Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

*Baodienbienphu.com.vn (13/12): “Dự án chậm, không thực hiện được thì ngừng đầu tư, tập trung nguồn lực cho các dự án hiệu quả”

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng và di chuyển các cơ quan tỉnh vào khu Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh tại Hội nghị Ban Chỉ đạo, diễn ra chiều ngày 13/12.

Cùng với Trưởng ban Chỉ đạo, các đồng chí Phó Trưởng ban: Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại buổi làm việc, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thông tin: Sau hơn 4 tháng tổ chức triển khai kể từ cuộc họp Ban Chỉ đạo trước (27/7), việc triển khai các dự án đã có thay đổi, chuyển biến. Trong đó Dự án Đầu tư xây dựng khu điểm tái định cư Khu trung tâm chính trị hành chính tỉnh đã phê duyệt thêm 13 phương án với diện tích gần 15.000m2, tổ chức lựa chọn xong đơn vị thi công xây lắp gói 1, 2. Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội thị khu Trung tâm hành chính, chính trị đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết 2 hợp đồng xây lắp. Dự án Nhà khách tỉnh ước đạt 19% khối lượng xây lắp gói thầu. Đánh giá tổng hợp 2/15 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, 4/15 dự án cơ bản đảm bảo theo tiến độ đề ra, 9/15 dự án chậm tiến độ.

Công tác triển khai còn nhiều tồn tại hạn chế. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng còn vướng, chưa được tháo gỡ, giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng đến tiến độ, không giải ngân được ngồn vốn đã giao; dẫn đến phải điều chỉnh giảm, gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó hạn chế trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị.

Tham gia tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi một số khó khăn, vướng mắc: Việc xây dựng trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã ký hợp đồng với nhà thầu xây lắp, nhưng chưa có mặt bằng thi công, đề nghị sớm hoàn thiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng; việc xây dựng trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh đang vướng không có đường nào cho phương tiện vào thi công; dự án Trường Tiểu học Hà nội - Điện Biên Phủ bổ sung thanh lý dãy nhà cũ để thi công đảm bảo tiến độ...

Lắng nghe các ý kiến trao đổi, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị: Các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh giải quyết căn cơ, nhất là vấn đề pháp lý để tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tập trung nguồn lực, thuê chuyên gia nếu cần. Chủ đầu tư, cơ quan chức năng chủ động đề xuất phương án tháo gỡ các khó khăn, đôn đốc thực hiện các công việc đảm bảo tiến độ. Với việc kiểm định, kiểm đếm tài sản trên đất, dứt khoát phải làm đúng, chính xác, nghiêm túc, trách nhiệm, đạt mục tiêu đặt ra. Các sở, ngành tham mưu bổ sung cán bộ có kinh nghiệm và tâm huyết cho các đơn vị chức năng, địa phương để triển khai nhanh dự án.

Đồng chí Trần Quốc Cường nhấn mạnh: “Thực hiện với tinh thần kiên quyết tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ, nếu không làm được thì trả lại cho tỉnh, ngừng đầu tư để điều chỉnh chuyển tập trung đầu tư cho các công trình khác thực hiện hiệu quả, không để tồn đọng kinh phí. Mong muốn các cá nhân, đơn vị quyết tâm vào cuộc, phối hợp tốt với nhau để triển khai đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra”.

Dự kiến Hội nghị tiếp theo của Ban Chỉ đạo diễn ra trung tuần tháng 1/2024, Trưởng ban Chỉ đạo giao các cơ quan chức năng báo cáo, xác định rõ các dự án vì sao chậm, không thực hiện được; dự án nào có khả năng làm tiếp, dự án nào không, để đề xuất chuyển giai đoạn sau, tập trung nguồn lực cho các công trình khác...

*Baodienbienphu.com.vn (13/12): Chủ động chuẩn bị tốt cho kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều ngày 13/12, Ban Chỉ đạo kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2023 - 2025) tổ chức Hội nghị lần thứ 4 nhằm đánh giá tình hình, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác chuẩn bị và phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung.

Các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Thời gian tới, Điện Biên diễn ra nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm lớn, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ngày 28/11, trên cơ sở nội dung đề nghị của tỉnh Điện Biên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến vào Đề án tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và ban hành Công văn số 8567-CV/VPTW ngày 29/11 để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh, trưởng các tiểu ban giúp việc báo cáo tình hình thực hiện công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tiểu ban Nội dung đã xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh cho phù hợp trước khi tỉnh trình Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiểu ban Thông tin, truyên truyền đã và đang chỉ đạo biên soạn một số cuốn sách hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Điện Biên (từ năm 1949 - 2020); Chiến sĩ anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ - Lịch sử và ký ức... Tiểu ban Hậu cần, cơ sở vật chất, Tiểu ban An ninh cũng đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; tham mưu cho Ban Chỉ đạo các kế hoạch cho các phần việc.

UBND tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, dự án trùng tu, tôn tạo di tích và phục vụ hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ đạo các ban, sở, ngành tỉnh chủ động báo cáo, khớp nối với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan để kịp thời phối hợp, tham mưu trình Chính phủ xem xét, phê duyệt và phân bổ kinh phí cho công trình, dự án, các hoạt động chào mừng kỷ niệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng...

Sau khi các tiểu ban báo cáo, Trưởng ban Chỉ đạo trực tiếp cho ý kiến về các nội dung, như: Chủ trương ký hợp đồng sớm với một số khách sạn để trưng dụng phục vụ đại biểu những ngày diễn ra lễ kỷ niệm; phương án về quà tặng lưu niệm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho đại biểu và du khách, trong đó chú trọng hình tượng Tượng đài Chiến thắng và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền và tuyên truyền sớm các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch lớn của tỉnh; đẩy mạnh thông tin giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người Điện Biên trên các kênh truyền thông, tạp chí hàng không. Các đơn vị thành viên được giao nhiệm vụ chủ động liên hệ với cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao đề xuất danh sách khách mời quốc tế; phối hợp đề xuất, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư để sớm xây dựng phương án đón tiếp và đảm bảo an ninh chi tiết. Ưu tiên các công trình trực tiếp phục vụ dịp kỷ niệm và chỉnh trang đô thị chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; các sở, ngành cùng vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm triển khai thành công các công trình, dự án trọng điểm...

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Thời gian không còn nhiều, để tổ chức tốt và sớm hoàn thành công tác chuẩn bị kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đề nghị các cá nhân, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ.

*Baodienbienphu.com.vn (13/12): Đoàn giám sát Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với UBND tỉnh

Tiếp tục chương trình giám sát tại tỉnh Điện Biên, sáng 13/12, đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Đoàn giám sát của Bộ làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn.

Giai đoạn 2021 - 2023, vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Điện Biên là trên 1.310 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện phân bổ, lồng ghép vốn được triển khai kịp thời, đầy đủ. Nhiều kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình năm 2023 đạt kế hoạch đề ra, như: Số hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5.412 hộ, giảm 4,32% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2022. 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được tập huấn, bồi dưỡng.

Năm 2023, Điện Biên đang triển khai thực hiện 7 dự án của Chương trình. Với nguồn vốn thực hiện là trên 984 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn giải ngân đến 30/11/2023 là trên 475 tỷ đồng, đạt 48,24% so với vốn thực hiện năm. Tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình năm 2023 còn chậm, giải ngân vốn chưa cao.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng cùng lãnh đạo các sở, ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương đã làm rõ một số nội dung theo đề nghị của đoàn giám sát, như: Thông tin về tiến độ giải ngân; nguyên nhân thực hiện dự án về đa dạng hoá sinh kế, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm nghèo về thông tin đạt thấp; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện một số dự án, tiểu dự án…

UBND tỉnh Điện Biên đề nghị cho phép điều chỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các dự án, tiểu dự án nằm trong Chương trình để phù hợp với nhu cầu của địa phương. Xem xét tiếp tục điều chỉnh một số tiêu chí tài sản quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH phù hợp với tính chất vùng miền. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện các nội dung thuộc Chương trình.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các ban chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đôn đốc giải ngân, quan tâm thị trường lao động. Chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân, các chính sách chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024. UBND tỉnh tiếp tục rà soát một số văn bản trình HĐND tỉnh ban hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình. Đối với các kiến nghị của UBND tỉnh, đoàn giám sát tiếp thu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền.

