Không quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Không giống như trận đánh trên mặt đất từ ngày 13/3/1954 , không quân Pháp tham gia trận đánh Điện Biên Phủ từ tháng 11/1953 với cuộc hành binh Hải Li và kéo dài đến đầu tháng 6 nhằm ngăn các đơn vị chiến đấu của Việt Minh quay trở lại đồng bằng châu thổ sau khi Việt Minh giành chiến thắng ở lòng chảo.

Ngoài mặt trận Điện Biên Phủ, không quân Pháp ở Viễn Đông còn yểm trợ cho các cuộc tấn công quan trọng diễn ra ở Trung Lào bắt đầu từ 22/12, ở Thượng Lào - nơi Đại đoàn 308 phản công chớp nhoáng về hướng Luang Prabang, cuộc hành binh "Atlante" ở Liên khu 5. Đồng thời, không quân Pháp cũng triển khai tấn công độc lập như vụ tấn công trung đoàn 95 khi trung đoàn này di chuyển từ bắc miền Trung về Bắc Kỳ cũng như ném bom phá hủy các kho trong vùng Chu Lễ[i]. Nhưng Điện Biên Phủ luôn là ưu tiên thường trực số 1, không quân (trong đó có cả hải quân không quân[ii]) đã huy động gần như toàn bộ phương tiện có thể huy động được tham gia yểm trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO)[iii].

Không quân Pháp trước chiến dịch Điện Biên Phủ[iv]

Ngày 20/11/1953 mở màn cuộc hành binh Hải Li (Castor) thả dù quân Pháp đánh chiếm Điện Biên Phủ. Tiềm lực Không quân Pháp trên chiến trường Đông Dương thuộc quyền chỉ huy của tướng Lauzin được chia thành hai lực lượng. Lực lượng thuộc biên chế của Không quân gồm 79 máy bay tiêm kích Bearcat F8F  và 71 phi công; 18 máy bay trinh sát  RF 8F và Rb 26 cùng 12 phi công, 35 máy bay ném bom B.26  và 23 phi hành đoàn, 69 máy bay vận tải Dakota và 5 chiếc C119 cùng 92 phi hành đoàn. Lực lượng thuộc biên chế của Không quân Hải quân gồm 33 máy bay tiêm kích Helicat và Helldiver cùng và 32 phi hành đoàn,8 máy bay  ném bom (Priveteer) và 6 phi hành đoàn, 2 máy bay vận tải C47 và  3 máy bay JU 52 và hai phi hành đoàn. Tổng cộng là 173 máy bay chiến đấu, 71 máy bay vận tải Dakota trong đó có 3 máy bay VIP. Khả năng hoạt động không quân hàng tháng được thiết lập như sau: tiêm kích thuộc biên chế của Không quân: 1900 giờ/tháng, tiêm kích thuộc biên chế của Hải quân không quân: 900 giờ/tháng, trinh sát: 340 giờ/tháng, ném bom của Không quân: 630 giờ/tháng, ném bom của Hải không quân: 120 giờ /tháng, vận tải của Không quân: 3800 giờ /tháng (125 giờ/ngày), giảm trong thời gian chuẩn bị không vận: 80 giờ/ngày, 10 ngày trước ngày J.

Chi viện không quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cả tướng Võ Nguyên Giáp lẫn De Castries biết rất rõ, cầu hàng không là dây rốn duy trì sự tồn tại của Binh đoàn tác chiến Tây Bắc cũng như toàn bộ bố trí phòng ngự của Pháp ở Đông Dương. Chặt đứt cầu hàng không sẽ đẩy tập đoàn cứ điểm lâm vào tình trạng cạn kiệt cả lương thực lẫn khí tài. Trước khi đợt tấn công Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13/3, hàng loạt các tấn công dạo đầu đã được quân Việt Minh tiến hành. Ngày 31/01/1954, một đơn vị đặc công thâm nhập và phá hủy các máy bay C47 đang đậu ở sân bay Đồ Sơn, tiếp đến là cuộc tấn công sân bay Gia Lâm ngày 05/3, Cát Bi ngày 06/3. Mục tiêu của Việt Minh rất rõ ràng: phá hủy tiềm lực tiếp tế và can thiệp của không quân Pháp hỗ trợ Điện Biên Phủ và điều này được khẳng định rõ trước khi đợt tấn công đầu tiên của họ được phát động từ ngày 13/3.

