TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Update 02 - 07 - 2024
100%

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
 

Thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu. Rủi ro liên quan đến xung đột vũ trang đã tăng mạnh do xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, tình trạng an ninh suy giảm rõ rệt ở các khu vực châu Phi cận Sahara và xung đột đang diễn ra tại U-crai-na. Gia tăng các hạn chế thương mại sẽ khiến triển vọng tăng trưởng suy giảm đáng kể, làm chuyển hướng thương mại khỏi nhà cung cấp có chi phí thấp nhất, dẫn đến sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Lạm phát dai dẳng và lãi suất chính sách cao hơn ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc có thể có tác động lan tỏa bất lợi thông qua thị trường hàng hóa và thương mại, ảnh hưởng đến sự phục hồi và làm giảm hoạt động ở các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Đồng thời, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu, gây rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu. Các hiện tượng như El Niño và La Niña đang diễn ra có nguy cơ tác động tiêu cực đến sản lượng nông nghiệp, tạo áp lực lên giá trong thời gian tới. Tại thời điểm tháng 6/2024, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB)  dự báo tăng trưởng năm 2024 đạt 2,6% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Liên hợp quốc (UN)  nhận định nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 (tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)  dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 3,1% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 02/2024); Liên minh châu Âu (EU)  dự báo kinh tế năm 2024 tăng trưởng 3,2% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với tăng trưởng năm 2023); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)  nhận định nền kinh thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2024, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024.

Trong nước, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bên cạnh những khó khăn chung, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều các yếu tố gây bất lợi như: Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; Các hiện tượng như El Niño và La Niña đang diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của Nhân dân trong tỉnh. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm túc, linh hoạt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 vào tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên như sau: 

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm 

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý II/2024 ước tính tăng 10,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,57%; khu vực dịch vụ tăng 18,32%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,62%.  

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) ước 6 tháng đầu năm 2024 theo giá so sánh năm 2010 đạt 7.155,29 tỷ đồng, tăng 8,75% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,26%; quý II tăng 10,72%), trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 1.203,14 tỷ đồng, tăng 1,72%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 1.375,25 tỷ đồng, tăng 5,9% (công nghiệp tăng 6,03%); khu vực dịch vụ đạt 4.253,67 tỷ đồng, tăng 12,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 323,24 tỷ đồng, tăng 5,56%. Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo giá so sánh 2010 tăng 8,75% đạt khá cao so với các tỉnh cùng khu vực (xếp thứ nhất trong 06 tỉnh khu vực Tây Bắc, xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 10/63 tỉnh thành, phố).

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên 6 tháng đầu năm 2024 theo giá  hiện hành đạt 14.031,18 tỷ đồng, tăng 13,68% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,58% kế hoạch. trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.311,31 tỷ đồng, tăng 6,43%, đạt 47,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 2.496,18 tỷ đồng, tăng 9,89%, đạt 34,33%; khu vực dịch vụ đạt 8.593,52 tỷ đồng, tăng 17,29%, đạt 45,93%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 630,16 tỷ đồng, tăng 10,09%, đạt 47,48%. 

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,47%, giảm 1,12% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 17,79%, giảm 0,61% so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ chiếm 61,25%, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,49%, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước. 

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp Sáu tháng đầu năm 2024 tập trung chủ yếu vào sản xuất vụ đông và vụ xuân. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được hạn chế. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Nuôi trồng và khai thác thủy sản được duy trì phát triển tốt. 

2.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

* Tháng 6 năm 2024:

Thu hoạch lúa đông xuân: Tính đến trung tuần tháng Sáu toàn tỉnh thu hoạch được 8.669,04 ha, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; năng suất đã thu hoạch đạt 59,7 tạ/ha; ước sản lượng đã thu hoạch 51.754,74 tấn, tăng 0,94%. Diện tích, sản lượng thu hoạch lúa tăng so cùng kỳ năm trước do bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, toàn tỉnh còn một số huyện vùng cao chưa cho thu hoạch do triển khai gieo trồng muộn.

Cây hàng năm: Tính đến ngày 15/6 toàn tỉnh đã gieo trồng được 26.753,67 ha cây hoa mầu các loại, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước , trong đó:

+ Lúa mùa: Toàn tỉnh gieo cấy được 26.631,53 ha lúa, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Diện tích lúa nương gieo trồng được 22.240,65 ha, giảm 4,48% so với cùng kỳ năm trước.

+ Các loại cây hoa màu khác: Rau các loại gieo trồng được 122,14 ha, giảm 0,73%.

 Cây lâu năm: Trong tháng các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc những diện tích hiện có để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với việc chăm sóc các loại cây trồng bà con nông dân tranh thủ thu hoạch sản phẩm một số cây như chè, chuối, dứa, hồng xiêm…

* Ước quý II và 6 tháng đầu năm 2024

Cây hằng năm: Sáu tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đạt khá về sản lượng và giá trị; cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, mở rộng diện tích cây sắn, cây rau các loại có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ; cây ngô vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích gieo trồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo báo cáo sơ bộ toàn tỉnh đã gieo trồng được 56.398,89 ha, tăng 9,49% cây hằng năm các loại, trong đó: 

- Lúa Đông xuân, gieo trồng được 9.831,17 ha, giảm 0,83% , vượt 1,1% kế hoạch. Năng suất đạt 59,47 tạ/ha, giảm 3,32%; sản lượng đạt 58.468,68 tấn, giảm 4,12%.

- Lúa Mùa: Đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh gieo cấy được 26.631,53 ha, tăng 12,37%. Trong đó: Lúa ruộng 4.390,88 ha , tăng 9,5 lần; lúa nương 22.240,65 ha, giảm 4,48%. Diện tích gieo trồng lúa mùa năm 2024 tăng so cùng kỳ năm trước do hệ thống nước tưới cung cấp đủ nước cho toàn tỉnh gieo trồng.

- Cây ngô gieo trồng được 23.530,49 ha, tăng 2,5% . Năng suất đạt 28,03 tạ/ha; sản lượng đạt 71.564,15 tấn, tăng 5,16%.  

- Cây lấy củ có chất bột 18.416,05 ha, tăng 31,09%. Nhóm cây chất bột tăng chủ yếu là cây sắn, khoai tây. Trong đó: Sắn 16.833,89 ha, tăng 32,47% ha . Khoai tây 188,5 ha, tăng 6,36 lần so cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 165,12 tạ/ha tăng 12,81%; sản lượng đạt 3.095,01 tấn, tăng 21,26 lần . 

- Cây có hạt chứa dầu 843,79 ha, trong đó: Đậu tương 218,95 ha, giảm 12,28%; sản lượng đạt 264,17 tấn, giảm 12,88%. Diện tích đậu tương giảm chủ yếu tại huyện Mường Nhé do chuyển đổi sang trồng sắn. 

- Cây rau, đậu và hoa các loại: Gieo trồng được 3.203,57 ha, tăng 4,43%, trong đó: Rau các loại 3.063,8 ha (vụ Đông 1.122,92 ha, vụ Xuân 1.940,88 ha), tăng 4,83%; sản lượng đạt 56.481,62 tấn, tăng 4,66%.

Cây lâu năm: Tổng diện tích hiện có ước tính đạt 20.486,39 ha, tăng 14,02%. Diện tích cây ăn quả 11.093,32 ha, chiếm 54,15% tổng diện tích cây lâu năm. 