*qdnd.vn (11/12): Điện Biên: Khởi tố vụ án hình sự đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Ngày 11-12, thông tin từ Đồn Biên phòng Si Pha Phìn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với đối tượng Điêu Chính Phượng về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Trước đó, vào hồi 00 giờ 10 phút, ngày 10-12, tổ công tác của Đồn Biên phòng Si Pha Phìn phối hợp với Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) làm nhiệm vụ tại Km00+300, trên tuyến Quốc lộ 4H thuộc địa phận bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phát hiện 1 người đàn ông điều khiển xe máy chở theo sau 2 người (1 nam, 1 nữ) có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã yêu cầu người đàn ông dừng và xuống xe để tiến hành kiểm tra hành chính.

Qua kiểm tra, đối tượng điều khiển xe máy tên là Điêu Chính Phượng, sinh năm 1994, trú tại bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. 2 đối tượng ngồi sau đi cùng là Tòng Văn Điện, sinh năm 1995, trú tại bản Co Sản, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên và Phạm Thị Hồng Vui, sinh năm 1991, trú tại phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, được Phượng đưa dẫn nhập cảnh từ Lào về Việt Nam. Tổ công tác đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và đưa các đối tượng về Đồn Biên phòng Si Pha Phìn để tiếp tục điều tra làm rõ.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Điêu Chính Phượng khai nhận vào hồi 16 giờ ngày 9-12, Phượng sang cụm Phonexay, huyện Muang May, tỉnh Phongsaly, Lào để mua bán, trao đổi hàng hóa thì gặp một người đàn ông ở đây trao đổi có 2 người ở bên Lào muốn sang Việt Nam nhưng không có giấy tờ và đề nghị Phượng đón 2 người này ở khu vực mốc 74 tuyến biên giới Việt Nam - Lào thì sẽ được trả công 1 triệu tiền Kíp Lào. Phượng đồng ý, đến 19 giờ 30 phút tối cùng ngày, Phượng nhập cảnh về Việt Nam tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Si Pa Phìn, về đến nhà khoảng 22 giờ 30 phút Phượng nhận được điện thoại của người đàn ông bên Lào gọi lên địa điểm đã hẹn trước để đón người, sau khi nhận người và tiền, 3 người di chuyển về đến địa điểm trên thì bị tổ công tác biên phòng phát hiện bắt giữ.

Đồn Biên phòng Si Pha Phìn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với đối tượng Điêu Chính Phượng về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Đối với số công dân còn lại, đơn vị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và hướng dẫn quay trở về địa phương.

*Baodienbienphu.com.vn (14/12): Đồng chí Tạ Văn Sơn được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé

Trong 2 ngày (14 - 15/12), HĐND huyện Mường Nhé khóa V, nhiệm kỳ 2021- 2026 tiến hành kỳ họp thứ 12 để xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng và tiến hành bầu bổ sung Chủ tịch UBND huyện khóa V, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại kỳ họp này, HĐND huyện xem xét báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2023; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán và phân bổ dự toán ngân sách năm 2024.

Trong năm 2023, cơ cấu kinh tế của huyện Mường Nhé tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần ở khu vực vực nông, lâm nghiệp và tăng dần ở khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Tổng sản phẩm trên địa bàn huyện ước đạt  1.618,413  tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số chỉ tiêu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Diện tích gieo cấy thu hoạch chiêm xuân; diện tích lúa mùa; tốc độ của đàn gia súc; giá trị sản xuất công nghiệp... Việc thực hiện công tác giảm nghèo của huyện đã đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,47% so với năm 2022. Cơ sở vật chất ngành Giáo dục được tăng cường, các chính sách cho giáo viên và học sinh được thực hiện tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, đường biên mốc giới, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững...

HĐND huyện còn xem xét báo cáo công tác năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Các đại biểu HĐND huyện cũng nghe Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thông báo về hoạt động của MTTQ tham gia xây dựng chính quyền, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp; đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND. Các đại biểu cũng đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ cho HĐND huyện bầu...

Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc miễn nhiệm và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND huyện khóa V, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Nguyễn Văn Hưng, nguyên Chủ tịch UBND huyện đã được điều động nhận nhiệm vụ mới. Đồng thời, biểu quyết miễn nhiệm Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện và giới thiệu bầu chức vụ Chủ tịch UBND huyện khóa V, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với đồng chí Tạ Văn Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Nhé. Các đại biểu HĐND huyện đã nhất trí bầu đồng chí Tạ Văn Sơn giữ chức Chủ tịch UBND huyện, khóa V nhiệm kỳ 2021 - 2026 với số phiếu tín nhiệm cao.

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND huyện Mường Nhé khóa V, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua các nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; dự toán và phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

TIÊU ĐIỂM

*vietnamnet.vn (14/12): Kỹ sư cầu đường nêu điểm 'lạ' dự án đường trăm tỷ vào Sở chỉ huy Điện Biên Phủ

Nhìn con đường Tà Lèng - Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) gần 170 tỷ đồng xuống cấp, kỹ sư cầu đường Nguyễn Văn Cần chỉ ra những điểm bất thường.

Trước những hình ảnh xuống cấp trên tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng được đăng tải trên VietNamNet, kỹ sư cầu đường Nguyễn Văn Cần (làm việc tại TP Hà Nội) cho biết, bản thân ông thấy xót xa khi con đường có ý nghĩa đặc biệt mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp nặng nề. 

Theo ông Cần, với hiện trạng hình ảnh tuyến đường, nhìn bằng cảm quan cũng có thể khẳng định tuyến đường thi công khá “cẩu thả”, vì thế các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xác minh về trình tự triển khai dự án có đảm bảo đúng quy định của pháp luật hay không?

“Chỉ cần kiểm tra hồ sơ thầu, thiết kế thi công công trình, khoan kiểm tra độ dày vật liệu thi công là có thể tính toán được nhà thầu thi công có đảm bảo theo hồ sơ thiết kế như thế nào", ông Cần thẳng thắn.

Với giải thích của chủ đầu tư khi nói đường xuống cấp là do địa chất yếu, kỹ sư Nguyễn Văn Cần cho rằng nguyên nhân này chưa thuyết phục, bởi vì khi khảo sát thiết kế là các đơn vị tư vấn, lập dự án đã phải khoan thăm dò, tính toán được phương án tối ưu nhất.

“Không thể để tình trạng tuyến đường được đầu tư gần 170 tỷ nhưng để xuất hiện nhiều vết lún nứt, nhiều đoạn mặt đường bị biến dạng, hệ thống thoát nước bong tróc, hư hỏng, không còn tác dụng", ông Cần thông tin thêm.

Dự án đường Tà Lèng - Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) với chiều dài hơn 17km, có tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng ngân sách của tỉnh Điện Biên. Việc triển khai làm đường nhằm khai thác thế mạnh đặc thù của khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, đoạn đường trên đã xuống cấp và đến nay vẫn chưa thể bàn giao cho Sở GTVT tỉnh để triển khai các bước duy tu, bảo trì. 

Ông Phạm Văn Sỹ - Phó giám đốc sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị đã nhiều lần ra văn bản, tổ chức cuộc họp và đưa ra thời hạn để chủ đầu tư là Sở Văn hoá - Thể thao và du lịch khắc phục những tồn tại trong quá trình triển khai dự án. 

Theo ông Sỹ, tính đến thời điểm ngày 8/12/2023, Chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa tiến hành khắc phục xong những tồn tại thuộc phạm vi bảo hành của dự án. Từ đó dẫn đến chưa thể bàn giao dự án cho Sở GTVT quản lý và vận hành.

Còn ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban quản lý di tích thuộc Sở Văn hoá - Thể thao và du lịch (Thành viên Ban thực hiện dự án) cho rằng: Tình trạng xuống cấp ở nhiều vị trí trên tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng có nguyên nhân do thời điểm thi công, khâu thiết kế con đường nằm trên vị trí khung trượt, địa chất yếu và không ổn định.

Tuy nhiên, theo tài liệu của VietNamNet thu thập được, quá trình thi công dự án, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều tồn tại. Biên bản kiểm tra hiện trạng đường vào ngày 8/8/2022 đã chỉ ra 74 vị trí hư hỏng mặt đường, 39 vị trí hư hỏng lề đường và rãnh thoát nước, 17 vị trí hư hỏng công trình thoát nước và 10 vị trí hư hỏng hệ thống an toàn giao thông. 