Từ ngày 11/3, các khẩu pháo, đặc biệt là pháo 75 li do Nhật Bản sản xuất được ngụy trang kỹ tấn công đường băng, bãi đậu cũng như các khu vực xung quanh: ngày 11/3, một chiếc C.119 bị phá hủy, ngày 12/3: một chiếc Morane 500 và ngày 13/3: một chiếc Curtiss Commando dân sự. Một máy bay tiêm kích F8F Bearcat của phi đội I/22 Saintonge bị đạn cối phá hủy ngày 13/3 cùng với kho xăng máy bay. Chốt chỉ huy không kích (PCIA) "Torrocelli" của đại úy Charnot 8 lần trúng pháo của Việt Minh. Việc đậu máy bay ở tập đoàn cứ điểm trở thành vấn đề lo ngại, trước khi trận đánh bắt đầu. Ngay khi cuộc tấn công trên mặt đất chưa bắt đầu, cầu hàng không của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã ở trong tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, ngày 13/3, tướng Lauzin lệnh cho các phi hành đoàn tiến hành bay bất chấp rủi ro.

(Ảnh: Máy bay tiêm kích F8F Bearcat của phi đội I/22 Saintonge bị đạn cối phá hủy ngày 13/3, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp)

Chỉ huy quân Việt Minh hiểu rõ cần ngăn tiếp tế hàng không, không cho máy bay xuất hiện trên bầu trời lòng chảo và để đạt được mục tiêu đó, cần chiếm được các điểm yểm trợ phía bắc, biến các ngọn đồi này thành khu vực triển khai pháo phòng không, giúp nhanh chóng bẻ gãy tiềm lực không quân Pháp. Một số tướng lĩnh Pháp chua chát tuyên bố, đối với quân đội Việt Minh, Điện Biên Phủ là một trận chiến trên không.

Dù đã dự tính được ngày tấn công, nhưng chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc De Castries không ngờ được về mục tiêu tấn công của quân Việt Minh. Việc chiếm được trung tâm đề kháng Béatrice (Him Lam) có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt tâm lý, bởi vị trí phòng ngự này do Tiểu đoàn số 1- tiểu đoàn lính lê dương tinh nhuệ thuộc Bán lữ đoàn lê dương số 13 (1/13 DBLE) chiếm giữ. Việc Béatrice (Him Lam) thất thủ chỉ trong một đêm đã khiến quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị sốc. Huyền thoại về "một căn cứ không lục quân, một pháo đài không thể xâm phạm" sụp đổ. Ngay khi những tấn công đầu tiên nhắm vào tập đoàn cứ điểm, Việt Minh tập trung đông quân tấn công Béatrice (Him Lam) và dù có công sự kiên cố chắc chắn, trung tâm đề kháng này thất thủ ngay trong đêm đầu tiên và ngày hôm sau, Gabrielle (Độc Lập) cùng chung số phận. Các hoạt động không quân trên lòng chảo diễn ra trong các điều kiện khó khăn. Các máy bay C47 chở "đom đóm" hỗ trợ phòng thủ ban đêm trong khi các máy bay tiêm kích của hải quân không quân ném bom các vị trí đặt pháo. Tuy nhiên, liên lạc với mặt đất gặp nhiều khó khăn, chốt chỉ huy không quân "Torrocelli" quá tải vì các cuộc gọi khẩn.

Từ ngày 14/3, các máy bay tiêm kích của hải quân không quân được lệnh án binh bất động ở Cát Bi do tàu sân bay Arromanches bị bao quanh bằng lớp sương mù dày đặc trong vịnh Bắc Bộ. Khu vực bay ở Cát Bi rất lộn xộn, nhiều máy bay phải bay ở tầm thấp để định vị bằng ánh đèn dân sinh trong các khu phố của Hà Nội và Hải Phòng, dẫn đến một số vụ tai nạn.

Sau khi Béatrice (Him Lam) và Gabrielle (Độc Lập) thất thủ, Cogny nhận thấy cần khẩn cấp chi viện cho tập đoàn cứ điểm: ngày 14/3, tiểu đoàn lính dù Việt Nam số 5 của đại úy Botella được thả xuống khu vực thả dù (D.Z) ở nam Điện Biên Phủ. Sau cuộc họp với các thuộc cấp (trong đó có tướng Bodet), Cogny quyết định chi viện thêm cho Điện Biên Phủ đồng thời tăng cường cầu hàng không. Những diễn biến thời tiết bất lợi ngăn các phi công Pháp thực hiện các chuyến bay tiếp tế cho lòng chảo, hy vọng duy nhất từ ngày 13-17/3 là thả dù Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 ( 6è BPC) của Bigeard ngày 16/0, nhưng không làm tan đi nỗi lo về số phận của tập đoàn cứ điểm.