Dự ước trong 6 tháng đầu năm 2024 diện tích hiện có, sản lượng thu hoạch một số loại cây ăn quả chủ yếu như sau: Chuối 300,16 ha, giảm 6,59%, sản lượng ước đạt 3.377,3 tấn, giảm 2,54%; Dứa 496,67 ha , tăng 1,95%, sản lượng ước đạt 2.594,31 tấn, tăng 1,96% ; Mít 324,52 ha, tăng 2,3 lần, sản lượng ước đạt 203,69 tấn, tăng 1,43% ; Chanh leo 59,98 ha, tăng 4,6 lần, sản lượng ước đạt 38,62 tấn, tăng 0,65%; Cam, quýt 264,4 ha, giảm 17,43%, sản lượng ước đạt 270,93 tấn, giảm 5,03%; Bưởi 373,05 ha, tăng 8,55%, sản lượng ước đạt 281,74 tấn, tăng 17,32%; Mắc ca 7.306,28 ha (chiếm tỷ trọng 65,86% so với tổng diện tích cây ăn quả), tăng 26,20%, cây mắc ca hiện đang được tỉnh chú trọng quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển trên nền đất lâm nghiệp, ước 6 tháng đầu năm 2024 chưa cho sản phẩm thu hoạch. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, diện tích hiện có, sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Cao su 5.015,9 ha, tăng 0,12 %; diện tích khai thác 4.786,38 ha; sản lượng ước đạt 1.520,12 tấn, tăng 11,35%. Cà phê 2.758,56 ha, tăng 4,52%; ước 6 tháng đầu năm 2024 chưa cho sản phẩm thu hoạch. Chè 630,31 ha, sản lượng ước đạt đạt 58,04 tấn, giảm 4,65%, trong đó: chè búp 612,89 ha, sản lượng ước đạt 55,6 tấn, tăng 4,71%. 

Tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng: Tổng diện tích phòng trừ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 23.487,9 lượt ha; giảm 7.275,2 ha, so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa, ngô, cây ăn quả, cà phê…

Nhìn chung tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả khá hơn so với năm trước đặc biệt là đối với cây ăn quả; một số loại cây có xu hướng tăng cao góp phần chuyển đổi mục đích, cơ cấu cây trồng phù hợp xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

b) Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Đàn trâu, đàn bò vẫn luôn được trú trọng phát triển, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống và đầu tư chuồng trại vẫn tiếp tục được quan tâm giúp các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất. 

Số con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong trong 6 tháng đầu năm 2024 đều tăng do: Trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động văn hoá lớn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Điện Biên, vì vậy nhu cầu tiêu thụ các loại thịt tăng mạnh. Bên cạnh đó, người dân đã chọn giống vật nuôi thích hợp, có chất lượng cao, nuôi với quy mô đàn hợp lý, tăng hiệu quả trong chăn nuôi, giá cả nhiều sản phẩm chăn nuôi tăng. 

Tình hình thiệt hại do dịch bệnh: Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên trong 6 tháng đầu năm một số dịch bệnh xảy ra rải rác trên đàn vật nuôi như: Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Lở mồm long móng, bệnh dại, bệnh liên cầu lợn…; 6 tháng đầu năm thực hiện tiêm phòng dịch bệnh được 32.398 liều vắc xin; công tác kiểm soát giết mổ được 1.874 con trâu, bò và 20.475 con lợn; thực hiện kiểm dịch động vật, xuất tỉnh được 7.329 con lợn, 72 con trâu và 11.789,50 kg sản phẩm động vật (thịt trâu, bò khô).

2.2. Lâm nghiệp

Trong tháng không xảy ra cháy rừng; xảy ra 22 vụ phá rừng, giảm 24,14% tại 7/10 huyện, thị xã, thành phố với diện tích phá là 7,02 ha, giảm 25,48% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã xẩy ra 243 vụ vi phạm các quy định về QLBVR, trong đó: Phá rừng trái phép 203 vụ, tăng 12,87%; diện tích rừng bị phá 81,12 ha, giảm 2,12% so với cùng kỳ năm trước; cháy rừng 3 vụ làm thiệt hại 3,63 ha rừng; khai thác rừng trái phép 5 vụ; vi phạm quy định về PCCCR 03 vụ; tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật 12 vụ; vi phạm quy định Luật lâm nghiệp khác 20 vụ. Cơ quan chức năng đã tịch thu 46,29 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 998,9 triệu đồng.

Dự ước 6 tháng đầu năm 2024: Diện tích rừng trồng mới 22 ha; diện tích rừng trồng được chăm sóc 734,07 ha, tăng 12,94% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 11.110,44 ha, giảm 35,02% ; cây lâm nghiệp phân tán trồng được 1,96 nghìn cây chủ yếu do người dân tận dụng trồng trên các mảnh nương có diện tích nhỏ đã bạc màu nhằm phục vụ nhu cầu gia đình về gỗ và củi.

Trong tháng dự ước khai thác được 1.009 m3 gỗ, giảm 3,26% so với thực hiện cùng kỳ năm trước; củi khai thác được 69.071 ste, giảm 2,54%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 5.942 m3, giảm 3,57%; sản lượng củi khai thác đạt 399.114 ste, giảm 1,65%. 

2.3. Thủy sản

Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển tốt, dự ước toàn tỉnh có 2.744,76 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản, tăng 0,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi cá 2.743,26 ha, diện tích nuôi tôm 0,60 ha, diện tích nuôi thủy sản khác 0,90 ha. Các mô hình nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh vẫn được quan tâm và đầu tư với 341 lồng, thể tích 45.766 m³ (cho thu hoạch 269 lồng, 42.426 m³), mô hình nuôi cá hồi bằng bể bồn tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với 600 m3. Phần lớn do thể tích nuôi bể bồn mang lại năng suất thấp, chi phí chăn thả cũng như giá bán cao nên doanh nghiệp đã chuyển đổi sang nuôi lồng bè.

Sản lượng thủy sản tháng 6/2024 ước đạt 400,6 tấn, tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 387,65 tấn, tăng 4,22%; tôm đạt 2,49 tấn, giảm 1,58%; thủy sản khác đạt 10,46 tấn, tăng 0,58%. Sản lượng thủy sản quý II/2024 ước đạt 1.206,23 tấn, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.166,47 tấn, tăng 4,47%; tôm đạt 9,66 tấn, giảm 3,01%; thủy sản khác đạt 30,1 tấn, tăng 0,91%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 2.409,06 tấn, tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.334,25 tấn, tăng 4,41%; tôm đạt 21,24 tấn, giảm 4,47%; thủy sản khác đạt 53,57 tấn, tăng 0,73%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 6/2024 ước đạt 379,79 tấn, tăng 4,25% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 374,3 tấn, tăng 4,31%; tôm đạt 1,03 tấn, tăng 3%; thủy sản khác 4,46 tấn, tăng 0,22%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý II/2024 ước đạt 1.133,65 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm:  Cá đạt 1.118,1 tấn, tăng 4,55%; tôm đạt 3,16 tấn, tăng 3,27%; thủy sản khác đạt 12,39 tấn, tăng 0,24%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 2.264,85 tấn, tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.236,22 tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 6,91 tấn, tăng 2,52%; thủy sản khác đạt 21,72 tấn, tăng 0,23%.

Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 6/2024 ước đạt 20,81 tấn, tăng 1,02% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 13,35 tấn, tăng 1,75%; tôm đạt 1,46 tấn, giảm 4,58%; thủy sản khác 6 tấn, tăng 0,84%. Sản lượng thủy khai thác quý II/2024 ước đạt 72,58 tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 48,37 tấn, tăng 2,54%; tôm đạt 6,5 tấn, giảm 5,8%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 144,21 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 98,03 tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 14,33 tấn, giảm 6,95%; thủy sản khác đạt 31,85 tấn, tăng 1,08%.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2024 tăng trưởng chưa cao, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 6,16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,9%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,92%; quý II tăng 6,16%). Trong đó: (1) Ngành khai khoáng giảm 5,65%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm (2) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,9% (quý I tăng 14,78%; quý II tăng 11,6%), đóng góp 0,46 điểm phần trăm; (3) Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,61%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm. (4) Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,31%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6/2024 ước tăng 21,17% so với tháng trước và tăng 15,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 9,69% và giảm 13,64% ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chế tạo giảm 6,64% và tăng 3,39% ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 92,55% và tăng 40,39% ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,9% và tăng 2,16%.