Đặc biệt, cơ quan chức năng xác định, tại nhiều vị trí, đơn vị thi công bề mặt đường thiếu điển hình, một số hồ sơ thiết kế có sai khác với thực địa tuy nhiên chủ đầu tư không điều chỉnh, xử lý kĩ thuật cho phù hợp.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn xác định: Chủ đầu tư không bổ sung hệ thống rãnh dọc tại các vị trí cần thiết dẫn đến đọng nước mặt đường, một số vị trí rãnh hộp bị mất, hư hỏng tấm đan; Nhiều vị trí hộ lan tôn sóng bị mất tấm sóng, tấm đầu cong; Hệ thống biển báo cảnh báo nguy hiểm đặt sai vị trí, một số vị trí trên tuyến mặt đường bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng. 

*Baodienbienphu.com.vn (14/12): Lượng hành khách qua sân bay Điện Biên tăng cao

Đến ngày 12/12, sau 10 ngày kể từ khi hoạt động trở lại, Cảng hàng không Điện Biên luôn nhộn nhịp hành khách; lượng khách đi và đến Điện Biên tăng cao và ổn định so với trước đây. Việc đưa các dòng máy bay cỡ lớn vào khai thác và chất lượng các dịch vụ chu đáo, hiện đại hơn, nên các hành khách đều rất hài lòng.

Sáng 2/12, hai chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không Vietnam Airlines (Hà Nội - Điện Biên) và Vietjet Air (TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên), với loại tàu bay A321 đã lần lượt đáp xuống sân bay Điện Biên, đánh dấu sự hoạt động trở lại của sân bay Điện Biên. Sự kiện này cũng là mốc quan trọng lần đầu tiên trong lịch sử sân bay Điện Biên đón dòng máy bay cỡ lớn A321 và tương đương.

Kể từ khi hoạt động trở lại, Vietnam Airlines thực hiện khai thác đường bay Hà Nội - Điện Biên và ngược lại với tần suất 7 chuyến/tuần vào tất cả các ngày trong tuần. Đối với đường bay TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên và ngược lại, Vietjet Air thực hiện khai thác 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7. Việc đưa các dòng máy bay cỡ lớn vào khai thác đã rút ngắn được thời gian di chuyển của hành khách so với trước đây, như đường bay Hà Nội - Điện Biên chỉ mất khoảng 35 phút (dòng máy bay ATR72 khoảng gần 60 phút); hay đường bay kết nối “Thành phố mang tên Bác” với Điện Biên giàu truyền thống lịch sử chỉ còn hơn 2 giờ bay thẳng cho mỗi chuyến.

Cùng với đó cảng hàng không Điện Biên được đầu tư các trang thiết bị mới, hiện đại sau khi nâng cấp, mở rộng, như hệ thống sinh trắc học, sử dụng căn cước công dân điện tử cho hành khách đi máy bay; trang thiết bị phục vụ mặt đất, trang thiết bị nhà ga... Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Cảng hàng không Điện Biên đã góp phần tạo nên sự ổn định và được hành khách đánh giá cao kể từ khi sân bay hoạt động trở lại.

Bà Nguyễn Thị Tình, người dân TP. Điện Biên Phủ đến sớm làm thủ tục bay tuyến Điện Biên - Hà Nội chia sẻ: Tôi rất phấn khởi khi sân bay Điện Biên sớm hoạt động trở lại. Chất lượng dịch vụ ngày càng hoàn thiện, các thủ tục nhanh chóng hơn, máy móc được đầu tư hiện đại, nhất là việc đưa vào khai thác các dòng máy bay cỡ lớn. Hành khách không phải đi bộ ra máy bay hay đi bộ vào nhà ga như trước mà có xe đưa đón chuyên nghiệp.

Những hành khách đến Điện Biên, cũng có chung cảm nhận về sự hài lòng với chất lượng, dịch vụ. Chị Nguyễn Thị Cúc, du khách đến từ thành phố mang tên Bác chia sẻ: Nhiều lần gia đình tôi dự định đi Điện Biên, nhưng trước đây việc đi lại gặp nhiều khó khăn, bất tiện nên phải hoãn. Giờ có đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên nên rất thuận lợi, chỉ khoảng 2 tiếng từ sân bay Tân Sơn Nhất tôi đã có mặt tại Điện Biên. Không khí ở đây rất trong lành, mọi người rất thân thiện, dịch vụ tốt, tôi thấy rất tuyệt vời.

Từ khi sân bay hoạt động trở lại, nhiều hành khách từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La cũng di chuyển đến Điện Biên Phủ để bay Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, tạo không khí tấp nập hơn nhiều so với trước đây. Khu vực sảnh chờ, điểm bán vé, các ghế nghỉ hay các điểm bán đồ uống giải khát đều nhộn nhịp.

Đánh giá sơ bộ của các hãng hàng không đang khai thác tại sân bay Điện Biên, sau khi hoạt động trở lại, lượng khách tăng cao và ổn định hơn nhiều so với trước đây, có ngày hết vé; trong đó lượng khách quốc tế tăng lên. Đặc biệt, năm 2024 là “Năm du lịch quốc gia - Điện Biên”, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dự ước lượng khách sẽ tăng cao hơn nhiều.

Theo ông Trần Văn Hồng, Phó Giám đốc Cảng hàng không Điện Biên, công tác an ninh, an toàn hàng không được đặt lên hàng đầu, các quy định về an toàn và quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được triển khai đồng bộ. Cùng với đó, trang thiết bị và hạ tầng được đầu tư hiện đại. Nhờ đó, lượng khách tăng cao và ổn định. Sau khi hoạt động trở lại, trung bình mỗi ngày có gần 500 hành khách đi và đến Điện Biên.Được biết tỉnh Điện Biên và Tổng Công ty hàng không Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư  - thương mại - du lịch - hàng không trong giai đoạn 2024 – 2028. Trong đó, Tổng Công ty hàng không Việt Nam tiếp tục nghiên cứu tăng tần suất chuyến bay với những đường bay hiện có, mở thêm các tuyến bay kết nối Điện Biên với các tỉnh thành khác trong nước và một số quốc gia trong khu vực khi điều kiện cho phép. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông, kết nối Điện Biên với thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các vùng miền, tạo cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch không chỉ của tỉnh Điện Biên mà cả vùng Tây Bắc.

*vietnamnet.vn (15/12): Phó Chủ tịch Điện Biên nêu 'công, tội' nhà thầu xây đường trăm tỷ bị xuống cấp

Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết tỉnh đã rất quan tâm đôn đốc, tuy nhiên nhà thầu và chủ đầu tư thiếu trách nhiệm đối với dự án đường Tà Lèng - Mường Phăng.

Đường hư hỏng do "sa mạc hóa" 

Sau loạt bài VietNamNet phản ánh hiện trạng xuống cấp của đường Tà Lèng - Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), ông Vừ A Bằng đã lên tiếng thông tin những nội dung liên quan.

Ông Vừa A Bằng cho biết: Theo dự kiến ban đầu, đường Tà Lèng - Mường Phăng được thi công từ năm 2014, tuy nhiên đến năm 2019 mới chính thức khởi công. Kinh phí sử dụng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Dự án gặp phải sức ép lớn về tiến độ thi công do nguồn vốn và thời gian giải ngân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng khẳng định: Việc nâng cấp và mở rộng tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng đã tạo điều kiện thuận cho người dân trong vấn đề đi lại, phát triển kinh tế, giao thương buôn bán và giao lưu với các vùng miền khác. Đồng thời, con đường cũng là 'sợi chỉ' kết nối văn hóa, du lịch. Do đây là trục đường chính kết nối Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ với các quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Mặc dù có ý nghĩa đặc biệt nêu trên, nhưng trong quá trình triển khai dự án đã xảy ra những tồn tại mà đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Cụ thể, ông Bằng đề cập đến việc công trình xuất hiện nhiều vị trí xuống cấp nghiêm trọng, có đoạn bị xói lở; UBND tỉnh từng  nhiều lần chỉ đạo chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện nhiều nội dung liên quan.

"Tôi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh năm 2020; việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ, tôi đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục những tồn tại của dự án đường Tà Lèng - Mường Phăng", ông Bằng nói và cho biết đây là nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, giám sát. 

Đề cập đến nguyên nhân khiến tuyến đường nêu trên xuống cấp nghiêm trọng dù chưa bàn giao cho Sở GTVT - ông Bằng nhấn mạnh đến yếu tố khách quan là do địa chất nơi thực hiện dự án. 