Các hoạt động không quân Pháp đặc biệt gặp nguy hiểm, thậm chí dẫn đến thảm kịch do pháo binh của Việt Minh - hoạt động từ ngày 13/3 gây thiệt hại cho các máy bay, đặc biệt là ở khu vực Điện Biên Phủ. Các máy bay tiêm kích lẽ ra phải cất cánh ngay khi các đợt tấn công đầu tiên của Việt Minh diễn ra nhưng buộc phải ở lại mặt đất do vấp phải pháo phòng không dữ dội của đối phương cũng như vì những trục trặc kỹ thuật. Nhờ chiếm được các điểm yểm trợ, pháo phòng không của Việt Minh được triển khai cách trung tâm đề kháng chưa đến 3km, trên khu vực hạ cánh của máy bay và trong trục đường băng. Đường băng nằm trong tầm pháo của Việt Minh kể từ khi họ chiếm được Béatrice (Him Lam) và Gabrielle (Độc Lập). Cũng kể từ khi đó, tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm chỉ còn có thể thực hiện được qua các đợt thả dù.

Tướng chỉ huy Đơn vị không vận chiến thuật Bắc Việt Nam (GATAC Nord) yêu cầu các phi đội hoạt động tối đa, tuy nhiên việc thả dù quân lẫn thiết bị và hứng chịu thiệt hại lớn do pháo phòng không vì độ cao thả dù buộc phải nâng lên, hệ thống mở dù chậm phải thiết kế lại và khu vực thả dù ngày càng bị thu hẹp. Cầu hàng không bị cắt đứt dần. Cũng trong đợt tấn công đầu tiên, các máy bay vận tải của Pháp cũng tham gia: các máy bay Dakota chất đầy những thùng 20 lít chứa đầy napalm tấn công các mục tiêu nghi là có quân Việt Minh tập trung (cuộc hành binh Vénus ngày 25/3) và các máy bay vận tải cỡ lớn C119 thuộc phân đội Packet ngày 26 và 27/3 tham gia cuộc hành binh Junon và Minerve. Tuy nhiên, các cuộc hành binh có sử dụng napalm đã không mang lại hiệu quả, Việt Minh đã rút ra được bài học và kinh nghiệm từ các trận đánh năm 1951 ở đồng bằng châu thổ. Lo sợ về tương lại mất các trung tâm đề kháng biệt lập dần hiện hữu trong suy nghĩ của giới chính khách, quân sự ở cả Paris lẫn Đông Dương, hoài nghi tìm thấy lối thoát danh dự ngày một lớn dần. Đến cuối tháng 3/1954, vấn đề tiếp tế bằng đường không cho tập đoàn cứ điểm trở thành vấn đề sống còn trong thiết kế trận đánh[v].

(Ảnh: Hồ sơ 4 C 928, sơ đồ biểu thị trọng tải bom và napalm được thả trong chiến dịch ĐBP)

Tiếp tế bằng đường không

Các điểm yểm trợ phía bắc nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Minh từ ngày 17/3 và đường băng không thể sử dụng được từ ngày 20/3. Việc tiếp tế được thực hiện bằng hai cách: thả dù hoặc tiếp đất và từ ngày 20/3, tiếp tế chỉ có thể được tiến hành bằng thả dù và các máy bay của quân Pháp buộc phải nâng độ cao để tránh pháo phòng không của Việt Minh được triển khai ở các vị trí đã chiếm được. Máy bay C47 buộc phải bay theo quỹ đạo trong nửa giờ trước khi thả 2,5 tấn hàng tiếp tế trong khi máy bay C119 có thể thả dù 4 tấn hàng chỉ trong 1 lần bay qua nhờ các cửa phía sau. Lo ngại chính của quân Pháp vào cuối tháng 3 liên quan đến việc trang bị đạn súng cối. Yểm trợ của pháo binh Pháp trong những tuần đầu tiên của trận đánh đã khiến dự trữ đạn cối của quân Pháp sụt giảm mạnh, do những tính toán tiêu thụ dựa trên căn cứ Nà Sản, các máy bay vận tải ưu tiên thả dù tiếp tế đạn cối 105. Vấn đề tiếp tế cho quân đồn trú trở thành vấn đề khẩn cấp sống còn và trách nhiệm duy nhất nặng nề phụ thuộc vào vận tải[vi]..Đến cuối tháng 3, dự trữ của quân Pháp đạt 5 cơ số đạn nhưng sau đó số đạn cối bổ sung qua tiếp tế đường không trở nên bấp bênh, diễn biến chiến trường buộc dự trữ đạn các cỡ tiêu thụ nhiều. Trong đợt tấn công thứ hai cuối tháng 3, quân Pháp đã bắn 500 tấn đạn cối các loại, các dàn pháo 105 và 155 li chỉ còn 1 cơ số đạn, trong khi đạn dành cho pháo 120 li không còn. Ngày 06/4/1954, tình hình tồi tệ đến mức chính chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc dự kiến quân Pháp chỉ còn cầm cự được 1 ngày trước khi dự trữ đạn cạn kiệt hoàn toàn[vii].

