VPUB - Nậm Pồ với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng

Dienbien.gov.vn - Huyện Nậm Pồ có tổng diện tích đất tự nhiên 149.559,11 ha. Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 120.664,66 ha, chiếm 80,68% diện tích tự nhiên. Thời gian qua, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện các chính sách về khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng bổ sung, trồng rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Qua đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,58%.

Những cánh rừng xanh tốt trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Xác định tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Luật Lâm nghiệp (năm 2017) và các văn bản chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hàng đầu. Thời gian qua, huyện Nậm Pồ đã tổ chức 5 Hội nghị, mở 15 lớp tập huấn, xây dựng 20 phóng sự truyền hình, 15 phóng sự báo chí để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, UBND cấp xã đã tổ chức 75 Hội nghị, 54 lần phát thanh trên loa xã để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã. Bước vào mùa khô hanh hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan, phòng ban, đoàn thể huyện, đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo UBND các xã xây dựng kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng xuống từng tổ, đội, thôn, bản nhằm tuyên truyền, phổ biến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và hướng dẫn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, của huyện đến từng người dân để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và cấp phát tài liệu tuyên truyền như: Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Lâm nghiệp; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 156 hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; Nghị định 35 về xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và các văn bản liên quan khác với trên 826 buổi, 31.370 lượt người tham gia. Để thực hiện Kế hoạch 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh, giai đoạn 2019-2023, UBND huyện đã ban hành trên 840 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thực hiện các hình thức liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị trên diện tích đất, rừng được giao, khoán nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Trong giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn huyện chủ yếu thực hiện các hoạt động sản xuất phát triển rừng bằng trồng rừng, trồng phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung. Diện tích sử dụng: 5.484,78 ha, trong đó: diện tích sử dụng trồng rừng sản xuất là 12,06 ha; diện tích sử dụng trồng phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng là 26,80 ha; diện tích sử dụng khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung là 5.445,92 ha. Qua đó, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái tạo chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho đồng bào miền núi, ổn định chính trị xã hội, quốc phòng, an ninh.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cùng các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản đi tuần tra và bảo vệ rừng.

Diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 trên địa bàn huyện Nậm Pồ ở Lưu vực Sông Đà là 44.245,86 ha; lưu vực nhà máy thủy điện Nậm He là 2.853,84 ha; lưu vực nhà máy thủy điện Nậm Mức, Trung Thu, Long Tạo, Huổi Vang, Huổi Chan 1 là: 1.031,3 ha. Tổng số tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 42.397.259.088 đồng. 

Kết quả giao đất, giao rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ khi thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng tính đến ngày 31/12/2023: Giao đất rừng sản xuất 26.970,78 ha, đất rừng phòng hộ 32.217,74 ha cho 359 cộng đồng dân cư, hộ gia đình là dân tộc thiểu số (trong đó giao cho hộ gia đình cá nhân là 620,43 ha và cấp 162 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cộng đồng dân cư là 58.568,09 ha và cấp 197 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). 

Đồng chí Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Luật Lâm nghiệp với những quy định mới, quan tâm hơn đến những người trực tiếp tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, trao quyền cho người trực tiếp sản xuất trong quản lý, khai thác, sử dụng đã tạo sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân. Thực hiện các chính sách về sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn, nhất là các chính sách về khoanh nuôi tái sinh bảo vệ phát triển rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số; sự đồng thuận, tiếp thu nghiêm túc, cầu thị của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (chủ rừng) tham gia công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng./.

Thanh Tâm