"Khi đánh giá khảo sát tuyến đường, chúng tôi phát hiện ra vấn đề sa mạc hóa đất, địa chất ở dưới tầng phủ. Anh em khoan theo quy định cấp đường thì khoan còn chưa đến tầng này, nhưng khi máy móc ủi xuống đến dưới mới thấy toàn cát, nó là sa mạc hóa. Thế nên cứ mưa xuống là trôi, chính vì thế khi anh em thi công vẫn đảm bảo theo hồ sơ thiết kế nhưng cứ mưa xuống là bắt đầu xói dưới lên. Tôi đã mời đại diện ngân hàng ADB lên xác nhận việc này, xin xử lý thông qua nguồn vốn của ADB còn dư bằng việc bổ sung rãnh dọc", ông Vừ A Bằng nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, quá trình thi công tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng, phía tỉnh đối mặt với sức ép lớn về tiến độ giải ngân. Có thời điểm sắp đến hạn tiến độ nhưng vì lý do khách quan chưa thể hoàn thành, tỉnh đã làm việc với đại diện Ngân hàng ADB, xin gia hạn đến 30/6/2021 và được họ đồng ý. 

"Sau khi Ngân hàng ADB thống nhất gia hạn, Tỉnh ủy ra chủ trương, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, sau đó UBND tỉnh đôn đốc hoàn thiện và có phương án thống nhất triển khai dự án. Chúng tôi xác định, nếu đến ngày 30/6/2021 không thể hoàn thiện thì phải chấp nhận bị thu hồi vốn, tỉnh phải bỏ ngân sách ra. Với điều kiện của một tỉnh nghèo, nếu để xảy ra việc thu hồi vốn thì sẽ diễn ra tình trạng đã nghèo lại còn nghèo hơn", ông Vừ A Bằng chia sẻ. 

"Công, tội" của nhà thầu

VietNamNet đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan khi để con đường xuống cấp nghiêm trọng, ông Vừ A Bằng cho rằng trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu thi công. 

Theo ông Bằng, UBND tỉnh là đơn vị quản lý chung đã rất trách nhiệm trong việc đôn đốc các đơn vị triển khai dự án đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở liên quan đã tổ chức họp, đưa ra những giải pháp thi công cụ thể. 

"Khi tôi về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dự án cơ bản đã thi công xong và trình thủ tục quyết toán. Tuy nhiên, sau đó như đã trao đổi về những nguyên nhân khách quan, tôi có trách nhiệm đôn đốc quyết liệt các đơn vị liên quan", ông Vừ A Bằng nói.

Đề cập đến trách nhiệm của chủ đầu tư là Sở VH-TT-DL, ông Bằng cho rằng đơn vị này chưa làm tròn trách nhiệm được giao, không đôn đốc nhà thầu hoàn thiện các hư hỏng thuộc trách nhiệm bảo hành, dẫn đến công trình tiếp tục có những hư hỏng. Theo ông Bằng, có thể do Sở VH-TT-DL phải cùng lúc triển khai nhiều nhiệm vụ dẫn đến chồng chéo. 

Đề cập đến trách nhiệm của nhà thầu (liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương mại Huy Hoàng và Công ty TNHH TVTK&XD Ánh Tuyết), Phó Chủ tịch Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, đơn vị thi công đã rất trách nhiệm đồng hành với UBND tỉnh trong việc ứng kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng. 

"Tuy nhiên, nhà thầu thi công thiếu trách nhiệm ở chỗ khi các cơ quan quản lý yêu cầu xử lý nhưng chậm trễ không làm. Ban quản lý có văn bản chỉ đạo, nhưng nhà thầu chưa thực hiện đúng. Chúng tôi xác định rõ việc công là công, tội là tội", ông Bằng thẳng thắn.

Đồng thời, vị Phó Chủ tịch Điện Biên cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, đảm bảo bàn giao cho Sở GTVT để thực hiện việc bảo trì. 

Chủ đầu tư bất tuân chỉ đạo của tỉnh

Theo ông Vừ A Bằng, tỉnh sau khi phát hiện địa chất có dấu hiệu sa mạc hóa đã yêu cầu chủ đầu tư bổ sung rãnh dọc để thoát nước. Tuy nhiên, theo thông tin VietNamNet thu thập được, Chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu trên. 

Cụ thể, tại đợt kiểm tra của Sở GTVT vào tháng 10/2021 chỉ ra nhiều vị trí của dự án đường Tà Lèng - Mường Phăng không được chủ đầu tư bổ sung hệ thống rãnh dọc dẫn đến nước đọng tại mặt đường, lề đường. Điển hình tại km8+600 (200m), km9+091-km9+112, km13+361 (100m)...  

Ngoài ra, kiểm tra bằng trực quan, đoàn kiểm tra xác định nhiều vị trí trên tuyến rãnh dọc bị lấp tắc,có nơi rãnh hộp tắc 45cm/60cm dẫn tới đọng nước lề đường; một số rãnh hộp bị mất, hư hỏng tấm đan, một số vị trí xói sau rãnh.

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Tienphong.vn (13/12): Đề nghị tăng cường thanh kiểm tra hoạt động từ thiện

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác kiểm tra việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo Bộ Tài chính, qua phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng xuất hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động nhân đạo, từ thiện để trục lợi, gây lo lắng, bất an trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đến nhân dân trên địa bàn để nâng cao nhận thức về pháp luật; đảm bảo các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận động, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về quy trình, thủ tục và hồ sơ có liên quan.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn để hoạt động từ thiện thực hiện đảm bảo đúng hướng, hiệu lực, hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đặc biệt là việc lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

*baochinhphu.vn (14/12): Đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh theo 2 mức độ

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh.

Theo Thông tư, việc đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập; đảm bảo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi cho thành viên đơn vị tự học, học thường xuyên để trở thành "Công dân học tập", góp phần xây dựng "Cộng đồng học tập" cấp xã, huyện, tỉnh; đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Nguyên tắc đánh giá, công nhận là công khai, dân chủ, minh bạch; đúng thẩm quyền, mức độ, tiêu chí, điều kiện, quy trình đánh giá, công nhận quy định tại Thông tư này.

Thời hạn công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận Đơn vị cấp huyện đạt "Đơn vị học tập" cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận Đơn vị cấp tỉnh đạt "Đơn vị học tập" cấp tỉnh.

Công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh theo 2 mức độ: mức độ 1, mức độ 2.

Đơn vị cấp huyện, tỉnh được công nhận mức độ 1 sau ít nhất 1 năm (12 tháng) kể từ ngày ra quyết định công nhận có thể đề nghị đánh giá, công nhận nâng mức độ 2.

Kết quả công nhận được bảo lưu trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tiếp theo năm được công nhận là "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh.

3 tiêu chí đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện mức độ 1

Tiêu chí 1: Về điều kiện xây dựng "Đơn vị học tập" gồm các chỉ tiêu: Thực hiện đầy đủ các chế độ về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành, có quy định của đơn vị nhằm khuyến khích, động viên Thành viên trong đơn vị tích cực học tập; Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với Thành viên trong đơn vị…

Tiêu chí 2. Về kết quả học tập của Thành viên trong đơn vị gồm các chỉ tiêu: Tối thiểu 90% Thành viên trong đơn vị hoàn thành đầy đủ các chương trình học tập, bồi dưỡng theo quy định của nhà nước hoặc của đơn vị và đoàn thể được lãnh đạo đơn vị phê duyệt; Tối thiểu 50% Thành viên trong đơn vị có chứng nhận hoặc chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu công việc hoặc vị trí việc làm.

Tiêu chí 3: Tác dụng của việc xây dựng "Đơn vị học tập" với các chỉ tiêu: Tối thiểu 90% Thành viên trong đơn vị đạt danh hiệu "Công dân học tập"; Đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức độ chuyển đổi số ở "mức đáp ứng cơ bản".

Tiêu chí đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện mức độ 2

Tiêu chí đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện mức độ 2 như sau:

Tiêu chí 1: Về điều kiện xây dựng "Đơn vị học tập": Nội dung tiêu chí giống như đối với "Đơn vị học tập" cấp huyện mức độ 1 nêu trên.

