phần kinh tế phát triển còn hạn chế, kinh tế quốc doanh địa phương mặc dù đã được sắp xếp, đổi mới những vẫn làm ăn kém hiệu quả làm suy giảm phần vốn đầu tư của Nhà nước. Các thành phần kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dịch vụ; lĩnh vực sản xuất và trồng rừng bước đầu có sự đầu tư của một số doanh nghiệp lớn nhưng triển khai chậm do vướng mắc trong khâu giao đất.

(6) Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển tích cực so với giai đoạn trước, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

(7) Thu ngân sách trên địa bàn chiếm tỷ trọng thấp, nguồn thu không ổn định: Nguồn thu còn phụ thuộc nhiều vào các công trình xây dựng từ ngân sách Nhà nước, thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh còn ít,

(8) Sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế được quan tâm phát triển song vẫn còn nhiều khó khăn

Chất lượng và hiệu quả giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói chung còn chưa cao; tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường ở vùng đặc biệt khó khăn còn thấp; còn tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần. Đội ngũ giáo viên phổ thông cơ bản đủ về số lượng nhưng chưa đồng bộ về cơ cấu, giáo viên mầm non còn thiếu, chưa có biên chế nhân viên cấp dưỡng trong các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú. Tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm ngày càng tăng. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là thể lực đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh còn cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở một số địa phương còn cao, nhất là ở vùng cao, vùng sâu; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng. Một số chỉ tiêu về giảm tỷ suất sinh, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, số giường bệnh quốc lập/1 vạn dân chưa đạt mục tiêu đề ra. Còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch ở vùng sâu, vùng xa.

(9) Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm mạnh (đạt 117% so với Nghị quyết) song chưa vững chắc, còn ở mức cao; tỷ lệ hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cao. Chênh lệch về mức sống giữa các vùng còn lớn.

(10) Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, cải các hành chính chưa đáp ứng so với yêu cầu. Sự phối hợp giữa cấp các ngành trong công tác quản lý còn chưa chặt chẽ làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Trình độ đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, một số cán bộ cơ sở cấp xã còn bất cập về trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ.

(11) Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại: Vẫn còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định chính trị; tình trạng di dân tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập "Vương quốc Mông", buôn bán vận chuyển các chất ma túy… diễn biến phức tạp.

2.2. Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém

a) Nguyên nhân khách quan

Điện Biên là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn, địa bàn khó khăn hiểm trở, hạ tầng kinh tế- xã hội thấp kém; nguồn lực đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới nói chung và nước ta những năm 2011-2013 tốc độ lạm phát cao, suy giảm kinh tế kéo dài, khiến cho đầu vào của sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định.

b) Nguyên nhân chủ quan

Công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực bị động, chủ yếu xuất phát từ những, bất cập và nhu cầu thực tế trước mắt nên tầm nhìn hạn chế, chế tài về việc quản lý lập quy hoạch nhìn chung chưa được rõ; một số quy hoạch còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác; kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch chưa cao. Đội ngũ cán bộ còn thiếu, một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, thiếu năng động, sáng tạo, còn tư tưởng trông chờ vào Trung ương.

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh còn chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu là vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hiệu quả kinh tế trực tiếp thấp dẫn tới chi phí đầu tư trên một đơn vị giá trị gia tăng cao.

Các dự án sản xuất trọng điểm triển khai chậm hơn so với dự kiến như dự án  thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng rừng. Công tác quản lý đất đai nhất là đất rừng còn nhiều bất cập, việc giao đất cho các nhà đầu tư để thực hiện các dự án còn vướng mắc.

Nguồn vốn huy động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nhiều nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, mặt khác mục tiêu và chiến lược phát triển hạ tầng của tỉnh chưa được đảm bảo do không chủ động được nguồn vốn hàng năm.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn kéo dài, do tư vấn lập chất lượng chưa đảm bảo. Vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng nhất là tiến độ kê khai, phê duyệt phương án giải phóng và thiếu hụt nguồn vốn là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ của nhiều dự án chưa đảm bảo. Công tác quản lý chất lượng thi công ở một số dự án chưa tốt, công tác quản lý khai thác công trình sau đầu tư nhất là những công trình do cộng đồng quản lý còn thiếu hiệu quả.

Công tác xóa đói giảm nghèo chưa trở thành động lực của nhiều hộ nghèo, do trình độ nhận thức và ý chí vươn lên để thoát nghèo còn hạn chế, một bộ phận hộ nghèo còn ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa có chế độ, chính sách ưu đãi kịp thời, thỏa  đáng để  thu  hút được cán bộ, giáo viên, bác sĩ có chuyên môn giỏi về công tác tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

3. Bài học kinh nghiệm

(1) Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy tiềm năng, thế mạnh và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh, thành phố để phát triển. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện thiết thực, có hiệu quả cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

(2) Phân tích, dự báo đúng tình hình, đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với thực tiễn; phát huy tính năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ; nâng cao tính kỷ luật trong việc tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch hàng năm gắn với nhiệm vụ, định hướng trong kế hoạch 5 năm.

(3) Chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, tập hợp được sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân trong tổ chức thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm, nhất là trong thực hiện các chương trình, dự án được phổ biến rộng rãi và tham khảo ý kiến của nhân dân trước khi đầu tư, nhằm tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt trong việc giải phóng mặt bằng để các công trình hạ tầng ở địa bàn nông thôn và đô thị.

(4) Nắm vững quan điểm phát triển bền vững, luôn chú trọng tăng trưởng kinh tế đi đôi với chăm lo phát triển xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội - xoá đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc xã hội, bảo vệ môi trường.

(5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cấp chính quyền, vai trò tập hợp vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp; phát huy tính chủ động tham mưu của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(6) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện phân công, phân cấp theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế, gắn tổ chức thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm người đứng đầu. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, gần dân, sát dân trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

(7) Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo tình huống có thể xảy ra, đề ra những phương án, giải pháp đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay tại cơ sở.

 

Phần thứ hai

ĐỊNH HƯỚNG KẾ HOẠCH  PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

5 NĂM  2016 - 2020

 

I. Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước có tác động, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên

1. Những thuận lợi

Dự báo xu hướng chung là kinh tế thế giới giai đoạn (2016-2020) sẽ tiếp tục hồi phục và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cao hơn so với thời kỳ trước; thương mại quốc tế và các dòng vốn quốc tế tiếp tục tập trung vào nước ta theo xu hướng hội nhập nhất là khi hiệp định TPP và các hiệp định tự do thương mại và song phương khác có hiệu lực được xem là những động lực, tạo điều kiện để kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020. Sau 30 năm đổi mới, hệ thống thể chế, cơ chế chính sách về kinh tế thị trường của nước ta từng bước được định hình; sự ổn định chính trị tiếp tục là nền tảng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tổng vốn đầu tư phát triển và năng lực sản xuất mới tăng thêm của giai đoạn 2011-2015 với nhiều công trình hoàn thành đi vào hoạt động góp phần nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế và tạo ra bước phát triển mới.  

Diện tích tự nhiên rộng, tài nguyên đa dạng, tiềm năng về rừng và đất rừng còn rất lớn, tiềm năng du lịch có nhiều điều kiện để phát triển, nhất là khu quần  thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ (di tích Quốc gia đặc biệt) và vùng lòng hồ sông Đà. Hệ thống cửa cửa khẩu, lối mở với các nước Lào, Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho phát triển xuất, nhập khẩu. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt được nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.

2. Những khó khăn thách thức

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) được thực hiện trong bối cảnh những khó khăn, thách thức còn hiện hữu, những căng thẳng trong bảo vệ chủ quyền Biển Đông và biên giới còn phức tạp, những rủi ro trên thị trường tài chính, tình trạng nợ công tăng cao và chưa được giải quyết triệt để... có tác động tiêu cực tới đà phục hồi bền vững của nền kinh tế trong nước và của tỉnh.

Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi hội nhập kinh tế và cạnh tranh ngày càng quyết liệt và gay gắt hơn. Hệ thống thị trường chưa phát triển đồng bộ, các nguyên tắc của kinh tế thị trường chưa được hình thành đầy đủ, cản trở cho đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở nhiều cấp, nhiều ngành và cơ sở còn bất cập, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa cao, năng lực hạn chế.

Địa bàn rộng, địa hình chủ yếu là núi cao chia cắt mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém và chưa đồng bộ đã và sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư từ bên ngoài, nhất là đầu tư nước ngoài.

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao (28,01% năm 2015), sản xuất hàng hóa chậm phát triển, đời sống đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn; quy mô nền kinh tế nhỏ bé, chưa có tích lũy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm... Nguy cơ tụt hậu về kinh tế ngày càng xa so với trung bình cả nước và các tỉnh khác trong khu vực.

Ngoài những khó khăn trên, tỉnh Điện Biên còn gặp phải những thách thức như: Chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh còn nhiều hạn chế, thiếu lao động kỹ thuật cao, các chuyên gia đầu ngành; đội ngũ cán bộ công chức trình độ còn bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tập quán sản xuất tự túc tự cấp của đồng bào vùng cao và tư tưởng trông chờ bao cấp ở một bộ phận người dân; tiềm ẩn bất ổn trong xã hội như lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do… gây mất trật tự xã hội.

II. Mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu

1. Mục tiêu tổng quát

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để tạo bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ổn định cuộc sống cho đồng bào các vùng tái định cư, khắc phục cơ bản tình trạng di dân cư tự do; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại; phấn đấu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

2. Nhiệm vụ chủ yếu

(1) Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu để tăng trưởng bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng của khu vực Tây bắc.

(2) Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tập trung đầu tư để cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020 phấn đấu cơ bản hoàn thành hệ thống đường tỉnh, đường đến trung tâm xã, xây dựng hạ tầng đô thị trung tâm các huyện mới chia tách và thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II; hệ thống cấp điện cho các thôn bản chưa có điện, trạm y tế xã cho các xã chưa có nhà trạm hoặc xuống cấp, kiên cố hóa trường, lớp học, hệ thống nhà công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú…

(3) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học, công nghệ, đưa nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí. Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết công bằng xã hội, khắc phục chênh lệnh giữa các địa bàn. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội bức xúc nhất là ma túy, HIV/AIDS.

(4) Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ổn định cuộc sống cho đồng bào các vùng tái định cư Dự án thủy điện Sơn La; hoàn thành sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé, khắc phục cơ bản tình trạng di dân cư tự do; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

(5) Tạo chuyển biến mạnh trong xây dựng văn hóa, đạo đức và lối sống cán bộ, công chức và người dân; kiểm soát tốc độ tăng dân số, nâng cao thể chất và sức khỏe cho nhân dân nhất là đồng bào vùng đặc biệt khó khăn; bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động phòng chống, hạn chế tác động thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

(6) Đẩy mạnh công tác Cải cách hành chính và công tác thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức và người dân; tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận tiện, thông thoáng, minh bạch, thân thiện cho doanh nghiệp và Nhà đầu tư.

(7) Tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp, đi đôi với thực hiện tái cơ cấu ngành. Chú trọng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; áp dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và phát triển thị trường.

(8) Tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từng bước phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung phát triển du lịch lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa các dân tộc.

(9) Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí.

(10) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

III. Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến 2020

1. Kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân cả thời kỳ 2016-2020 tăng  trên 6,9%/năm, nâng mức GRDP bình  quân  đầu người của tỉnh lên 1.800 - 2.000 USD/người.

Nhịp độ phát triển bình quân các khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong 5 năm tới lần lượt là 3,67%; 7,09% và 8,09%/năm.

Tạo sự chuyển biến rõ nét và vững chắc về cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GRDP của tỉnh phù hợp với tốc độ chuyển dịch cơ cấu dân cư và lao động; mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp chiếm 18,52%; công nghiệp - xây dựng 26,4%, dịch vụ 55,08%.

Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.042 tỷ đồng (giá so sánh 2010) tăng bình quân 14,9%/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2015. Giá trị tăng thêm đến năm 2020 đạt 1.379 tỷ đồng tăng trưởng bình quân  14,36%/năm.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt khoảng 12.000 tỷ đồng; trong đó, riêng thu nội địa phấn đấu đạt 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn giai đoạn (2016 - 2020) phấn đấu đạt 350 triệu USD, đến năm 2020 phấn đấu đạt 100 triệu USD, tăng trưởng bình quân hàng năm 22,67% /năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đạt từ 50-55 ngàn tỷ đồng.

2. Xã hội:

Tốc độ phát triển dân số bình quân giai đoạn 2016-2020 là 1,63%/năm, quy mô dân số đến năm 2020 dưới 60 vạn người.

Đẩy mạnh công tác đào tạo dạy nghề, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo ở các trường chuyên nghiệp trong tỉnh với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển ở địa phương. Mỗi năm đào tạo nghề từ 7.800-8.200 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo đạt 75% trở lên; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6% năm 2020; tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động/năm.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (theo chuẩn nghèo 2011-2015) từ 28,01% năm 2015 xuống còn 14,36% năm 2020 (bình quân giảm 2,7%/năm); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 41,03% năm 2015 xuống còn 18,53% năm 2020 (bình quân giảm 4,5%/năm).

Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; có 60% đơn vị hành chính cấp xã, 03 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 2. Huy động trẻ 0-2 tuổi ra lớp đạt trên 50%; trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 98%, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt trên 99,5%; trẻ 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,5%; trẻ 11-14 tuổi ra lớp đạt 95%; trẻ 15-18 tuổi học trung học phổ thông và tương đương đạt 70%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97%; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 94%.

Hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã, bản; phấn đấu đến năm 2020, bình quân 11 bác sĩ/1 vạn dân; Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 94%; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể cân nặng/tuổi) xuống còn 10%; bình quân có 38,8 giường bệnh quốc lập/1 vạn dân; tỷ lệ xã có bác sĩ hoạt động 90%; phấn đấu 80% số xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 16%o; Nâng tuổi thọ trung bình của dân số đến năm 2020 là 75 tuổi; tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng giảm xuống dưới 0,3%.

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; đến năm 2020 có 99% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh; Tăng tỷ lệ số xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em từ 53,8% năm 2016 lên 84,6% năm 2020 (110 xã phường). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc giúp đỡ giúp đỡ tăng từ 82% năm 2016 lên 95% vào năm 2020.

Tiếp tục mở rộng và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các khu vực, địa bàn trong toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có 70% hộ gia đình, 55% thôn bản tổ dân phố, trên 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá. 100% huyện, thị có nhà văn hóa - thể thao.

Đến năm 2020, nâng tỷ lệ xã, phường có nhà văn hóa, thể thao là 60%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố có nơi sinh hoạt cộng đồng 25%; tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia tập luyện thể thao thường xuyên lên 29%; đón 870 ngàn lượt du khách (trong đó 220 ngàn lượt khách quốc tế); doanh thu dịch vụ du lịch 1.500 tỷ đồng.

3. Môi trường:

Nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 41,84% năm 2015 lên 45% năm 2020 đảm bảo tốt chức năng phòng hộ và duy trì ổn định nguồn thủy năng trên địa bàn.

Đến năm 2020 tất cả các đô thị trong tỉnh được thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó thành phố Điện Biên Phủ được xử lý, tái chế; 100% rác thải y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được xử lý theo đúng quy định; hoàn thành dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Điện Biên Phủ.