Quý II năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 16,46% so với quý trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 15,12% và giảm 8,57%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,66% và tăng 7,09%; sản xuất và phân phối điện tăng 81,48% và tăng 34,97%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,5% và tăng 3,51%. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 8,66%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,82%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,9%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,54%.

Chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 của một số ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất gường, tủ, bàn ghế tăng 26,81%; sản xuất điện tăng 16,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 15,39%; sản xuất đồ uống tăng 15,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,63%; chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,58%. Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm sâu: Khai khoáng quặng kim loại giảm 80,89%; khai thác than cứng và than non giảm 79,93%; sản xuất than cốc giảm 54%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 9,04%.

Một số sản phẩm công nghiệp trong 6 tháng năm 2024 tăng cao với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất tăng 16,32%; điện thương phẩm tăng 9,95%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc trụ cột chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 7,27%;... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng loại khác) giảm 79,93%; sản phẩm in khác giảm 30,66%; bàn bằng gỗ các loại giảm 6,57%; giường bằng gỗ các loại giảm 5,81%;

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 có mức tăng trưởng khá. Ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn và có tác động mạnh mẽ đến chỉ số chung của toàn ngành. Ngành sản xuất và phân phối điện phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết, thời tiết diễn biến phức tạp, nên rất khó để dự báo chỉ số sản xuất của ngành sản xuất điện.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 tăng 71,84% so với tháng trước và tăng 455,21% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của sản phẩm xi măng Điện Biên, tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho tăng 470,31%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Sáu năm 2024 giảm 10,65% so với tháng trước và giảm 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,21% so với cùng kỳ năm 2023.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2024 giảm 0,43% so với tháng trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,13%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,18%. So với tháng cùng kỳ năm trước giảm 0,75%, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,53%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,9. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,11% (khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,07%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 3,48%).  

4. Hoạt động của doanh nghiệp

4.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong quý II/2024 có 25 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 37,5% so với quý trước và giảm 37,5% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký 340 tỷ đồng (tăng 70% so với quý I, tăng 91,23% so với cùng kỳ).

Dự tính 6 tháng đầu năm 2024 có 65 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,14% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký 540 tỷ đồng, giảm 18,18%; có 70 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh, giảm 4,11%, có 29 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gấp 6 lần cùng kỳ, giải thể 05 doanh nghiệp, giảm 50%. Dự ước số doanh nghiệp đăng ký mới thực tế đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 là 18 doanh nghiệp, chiếm 27,69% số doanh nghiệp thành lập mới và sử dụng khoảng 62 lao động chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, thương mại và tư vấn xây dựng. 

4.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp 

Từ đầu năm đến nay có rất nhiều thuận lợi từ các cơ chế, chính sách của tỉnh khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất và lợi ích kinh tế có được từ sự kiện lớn trên địa bàn Năm du lịch Quốc gia Điện Biên – Lễ hội Hoa ban năm 2024, đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy nhiên trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh, khu vực cá thể chiếm trên 63% vì vậy các doanh nghiệp mẫu ngành công nghiệp chế biến ít, dự báo xu hướng chưa đủ tính đại diện chung cho toàn ngành. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 cho thấy: Có 12,5% nhận định tốt lên so với quý trước, có 50% giữ nguyên và có 37,5% doanh nghiệp lựa chọn khó khăn hơn. Dự tính quý III/2024 có 6,25% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; 68,75% cố gắng duy trì như quý II/2024, có 25% doanh nghiệp dự báo xu hướng tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 khó khăn hơn quý II/2024.

5. Xây dựng 

Kết quả hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên 6 tháng đầu năm 2024 tập trung chủ yếu ở các công trình trọng điểm, được các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Công tác quản lý về đầu tư xây dựng tiếp tục được tập trung chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình xây dựng; tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới năm 2024.

Giá trị tăng thêm toàn ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 5,84% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 11,99%; quý II tăng 1,24%) đóng góp 0,79 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành quý II năm 2024 ước đạt 2.641,97 tỷ đồng, tăng 20,85% so với quý trước và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 4.827,72 tỷ đồng, tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước.

 Chia theo loại hình sở hữu: Doanh nghiệp nhà nước đạt 0,596 tỷ đồng, (chiếm 0,01%); Doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 2.626,83 tỷ đồng (chiếm 54,4%), tăng 11,29%; các loại hình khác bao gồm xây dựng của các xã, phường, thị trấn; hoạt động của các đội xây dựng cá thể và xây dựng tự làm, tự ở của các hộ gia đình đạt 2.140,92 tỷ đồng (chiếm 45,59%), tăng 2,58%. 

Chia theo loại công trình: Công trình nhà ở đạt 1.878,07 tỷ đồng (chiếm 45,4%), tăng 16,7%. Công trình nhà không để ở đạt 442,11 tỷ đồng (chiếm 12,94%), tăng 41,35%. Công trình kỹ thuật dân dụng đạt 1.996,73 tỷ đồng (chiếm 39,93%), giảm 3,45%. Hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 189,27 tỷ đồng (chiếm 1,73%), giảm 55,95%.

6. Thương mại, dịch vụ, vận tải

Sáu tháng đầu năm là thời gian diễn ra tết Nguyên đán và nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2024 và Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh Điện Biên, tác động tích cực đến thị trường hàng hóa và các dịch vụ thương mại; nguồn cung và giá cả thị trường tương đối ổn định, không có biến động lớn, mặt hàng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.

6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Sáu tăng trưởng ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,56% so với tháng trước và tăng 37,71% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 25,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 16,33% và quý II tăng 34,57%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu năm 2024 ước tính đạt 2.444,02 tỷ đồng, tăng 1,56% so với tháng trước, tăng 37,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.071,39 tỷ đồng, tăng 20,91% so với quý trước và tăng 34,57% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 12.919,91 tỷ đồng, tăng 25,65% so với cùng kỳ năm trước.

* Bán lẻ hàng hoá 

Xét theo ngành hoạt động trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2024 như sau:

* Dịch vụ lưu trú và ăn uống 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 6 năm 2024 ước đạt 234,07 tỷ đồng, tăng 2,94% so với tháng trước và tăng 222,87% so với cùng kỳ năm trước. Quý II năm 2024 đạt 616,56 tỷ đồng, tăng 147,15 so với quý trước và tăng 187,36% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 202 đạt 866,03 tỷ đồng, tăng 107,46% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú đạt 97,32 tỷ đồng, tăng 113,25%; dịch vụ ăn uống đạt 768,71 tỷ đồng, tăng 106,75%.

* Dịch vụ khác

Doanh thu một số ngành dịch vụ khác tháng 6 năm 2024 ước tính đạt 271,15 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 11,24% so với cùng kỳ năm trước. Quý II năm 2024 đạt 807,49 tỷ đồng, tăng 2,71% so với quý trước và tăng 11,78% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.593,7 tỷ đồng, tăng 9,61% so với cùng kỳ năm trước. 

6.2. Hoạt động Vận tải

Trong sáu tháng đầu năm kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài nhu cầu đi lại của người dân trước Tết và sau Tết tăng cao, bên cạnh đó, trong quý II có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra để chào mừng lễ Khai mạc năm Du lịch Quốc gia 2024 – Điện Biên; Lễ hội Hoa Ban năm 2024; kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; nghỉ lễ Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc lao động 01/5….đã tuyên truyền và quảng bá thu hút khách du lịch mọi thập phương về thăm quan và du lịch đã thúc đẩy doanh thu ngành vận tải, kho bãi tăng khá cao đặc biệt là doanh thu vận tải hành khách. 