Tiêu chí 2: Về kết quả học tập của Thành viên trong đơn vị gồm các chỉ tiêu: Tối thiểu 95% Thành viên trong đơn vị hoàn thành đầy đủ các chương trình học tập, bồi dưỡng theo quy định của nhà nước hoặc của đơn vị và đoàn thể được lãnh đạo đơn vị phê duyệt; tối thiểu 70% Thành viên trong đơn vị có trình độ ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu công việc hoặc vị trí việc làm.

Tiêu chí 3: Tác dụng của việc xây dựng "Đơn vị học tập" gồm các chỉ tiêu: Tối thiểu 95% Thành viên trong đơn vị đạt danh hiệu "Công dân học tập"; Đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức độ chuyển đổi số ở "mức đáp ứng tốt"…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2024.

CHỈ THỊ MỚI

*Taichinhdoanhnghiep.net.vn (12/12): Chính phủ yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95%

Thường trực Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân; quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.

Quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong bối cảnh khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đồng thời, bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thường trực Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư công. Hoàn thiện chế tài trong việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí…

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

TIN QUỐC HỘI

*dangcongsan.vn (13/12): Khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28 để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày, cho ý kiến về 19 nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với 02 dự thảo luật chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác như quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, còn một số nội dung khác liên quan đến tài chính ngân sách còn tồn đọng và cấp bách trước mắt và một số dự án quan trọng quốc gia, do vậy có khả năng sẽ cần tổ chức Kỳ họp bất thường trong thời gian tới.

Nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2023; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...). Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Nhóm vấn đề thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự. Trong đó có 9 nội dung liên quan đến tài chính ngân sách, như việc phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2023, bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường, điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 của các địa phương, bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mỡ nhờn năm 2004.

Về vấn đề địa giới hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nhóm vấn đề thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023. Xem xét, cho ý kiến, quyết định bằng văn bản đối với: Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nội dung phiên họp nhiều, trong khi các công việc để kết thúc kỳ họp thứ 6 vẫn cần tiếp tục triển khai, đến nay cơ bản ban hành đủ các nghị quyết, ký chứng thực các luật, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sớm trình ký chứng thực các dự án luật còn lại; đồng thời, chuẩn bị các dự án luật được thông qua tại kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung phiên họp nhiều, trong khi các công việc để kết thúc Kỳ họp thứ 6 vẫn cần tiếp tục triển khai, đến nay cơ bản ban hành đủ các nghị quyết, ký chứng thực các luật, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sớm trình ký chứng thực các dự án luật còn lại; đồng thời, chuẩn bị các dự án luật được thông qua tại kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung đầu tiên: xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

*Laodong.vn (13/12): Sắp xếp đơn vị hành chính chưa quyết liệt, dự kiến chỉ giảm 50% yêu cầu

Ngày 13.12, tại phiên họp thứ 28, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo rà soát, có 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 cấp xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính nhưng có tâm lý và thực tế triển khai không thực sự quyết liệt .

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đến tới điểm này 56/56 địa phương đã gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để cho ý kiến, số còn lại sau khi rà soát không nằm trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã.

Theo rà soát thì có 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, có tâm lý và thực tế triển khai không thực sự quyết liệt nên qua tổng hợp các phương án của 56 địa phương thì có thể chỉ đảm bảo giảm được 50% theo yêu cầu, còn lại căn cứ các tiêu chí đưa vào diện đặc thù để không sắp xếp.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc Kết luận số 48-KL/TW ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023–2030.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định định cho biết, Ủy ban Pháp luật quá trình thẩm tra các đề án có nêu một số ý kiến lưu ý Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023–2025.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ Nội vụ soạn thông báo gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện đúng Kết luận 48, Nghị quyết 35, Nghị quyết 117, đảm bảo như yêu cầu đặt ra” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự phù hợp về quy hoạch, thành lập đô thị không nợ tiêu chí, nhập nông thôn vào đô thị phải có đề án riêng; sắp xếp kết nối giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030 đảm bảo tính đồng bộ.

Liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu giải pháp để thực hiện thành công những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là thời gian rất gấp rút, chưa đến một năm để chuẩn bị đại hội Đảng cấp cơ sở vào năm 2025.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Thanh Trà nhấn mạnh đây là chủ trương lớn, tập trung cải cách tổ chức bộ máy và cũng là việc khó đòi hỏi quyết tâm chính trị của cả hệ thống. “Hơn lúc nào hết, rất mong sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở địa phương. Đây là lĩnh vực khó, khẳng định năng lực, trình độ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu” – bà Phạm Thị Thanh Trà nêu.

* daibieunhandan.vn (15/12): Động lực từ cải cách tiền lương!

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2023 của Ban Dân nguyện gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 28 cho thấy, cử tri và nhân dân bày tỏ phấn khởi với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về chính sách tiền lương.

Tiền lương là vấn đề luôn được cử tri, nhân dân quan tâm trong mọi thời điểm bởi tiền lương liên quan trực tiếp đến thu nhập và tác động trực tiếp đến cuộc sống của biết bao gia đình. Ở một khía cạnh khác, nếu tiền lương không đủ trang trải, mức sống của người lao động bị giảm sút, buộc người lao động phải chạy “chân trong, chân ngoài” để kiếm sống. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả làm việc của người lao động. Và ngược lại, nếu tiền lương đủ để chi tiêu, người lao động sẽ yên tâm cống hiến cho công việc, cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Không chỉ đánh giá giá trị của sức lao động, gắn chặt với chất lượng, hiệu quả công việc, mà tiền lương còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả và trung thực. Đó cũng là một trong những giải pháp mà các chuyên gia thường hiến kế để ngăn chặn tình trạng tham nhũng “vặt”, đó là có chính sách cải cách tiền lương kịp thời, lương cho cán bộ, công chức phải đủ sống.

Quan trọng là vậy, nhưng việc tăng lương vẫn là bài toán khó bởi lý do nguồn lực. Mức lương hiện nay chưa tương xứng với sức lao động, mức thu nhập còn quá thấp trong khi giá cả thì tăng cao; điều này cũng trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở một số lĩnh vực từ khu vực công ra khu vực tư. Trước thực tế này, đòi hỏi cần có chính sách tiền lương thỏa đáng đối với công chức, viên chức, người lao động.

Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, Quốc hội quyết nghị thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1.7.2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Cùng với đó, từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 30.6.2024: mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng sẽ được tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12.2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, góp phần bảo đảm đời sống, tạo sự an tâm công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định bền vững của chính sách, rất cần các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương. Cùng với đó, Chính phủ cần hoàn thành sớm xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương. Đặc biệt, để niềm vui được trọn vẹn, song song với việc cải cách chính sách tiền lương, rất cần giải pháp để kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, “lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng”.

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Tienphong.vn (12/12): “Nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm, kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn”

Đó là phát ngôn của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng sáng 12/12.

Tại diễn đàn, Tiến sĩ Dũng đánh giá, dù chịu tác động bởi nhiều yếu tố, song nền kinh tế Việt Nam so với các nước xung quanh có những tiến bộ đáng ghi nhận, kinh tế vĩ mô ổn định, dù phát triển chậm hơn tốc độ đề ra nhưng vẫn ở mức tương đối.

Trong vấn đề ngoại giao, theo ông, không chỉ có ngoại giao vắc xin, mà ngoại giao kinh tế của Việt Nam cũng rất giỏi. “Với chính sách “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã tạo điều kiện làm bạn và hợp tác với tất cả các nước. Đó là điều chưa từng có”, ông Dũng nhận định.

Ông Dũng cho rằng, việc ông Jensen Huang - CEO của Nvidia vừa đến Hà Nội đánh dấu định hướng ngoại giao kinh tế chuyển sang cao hơn như hợp tác làm chip bán dẫn. Ông đánh giá cao hướng đi này và cho rằng đây là điều kiện tốt để chuyển sang nền kinh tế với chất lượng cao hơn.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng còn nhiều thách thức đặt ra do Việt Nam phải chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt, các lĩnh vực như việc làm, dệt may sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.

Theo ông Dũng, xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, nhưng vẫn cần đến chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa bởi đây là thị trường rất quan trọng.

Ông Dũng lưu ý, chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo an toàn pháp lý cho bộ máy, đây là vấn đề rất quan trọng. Theo ông, nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm như vừa qua, kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn.