Đến năm 2020 phấn đấu 67,77% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 99,5% dân cư đô thị được cấp nước sạch sinh hoạt, khoảng 71,18% số hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp quy cách.

4. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội:

Đến năm 2020, phấn đấu hoàn thành việc đầu tư nâng cấp hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và Cảng hàng không theo quy hoạch, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm, 100% đường huyện và 50% đường cấp xã được cứng hóa; 100% số xã có điện lưới Quốc gia, trên 98% số hộ dân được sử dụng điện; 100% số hộ xem được truyền hình TW và truyền hình tỉnh; 90% số xã trở lên có Đài truyền thanh không dây;

Hoàn thành các Đề án đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên và đề án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú dân nuôi, đảm bảo trên 90% phòng học, nhà ở nội trú được kiên cố hóa. Hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, trên 80% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, số giường bệnh quốc lập đạt 38,8 giường bệnh/1vạn dân.

Cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng các trung tâm huyện lỵ mới thành lập và hạ tầng các khu cửa khẩu Huổi Puốc, lối mở A Pa Chải. Hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch thành phố Điện Biên Phủ, triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính mới của Tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 đưa thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; 30% số xã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới (15 - 19 tiêu chí).

III. Dự báo các cân đối lớn của ngành, lĩnh vực và địa phương

1. Dự báo cân đối nguồn lực: Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,9%/năm và thực hiện đạt các nhiệm vụ về củng cố phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đã đề ra giai đoạn đến năm 2020, tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 2020 cần khoảng 50-55 ngàn tỷ đồng, bình quân khoảng 11ngàn tỷ đồng/năm. Dự kiến huy động từ các nguồn sau:

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 26.028 tỷ đồng, chiếm 50,57% tổng nguồn vốn đầu tư. Trong đó: Vốn do địa phương quản lý 14.670 tỷ đồng, chiếm 56,36% nguồn vốn NSNN; vốn do Trung ương quản lý 8.858 tỷ đồng, chiếm 34,03% nguồn vốn đầu tư từ NSNN (tập trung vào một số bộ, ngành như sau: Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Quốc phòng, Giáo dục, Công an, Y tế và các Bộ, ngành khác);

Vốn tín dụng đầu tư 853 tỷ đồng, chiếm 1,66%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 92 tỷ đồng, chiếm 0,18%; vốn đầu tư từ các Doanh nghiệp nhà nước 2.500 tỷ đồng, chiếm 9,61%; vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và dân cư 25.351 tỷ đồng, chiếm 49,25% so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

2. Giải pháp huy động, quản lý nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

a) Về huy động nguồn lực: Để đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, cần khai thác tốt hơn các nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương, kết hợp với Ngân sách địa phương; đẩy mạnh và xây dựng các giải pháp huy động có hiệu quả sức đóng góp của dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

b) Đối với các nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước: Trên cơ sở Kế hoạch đầu tư kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phê duyệt, đáp ứng kịp thời về mặt thủ tục; quá trình xây dựng các chương trình, dự án cần phối kết hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương báo cáo đề xuất kịp thời để tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án đặc thù của tỉnh. Tập trung đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn trái phiếu, ODA cho các dự án giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp và y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn đã dự kiến đầu tư trong giai đoạn trước nhưng chưa triển khai được do chưa huy động được nguồn vốn đầu tư như quốc lộ 6A (đoạn Tuần Giáo - Mường Lay), quốc lộ 279 (đoạn Điện Biên - Tây Trang); tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư ODA tập trung hoàn thành có chất lượng, đảm bảo tiến độ các dự án ODA lớn đã được cam kết tài trợ.

c) Đối với các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế: Tăng cường việc khai thác bổ sung nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hướng: Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP ở các dự án tiềm năng như xây dựng hạ tầng giao thông, thương mại và du lịch. Tăng cường khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất, thực hiện tốt cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất ở các khu đô thị để tạo nguồn vốn chủ động cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Xây dựng cơ chế phù hợp để huy động tốt các nguồn lực trong nhân dân kể cả đóng góp bằng công lao động tham gia giám sát, quản lý sau đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng nhanh và bền vững.

IV. Nhiệm vụ, định hướng và giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực và cơ cấu kinh tế trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

1. Về Kinh tế

1.1. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

a) Nhiệm vụ, định hướng phát triển

Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái và các công trình thủy điện lớn của đất nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường vùng hạ du. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh liên kết công - nông để nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm và để tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Phấn đấu đưa lâm nghiệp trở thành ngành có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất khu vực nông - lâm nghiệp đạt nhịp độ phát triển bình quân 2016-2020 đạt 4,35%/năm. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2020 đạt 260 nghìn tấn.

Đến năm 2020 phấn đấu 35/116 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới, các xã còn lại đáp ứng một số tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b) Giải pháp, chính sách phát triển 

Tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, triển khai và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh phong trào xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là vùng đồng bào các dân tộc, khu vực biên giới thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và các hình thức sản xuất mới như việc góp giá trị quyền sử dụng đất vào các công ty cổ phần nông, lâm nghiệp.

 Nông nghiệp: Tiếp tục đầu tư xây dựng các hồ đập thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, phát huy năng lực các công trình để mở rộng diện tích lúa ruộng, ổn định diện tích lúa nương. Tăng cường công tác tập huấn tuyên truyền chuyển giao công nghệ mới, các quy trình kỹ thuật tiên tiến ứng dụng trong sản xuất, nâng cao nhận thức của người dân trong việc xử lý các sản phẩm phụ trong nông nghiệp nhằm tạo môi trường sản xuất nông nghiệp trong sạch, an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Huy động sự tham gia của các thành  phần  kinh  tế tập trung đầu tư mở rộng diện tích chè, cà phê, cao su; tiếp tục nghiên cứu cây mắc ca các loại cây công nghiệp dài ngày và phát triển các vùng chuyên canh hoa, rau sạch và cây thực phẩm khác tại các khu vực ven đô, nhất là ven thành phố Điện Biên Phủ, ven các thị trấn, thị tứ và các khu vực tập trung dân cư để đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, nhất là chăn nuôi lợn, gia cầm để đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm hàng hoá cho tiêu dùng nội tỉnh. Đẩy  mạnh  phát  triển chăn  nuôi trâu, bò, dê thịt tại các vùng có điều kiện để đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, tiến tới xuất khẩu ra ngoài tỉnh.

 Lâm nghiệp: Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2011- 2020 theo quy hoạch phát triển 3 loại rừng đã được phê duyệt. Tăng cường quản lý bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên cơ sở mở rộng diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các nhà đầu tư trồng rừng sản xuất để tháo gỡ vướng mắc trong giao đất thực hiện các dự án trồng rừng sản xuất. Xây dựng chính sách tăng cường hỗ trợ cho nhân dân thực hiện kế hoạch trồng rừng sản xuất theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Thủy sản: Tận dụng tối đa diện tích mặt nước các ao, hồ để nuôi trồng thủy sản. Phát triển nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sơn La. Chú trọng phát triển các giống thuỷ sản mới có giá trị kinh tế cao và đã được khảo cứu thành công để nhân rộng ra các địa bàn trong tỉnh.