Từ ngày 17/3, mọi dự định tiếp đất được xem như "nhiệm vụ tự sát" của các phi hành đoàn. 13 giờ 30 ngày 07/3, chiếc C47 Zoulon của phi đội II/62 (trung úy De Ruffray) tiếp đất thành công, vận chuyển 32 người bị thương và cất cánh trong làn đạn súng cối. Cùng ngày, chiếc C47 Zoulon Tango của thiếu tá Darde cố gắng hạ cánh nhưng buộc phải cất cánh tức thì không thể chở người bị thương do trúng 19 phát đạn ở khoang người ngồi. Cuối buổi sáng ngày 19/3, trung úy De Biswang là người cuối cùng đậu chiếc C47 ở Điện Biên Phủ, thành công chở 23 người thương sau khi cất cánh trở lại trong sự rượt đuổi của pháo phòng không Việt Minh. Trước những hiểm nguy đó, phi hành đoàn thuộc Liên đoàn Không vận Mỹ (CAT-Confederate Air Transport) đình công từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Các phi công Mỹ - từng xông pha chiến trường Thế chiến thứ 2 hoặc Chiến tranh Triều Tiên của tướng Chennault đã hai lần từ chối bay vận tải tới Điện Biên Phủ, dù được trả tới 35 đô la/giờ bay. Cả tướng Navarre lẫn tướng Cogny, trước đó từng lạc quan về kết quả trận đánh đều hiểu rõ việc đường băng không thể sử dụng đồng nghĩa với việc tập đoàn cứ điểm bị bóp nghẹt do thiếu tiếp tế lẫn quân chi viện và không thể sơ tán những người bị thương. Quan hệ xấu đi giữa chỉ huy Lục quân và Không quân. Ngày 17/3/1954, tướng Navarre gửi thư số 879/GENE/OPS/TS chỉ trích gay gắt hoạt động của không quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

(Ảnh: Z 11271, Tổng kết hoạt động của không quân Pháp trong chiến dịch ĐBP, Lưu trữ Bộ Quốc Phòng Pháp)

Giải pháp về căn cứ không lục quân ra đời năm 1952 là hậu quả trực tiếp của tình hình thảm họa của Lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Quân Pháp đã không thể thắng trong cuộc chiến dù được Mỹ viện trợ và được trang bị khí tài hiện đại như B26 và napalm. Trong triết lý chiến tranh mới này, không quân đóng vai trò sống còn. Tiếp tế cho các căn cứ không lục quân là nhiệm vụ ưu tiên, có sự tham gia của cả không quân lẫn hàng không dân dụng. Không quân là dây rốn nuôi dưỡng các đơn vị Pháp trong chương cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương và dây rốn ấy đã bị Việt Minh chặt đứt ở Điện Biên Phủ. Cũng trong lý thuyết chiến tranh ấy, đường băng-biểu tượng sống sót của tập đoàn cứ điểm bị vô hiệu hóa hoàn toàn đồng nghĩa với kết cục thất thủ tất yếu của của "pháo đài bất khả xâm phạm" này. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, không quân Pháp tham chiến ở Điện Biên Phủ đã thiệt hại 51 máy bay, 169 chiếc khác bị hư hại nặng, tiến hành 30.000 giờ bay, với gần 80 phi công và nhân sự phi hành đoàn


[i] Thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

[ii] Tham khảo thêm bài viết "Tàu sân bay Arromanches trong chiến dịch Điện Biên Phủ".

[iii] Tên gọi tiếng Pháp là Groupement opérationnel du Nord-Ouest

[iv] Hồ sơ Z 11271, Báo cáo của tướng Lauzin - Chỉ huy Không quân Pháp tại Viễn Đông, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.

[v] Theo "Hỗ trợ không quân trong trận đánh Điện Biên Phủ", Philippe Gras, Tạp chí Thế chiến và các xung đột đương đại, số 211, 2003.

[vi] Trên tổng số 24 khẩu pháo của tập đoàn cứ điểm, 8 khẩu bị phá hủy và cần phải thay thể bằng máy bay tuy nhiên đại tá Pyroth từ chối các khẩu pháo mới trước khi trận đánh bắt đầu.

[vii] Theo "Tại sao Điện Biên Phủ?", P.Rocolle, trang 286.

Ngọc Nhàn

Theo https://archives.org.vn/