*Tienphong.vn (13/12): Bộ trưởng Xây dựng: Nhà ở xã hội tại Bình Dương là kiểu mẫu của cả nước

Ngày 13/12, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước”.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao mô hình nhà ở xã hội (NƠXH) kiểu mẫu tại Bình Dương và khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để cùng địa phương hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân lao động.

Theo ông Nghị, chương trình NƠXH của Bình Dương được đánh giá là kiểu mẫu của cả nước, với các khu nhà ở quy mô lớn, khang trang, tạo được ấn tượng tốt đối với doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, giữ chân người lao động.

Bộ trưởng Xây dựng đề nghị Bình Dương cần phát triển hơn nữa mô hình này và tỉnh cần triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính đối với các dự án phát triển NƠXH theo quy định của pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng loại hình NƠXH, nhà ở cho công nhân.

Ông Nghị cho biết: “Hiện nay nhu cầu rất lớn, song số công trình nhà ở để đáp ứng còn ít. Thời gian tới, Bộ sẽ tích cực hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, cùng với địa phương để đầu tư thêm các dự án NƠXH. Triển khai mạnh mẽ các giải pháp, chính sách nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội”.

Mô hình nhà ở an sinh xã hội của Bình Dương ra đời được đầu tư xây dựng trên quỹ đất sạch với giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn hộ (30 m2 sàn), phục vụ tốt nhu cầu của công nhân lao động, người thu nhập thấp. Theo kế hoạch, đến năm 2030, Bình Dương có thêm 200.000 căn NƠXH, nhà ở công nhân.

* Thanh niên (13/12): Vì sao “ông lớn” Malaysia quyết rót 1,4 tỉ đô vào Cần Thơ?

Trong 43 dự án đầu tư và ghi nhớ đầu tư vào TP.Cần Thơ vừa được công bố, đáng chú ý có khu phức hợp thể thao, vui chơi, giải trí, MotoGP với số vốn 1,4 tỉ USD của một nhà đầu tư lớn từ Malaysia.

Bà Trần Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Global Partnership (đối tác đại diện Tập đoàn Pavilion International triển khai dự án tại Cần Thơ) khẳng định: Nếu chỉ đầu tư vào bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng sẽ không khó, ở đây chúng tôi hướng đến điểm nhấn là đường đua Moto GP quốc tế đặt tại Cần Thơ.

Cũng theo bà Vân, trước khi ký ghi nhớ, thì Tập đoàn Pavilion International và Global Parnership đã có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về những tiềm năng, lợi thế khi triển khai dự án tại Cần Thơ.

"Cần Thơ là đô thị trung tâm của ĐBSCL và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của Trung ương thông qua các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt thành phố hưởng lợi rất lớn từ các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông, cao tốc, đường sắt, bến cảng, giao thông hàng không, kết nối toàn khu vực và liên vùng. Với lợi thế và đà phát triển đó, khi khu phức hợp thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng, Moto GP được triển khai một cách chuyên nghiệp, bài bản chắc chắn sẽ tạo được dấu ấn cho địa phương; đồng thời thúc đẩy các lĩnh vực khác của thành phố phát triển mạnh mẽ hơn", bà Vân nói.

Ông Trương Công Quốc Việt, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ cho biết, mô hình MotoGP (giải đua xe tốc độ Moto Grand Prix quốc tế) rất đáng chờ đợi vì nhiều năm qua Cần Thơ là nơi chuyên tổ chức những giải đua xe motor chuyên nghiệp toàn quốc. Do hạn chế về đường đua, các giải đua xe chỉ từ 120cc đến 150cc nhưng thu hút rất đông đảo người xem bao gồm rất nhiều du khách các nơi.

Theo ông Bobby Yeoh Lam Jit, Chủ tịch Tập đoàn Pavilion International (Malaysia), trước khi quyết định chọn Cần Thơ, Tập đoàn Pavilion International và lãnh đạo TP.Cần Thơ đã cùng tìm hiểu, trao đổi nghiêm túc để đưa ra những dự án phù hợp, xứng tầm với tiềm năng của TP.

"Với sự hỗ trợ và phối hợp của lãnh đạo địa phương, chúng tôi tin là sẽ sớm thực hiện được dự án Khu phức hợp thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng MotoGP với điểm nhấn là đường đua GP moto đẳng cấp quốc tế, vẽ tên Cần Thơ và Việt Nam nói chung trên bản đồ đường đua GP Moto thế giới. Từ đó cũng mở ra các cơ hội lớn hơn về đầu tư, du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế cho Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL", ông Bobby Yeoh Lam Jit nói.

*Tienphong.vn (13/12): Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sản xuất bán dẫn, chíp đang khảo sát đầu tư ở Bắc Giang

Tại kỳ họp lần thứ 14 của HĐND tỉnh Bắc Giang sáng 13/12, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết thông tin trên.

Ông Thái cho biết thêm, các nhà đầu tư có đòi hỏi về lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vậy, tỉnh tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và coi là nhiệm vụ trọng tâm. Việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố căn cơ để tỉnh Bắc Giang phát triển bền vững lâu dài.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Giang, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026 của tỉnh Bắc Giang.

Ông Thái lưu ý ba vấn đề để tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn. UBND tỉnh Bắc Giang phân công, phân cấp, giao rõ nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân.

Đặc biệt, các ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “3 dám”, “3 hơn”, “5 rõ” theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phát triển đô thị; tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư công, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học, cải tạo, nâng cấp Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục dạy nghề…

*Tienphong.vn (13/12): Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời: Có thể thu được hàng tỷ USD từ... vỏ trấu

"Với 43 triệu tấn lúa sẽ thu được 5 triệu tấn vỏ trấu, làm được hàng triệu tấn polymer sinh học, đem lại lợi nhuận từ 3 - 3,5 tỷ USD", Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nói tại Hội nghị báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2023 ngày 13/12, đồng thời khẳng định con số này được đảm bảo "khả thi" bởi chuyên gia công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết, trong 10 năm qua cho thấy, giá lúa tăng trung bình 3% một năm; giá phân bón tăng 2%/năm. "Vấn đề đặt ra là lạm dụng phân bón hoá học nhằm tăng năng suất lúa cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong 10 năm qua, năng suất lúa không đổi; doanh thu tăng lên nhưng chi phí cũng tăng, lãi giảm", ông Nhân nói. Đáng chú ý, theo ông Nhân, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 50 - 62% trong chi phí sản xuất lúa gạo.

"Hiện nay năng suất lúa đã đụng trần, chi phí tăng nhưng lợi nhuận không tăng", ông Nhân nói, đồng thời đề xuất cần quan tâm đến nhóm giải pháp tổng hợp về kỹ thuật, hệ thống canh tác, tổ chức sản xuất, liên kết nông dân... để đảm bảo nguồn thu cho nông dân. "Nông dân sẽ có lãi hơn nếu có giống lúa chất lượng cao", ông Nhân nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Lộc Trời Group Huỳnh Văn Thòn chia sẻ, hiện nay nông dân có "trách nhiệm" quá nặng nề, phải thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, canh tác giảm phát thải...trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường.

Ông Thòn giới thiệu với hội nghị một sản phẩm gọi là "túi cao su", - nhấn mạnh, sản phẩm được làm từ polymer, có sử dụng vật liệu làm từ vỏ trấu của hạt thóc. "Với 43 triệu tấn lúa sẽ thu được 5 triệu tấn vỏ trấu, làm được hàng triệu tấn polymer sinh học, đem lại lợi nhuận từ 3 - 3,5 tỷ USD", ông Thòn nói.

Theo ông Thòn, đây có thể là một hướng đi để nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng cách sử dụng các phụ phẩm từ ngành hàng lúa gạo sản xuất nhiều sản phẩm khác. "Tôi muốn chia sẻ góc nhìn đó để chúng ta có thêm niềm tin, sự lạc quan về con đường lúa gạo", ông Thòn nói.

Ông Thòn cho rằng, hệ sinh thái lúa gạo phải hoạt động mạnh mẽ, chuyển quyền thương lượng từ người mua sang phía người bán để dần cân bằng, không còn cảnh "được mùa mất giá" vì đã đáp ứng được đủ tiêu chí khách hàng đặt ra. "Tôi dám nói là hiện nay Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng hầu hết các đơn đặt hàng, thậm chí là đơn đặt hàng khó tính nhất của thế giới về tiêu chuẩn gạo, bởi ở Việt Nam sản xuất gạo được quanh năm, điều kiện thiên nhiên rất phù hợp", ông Thòn nói.