Nông thôn mới: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho 35/116 xã lựa chọn. Tập trung đẩy mạnh thực hiện những tiêu chí không yêu cầu nhiều kinh phí đầu tư như tuyên truyền thay đổi nhận thức về công tác giảm nghèo, và phát động các phòng trào thi đua đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, và cải thiện môi trường sinh hoạt ở nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 có 35/116 xã đáp ứng theo tiêu chí NTM và hạ tầng thiết yếu cho các xã còn lại. Củng cố và nâng cao năng lực cán bộ quản lý ở cấp chính quyền cơ sở; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

1.2. Công nghiệp – Tiểu thu công nghiệp

a) Nhiệm vụ, định hướng phát triển: Tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm sản xuất, cải thiện sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với các vùng sản xuất nông lâm nghiệp tập trung; phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Đưa công nghiệp phát triển với nhịp độ cao, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, nhất là các làng nghề truyền thống, các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch và phục vụ đời sống của người dân. Giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm 2016-2020 (theo giá so sánh năm 2010): phấn đấu đạt 19.312 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 14,9%/năm. Đến năm 2020 phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.042 tỷ đồng tăng 2 lần so thực hiện năm 2015. Giá trị tăng thêm đến năm 2020 đạt 1.379 tỷ đồng tăng 14,36%/năm.

b) Giải pháp, chính sách phát triển một số ngành công nghiệp: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp như: phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ; Tổ chức đào tạo nghề mở các lớp truyền nghề nâng cao năng lực cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hiện có, đồng thời chuẩn bị nhân lực có tay nghề cho các dự án công nghiệp sắp sửa hoàn thành.

Tiểu thủ công nghiệp: Tăng cường hỗ trợ để hình thành và phát triển các làng nghề, phát triển đồ thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch. Gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống.

Ngành Công nghiệp khai thác mỏ: Kêu gọi thu hút đầu tư các dự án khai thác khoáng sản chì, kẽm, đồng, vật liệu xây dựng... theo quy hoạch trên cơ sở khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản gắn chế biến, khai thác và bảo vệ môi trường. Tập trung vào khai thác các mỏ hiện tại như chế biến than, các loại đá sản xuất vật liệu xây dựng, quặng sắt, cát, đá sỏi.  

 Công nghiệp sản xuất và phân phối điện: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhà máy thủy điện đã khởi công xây dựng. Hoàn thiện các thủ tục, dự án đầu tư để khởi công xây dựng các nhà máy thủy điện được cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư. Ngoài ra cần đầu tư phát triển các dạng năng lượng khác ở vùng sâu, vùng xa không có khả năng kéo điện lưới quốc gia như: sử dụng giàn pin năng lượng mặt trời, sử dụng thủy điện cực nhỏ (thủy điện mini 250-500W). Đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển hệ thống lưới điện phân phối trên địa bàn các xã trong tỉnh bao gồm có đầu tư xây dựng mới, mở rộng và cải tạo lưới điện. 

Công nghiệp chế biến: Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến có dây truyền công nghệ tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu đã được hình thành và phát triển như: Vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên; Vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; nhà máy gạo chất lượng cao tại huyện Điện Biên. Đầu tư xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở vùng lòng chảo Điện Biên Phủ phục vụ nhu cầu của nhân dân khu vực thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho cá tại thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay.

1.3- Phát triển các ngành dịch vụ

a) Nhiệm vụ, định hướng phát triển: Phát triển thương mại, dịch vụ từng bước theo hướng hiện đại dựa trên các cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao để trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ bình quân thời kỳ 2016-2020 đạt 15,81%/năm. Nâng tỷ trọng dịch vụ trong GRDP của tỉnh lên khoảng 48,5% vào năm 2020. Trọng tâm là dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, xuất nhập khẩu, nâng cao chất lượng hiệu quả của các dịch vụ công.                  

Phấn đấu Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đạt 56.880 tỷ đồng. Đến năm 2020 phấn đấu đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 1,95 lần so với ước thực hiện năm 2015, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14,25%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ trên điạ bàn giai đoạn (2016 - 2020) phấn đấu đạt 350 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 22,67%/năm. Đến năm 2020 phấn đấu phấn đấu đạt 100 triệu USD tăng 2,78 lần so thực hiện 2015.  

Tiếp tục đẩy mạnh, thu hút đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch lịch sử, văn hóa dân tộc và nghỉ dưỡng, xây dựng Điện Biên thành trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc. Năm 2020 thu hút khoảng 870 ngàn lượt du khách (trong đó có 220 ngàn lượt khách Quốc tế), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2015.

b) Giải pháp, chính sách phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu

 Thương mại: Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước có chung biên giới đặc biệt là với các tỉnh Bắc Lào, Vân Nam Trung Quốc; tổ chức các hội thảo, hội nghị, hội đàm xúc tiến về thương mại và đầu tư. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển gắn hiệu quả kinh doanh thương mại với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Khai thác và phục vụ tốt thị trường trong tỉnh kết hợp đẩy mạnh giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển thị trường trong vùng và cả nước; tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố; ưu tiên đầu tư xây dựng chợ nông thôn vùng sâu, vùng xa, chợ biên giới, cửa khẩu.

Huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại dịch vụ, siêu thị kinh doanh tổng hợp tại đô thị trung tâm huyện, thị xã, thành phố theo hướng hiện đại hoá, ưu tiên bố trí vốn đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống chợ theo quy hoạch. Phát triển mối liên kết trực tiếp, ổn định và lâu dài giữa các doanh nghiệp thương mại nội địa và xuất nhập khẩu với cơ sở công nghiệp chế biến, HTX thương mại và dịch vụ, với hộ nông dân, trang trại nuôi, trồng nông - lâm - thuỷ sản; tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

 Du lịch: Thu hút đầu tư t các thành phn kinh tế, khai thác có hiu qu tim năng, li thế v du lch, nhất là khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang; phát trin du lch, gn vi bo tn và phát huy các giá tr văn hóa truyn thng, lch sđưa du lch tr thành ngành kinh tế quan trng, tđộng lc thúđẩy phát trin kinh tế - xã hi. Xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch đến năm 2025Đầu tư, xây dng mt s khu, tuyến, đim du lch; to nhng sn phm du lch đa dng, đặc sc, có sc cnh tranh. Khuyến khích liên doanh, liên kết hình thành các tuyến du lch trong nước và quc tế qua Đin Biên; nâng cao hiu qu qun lý và cht lượng ngun nhân lc ngành du lch.

 Xuất nhập khẩuTập trung nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng  khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch được duyệt; đầu tư mạng lưới chợ biên giới Việt  - Lào; Việt - Trung theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở.

 Vận tải: Phát triển vận tải theo hướng đa phương thức, mở rộng phát triển với Lào và Trung Quốc. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và từng bước thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế.

Các dịch vụ khác: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, bưu chính viễn thông và các dịch vụ xã hội khác... để phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực dịch vụ, đồng thời hình thành một thị trường dịch vụ sôi động, có hiệu quả tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về giao lưu kinh tế, văn hoá trong xu thế hội nhập.

1.4. Phát triển các loại hình doanh nghiệp

a) Nhiệm vụ, định hướng phát triển: Khuyến khích các thành phần kinh tế huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh khai thác những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Phấn đấu hết năm 2020 toàn tỉnh có 1.670 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 13.262 tỷ đồng; có 265 hợp tác xã, với tổng số vốn đăng ký 360 tỷ đồng; có 20.920 hộ kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký 2.646 tỷ đồng.  

b) Giải pháp, chính sách phát triển 

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng; Thực hiện nhất quán, lâu dài các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.

1.5. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài

a) Nhiệm vụ, định hướng thu hút đầu tư: Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó, tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh, cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả  các  lợi thế, tiềm  năng của  tỉnh. Tổng số vốn thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu đạt 91,6 tỷ đồng.

b) Giải pháp, chính sách thực hiện 

Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện dự án trên địa bàn. Thực hiện Quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư; tập trung thực hiện cải cách để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thu hút đầu tư các dự án có định hướng và chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án; ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực có tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển;

Thường xuyên cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách và quy định chuyên ngành có liên quan đến hoạt động đầu tư để cung cấp kịp thời cho các nhà đầu tư. Tăng cường công tác tham quan học tập, trao đổi với các tỉnh đã làm tốt công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; chủ động tăng cường quan hệ với Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế để quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người, về danh mục các dự án mà tỉnh kêu gọi đầu tư, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để tạo bước đột phá cho nền kinh tế của tỉnh.