Hoạt động vận tải trong tháng Sáu ghi nhận mức tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách tăng 114,91% và luân chuyển hành khách tăng 110,05%; vận chuyển hàng hóa tăng 19,72% và luân chuyển hàng hóa tăng 19,44%.

Quý II năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 106,28% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 101,7% và vận chuyển hàng hóa tăng 18,02%, luân chuyển hàng hóa tăng 17,71%. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 60,96% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 59,07% và vận chuyển hàng hóa tăng 14,36%, luân chuyển hàng hóa tăng 14,21%. 

Tổng doanh thu của hoạt động vận tải, kho bãi ước thực hiện tháng 6 năm 2024 đạt 173,45 tỷ đồng, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 39,55% so với cùng kỳ năm trước; quý II năm 2024 ước đạt 506,45 tỷ đồng, tăng 24,7% so quý trước và tăng 36,31% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 912,59 tỷ đồng, tăng 23,96% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 236,95 tỷ đồng, tăng 60,44%; vận tải hàng hóa ước đạt 666,76 tỷ đồng, tăng 14,23%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 8,88 tỷ đồng, tăng 85,01%. 

Vận tải hành khách tháng 6 năm 2024 ước đạt 481,66 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 1,11% so với tháng trước, tăng 114,91% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 74,64 triệu HK.km, tăng 1,04% và tăng 110,05%; quý II năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 1.379,04 nghìn hành khách vận chuyển, tăng 82,36% so quý trước và tăng 106,28% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 213,5 triệu HK.km, tăng 78,56% so quý trước và tăng 101,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 2.135,26 nghìn hành khách vận chuyển, tăng 60,96% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 333,07 triệu HK.km, tăng 59,07%.

Vận tải hàng hóa tháng 6 năm 2024 ước đạt 769,4 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 19,72% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 35,14 triệu tấn.km, tăng 1,62% so với tháng trước và tăng 19,44% so với cùng kỳ năm trước; quý II năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 2.270,82 nghìn tấn, tăng 9,23% so quý trước và tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 103,51 triệu tấn.km, tăng 9,73% so quý trước và tăng 17,71% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 vận tải hàng hóa đạt 4.349,82 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 197,86 triệu tấn.km, tăng 14,21%.

* Vận tải hàng không

Doanh thu dịch vụ của Cảng hàng không Điện Biên 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9.683,71 triệu đồng, tăng 158,79% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt khách thông qua Cảng hàng không ước tính đạt 135.925 hành khách (chiều khách đi 67.495 hành khách, chiều khách đến 68.430 hành khách), so với cùng kỳ năm trước số lượt khách tăng 244,22% (chiều khách đi tăng 254,36%, chiều khách đến tăng 234,77%). Số lượng hàng hóa bốc xếp qua Cảng hàng không ước đạt 3,8 tấn, giảm 104,47% so với cùng kỳ năm trước.

6.3. Bưu chính viễn thông

Dịch vụ bưu chính tiếp tục phát triển ổn định, bảo đảm thông tin liên lạc trong dịp lễ, tết và các sự kiện nổi bật của tỉnh. Hạ tầng viễn thông ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. cơ sở hạ tầng được mở rộng; chất lượng dịch vụ có nhiều đổi mới, đa dạng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thị trường.

Tổng doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông ước đạt 452.270 triệu đồng, (doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát đạt 70.780 triệu đồng; doanh thu dịch vụ viễn thông  đạt 381.490 triệu đồng), so với cùng kỳ năm trước doanh thu bưu chính, viễn thông tăng 0,46% (dịch vụ bưu chính tăng 1,77%, dịch vụ viễn thông giảm 0,23%).

 Số thuê bao điện thoại ước (có đến cuối kỳ báo cáo) đạt 567.666 thuê bao, (thuê bao cố định đạt 5.650 thuê bao; thuê bao di động đạt 562.016 thuê bao); so với cùng kỳ năm trước tăng 0,31% (thuê bao cố định giảm 3,20%; thuê bao di động tăng 0,35%);  Số thuê bao internet ước (có đến cuối kỳ báo cáo) đạt 73.000 thuê bao, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,46%.

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

1. Hoạt động ngân hàng 

Ngành ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trong thực hiện quản lý hoạt động tài chính, tiền tệ trên địa bàn đảm bảo chặt chẽ, đúng định hướng; ưu tiên tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án trọng điểm của tỉnh; kịp thời thực hiện các yêu cầu, giải pháp theo chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động ước thực hiện đến 30/6/2024 là 19.058 tỷ đồng, tăng 4,77% so với 31/12/2023, tăng 0,11% so với cùng kỳ năm 2023. Tiền gửi VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, 99,5%/tổng nguồn vốn huy động. Nguồn vốn huy động tiếp tục tăng ở tiền gửi tiết kiệm trong khi giảm ở tiền gửi thanh toán, nguồn vốn huy động từ phát hành giấy tờ có giá tiếp tục giữ ổn định.

Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ tín dụng ước thực hiện đến 30/6/2024 là 20.400 tỷ đồng, tăng 1,02% so với quý I/2024, giảm 1,41% so với 31/12/2023, tăng 0,27% so với cùng kỳ năm 2023. Cho vay bằng VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng dư nợ trên địa bàn (99,2%). Tín dụng cho vay nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng chậm (tốc độ tăng trưởng bình quân -0,23%). Tổng dư nợ trên địa bàn có xu hướng giảm dần cho vay ngắn hạn và tăng dần cho vay dài hạn. 

Nợ xấu của các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội ước thực hiện đến ngày 30/6/2024 là 333 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,63%/tổng dư nợ, tăng 0,12% so với quý I/2024, tăng 0,44% so với 31/12/2023. Nợ xấu tiếp tục tăng và tập trung chủ yếu tại nhóm các NHTM nhà nước, tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng.

2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng chưa cao, ước tính đạt 7.997,66 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 38,17% kế hoạch, trong đó: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý sáu tháng đầu năm 2024 đạt 40,47% kế hoạch và giảm 1,43% so với cùng kỳ năm 2023. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 6 năm 2024 ước đạt 308,72 tỷ đồng, tăng 1,02% so với tháng trước, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 214,49 tỷ đồng, tăng 0,76% và giảm 20,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 86,23 tỷ đồng, tăng 1,4% và giảm 3,97%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8,02 tỷ đồng, tăng 3,97% và giảm 17,02%. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý quý II năm 2024 ước đạt 917,78 tỷ đồng, tăng 18,33% so với quý trước và giảm 6,34 so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 639,2 tỷ đồng, tăng 18,83% và giảm 12,28%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 255,53 tỷ đồng, tăng 16,43% và tăng 12,44%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 23,05 tỷ đồng, tăng 26,48% và giảm 1,58%.  

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 1.693,41 tỷ đồng, giảm 1,43% so với cùng kỳ năm trước, bằng 40,47% kế hoạch. Bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.177,13 tỷ đồng, giảm 8,73%, bằng 43,88%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 475,01 tỷ đồng, tăng 22,47%, bằng 35,58%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 41,27 tỷ đồng, tăng 2,13%, bằng 24,79%.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên tháng 6 năm 2024 ước đạt 1.491,6 tỷ đồng, tăng 5,49% so với tháng trước, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 684,77 tỷ đồng, tăng 7,00% và giảm 1,41% (vốn Trung ương quản lý đạt 338,62 tỷ đồng, tăng 13,63% và tăng 2,77%; vốn địa phương quản lý đạt 346,16 tỷ đồng, tăng 1,21% và giảm 5,18%); vốn ngoài Nhà nước đạt 806,83 tỷ đồng, tăng 4,24% và tăng 12,8%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II năm 2024 ước đạt 4.267,98 tỷ đồng, tăng 14,43% so với quý trước và giảm 0,22 so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 1.734,73 tỷ đồng, tăng 12,69% và giảm 6,44%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.994,94 tỷ đồng, tăng 15,95% và tăng 5,71%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 7.997,66 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bằng 38,17% kế hoạch. Bao gồm: Vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 3.689,57 tỷ đồng, giảm 3,2%, bằng 37,95% (vốn Trung ương quản lý đạt 1.793,97 tỷ đồng, giảm 3,99%, bằng 36,08%; vốn địa phương quản lý đạt 1.895,6 tỷ đồng, giảm 2,44%, bằng 39,91%); vốn ngoài Nhà nước đạt 4.308,09 tỷ đồng, tăng 5,31%, bằng 38,92%.

3. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2024 ước giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

3.1. Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 6 năm 2024 ước đạt 179,22 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2024 đạt 737,65 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Thu nội địa tháng 6 năm 2024 ước đạt 167,22 tỷ đồng; lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 656,28 tỷ đồng (chiếm 88,97%), giảm 13,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu từ doanh nghiệp nhà nước ước đạt 103,57 tỷ đồng (chiếm 14,04%), giảm 21,57%; thu từ công, thương nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 186,2 tỷ đồng (chiếm 25,24%), tăng 14,95%; các khoản thu về nhà đất ước đạt 92,46 tỷ đồng (chiếm 12,53%), giảm 56,46%. 

- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu tháng 6 năm 2024 ước đạt 1,92 tỷ đồng; lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 15,33 tỷ đồng (chiếm 2,08%), tăng 45,32% so với cùng kỳ năm trước. 

3.2. Chi ngân sách Nhà nước

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 6 năm 2024 ước đạt 1.056,82 tỷ đồng; lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 7.687,97 tỷ đồng, tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.772,29 tỷ đồng (chiếm 36,25%), tăng 0,54%; chi thường xuyên đạt 4.895,04 tỷ đồng (chiếm 63,67%), tăng 15,54%.

4. Hoạt động xuất - nhập khẩu 

Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và hoạt động trao đổi thương mại biên giới 6 tháng đầu năm 2024 tương đối ổn định, không có tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu ước đạt 71,36 triệu USD, tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54,9% kế hoạch. Trong đó: 

- Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 45,09 triệu USD, bằng 81,14% so với cùng kỳ năm trước và đạt 51,24 % so với kế hoạch. 

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 26,27 triệu USD, tăng 2,46 lần so với thực hiện cùng kỳ năm trước, đạt 62,56% so với kế hoạch.

5. Giá cả

5.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

 Trong tháng trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trận mưa lớn gây ngập úng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất rau mầu, thực phẩm, cùng với đó là thời tiết nắng nóng, oi bức và là thời gian nghỉ hè của học sinh, nhu cầu đi chơi, du lịch, sử dụng nước, điện của các gia đình, người dân tăng cao đã tác động làm chỉ số một số nhóm hàng tăng so với tháng trước. Ở chiều ngược Tổng công ty xăng dầu Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu vào các ngày 30/5/2024, ngày 6/6/2024, ngày 13/6/2024 và ngày 20/6/2024 đã tác động làm chỉ số giá dầu, xăng A95 giảm so với tháng trước... Tác động chung làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2024 tăng 0,02% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,84% và so kỳ gốc năm 2019 tăng 11,06%. Bình quân quý II năm 2024, CPI tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 1,44% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,02% của CPI tháng 6/2024 so với tháng trước có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 6 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm và 1 nhóm có chỉ số bình ổn. 

(1) Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,07%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,95%; Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16%.

(2) Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm đồ uống thuốc lá giảm 0,19%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,1%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,02%; Nhóm Giao thông giảm 2,43%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14%; Nhóm giáo dục giảm 0,11%.

(3) Một nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

CPI bình quân quý II năm 2024 tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,46%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,49%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,02%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,94%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,06%; giao thông tăng 2,64%; giáo dục tăng 3,29%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,63% và 01 nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,73%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,21%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,87%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,15%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm tăng 1,66%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,99%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,74%; giao thông tăng 1,55%; giáo dục tăng 3,33%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,24%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,72% và 1 nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,66%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

(1). Giá gạo các loại tăng do nhu cầu mua làm quà biếu, tiêu dùng của người dân vào dịp Tết tăng cao. Bên cạnh đó, lượng thóc, gạo được thương lái vận chuyển từ nơi khác đến (miền Nam) giảm so với năm trước, do lượng thóc, gạo tại địa phương được xuất khẩu nhiều, năng suất thấp không đủ để chuyển đi các tỉnh, lượng cung không đủ đáp ứng lượng cầu đã tác động làm tăng giá bán mặt hàng gạo so với cùng kỳ năm trước.

(2). Vào dịp cuối năm các cơ sở sản xuất thu mua với lượng lớn thịt tươi để làm nguyên liệu thịt sấy khô phục vụ nhu cầu tại chỗ và vận chuyển đi các tỉnh bạn làm quà biếu, tặng Tết.

(3). Nhu cầu lương thực, thực phẩm vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tăng mạnh do trên địa bàn tỉnh đón tiếp nhiều lượng lực tham gia diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như khách tham quan du lịch trên địa bàn.

(4). Thời điểm cuối năm là thời điểm mà sức mua của người dân về một số các mặt hàng như: Quần áo, giày dép, đồ nội thất, gường, tủ, bàn ghế tăng đã tác động làm tăng chỉ số một số nhóm hàng.

(5). Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh diễn ra Lễ hội Đua thuyền đuôi Én lần thứ IX, Giải vô địch các câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thức IV và Lễ hội Hoa Anh Đào - Pá Khoang - Điện Biên năm 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên, lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) với hơn 12.000 người tham dự lễ kỷ niệm, Cầu truyền hình đặc biệt “Dưới lá cờ Quyết thắng” - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” và bắn pháo hoa tầm cao đã tác động làm chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng so với cùng kỳ năm trước.

(6). Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết các tháng 3 và tháng 4 diễn biến bất thường, tỷ lệ người mắc các bệnh hô hấp tăng cao cũng là nguyên nhân tác động làm các cửa hàng thuốc tăng giá bán.

(7).Trong 6 tháng đầu năm 2024 Tập đoàn xăng dầu Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu nhiều lần đã tác động làm chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD và giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước.

* Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 6 giảm 6,30% so với tháng trước, tăng 21,92% so với cùng kỳ năm trước, tăng 110,39% so với kỳ gốc 2019 và bình quân quý II năm 2024 tăng 24,71%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 20,42% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước, tăng 9,09% so với kỳ gốc 2019 và bình quân quý II năm 2024 tăng 7,31%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,59% so với cùng kỳ năm trước.

