VPUB - Điện Biên thực hiện hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội

VPUB - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các lễ hội được tổ chức đảm bảo an toàn, hiệu quả. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các lễ hội được kiểm soát chặt chẽ, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được quan tâm; việc tuyên truyền lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trước, trong và sau lễ hội được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Điện Biên trong đêm khai mạc Năm Du lịch Quốc gia và Lễ hội Hoa Ban năm 2024.

Với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội, ngay từ đầu năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch chào đón tết Dương lịch và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị... Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao đưa vào sử dụng các dự án cải tạo, sửa chữa các công trình, các điểm di tích phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, ban hành các kế hoạch của Sở để tuyên truyền và tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị liên quan và các cấp cơ sở thường xuyên chú trọng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trên các địa bàn; đặc biệt là công tác tổ chức các lễ hội truyền thống ở các thôn, bản, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để đồng bào các dân tộc có điều kiện vui tết cổ truyền, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Kết quả, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban và Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024. Ở cấp huyện đã tổ chức Lễ hội Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên). Cấp xã tổ chức các lễ hội: Lễ Cầu mưa (dân tộc Thái, xã Noong Luống); Tết té nước (Bun Huột Nặm, dân tộc Lào, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên); Lễ hội “Gầu tào” (dân tộc Mông, xã Nà Bủng, huyện nậm Pồ); Hội thi đấu bò truyền thống và các hoạt động văn hóa, thể thao mừng xuân Giáp Thìn 2024 (huyện Điện Biên Đông); Lễ hội Đua thuyền đuôi én và trải nghiệm dù lượn (thị xã Mường Lay); Ngày Hội văn hoá, thể thao - Ẩm thực (huyện mường Ảng). Phục dựng, bảo tồn các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc truyền thống của dân tộc Lào (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) và dân tộc Mông (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo).

Trong các ngày lễ, tết truyền thống, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tại di tích lịch sử văn hóa thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, Ban quản lý di tích tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các quy định hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; rà soát hệ thống thiết bị và công tác phòng, chống cháy nổ, hạn chế tối đa du khách đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân không cài, đặt tiền trên các đồ vật, đồ thờ tùy tiện gây phản cảm, bố trí hòm công đức hợp lý để phục vụ nhân dân; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, bố trí người thu gom kịp thời các loại hương, tiền công đức, tiền lễ mà nhân dân đặt không đúng nơi quy định... đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả.

Lực lượng diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ qua các tuyến phố với sự cổ vũ của đông đảo người dân và du khách.

Sở VHTT&DL tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sáng 7/5/2024, tại thành phố Điện Biên Phủ, Lễ kỷ niệm đã được diễn ra trọng thể, xứng với tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Lễ kỷ niệm chính thức bắt đầu với 21 loạt pháo lễ trên nền nhạc Quốc ca; cùng lúc diễn ra lễ chào cờ, đội bay gồm 11 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài chính. Ngay sau Lễ kỷ niệm là chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tham gia của hơn 12 nghìn người.

Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trong tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội được chú trọng. Sở đã tham mưu lập kế hoạch, tổ chức khảo sát, nghiên cứu và khai thác thông tin để bảo tồn, phục dựng lễ Mừng cơm mới của dân tộc Cống; lễ Tết Lá lúa của dân tộc Kháng tại xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé. Tổ chức lớp truyền dạy nghề đan lát của dân tộc Si La, dân tộc Cống; lớp tập huấn bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên; nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Kháng; lập kế hoạch kiểm kê văn hoá dân tộc Thái ngành Thái trắng; nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin về văn học dân gian của dân tộc Hà Nhì để xây dựng dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn.

Bên cạnh những kết quả đó, công tác tham mưu và tổ chức một số hoạt động liên quan đến Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn có hạn chế. Lễ hội quy mô cấp tỉnh thường tập trung lượng lớn du khách đến cùng thời gian, địa điểm, trong khi cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các khu vệ sinh công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng xả rác thải của khách tham quan và người dân tham dự lễ hội còn khá phổ biến. Vẫn còn tình trạng bán hàng rong trước khu vực lễ hội.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh, để thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng cuối năm, Sở tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh đã ban hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về các lễ hội dân gian truyền thống và các lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Kết hợp giữa tổ chức lễ hội với một số sự kiện khác nhằm tăng tính hấp dẫn, trải nghiệm của nhân dân. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức lễ hội trên cơ sở phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, có hiệu quả thiết thực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi; kích động bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác, tạo những chuyển biến mới tích cực. Vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội./.

Lan Phương