1.6. Cơ cấu kinh tế trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020

 Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6,9%/năm (GRDP vùng Trung du và Miền núi phía Bắc 8%) một cách hiệu quả, ổn định và bền vững cần thiết phải lựa chọn một cơ cấu kinh tế hợp lý theo quan điểm xây dựng một cơ cấu kinh tế tiến bộ và ngày càng hiện đại, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa các khối ngành, các khu vực.

Về cơ cấu giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp: Để tạo sự tăng trưởng hiệu quả và bền vững, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, tạo sự ổn định cho bộ phận lớn dân cư sống trong khu vực nông thôn, cần tăng cường thu hút đầu tư phát triển nhanh các ngành công nghiệp và dịch vụ để tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chung và tạo thêm nhiều việc làm mới cho khu vực phi nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ nông nghiệp, nông thôn để giảm bớt số lao động nông lâm nghiệp thuần túy, tăng các ngành phi nông nghiệp, tạo sự phát triển hài hòa giữa khu vực nông lâm nghiệp và phi nông nghiệp.

 Về cơ cấu giữa khối ngành sản xuất và khối dịch vụ: Khối ngành dịch vụ có vai trò rất lớn trong tăng trưởng kinh tế nói chung và là yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển. Do vậy, việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của khu vực dịch vụ là yêu cầu cấp thiết. Trong giai đoạn tới ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất và dịch vụ thị trường sử dụng nhiều lao động như dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng... Duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ ở mức cao hơn tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất để tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển.

 Về cơ cấu giữa 3 khối ngành: Trong giai đoạn 2016-2020, sản xuất nông lâm nghiệp ở Điện Biên là ngành kinh tế quan trọng, tạo sự ổn định xã hội trên từng địa bàn, do vậy cần duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, giữ tỷ lệ cân đối trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Song do giới hạn tăng tưởng khu vực này rất hạn chế cho nên để rút ngắn khoảng cách về GRDP/người so với trung bình cả nước đòi hỏi phải tăng nhanh tỷ trọng của các ngành công nghiệp, xây dựng và nhất là các ngành dịch vụ, lấy phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Chú trọng phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, hạn chế sự ảnh hưởng của tăng trưởng giả tạo, thiếu bền vững trong khối ngành công nghiệp - xây dựng do tăng đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước. Tiếp tục duy trì và nâng cao tốc độ phát triển của khu vực dịch vụ làm căn cứ vững chắc cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Như vậy, xu hướng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm tới vẫn là giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trên cơ sơ kết hợp chặt chẽ với chuyển dịch lao động và phân bố sắp xếp lại dân cư trong toàn tỉnh; dự kiến đến năm 2020 tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp chiếm 20-22%, công nghiệp-xây dựng 29-30%, các ngành dịch vụ 48-50%.

2. Các lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

2.1. Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội

a) Mục tiêu, nhiệm vụ chung:

Thực hiện  tốt  các  chính  sách, pháp  luật  về  lao  động, việc làm, chính  sách giảm nghèo, chính sách đối với người có công, chính sách đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách an sinh xã hội. Chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề cho người lao động, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn; bảo đảm cân đối lao động và việc làm hàng năm.

Phấn đấu đến giai đoạn đến năm 2020, mỗi năm đào tạo nghề từ 7.800-8.200 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo đạt 75% trở lên; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6% năm 2020; tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động/năm;

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2,2-3,0%/năm (theo chuẩn nghèo 2011-2015). Đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14,36% (giảm 2,73%/năm), tại các huyện nghèo giảm xuống còn 18,53% (bình quân giảm 4,5%/năm).

b)  Giải pháp, chính sách thực hiện

Giải quyết việc làm, dạy nghề: Ưu tiên phát triển đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giải quyết việc làm, nhằm nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm thất nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, thông qua đào tạo để đưa lao động có tay nghề đi xuất khẩu lao động. Tập trung đầu tư, phát triển các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động. Liên kết, phối hợp với các tỉnh có điều kiện phát triển công nghiệp để đưa lao động trong tỉnh đi đào tạo và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo.

Xóa đói giảm nghèo: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung giảm nghèo bền vững. Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, khuyến khích người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Thực hiện các chính sách lao động, việc làm gắn với phát triển thị trường lao động.

Các chính sách an sinh xã hội: Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, tăng tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với đất nước, đảm bảo đời sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú, các hoạt động từ thiện, nhân đạo để hỗ trợ những người yếu thế, nghèo khó trong xã hội, tạo thuận lợi cho họ tự vươn lên hoà nhập cộng đồng.

2.2. Phát triển ngành giáo dục, đào tạo:

a) Mục tiêu, nhiệm vụ chung

Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa và giáo dục toàn diện. Nâng tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99,5%, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 97%. Huy động trên 1.600 trẻ khuyết tật học hòa nhập; 1.345 học sinh người dân tộc rất ít người. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 60% trường mầm non và các trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia

Thành lập trường Đại học Điện Biên trên cơ sở sáp nhập trường cao đẳng Sư phạm và trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Điện Biên. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 6.400 sinh viên thuộc trường đại học, cao đẳng của tỉnh, trong đó: đại học 3.000 sinh viên, cao đẳng trên 2.000 sinh viên, trung cấp trên 1.700 sinh viên. Đẩy mạnh phát triển giáo dục chuyên nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt đạt trên 58,6% vào năm 2020 (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 34,34%).

b) Giải pháp, chính sách thực hiện

Triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục mở rộng quy mô, mạng lưới trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc, từng bước nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; phát triển đa dạng nội dung, tài liệu học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên trong ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị giáo dục.

Tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho giáo dục dạy và học theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ và từng bước hiện đại. Đầu tư nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi; nhà ở công vụ cho giáo viên. Đầu tư trang thiết bị dạy và học theo hướng hiện đại; đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học. Ưu tiên nguồn vốn của nhà nước đầu tư, vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu giáo dục cho vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện có hiệu quả công tác qui hoạch, sử dụng đất, có cơ chế, chính sách hỗ trợ giải tỏa, mở rộng khuôn viên các trường học đảm bảo đủ diện tích theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.3. Phát triển ngành y tế, chăm sóc sức khỏe:

a) Mục tiêu, nhiệm vụ chung

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng các dịch vụ y tế, kết hợp điều trị bằng y học hiện đại với y học cổ truyền trong công tác khám chữa bệnh; Phát triển về số lượng cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế; Tăng cường xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên toàn địa bàn; Hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã, bản; huy động xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế. Phấn đấu 80% số xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế. Khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS dưới 0,3% dân số năm 2020.

b) Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa; Tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển ngành y tế để làm cơ sở thu hút đầu tư. Kiện toàn, phát triển tuyến y tế cơ sở và y tế tuyến huyện nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và công tác y tế dự phòng. Tăng cường đầu tư các trung tâm và bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hoàn thành xây dựng nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường vào năm 2020.

Tiếp tục hoàn thiện và phát triển tổ chức bộ máy ngành y tế, tập trung cho y tế xã, phường. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, thái độ, tinh thần phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ y tế; Có cơ chế chính sách ưu đãi cùng chính sách thu hút cán bộ có trình độ, đặc biệt là bác sĩ và dược sĩ đại học về công tác tại tỉnh. Đào tạo bổ sung nhân viên y tế thôn bản cho các bản còn thiếu y tế.

Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích phát triển bệnh viện ngoài công lập, phòng khám đa khoa tư nhân với các chuyên khoa có chất lượng cao tại các cụm dân cư, các địa bàn có điều kiện.  Triển khai thực hiện hiệu quả phòng chống dịch bệnh và chủ động phòng ngừa  các bệnh xã hội như HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm; tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.4. Dân số - kế hoạch hoá gia đình  

a) Mục tiêu, nhiệm vụ

Tỷ lệ tăng dân số đến năm 2020 là 1,63%, giảm tỷ lệ sinh bình quân mỗi năm 0,69%o, quy mô dân số năm 2020 dưới 60 vạn người; nâng cao chất lượng dân số, thực hiện có hiệu quả công tác kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai trên 75%, giảm tỷ lệ các bà mẹ sinh con thứ ba trở lên xuống còn dưới 15% so với tổng số bà mẹ sinh con trong năm.

b) Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

Ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý; giảm mạnh tỷ lệ sinh ở những nơi có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao. Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần đảm bảo cơ cấu dân số và phân bổ dân cư phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân trong công tác kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc giáo dục trẻ em.

Tập trung ưu tiên triển khai các đợt chiến dịch truyền thông, lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến tất cả các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

2.5. Văn hóa - Thể thao

a) Mục tiêu, nhiệm vụ

Nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa và con người Điện Biên phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học mang đặc trưng văn hóa của tỉnh, hòa nhập với văn hóa vùng Tây Bắc và dân tộc Việt Nam.

b) Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

Tăng cường công tác nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá đầy đủ toàn diện văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiêu biểu của một số dân tộc, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người; Tiếp tục kiểm tra, rà soát lập hồ sơ các di tích đề nghị công nhận xếp hạng di tích theo Luật di sản văn hóa; Tiếp tục mở rộng và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các khu vực, địa bàn trong toàn tỉnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển sự nghiệp văn hoá- thể thao, nâng cao hiệu qủa hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao từ tỉnh xuống cơ sở, đặc biệt chú trong xây dựng các nhà văn hoá xã, thôn, bản. Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên chuyên nghiệp đạt thành tích cao trong các giải khu vực, quốc gia, nhất là những bộ môn có thế mạnh của tỉnh;

2.6. Báo chí - Xuất bản, Phát thanh - Truyền hình

a) Mục tiêu, nhiệm vụ

- Báo chí, xuất bản: Xây dựng báo điện tử Điện Biên theo mô hình tòa soạn điện tử hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh với các báo khác trong và ngoài tỉnh. Xây dựng các phiên bản tiếng nước ngoài để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với quốc tế. Tăng kỳ phát hành báo Điện Biên Phủ thời sự 5 kỳ/tuần. Tăng sản lượng, số lượng và chất lượng các chuyên mục; xuất bản các ấn phẩm dưới dạng ấn phẩm điện tử, tỷ lệ số lượng ấn phẩm điện tử chiếm 40% tổng sản lượng phát hành. Tăng kỳ phát hành báo Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao 4 kỳ/tháng. Tổng số bản sách, báo, tạp chí, băng đĩa xuất bản đạt 0,5 - 0,7 triệu bản/năm.

- Phát thanh, truyền hình: Nâng tỷ lệ xã, phường có đài truyền thanh không dây đạt 90% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình được phủ sóng đài phát thanh địa phương đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ sóng đài truyền hình địa phương đạt 100%. Phát triển mạng lưới truyền hình trả tiền đến cấp xã; tỷ trọng số hộ dùng truyền hình trả tiền đạt 25%.

b) Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

- Báo chí, xuất bản: Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức tốt các cuộc giao ban báo chí hằng tháng, hằng quý. Đảm bảo thông tin báo chí nhanh nhạy, chính xác, kịp thời; truyền tải hiệu quả những định hướng, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnhtạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xuất bản các tài liệu phục vụ công tác thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, khuyến khích xuất bản các tài liệu hướng dẫn quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tăng năng suất lao động, giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực.

- Phát thanh, truyền hình: Thực hiện đưa kênh truyền hình của tỉnh lên vệ tinh Vinasat; từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình; tăng thời lượng phát sóng chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và tăng thời lượng, số lượng các chương trình tự sản xuất. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị các đài, trạm thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới đảm bảo đủ điều kiện tiếp, phát sóng các chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Trung ương. Thực hiện lộ trình số hóa chương trình truyền hình và phát sóng qua mạng truyền dẫn phát sóng số mặt đất, phát sóng qua mạng Internet.

2.7. Khoa học, công nghệ.

a) Mục tiêu, nhiệm vụ

Gắn phát triển khoa học công nghệ với phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước.

b) Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

Đổi mới cơ chế quản lý đầu tư và tài chính cho khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng chú trọng đầu tư cho chất xám tạo động lực cho các tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tăng cường cơ chế đặt hàng nhằm huy động và thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia tích cực giải quyết những vấn đề của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng lựa chọn các Đề tài khoa học, đổi mới cơ chế chính sách trong phát triển khoa học. Đẩy mạnh công tác phổ biến, chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế. Tăng cường hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước.

2.8. Phòng chống đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

a) Mục tiêu, nhiệm vụ

Ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn nghiện ma túy, ngăn ngừa tệ nạn mại dâm, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, mỗi năm tổ chức cai nghiện cho từ 2.000-2.500 người nghiện ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện xuống dưới 50%.

b) Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

Các Sở, ban, ngành có liên quan và các cấp huyện, thị thực hiện Đề án nâng cao năng lực công tác cai nghiện ma túy, dạy nghề, tạo việc làm và quản lý sau cai nghiện của tỉnh đến năm 2020, phát huy hiệu quả công trình Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại khu vực Điện Biên. Phối hợp với cấp huyện thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý sau cai nghiện như giao cho chính quyền xã, phường trực tiếp quản lý, giúp đỡ không để bên ngoài tác động tái nghiện; tổ chức đào tạo nghề, ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm, vận động toàn dân gần gũi, giúp đỡ tránh định kiến và mặc cảm.

2.9.  Bảo vệ và chăm sóc trẻ em:

a) Mục tiêu, nhiệm vụ: Bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em; tăng cường trách nhiệm của gia đình và cộng đồng đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Nâng tỷ lệ số xã, phường phù hợp với trẻ em đến năm 2020 lên 84,6%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 95%.

b)  Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em,  tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Tăng cường các dịch vụ xã hội có chất lượng, tập trung vào dịch vụ công tác xã hội, dịch vụ chăm sóc nhận nuôi tại cộng đồng và phục hồi cho trẻ khuyết tật và tiếp cận của trẻ em đến các dịch vụ này; tập trung nguồn lực bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc trẻ em vùng nông thôn nghèo, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thực hiện hiệu quả luật pháp và chính sách về bảo vệ chăm sóc trẻ em, các hoạt động truyền thông thay đổi nhân thức và hành vi về bảo vệ chăm sóc trẻ em;  tăng cường năng lực của cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.

2.10. Bình đẳng giới:

a) Mục tiêu, nhiệm vụ: Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội; Tạo sự bình đẳng về giới, nâng cao hiệu quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, giảm dần khoảng cách về giới, xóa bỏ dần các định kiến về giới.

b) Giải pháp, chính sách phát triển thực hiện

Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tham gia lãnh đạo, quản lý… Tăng tỷ lệ lao động nữ trong tổng số người mới được giải quyết việc làm và nâng tỷ lệ phụ nữ được đào tạo trong tổng số lao động nữ đang làm việc. Thực hiện quyền bình đẳng giới trong chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo phụ nữ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, Chính quyền các cấp trong nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng giới. Thực hiện quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu mới.

Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về quyền bình đẳng giới. Chú trọng đến phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Thực hiện đấu tranh chống phân biệt đối xử phụ nữ, buôn bán ngược đãi phụ nữ.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

3.1. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật

3.1.1. Phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi:

a) Hệ thống đường bộ

Quốc lộ: Tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn (QL12, QL279, QL6A, QL4H) đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V. Xây dựng các đường nhánh nối  từ đường vành đai biên giới đến các đồn biên phòng và các chốt trọng điểm, khu dân cư đã được đề cập trong đường huyện, xã.

Tỉnh lộ: Hoàn  thành  một  số  tuyến đường đang triển khai thực hiện như: đường Km45 (quốc lộ 4H) - Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ; đường Nà Nhạn - Mường Phăng, huyện Điện Biên; đường Nà Hỳ - Nà Bủng, huyện Mường Nhé. Tiếp tục đầu tư một số tuyến đường trục chính như; đường Phì Nhừ - Phình Giàng – Pú Hồng – Mường Nhà; Đường Chà Cang - Nà Khoa - Nậm Nhừ - Nậm Chua  (đường + cầu) - Nà Hỳ; đường Na Sang (Km146+200/QL.12) - TT xã Huổi Mí  - Nậm Mức (Km452+300/QL.6) - Thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng.

Giao thông nông thôn: Phấn đấu đạt được mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được quanh năm; 100% đường huyện và 50% đường cấp xã được cứng hóa, đường huyện đạt tối thiểu cấp VI và giao thông nông thôn loại A, đường xã chủ yếu là đường giao thông nông thôn loại A, B. Đường thôn xóm và đường nội đồng được kiên cố hóa 35%, ưu tiên các tuyến thuộc lòng chảo Biện Biên.

b) Hệ thống đường thuỷ nội địa: Đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp tại Huổi Só (Tủa Chùa) và Đồi Cao (thị xã Mường Lay); bến thuyền Pắc Na, Huổi Lóng và một số bến khách theo quy hoạch.

c) Phát triển hệ thống thủy lợi: Đầu tư nâng cấp, sửa chữa cho các công trình thủy lợi bị xuống cấp, kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Tập trung xây dựng hoàn thành các công trình thủy lợi trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng như: công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu, huyện Điện Biên; hồ chứa nước Ẳng Cang - huyện Mường Ảng. Đầu tư xây dựng mới một số thủy lợi quan trọng: hồ Huổi Cánh, huyện Điện Biên; hồ chứa nước Nậm Xả, huyện Mường Nhé; hồ chứa nước Na Pa Khoang, huyện Điện Biên Đông...

3.1.2. Phát triển hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc:

a) Cấp điện:

Hoàn thành các dự án thủy điện đã khởi công xây dựng trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục khởi công các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Phấn đấu đến năm 2020 đưa công xuất các nhà máy thủy điện trên địa bàn toàn tỉnh lên 244 MW. Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để tiến hành khởi công xây dựng các nhà máy thủy điện đã có chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án. Kêu gọi đầu tư các dự án mới phù hợp theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng hoàn chỉnh 747,384 km đường dây trung thế 35(22) KV; trạm biến áp phân phối 35(22)/0,4 KV (268 MW); 924,085 km đường dây hạ áp 0,4 KV.

b) Thông tin liên lạc: Phát triển mạnh mạng thế hệ sau (NGN) nhằm cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng thống nhất. Đẩy mạnh công tác đầu tư mạng truy nhập băng rộng để bảo đảm phát triển các dịch vụ qua mạng. Tăng dung lượng truyền dẫn, phát sóng để đảm bảo chất lượng dịch vụ, tăng tốc độ kết nối. Phát triển tiến tới hệ thống thông tin di động công nghệ (4G). Xây dựng mạng chuyển mạch đa dịch vụ tốc độ cao; ngầm hóa mạng cáp nội thị theo Quy hoạch.

3.1.3. Phát triển hệ thống cấp, thoát nước:

Xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước cho thành phố Điện Biên Phủ, trung tâm huyện lỵ huyện huyện Điện Biên và các vùng lận cận lòng chảo Điện Biên, xây mới hệ thống cấp nước trung tâm huyện lỵ Mường Ảng, huyện Nậm Pồ. Chú trọng đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đặc biệt là cho các xã vùng cao, vùng xa, vùng biên giới, các khu tái định cư và các đồn biên phòng.

3.1.4. Đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị

Tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thành phố Điện Biên Phủ theo quy hoạch được duyệt, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020, từng bước thực hiện đầu tư khu trung tâm hành chính mới theo quy hoạch xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng các các huyện lỵ mới thành lập và di chuyển đến địa điểm mới theo quy hoạch; mở rộng và nâng cấp các trung tâm huyện lỵ huyện còn lại đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ sinh hoạt của dân cư trong vùng. 

Đầu tư xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe, Trung tâm kiểm định xe cơ giới,  bãi chôn lấp, xử lý rác thải có quy mô phù hợp phục vụ cho địa bàn trung tâm các huyện Tủa Chùa, Nậm Pồ và khu vực thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên đảm bảo theo yêu cầu.

 3.2. Hạ tầng xã hội

3.2.1. Giáo dục, đào tạo: Hoàn thành mục tiêu thay thế phòng học bán kiến cố, phòng học tạm, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên của các trường mầm non, phổ thông thuộc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.

3.2.2. Y tế: Tăng cường xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên toàn địa bàn, các hệ (khám chữa bệnh và dự phòng) đáp ứng Quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

3.2.3. Văn hóa, thể thao, du lịch: Nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Tiếp tục triển khai đầu tư Trung tâm TDTT tỉnh giai đoạn II, nhà văn hóa huyện Điện Biên, Mường Ảng và các nhà văn hóa - Trung tâm sinh hoạt cộng đồng xã, bản.

4. Tài nguyên - Môi trường

4.1. Về điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên

a) Điều tra cơ bản: Tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, đặc biệt là công tác quy hoạch sử dụng đất, thu hồi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ). Xây dựng hệ thống thông tin đất đai hiện đại và hiệu quả, cung cấp thông tin đất đai và công bố thủ tục hành chính đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng đất.

Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án Đề án 79, TĐCTĐSL, dự án ODA…

Thực hiện việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện giao đất, giao rừng gắn liền với cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đo đạc và bản đồ tiếp tục triển khai và hoàn thành việc đo đạc thành lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ lần đầu theo bản đồ địa chính mới đo đạc của tất cả các xã trong toàn tỉnh.

b) Về quản lý tài nguyên

Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và khả năng thay đổi của các nguồn tài nguyên để đưa vào quy hoạch; bảo đảm quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

4.2. Bảo vệ môi trường

a) Nhiệm vụ

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản pháp luật về Biến đổi khí hậu. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả nước thải vào nguồn nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

 Bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, các lưu vực sông; đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thu hút các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; xây dựng các mô hình tiên tiến và triển khai các mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

Thực hiện tốt các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và triển khai các kế hoạch hành động làm giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đối khí hậu.

b) Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các dự án trên địa bàn tỉnh;.

Tổ chức kiểm soát ô nhiễm, thống kê, quản lý chất thải nhất là quản lý chất thải rắn, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử  lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức cá nhân; Tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và đầu tư bảo vệ môi trường.

Tăng cường các hoạt động phổ biến, tuyên truyền cảnh báo, dự báo về khí tượng thủy văn và tai biến môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các  cấp, các ngành trong công tác dự báo, cảnh báo tai biến địa chất, lũ quét, sạt lở đất nhằm ứng phó kịp thời, giảm nhẹ thiên tai.

4.3. Phát triển bền vững

Nhiệm vụ: Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp: Triển khai công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện cắm  mốc  xác  định  diện  tích  đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt.

5. Củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại

5.1. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới. Phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và đẩy lùi các hoạt động xâm phạm biên giới, xâm phạm mốc giới quốc gia. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý, giám sát, bảo vệ, dẫn đường phục vụ công tác cắm cọc dấu, xây kè bảo vệ một số cột mốc tuyến biên giới Việt - Lào. Tiếp tục xây dựng các tuyến đường tuần tra biên giới, Đồn Trạm biên phòng theo quy hoạch.

Gắn phát triển kinh tế với củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Tăng cường đầu tư nâng cao hiệu quả cho các công trình phòng thủ trọng điểm trên địa bàn. Tăng cường quan hệ hợp tác trong quản lý và chống tội phạm trên khu vực biên giới, nhằm xây dựng một khu vực biên giới hoà bình, ổn định và phát triển.

 Tiếp tục thực hiện đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn trên cơ sở lồng ghép vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn cân đối ngân sách địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện các mục tiêu ổn định dân cư, đưa dân ra định cư phát triển sản xuất tại các khu vực biên giới. Kết hợp giữa xây dựng thế trận quốc phòng gắn với đầu tư phát triển sản xuất, củng cố chính quyền cơ sở, ổn định đời sống nhân dân.

5.2. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Chủ động nắm chắc, dự báo đúng tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch không để bị động, bất ngờ; không để phát sinh “điểm nóng”; đảm bảo tốt an ninh xã hội, tập trung các địa bàn hoạt động “Vương Quốc Mông”, hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm; các hoạt động chính trị, đối ngoại, đặc biệt là bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử Quốc hội khóa XIV. Đẩy mạnh phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; đồng thời, làm tốt công tác phòng, chống tội phạm; tiếp tục kiềm chế, đẩy lùi tội phạm hình sự, ma túy và tai, tệ nạn xã hội.

Phát huy hiệu quả hợp tác với An ninh các tỉnh Bắc Lào và Công an tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, góp phần xây dựng đường biên giới Việt - Lào, Việt - Trung hòa bình, hữu nghị ổn định và phát triển.

5.3. Định hướng hoạt động đối ngoại:      

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, đặc biệt là với các đối tác quan trọng; Tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế theo nguyên tắc bình đảng, cùng có lợi để củng cố và nâng tầm mối quan hệ hữu nghị toàn diện. Duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế trên cơ sở đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Vận động và thu hút đầu tư từ các tổ chức phi Chính phủ và thực hiện các công tác quản lý Nhà nước về các dự án đang được đầu tư đảm bảo đạt hiệu quả, đúng mục đích, giữ vững mối quan hệ đối ngoại theo quan điểm, chính sách và pháp luật của Việt Nam.

6. Định hướng tổ chức kinh tế theo lãnh  thổ:

  - Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, từng bước hình thành các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch; tăng cường sự liên kết giữa các tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh phát triển của tỉnh theo Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020.

- Nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính. Trên cơ sở chia tách điều chỉnh địa giới hành chính xã sẽ tiến hành đề nghị chia tách điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện theo hướng chia tách một số xã phía Nam huyện Điện Biên để thành lập thêm một huyện mới, đến năm 2020 sẽ ổn định địa giới hành chính của tỉnh với 11 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 135 đơn vị hành chính cấp xã.

Ngoài các nhiệm vụ chủ yếu, những giải pháp cần thiết phải thực hiện để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020, cần phải tập trung vào một số giải pháp trọng tâm đó là:

(1) Trong lĩnh vực Nông, lâm nghiệp: Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; đặc biệt đầu tư vào trồng rừng, chế biến nông lâm sản xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ để phát huy hiệu quả phát triển diện tích rừng phòng hộ, tăng nhanh tỷ lệ che phủ rừng;

 (2) Về xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị: Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng độ thị kinh tế xã hội theo quy hoạch, kế hoạch nhất là hạ tầng khu trung tâm hành chính thành phố Điện Biên Phủ để đạt tiêu chí đô thị loại II.

(3) Xây dựng nông thôn mới: Huy động các nguồn lực đầu tư cùng với nguồn vốn của Chương trình để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho 35/116 xã lựa chọn, trong đó xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đảm bảo hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cac xã được lựa chọn.

(4) Giải pháp về tăng nguồn thu trên địa bàn: Đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đấu tư, đặc biệt các dự án thủy điện, các Chương trình dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, tăng nguồn thu cho ngân sách; Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy chủ đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo quỹ đất hợp lý để đấu giá tăng nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thẩm định, cấp phép khai thác tài nguyên phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng và thi công các công trình, đồng thời tăng nguồn thu từ thuế tài nguyên và giảm giá trị đầu tư các dự án công trình. Thực hiện các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và nộp thuế cho nhà nước.

 (5) Có giải pháp cụ thể hơn trong thu hút đầu tư cho lĩnh vực thủy điệnTrong đó tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án thủy điện đã cấp giấy chứng nhận đầu tư để xem xét thu hồi đối với các nhà đầu tưkhông bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện dự án; đồng thời cải cách quy trình thủ tục đầu tư xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, chủ động giải quyết, tháo gỡ các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư được nhanh chóng, thuận lợi đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

7. Các biện pháp đảm bảo thực hiện

(1) Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về Kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững.

 (2) Đổi  mới, tăng  cường công  tác quản  lý  quy  hoạch,  kế hoạch: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp và thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Điện Biên thời kỳ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Thiết lập nghiêm trật tự, kỷ cương trong quản lý, trật tự xây dựng trên địa bàn thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và chế độ trách nhiệm đối với lực lượng làm công tác này.

 (3) Thực hiện tốt các nhiệm vụ tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực; trong đó cần tập trung vào: Thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, bố trí đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dài trải, xử lý triệt để nợ đọng XDCB...; Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, liên kết trong sản xuất và tạo cánh đồng lớn. Có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp phát triển, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng về công nghiệp thủy điện, khai thác, trồng rừng, phát triển du lịch...

(4) Thực hiện tốt các giải pháp để thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương trong việc phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và tích cực đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành trong tỉnh.

(5) Huy động, thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn nhà nước và khu vực tư nhân) phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh và hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững; tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế chính sách ưu đãi, tích cực thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để thu hút bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các dự án phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải nợ đọng.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt là đội ngũ các Ban quản lý dự án các ngành, các huyện thị. Tăng cường công tác kiểm tra các công trình xây dựng, đặc biệt chú trọng kiểm tra chất lượng công trình trọng điểm. Tiếp tục kiểm tra điều kiện năng lực hành nghề của các tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn thiết kế xây dựng công trình trên địa bàn, để đảm bảo chất lượng của các chương trình, dự án.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư, các chủ đầu tư phải thực sự quan tâm tới việc nâng cao chất lượng công tác tư vấn, lập dự án, thẩm định dự án để thực hiện nhanh bước chuẩn bị đầu tư của dự án; triển khai sâu rộng Quy chế giám sát cộng đồng đặc biệt đối với những chương trình, dự án có sự tham gia và đóng góp của nhân dân trong quá trình xây dựng và quản lý các dự án hạ tầng tại vùng nông thôn. Chú trọng, tăng cường và đảm bảo tiến độ công tác quyết toán đối với công trình hoàn thành.

(6) Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Trên đây là nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của tỉnh Điện Biên. Kế hoạch này là định hướng để các cấp các ngành trong tỉnh tổ chức xây dựng và chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và cả giai đoạn 2016-2020 của các cấp, các ngành./.

 

Nơi nhận:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;

- Văn phòng Chính phủ;

- TT Tỉnh ủy;

- TT HĐND tỉnh;

- LĐ UBND tỉnh;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- LĐ VP, CV các khối (HSCV);

- Lưu: VT, TM, TH(2).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

Mùa A Sơn

 

 
 

°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
410 người đã bình chọn