5.2. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II/2024 Chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên quý II năm 2024 tăng 0,78% so với quý trước, tăng 4,26% so với cùng quý năm trước. Trong 03 nhóm sản phẩm chính thì 02 nhóm có chỉ số giá tăng và 01 nhóm có chỉ số giá giảm, cụ thể: Sản phẩm nông nghiệp tăng 0,85% và tăng 4,55%; sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,17% và tăng 1,98%; sản phẩm thủy sản nuôi trồng, khai thác giảm 0,01% và tăng 0,87%.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý II/2024 tăng 0,49% so với quý trước, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: 2 nhóm có chỉ số tăng là: Điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,64% và tăng 7,86%; nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,69% và tăng 2,24%. 2 nhóm còn lại có chỉ số giảm: Sản phẩm khai khoáng giảm 0,17% và giảm 0,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0.01% và tăng 1,32%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý II/2024 tăng 0,09% so với quý trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý II năm 2024 tăng so với quý trước là do (1). Trong quý Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đã điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu đã tác động làm chỉ số giá xăng dầu tăng so với quý trước. (2). Trong quý là thời gian thu hoạch vụ đông xuân và gieo cấy vụ mùa đã tác động làm tăng giá các sản phẩm như thóc giống, ngô giống, một số sản phẩm nhân và chăm sóc cây giống lâu năm, một số dịch vụ nông nghiệp tăng so với quý trước. (3). Thời điềm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 thời tiết mưa nhiều thuận lợi cho các chủ ao, hồ thu hoạch cá và thả cá giống cho vụ mới đã tác động làm tăng chỉ số so với quý trước.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Tình hình lao động, việc làm quý II, 6 tháng đầu năm 2024 có xu hướng ổn định và tăng trưởng. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, dân số sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn với hoạt động sản xuất là nông, lâm nghiệp và thủy sản. Do vậy, nguồn lao động của tỉnh có sự phân biệt rõ rệt giữa 2 khu vực và được tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2024 ước tính là 345.823 người, tăng trên 2,96% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động ở khu vực thành thị có 52.824 người (chiếm 15,27%) và khu vực nông thôn là 292.999 người (chiếm 84,73%). 

Trong 6 tháng đầu năm lao động có việc làm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, quý II tăng hơn so với quý I. Dự tính lao động có việc làm trong 6 tháng là 344.838 người, tăng 3,05% so với kỳ trước, trong đó lao động ở khu vực thành thị là 51.981 người (chiếm 15,07%) và nông thôn là 292.857 người (chiếm 84,93%). Chuyển dịch cơ cấu có xu hưởng giảm tỷ lệ lao động trong các ngành nông, lâm, thủy sản và tăng tỷ lệ lao động ở các ngành xây dựng và dịch vụ.

Có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nhiều sự lựa chọn cho người lao động, số người thất nghiệp giảm, trong 6 tháng đầu năm có 627 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (quý II có 393 người) ; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 554 người (quý II có 309 người). Tổng số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp là 6.943,79 triệu đồng (quý II là 4.560,25 triệu đồng). Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết chế độ chính sách BHTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Ước thực hiện kết quả giải quyết việc làm mới 6 tháng đầu năm cho khoảng 6.239 lao động, đạt 67,82%/KH, tăng 6,92% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm là 1.356 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khoảng 2.451 người (doanh nghiệp ngoài tỉnh 1.012 lao động); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 109 lao động; thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác là 2.323 lao động. Thực hiện đào tạo nghề cho 4.424 người, giảm 256 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 52,05% kế hoạch .

2. Đời sống dân cư, an sinh xã hội

2.1. Đời sống dân cư

Đời sống các tầng lớp dân cư tỉnh Điện Biên sáu tháng đầu năm 2024 tương đối ổn định. Là năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, gắn với Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Đây là cơ hội thuận lợi cho các ngành nghề dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là phát triển về du lịch. Ngoài ra các ngành công nghiệp cũng có cơ hội phát triển mạnh khi các sản phẩm OCOP được giới thiệu và chào bán với khách du lịch đến Điện Biên. Mặc dù vẫn còn những thiệt hại do thiên tai gây ra làm thiệt hại về tài sản, và trong sản suất nông nghiệp của bà con nông dân. Tuy nhiên, được sự quan tâm sát sao, vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan, nên đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì phát triển và càng ngày càng ổn định hơn trước.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đến nay tỉnh Điện Biên chưa có xã nông thôn mới kiểu mẫu, 04 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 51/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 23 xã đạt chuẩn NTM và 28 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, đạt từ 15-18 tiêu chí); số tiêu chí bình quân ước đạt 14,12 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên 6 tháng đầu năm 2024, nhìn chung giữ được ổn định và có sự tăng trưởng, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp và khối hành chính sự nghiệp. Khối cơ quan, sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động, trợ giúp thăm hỏi nhau lúc khó khăn được duy trì thường xuyên. Ước 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập người lao động trong khu vực nhà nước là 8.055 ngàn đồng/người/tháng, khu vực doanh nghiệp nhà nước là 6.890 ngàn đồng/người/tháng, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 1.760 ngàn đồng/người/tháng.

2.2. Kết quả thực hiện chăm lo tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho người có công, bảo trợ xã hội

a) Đối với người có công

Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Lao động đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiếp nhận quà của Chủ tịch nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức thăm hỏi, tặng 3.488 suất quà trị giá 1.492,76 triệu đồng cho gia đình người có công và thân nhân, trong đó: 1.349 suất quà của Chủ tịch nước trị giá 408.6 triệu đồng, 55 suất quà của tỉnh trị giá 35,95 triệu đồng, 1.334 suất quà của cấp huyện trị giá 680,01 triệu đồng, 562 suất quà của xã, phường, thị trấn trị giá 162 triệu đồng, 188 suất quà của các đơn vị, tập thể, cá nhân trị giá 206,2 triệu đồng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tiếp nhận hỗ trợ 01 Trường học trên địa bàn xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông với mức hỗ trợ 50 triệu đồng; cung cấp danh sách và tiếp nhận, tổ chức thăm hỏi, tặng 2.092 suất quà cho các cá nhân với tổng kinh phí 2.881,9 triệu đồng. Tiếp nhận nguồn vận động, ủng hộ từ các đơn vị, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kết hợp cùng nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp sửa chữa 137 nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, gia đình cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh với số tiền 10.180 triệu đồng.

b) Bảo trợ xã hội 

Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện tiếp nhận hỗ trợ, tặng 20.313 suất quà trị giá 14.980,6 triệu đồng cho hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội (quà cho hộ nghèo và cận nghèo là 19.924 suất quà trị giá 14.822 triệu đồng; quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 389 suất quà trị giá 158,6 triệu đồng).

Hỗ trợ thiếu đói dịp tết Nguyên đán cho 4.720 hộ (giảm 24 hộ so với cùng kỳ năm trước) với 19.350 khẩu (giảm so với cùng kỳ năm trước 1.543 khẩu), số gạo hỗ trợ 290.250 kg.

Về cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế, tính đến ngày 18/6/2024 đã phát miễn phí 472.243 thẻ (tăng so với cùng kỳ năm 2023 là 32.543 thẻ) trong đó: Trẻ em dưới 6 tuổi 77.292 thẻ, bảo trợ xã hội và cựu chiến binh 11.687 thẻ, người nghèo 156.501 thẻ, cận nghèo 4.313 thẻ và người dân tộc nằm trong vùng đặc biệt khó khăn 212.574 thẻ, người kinh sống tại vùng đặc biệt khó khắn 6.805 thẻ, người cao tuổi 214 thẻ và các đối tượng khác 2.857 thẻ.

2.3. Tình hình thiếu đói trong dân cư 

Trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng số hộ thiếu đói giáp hạt là 9.962 hộ, tổng số người được hỗ trợ là 44.940 người. Tổng số gạo được hỗ trợ là 674,1 tấn. 

2.4. Công tác giảm nghèo

Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo 6 tháng đầu năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo là 23,73%.

3. Giáo dục - Đào tạo

3.1. Quy mô trường, lớp, học sinh, sinh viên 

Năm học 2023-2024 (tính đến thời điểm 31/5/2024), toàn tỉnh  có 485 trường, trung tâm (168 trường mầm non, 296 trường phổ thông, 17 trung tâm, 04 trường cao đẳng) với 7.550 lớp và 210.435 học sinh, học viên và sinh viên; học sinh người DTTS chiếm 84,77%. So với cùng kỳ năm học trước tăng 01 trường; giảm 04 lớp; tăng 987 học sinh, sinh viên . So với kế hoạch UBND tỉnh giao tăng 01 trường (vượt 0,2% kế hoạch); 7.396 lớp (đạt 99,3% kế hoạch), 205.698 học sinh (đạt tỷ lệ 99,39% kế hoạch). Đa số các chỉ tiêu phát triển giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024 tiếp tục được duy trì và vượt kế hoạch năm (có 9/9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch ). 

