VPUB - Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên diễn ra từ 16 - 18/3

Dienbien.gov.vn - Nằm trong khuôn khổ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), từ ngày 16 - 18/3, sẽ diễn ra Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật Xoè Thái và Nghệ thuật Khèn Mông; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc diễn ra vào 9h, ngày 16/3/2024 tại Trung tâm giao lưu Văn hóa và Thông tin du lịch Điện Biên Phủ.

Liên hoan Nghệ thuật Xoè Thái được tổ chức với quy mô cấp tỉnh mở rộng, diễn ra vào ngày 17/3/2024 tại Quảng trường 7-5 TP Điện Biên Phủ. Đối tượng tham gia là: công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và nhân dân các dân tộc đang sinh sống, lao động và học tập trên địa bàn tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc mở rộng (Sơn La, Hoà Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ). Nội dung tham gia thi, đối với tỉnh Điện Biên, mỗi đơn vị thành lập 1 đoàn (từ 100 - 200 người), tham gia 2 phần thi (múa xoè bắt buộc; múa xoè tự chọn), dùng âm nhạc của Việt Nam, khuyến khích dùng các ca khúc Điện Biên, âm nhạc dân tộc phù hợp với nội dung bài thi. Đối với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, mỗi tỉnh thành lập 1 đoàn tham gia (từ 30 - 50 người), tham gia 2 phần thi (múa xoè bắt buộc, múa xoè tự chọn), dùng âm nhạc của Việt Nam, khuyến khích dùng các ca khúc Tây Bắc, âm nhạc dân tộc phù hợp với nội dung bài thi.

Liên hoan Nghệ thuật Khèn Mông tổ chức với quy mô cấp tỉnh mở rộng dự kiến diễn ra vào 16/3/2024 tại Trung tâm giao lưu Văn hóa và Thông tin du lịch Điện Biên Phủ. Đối tượng tham gia là: Nghệ nhân, diễn viên đang cư trú tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc mở rộng (Sơn La, Hoà Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ). Trình diễn nghệ thuật múa khèn Mông (đơn, đôi, tập thể). Mỗi đơn vị thành lập 1 đoàn tham gia tối đa 20 người, tham gia các nội dung có chủ đề về sinh hoạt, nghi thức văn hóa dân gian và trò chơi từ các lễ hội của dân tộc Mông.

Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Thành phần tham gia gồm: các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các trường chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang; các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Thời gian thi từ ngày 16/3/2024, tại Trung tâm giao lưu Văn hóa và Thông tin du lịch Điện Biên Phủ. Mỗi đơn vị thành lập 1 đoàn tham gia trình diễn tổng thể, thí sinh trình diễn chính thức từ 3 - 5 diễn viên (nam, nữ hoặc nữ), trang phục truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục... Các đoàn lựa chọn thí sinh có chiều cao từ 1,60m trở lên đối với nữ; 1,70m trở lên đối với nam, độ tuổi từ 18 - 32 tuổi. Các thí sinh sẽ trình diễn phần cá nhân lồng ghép trong phần trình diễn màn tổng thể của đoàn mình. Thời gian tham gia các màn trình diễn của mỗi đoàn từ 5 - 7 phút/màn, khuyến khích sử dụng đạo cụ, có phụ họa tăng thêm phần sinh động; khi trình diễn phải có lời bình kèm theo.

Chương trình tổng kết, trao giải dự kiến diễn ra vào 20 giờ, ngày 17/3/2024 tại Quảng trường 7-5 thành phố Điện Biên Phủ, gồm: chương trình nghệ thuật, trao giải, công diễn các tiết mục xuất sắc, trình diễn vòng xòe đoàn kết với số lượng dự kiến trên 2.000 người. Ban Tổ chức sẽ trao các giải A,B,C cho các phần thi, các tiết mục, đồng thời, trao các giải khác: Giải màn xòe đặc sắc nhất, Giải màn xòe có đội hình đẹp nhất; Giải nghệ nhân múa khèn Mông độc đáo nhất, Giải tiết mục múa khèn Mông có chủ đề ấn tượng nhất, Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Giải thí sinh trình diễn trang phục dân tộc truyền thống xuất sắc nhất, Thí sinh trình diễn trang phục dân tộc duyên dáng nhất, Thí sinh có gương mặt khả ái nhất, Thí sinh có phần trình diễn ấn tượng nhất.

Thông qua tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá và vẻ đẹp đặc trưng của các trang phục dân tộc, phát huy các di sản đã được ghi danh và công nhận như: Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật Khèn Mông. Đồng thời, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên./.

Lan Phương