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã triển thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp xây dựng trường học đạt kiểm định Chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia theo Kế hoạch số 830/KH-UBND ngày 29/3/3021 của UBND tỉnh. Toàn tỉnh có 362/464 trường mầm non và phổ thông (chiếm 78,02%) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; có 363/464 trường mầm non và phổ thông (chiếm 78,23%) đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được tăng cường. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh theo đúng quy định. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học. Hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trong toàn tỉnh Điện Biên có 75,67% phòng học được xây dựng kiên cố; 76,19% phòng học bộ môn được xây dựng kiên cố; 53,94% phòng nội trú học sinh được xây dựng kiên cố; 45,38% phòng công vụ giáo viên được xây dựng kiên cố.

3.2. Tình hình giáo viên và cơ sở vật chất 

Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được tăng cường. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh theo đúng quy định. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học. Hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trong toàn tỉnh Điện Biên có 74,09% phòng học được xây dựng kiên cố; 76,06% phòng học bộ môn được xây dựng kiên cố; 51,59% phòng nội trú học sinh được xây dựng kiên cố; 44,18% phòng công vụ giáo viên được xây dựng kiên cố.

4. Y tế

4.1. Tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng, tình hình dịch trên địa bàn toàn tỉnh ổn định; không có ổ dịch nào xảy ra.

Trong 06 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 ổ dịch (tay chân miệng và thủy đậu). Các ổ dịch đã được điều tra, xác minh, chẩn đoán và triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.

Công tác phòng chống dịch: Ngành y tế tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, chủ động, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn theo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức giúp cho người dân hiểu và chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh.

4.2. Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS 

Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, tính đến 31/5/2024, có 120/129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.804 ca nhiễm HIV (26 ca mắc mới, giảm 27 ca so cùng kỳ); tích lũy số ca AIDS là 5.489 (không có ca AIDS mắc mới); tử vong do AIDS lũy tích 4.184 ca (tử vong mới do AIDS 36 ca, giảm 44 ca so cùng kỳ). Tổng số ca nhiễm HIV được quản lý là 3.399 chiếm 93,9% người nhiễm HIV trên địa bàn. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,52%.

4.3. Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm 

Tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát VSATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, và mùa Lễ Hội Xuân; Lễ hội Hoa Ban, Tháng hành động vì ATTP, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các lễ hội khác của tỉnh. Ước 06 tháng đầu 2024, đã thành lập 282 đoàn kiểm tra về ATTP (tuyến tỉnh 03 đoàn, tuyến huyện 22 đoàn, tuyến xã 257 đoàn). Kết quả: 99,7% cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu. 

Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy kế cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh là 1.963/2.004 cơ sở (chiếm 98%). 

Tính đến 31/5/2024, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm (cùng kỳ năm 2023 xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 25 ca mắc, không có ca tử vong). 

5. Hoạt động văn hóa, thông tin, Thể dục thể thao và du lịch

5.1. Tổ chức Khai mạc Năm du lịch Quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024

Diễn ra từ ngày 16/3/2024 - 18/3/2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” và nhiều hoạt động ; Chương trình Khai mạc Lễ hội được đầu tư với quy mô hoành tráng, có sự tham gia của các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên nổi tiếng đến từ các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương; lực lượng quần chúng đến từ các trường học, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. 

5.2. Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024)

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Tổ chức thành công các chương trình và sự kiện để chào mừng Lễ kỷ niệm. Căng treo hơn 900 băng rôn, băng cờ, phướn, pano tuyên truyền tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đăng tải 300 tin bài trên trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị, cập nhật hơn 500 tin bài, tin ảnh, video, clip trên các trang Fanpage tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ, 2.361.453 lượt người tiếp cận, 538.624 lượt tương tác. Thiết kế, lắp đặt một số tiểu cảnh phù điêu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Tổ chức sản xuất và vận động xã hội hóa các sản phẩm văn hóa như ô che ngoài trời, ô cầm tay tuyên truyền các sự kiện; các kệ meka tuyên truyền. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố căng treo hơn 1500 băng rôn, băng cờ, phướn, pano tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

5.3. Hoạt động quản lý Nhà nước và văn hóa, văn nghệ

Công tác tuyên truyền: Công tác tuyên truyền, cổ động các hoạt động, sự kiện của tỉnh, của đất nước được thực hiện tập trung ở khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và ở các đơn vị cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú: Các đội tuyên truyền lưu động toàn tỉnh đã thực hiện 738 buổi hoạt động tuyên truyền, đạt 74% kế hoạch; số lượt người được tuyên truyền 312 nghìn lượt người, đạt 69% kế hoạch; căng treo gần 10.213 băng, cờ, khẩu hiệu. 

Hoạt động nghệ thuật quần chúng: Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh chủ trì tổ chức 35 hoạt động văn hóa, văn nghệ, vượt 169% kế hoạch; 14 hoạt động văn hóa, văn nghệ tại sân Hành lễ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, đạt 40% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 1.212 đội văn nghệ quần chúng, tổ chức 1,67 nghìn buổi biểu diễn với 200 nghìn lượt người xem.

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Xây dựng 04 chương trình ca, múa, nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị, đạt 80% kế hoạch; trong đó xây dựng 01 chương trình mới; tổ chức biểu diễn 68 chương trình nghệ thuật, đạt 51% kế hoạch, phục vụ 158 nghìn lượt người xem, đạt 56% kế hoạch . 

Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng, phát hành sách: Thực hiện 29 buổi chiếu phim phục vụ trên 10,7 nghìn lượt người xem, đạt 67% kế hoạch; lồng tiếng 02 phim bằng tiếng dân tộc Thái, Mông; thực hiện 62 buổi chiếu phim tại Rạp phục vụ trên 864 lượt người xem, vượt 332% kế hoạch; thực hiện 627 buổi chiếu phim vùng cao phục vụ 193,27 nghìn lượt người xem, đạt 52% kế hoạch.

Hoạt động hệ thống Thư viện: Trong tháng, bổ sung mới 620 bản; Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024 Hệ thống thư viện nhập bổ sung 9.108/9.000 bản vượt 1,1% kế hoạch; bổ sung 187 loại báo, tạp chí; có 475.582 bản sách, vượt 112% kế hoạch; cấp trên 5,3 nghìn thẻ Thư viện; phục vụ trên 185,1 nghìn lượt độc giả, đạt 70% kế hoạch; hơn 401 nghìn lượt tài nguyên thông tin được phục vụ, đạt 76% kế hoạch.

Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa: 6 tháng đầu năm 2024 hai bảo tàng và các điểm di tích đón đón 1.112,14 nghìn lượt khách tham quan, vượt 101% kế hoạch (trong đó: 4.603 lượt khách nước ngoài, đạt 60% kế hoạch).

5.4. Hoạt động thể dục thể thao

Tổ chức các giải thi đấu TDTT trên địa bàn tỉnh: Toàn tỉnh tổ chức được 296 giải thi đấu, trong đó cấp toàn quốc 03 giải; cấp tỉnh 07 giải; cấp huyện, ngành 64 giải; cấp xã 175 giải; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang và các tổ chức khác tổ chức 47 giải. Trong đó, chủ trì và phối hợp tổ chức thành công 6 giải thể thao thi đấu cấp tỉnh, ngành tổ chức và các hoạt động thể dục thể thao trong khuôn khổ các sự kiện chính trị của tỉnh của đất nước.

Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục nhận được sự tham gia hưởng ứng của Nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên 226.356 người, chiếm 33,48% tổng số dân toàn tỉnh; số hộ gia đình thể thao là 35.380 hộ, chiếm 22,48% tổng số hộ gia đình toàn tỉnh; có 435 Câu lạc bộ TDTT cơ sở; 100% số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa. Tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân thu hút trên 40 ngàn người tham gia.

Thể thao thành tích cao: Tham gia 6 giải thể thao khu vực và toàn quốc; 01 giải vô địch Karate Đông Nam Á, kết quả đạt 20 huy chương các loại (Trong đó: 7HCV, 4HCB, 7HCĐ các giải khu vực, toàn quốc; 01 huy chương bạc, 01 huy chương đồng giải vô địch Karate Đông Nam Á) đạt 62,5% kế hoạch. Duy trì hiệu quả công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh.

5.5. Lĩnh vực du lịch

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch tiếp tục là điểm sáng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Với việc tổ chức thành công Lễ hội Hoa Anh Đào, Khai mạc Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, các hoạt động trong chuỗi sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và việc khai thác có hiệu quả các giá trị di tích lịch sử, văn hoá,... lượng khách du lịch đến Điện Biên trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 1,37 triệu lượt, tăng gấp 2,18 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 5,38% so với kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 6.843 lượt, tăng 1,41 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 3,1% so với kế hoạch. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.474,1 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2023, vượt 12,5% so với kế hoạch. Số ngày lưu trú bình quân đạt 3 ngày/khách, đạt 100% kế hoạch năm 2024.

Tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho hơn 10.517 lượt khách du lịch, 270 lượt doanh nghiệp du lịch tìm hiểu thông tin về du lịch Điện Biên

6. Tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm môi trường

6.1. Tai nạn giao thông

Từ 15/4/2024 đến 14/5/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông làm chết 4 người, bị thương 13 người. Nguyên nhân do người điều khiển không chú ý quan sát, vượt xe sai quy định và vi phạm quy định về tốc độ.

Lũy kế từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/5/2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy 52 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 18 người chết, 57 người bị thương. So cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn giảm 5,45%, số người chết tăng 50%, số người bị thương giảm 9,52%. Nguyên nhân do người điều khiển sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện, người đi bộ sang đường sai quy định, vượt xe không đúng quy định...

6.2. Cháy nổ 

Từ 15/4/2024 đến 14/5/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, không có thiệt hại về người, ước thiệt hại khoảng 675 triệu đồng. Nguyên nhân gây ra cháy là do sơ xuất về thiết bị điện. Tính chung 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, giảm 36,36% so cùng kỳ năm trước; không có thiệt hại về người, ước thiệt hại khoảng 1.403 triệu đồng, giảm 60,37%. Nguyên nhân gây ra cháy là do sơ xuất về thiết bị điện.

6.3. Tình hình vi phạm môi trường

Trong tháng 6/2024 các cơ quan chức năng đã phát hiện 37 vụ vi phạm môi trường, trong đó: xử lý 31 vụ với tổng số tiền phạt 161,5 triệu đồng, giảm 49,03% so với tháng trước và giảm 47,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm nay đã phát hiện 322 vụ vi phạm môi trường, tăng 18,82%, trong đó: Xử lý 261 vụ, tăng 61,11% với tổng số tiền phạt là 1.419,7 triệu đồng, tăng 23,28% so với năm trước. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là phá rừng làm nương, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật. 

7. Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ mưa lớn, lũ, ngập lụt và sạt lở làm thiệt hại về nhà ở, diện tích lúa, hoa màu và một số thiệt hại khác, ước giá trị thiệt hại 1.310,5 triệu đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm thiên tai làm 01 người chết, 4 người bị thương; 209 con gia súc, gia cầm bị chết; 562,98 ha lúa và 11,26 ha rau màu bị hư hỏng; 826 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại, 3,4 ha thủy sản bị thiệt hại, 1.020 nhà bị hư hỏng và một số thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 46.310,5 triệu đồng, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Khái quát lại, kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên 6 tháng đầu năm 2024 tương đối ổn định, nhờ có sự chỉ đạo thường xuyên quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành; sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó thách thức còn tồn tại: tác động và nguy cơ của dịch bệnh, thiên tai vẫn luôn tiềm ẩn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, giảm nghèo còn nhiều thách thức,... Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây: 

- Tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đảm bảo cân đối để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;

- Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất phát triển nông, lâm nghiệp, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác theo kế hoạch, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch hại trên cây trồng vật nuôi, thực hiện các biện pháp PCCCR; đẩy nhanh tiến độ thực hiện trồng mắc ca theo chủ trương được phê duyệt; chuẩn bị đủ cây giống, hiện trường để tổ chức trồng rừng, trồng cây phân tán theo kế hoạch;

- Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm theo chuỗi liên kết giá trị, gia tăng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch, tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp;

- Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy điện dự kiến đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục sớm thi công đối với các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp;

- Chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công, có chất lượng các nội dung liên quan đến công tác tổ chức và bế mạc Chương trình năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố; hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, tập đoàn lớn triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,... trên địa bàn; 

- Tăng cường quản lý thị trường giá cả, trong đó cần kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Chủ động ứng phó trước những biến động của thị trường. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới;

- Khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, trong tỉnh đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước nói chung, trong tỉnh nói riêng và quyền lợi của người tiêu dùng; 

- Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống dân cư. Tập trung quan tâm các xã, thôn bản khó khăn. Triển khai các hoạt động giám sát trong thực hiện chương trình giảm nghèo và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người nghèo;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động phòng ngừa và xây dựng kế hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm ổn định sản xuất và đời sống.

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Theo Cục Thống kê tỉnh Điện Biên (https://thongkedienbien.gov.vn/)

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    INFOGRAPHIC: KT-XH TỈNH ĐIỆN BIÊN 6 THÁNG ĐÀU NĂM 2024(02/07/2024 5:41 SA)

    TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024(02/07/2024 5:14 SA)

    Báo cáo tình hình phát triển KTXH 6 tháng đầu năm(01/07/2024 3:12 CH)

    INFOGRAPHIC: MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KT-XH TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 5/2024(24/05/2024 11:37 CH)

    Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Điện Biên tháng 5 năm 2024(24/05/2024 5:11 CH)

    Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Điện Biên tháng 4 năm 2024(15/05/2024 10:06 CH)

    Niên giám thống kê năm 2022(15/05/2024 9:49 CH)

    INFOGRAPHIC: MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KT-XH TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 4/2024(05/05/2024 9:51 CH)

    Một số chỉ tiêu KTXH tỉnh Điện Biên tháng 4/2024(03/05/2024 10:14 CH)

    Một số chỉ tiêu KTXH tỉnh Điện Biên tháng 3/2024(02/04/2024 10:17 CH)

    INFOGRAPHIC: MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KT-XH TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 3/2024(02/04/2024 10:13 CH)

    INFOGRAPHIC: MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KT-XH TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 02/2024(05/03/2024 10:57 CH)

    Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Điện Biên tháng 1 năm 2024(02/02/2024 10:45 CH)

    INFOGRAPHIC: MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KT-XH TỈNH ĐIỆN BIÊN THÁNG 01/2024(02/02/2024 10:09 CH)

    Công bố số liệu kinh tế - xã hội huyện, thị xã, thành phố năm 2023 tỉnh Điện Biên(05/01/2024 10:27 CH)

    Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2023 tỉnh Điện Biên(28/07/2023 4:44 CH)

    Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2023 tỉnh Điện Biên(28/07/2023 4:43 CH)

    Báo cáo thống kê 3 tháng đầu năm và quý 1.2023 tỉnh Điện Biên(27/07/2023 11:35 CH)

    Công bố số liệu kinh tế - xã hội huyện, thị xã, thành phố năm 2022 tỉnh Điện Biên(06/01/2023 10:34 CH)

    Tổng quan kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên năm 2021(01/08/2022 5:48 CH)

    << < 1 2 > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    410 người đã bình chọn