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* Baophapluat.vn (12/12): Thủ tướng phê bình 21 bộ ngành và 33 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023

Đến hết tháng 11/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 65,1% kế hoạch. Trong đó, có 21 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương chưa hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn. Do đó, Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan trung ương, địa phương này đồng thời yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm , xác định trách nhiệm...

Theo Thông báo số 511 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân cao, trong đó có 03 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 75%. Tuy nhiên, có 21 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương chưa hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn, cũng như 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình quốc gia.

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Việc chậm giải ngân của một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiều nguyên nhân bao gồm: công tác chuẩn bị dự án hạn chế, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, lãnh đạo và chỉ đạo chưa quyết liệt, năng lực nhà thầu hạn chế, và một số vấn đề khác như giải phóng mặt bằng, chính sách pháp luật chưa thống nhất.

Hơn một tháng còn lại đến hết niên độ ngân sách 2023, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, mục tiêu là giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao.

Thường trực Chính phủ đặt ra quan điểm quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Quốc hội, đồng thời kêu gọi đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và chống tham nhũng, lãng phí. Đối diện với những thách thức và khó khăn, giải ngân đầu tư công được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Thông báo cũng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu và tư vấn để đẩy nhanh tiến độ, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và chậm tiến độ. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương, và địa phương được yêu cầu hoàn thiện chế tài trong việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

* daibieunhandan.vn (15/12): “Chúng tôi rất mừng”

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 27.11.2023 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991. Những quy định phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Luật sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp và người nghèo.

“Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) về tổng thể là rất tốt, rất tích cực, phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất vui mừng với Luật này”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) LÊ HOÀNG CHÂU chia sẻ.

Khắc phục tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu”

- Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) có ý nghĩa như thế nào với thị trường bất động sản, thưa ông?

- Đối với các doanh nghiệp bất động sản thì đây là một tin rất mừng. Về tổng thể, đây là Luật rất tốt, rất tích cực, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật và có thể nhận xét là Luật có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở năm 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014.

- Vì sao ông lại cho rằng đây là Luật có chất lượng tốt nhất kể từ Pháp lệnh Nhà ở năm 1991?

­- Có nhiều quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) minh chứng cho nhận xét trên! Điển hình là khoản 2 Điều 32 và khoản 3 Điều 36 quy định trường hợp “chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản” và “được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai”. Như vậy, Luật đã dẫn chiếu về Luật Đất đai là rất chính xác, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về “phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê” (còn gọi là “nhà chung cư mini”), Điều 57 quy định rất chặt chẽ để bảo đảm năng lực của nhà đầu tư là cá nhân. Ví dụ: phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; phải chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; người mua “nhà chung cư mini” được cấp Giấy chứng nhận. Đồng thời, Luật quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của UBND các cấp. Điều này vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, vừa tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Luật Nhà ở 2023 quy định về “các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở” để chuẩn hóa quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, bao gồm dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội và có thể “áp dụng tương tự” cho các dự án bất động sản khác. Điều này khắc phục tình trạng mỗi địa phương làm mỗi phách, còn nhà đầu tư thì không biết đường nào mà lần trong “ma trận” quy trình, thủ tục hành chính và cũng nhằm để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ…

Nên cho phép áp dụng sớm quy định về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư

- Nhà ở xã hội là vấn đề được người dân hết sức quan tâm. Ông nhận xét gì về quy định liên quan trong Luật Nhà ở (sửa đổi)?

- Phải nói rằng, Chương VI của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 với một số chính sách nổi bật. Cụ thể là Khoản 5 Điều 77 cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội; qua đó, khắc phục được “bất cập” của khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 - không cho phép các tổ chức tín dụng này cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Luật Nhà ở (sửa đổi đã bãi bỏ “điều kiện cư trú”, giao Chính phủ quy định “điều kiện về thu nhập”, quy định “đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập” là rất hợp tình hợp lý, để phù hợp với thực tế dịch chuyển lao động và thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao giữa các vùng miền, địa phương.

Với doanh nghiệp, khoản 2 Điều 85 quy định chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải bằng vốn ngân sách sẽ được hưởng các ưu đãi, như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Những ưu đãi này rất cần thiết, hợp tình hợp lý, tạo điều kiện để thu hút  các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

- Vậy còn các quy định liên quan đến sở hữu và cải tạo chung cư thì sao, thưa ông?

- Hiệp hội rất hoan nghênh Luật Nhà ở (sửa đổi) không quy định “sở hữu nhà chung cư có thời hạn” mà chỉ quy định “thời hạn sử dụng nhà chung cư”. Chính sách này không chỉ đáp ứng tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư  mà còn góp phần phát triển loại “nhà ở sở hữu có thời hạn”. Ví dụ loại căn hộ dịch vụ (serviced arpartment) được xây dựng trên khu đất thời hạn sử dụng đất tối đa 50 năm có giá bán thấp hơn so với giá bán của căn hộ chung cư “sở hữu không xác định thời hạn”.

Đặc biệt, cơ chế ưu đãi “được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, kể cả diện tích đất có tài sản công thuộc phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” đã tháo gỡ được vướng mắc trong việc xử lý các phần diện tích đất ngoài ranh khối đế xây dựng nhà chung cư như đường nội bộ, đất nhóm cây xanh. Cơ chế ưu đãi này là một chính sách rất quan trọng, sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và thúc đẩy thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

- Như vậy, có thể thấy, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có nhiều ưu việt. Theo ông, cần làm gì để Luật sớm đi vào cuộc sống?

- Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng sớm hơn đối với các quy định về nhà ở xã hội và hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để đáp ứng nhu cầu cấp bách và nguyện vọng của người dân, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và công tác chỉnh trang tái phát triển đô thị.

Hiệp hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép vận dụng chính sách cho chủ nhà trọ được vay ưu đãi để xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở là nhà trọ cũng là “nhà ở riêng lẻ” của cá nhân, hộ gia đình theo quy định tại Điều 110, Điều 111 Luật Nhà ở 2023 hoặc đề nghị xem xét giảm mức thuế khoán 7% doanh thu hiện nay về mức thuế khoán khoảng 5% doanh thu thì hợp lý hợp tình hơn. Bởi lẽ, hiện cả nước có khoảng trên dưới 100.000 chủ nhà trọ với hàng trăm ngàn phòng trọ cho thuê, đã và đang giải quyết chỗ thuê trọ cho hàng triệu công nhân, người lao động, nhưng lại chưa có chính sách hỗ trợ.

Cùng với đó, về “các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật quy định “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” là không phù hợp thực tế và cũng không cấm được hoạt động cho thuê nhà, cho thuê căn hộ chung cư dạng “kinh doanh lưu trú du lịch”  theo ngày, ngắn ngày, theo giờ áp dụng công nghệ theo ứng dụng chia sẻ phòng thuê (Airbnb) đang được sử dụng rất phổ biến. Do đó, thay vì nghiêm cấm sẽ khó khả thi, Hiệp hội đề nghị nên quản lý chặt chẽ sẽ tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông!

QUẢN LÝ

*Tienphong.vn (13/12): Đà Nẵng: “Lãnh đạo như cha như mẹ, anh em dựa vào mà yếu thì cũng ngã luôn”

Ông Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng nói tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khóa X về việc giải quyết công vụ của cán bộ, công chức hiện nay và những bất cập liên quan đến pháp lý trong xử lý, giải quyết tình trạng này.

Ông Nguyện cho biết, có hai nhóm vấn đề chính là tâm lý và pháp lý. Trong đó, về tâm lý nếu tích cực thì các cán bộ, công chức sẽ tìm thấy điểm dựa để giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân. Nhưng tâm lý tiêu cực thì họ sẽ hướng mục tiêu không phải là nguyện vọng của người dân mà là an toàn cho bản thân.

Để giải quyết tình trạng đùn đẩy, né tránh, ông Nguyện cho rằng, ở khía cạnh tâm lý nếu người đứng đầu cũng sợ thì rất là khó. “Lãnh đạo như cha như mẹ, anh em dựa vào mà yếu thì cũng ngã luôn. Trách nhiệm người đứng đầu nêu gương, động viên, bảo vệ, kích thích anh em làm thì sẽ rất tốt”, ông Nguyện cho biết.

Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị 34 để chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ công chức hiện nay, Phó giám đốc sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiến nghị thành lập tổ công tác 34. Tổ công tác này sẽ đi đánh giá tình hình thực hiện của từng đơn vị và mời cả Thanh tra, Ủy ban kiểm tra cùng tham gia, để phát hiện và chấn chỉnh.

Về mặt pháp lý, ông Nguyện cho biết, ở khía cạnh quan hệ lao động công chức là một loại hình lao động xã hội đặc biệt. Công chức nhà nước vì thực thi công vụ nên có tính đặc quyền, cưỡng bức và có xu thế dễ bị lạm quyền nên mọi hành vi của công chức phải được kiểm soát bằng pháp luật. Vậy nên khi pháp luật bất cập, mâu thuẫn, không được quy định thì công chức cũng không được tự mình, kể cả người đứng đầu không thể bắt công chức làm trái với quy định.

“Cái khiếm khuyết của pháp lý phải giải quyết bằng con đường pháp lý, không thể đổ lỗi cho công chức. Đây mới là căn cơ giải quyết vấn đề, không thể nhanh được nhưng phải kiến nghị, phản ánh với cơ quan cấp trên”, ông Nguyện cho biết.

Theo ông Nguyện, khi pháp luật có sai sót thì các cơ quan giám sát pháp luật phải trưng cầu ý kiến, giám định của các cơ quan lập pháp để kết luận. Tránh việc, pháp luật có cách hiểu khác nhau mà kết luận thì không công chức nào dám làm.

“Đây là vấn đề tầm cả nước và cũng là vấn đề rất trăn trở trong đội ngũ cán bộ công chức thành phố hiện nay. Tác động tích cực của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là mở ra cho chúng ta nhìn nhận ra những khiếm khuyết của pháp luật để hoàn thiện tốt hơn, quay lại công tác phòng chống tham nhũng sẽ tốt hơn. Chúng ta chỉ nhìn ở khía cạnh con người thì không giải quyết được rốt ráo vấn đề”, ông Nguyện nêu ý kiến.

*Tienphong.vn (13/12): Đắk Nông: Chủ tịch HĐND tỉnh hỏi “nóng” lãnh đạo Sở TT&MT

Ngày 13/12, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV tiếp tục kỳ họp thứ 7, với nội dung xoay quanh cuộc chất vấn giữa các đại biểu với 8 “tư lệnh” ngành và cả lãnh đạo UBND tỉnh.

Tại đây, các đại biểu có nêu về việc đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) cho người dân, chấn chỉnh, khắc phục triệt để tình trạng cấp trùng, chồng lấn... tránh gây phiền hà cho người dân.

Ông Lưu Văn Trung - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông - nêu vấn đề, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, người dân nêu ý kiến về việc đất của họ sử dụng ổn định, không tranh chấp với láng giềng nhưng bỗng dưng cơ quan chức năng lại cấp sổ đỏ cho nhà bên cạnh. Dù lỗi thuộc về cơ quan có thẩm quyền nhưng người dân trầy trật đi điều chỉnh thì được yêu cầu tự đi thỏa thuận với hộ bên cạnh.

“Hai hộ liền kề nhau, không xảy ra tranh chấp nhưng chính quyền lại cấp sổ đỏ trùng lên phần đất của hộ khác. Khi người dân đi chỉnh sửa thì bắt họ tự đi thỏa thuận. Vậy ai làm sai, ai chịu trách nhiệm?" - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở TN&MT.

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông - cho hay, đối với việc cấp trùng, chồng lấn, nếu không tranh chấp thì thu hồi giấy và cấp lại. Về vấn đề này, sở cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng quá trình thực hiện của các cơ quan liên quan ở cơ sở không đầy đủ, quyết liệt.

“Việc cấp sổ đỏ trùng, chồng lấn là cơ quan Nhà nước làm sai, không phải lỗi của dân, mà trách nhiệm thuộc về các cơ quan Nhà nước. Do đó, phía sở sẽ nhận trách nhiệm liên quan đến vấn đề này và sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn để giải quyết cho dân”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Về vấn đề cấp sổ đỏ chồng lấn, trùng, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - thừa nhận có, thậm chí rất nhiều.

“Trong những lần tiếp xúc với dân cũng như đơn thư gửi lên tỉnh, gần như 90% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, trong đó có việc cấp sổ đỏ chồng lấn, trùng. Đây là câu chuyện rất dài, một số trường hợp chồng lấn do quá khứ để lại. Tôi yêu cầu Sở TN&MT cần rà soát lại, xem trường hợp nào được, trường hợp nào không, nguyên nhân do đâu để thông tin công khai đến người dân”, ông Mười nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm, để số hóa hồ sơ, tài liệu về đất đai, Đắk Nông cần trên dưới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay trung ương chỉ bố trí 50-70 tỷ đồng/năm, tỉnh Đắk Nông vẫn phải quyết tâm có lộ trình, cái nào dễ làm trước, khó làm sau.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kinhtedothi.vn (12/12): Hà Nội: Tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,26%

UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã về công khai kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp tháng 11/2023.

Thời gian qua, TP đã tiếp nhận 535 phản ánh kiến nghị; 100% người dân hài lòng trong xử lý phản ánh kiến nghị; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,26%.

UBND TP công khai kết quả Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong tháng 11/2023 của Thành phố như sau: Tổng số điểm Thành phố đạt 51,39/100 điểm, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố.

Số điểm này tính tại thời điểm 12h00' ngày 1/12/2023. Số liệu này có thể thay đổi theo thời gian. Đối với số liệu về hồ sơ quả hạn được tính lũy kế không phân định về giới hạn mới gian lấy số liệu như đối với các tiêu chí khác.

Ngoài ra, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến xử lý đúng hạn đạt 93,79%; hồ sợ nộp trực tuyến xử lý quá hạn là 6,21%. Tỷ lệ thủ tục hành chính có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 16,78%.

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Tienphong.vn (13/12): Lý do nhiều cựu quan chức trong đại án Việt Á “thoát” tội nhận hối lộ dù nhận hàng trăm nghìn USD

TAND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định mở phiên xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong đại án Việt Á, số này có 3 người từng là cựu Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế); Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN); Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh Hải Dương).

Mặc dù số lượng quan chức nhận tiền của Việt Á nhiều, song chỉ có ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh (thư ký Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế), Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch tài chính), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương), Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Khoa học và Công nghệ), bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Cơ quan điều tra xác định ông Long và thư ký Nguyễn Huỳnh đã "gợi ý, đề nghị" Việt đưa tiền; bị can Hùng và Tuyến thỏa thuận ăn chia % với Việt; chỉ hai ông Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên không có hành vi gợi ý hay gây khó dễ.

Trong khi đó, cùng nhận tiền nhưng ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; hai ông Nguyễn Văn Trịnh, Phạm Xuân Thăng, bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo lý giải của cơ quan điều tra, việc không xử lý tội "Nhận hối lộ" là do các bị can "không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận gì với Việt về việc đưa nhận", cũng "không gây khó khăn".

*Tienphong.vn (13/12): Ba lần hầu tòa, cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa “dằn vặt” với những việc đã làm

Sáng 13/12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm ngày thứ 3 đối với 4 bị cáo đều là cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate, số 28E Trần Phú, TP Nha Trang.

Cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cho biết đây là lần thứ 3 bị ra tòa và các phán quyết trước đó của tòa đã khiến bản thân luôn “dằn vặt” với những việc đã làm.

“Nhiệm kỳ tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vào thời kỳ kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, mà đỉnh điểm là 2011-2012. Vì vậy dẫn đến nền kinh tế cả nước và kinh tế tỉnh Khánh Hòa bị suy thoái nghiêm trọng, các hoạt động kinh doanh, đầu tư trì trệ.... Ở tỉnh Khánh Hòa, “hội chứng Rusalka” chưa hết ảnh hưởng, tiêu cực đến việc thu hút đầu tư đến các nhà đầu tư”, ông Thắng giãi bày.

Ông Thắng cho biết, bản thân luôn tìm cách để vượt qua thức thách, tạo cơ chế thông thoáng, cắt giảm các thủ tục không cần thiết và áp dụng các mô hình mới để phát triển kinh tế - du lịch, nhằm thu hút nguồn lực tài chính để đầu tư, thu ngân sách gần 20.000 tỷ đồng, tạo hơn 30.000 việc làm mới cho người dân. Tuy nhiên, với lượng lớn dự án nhưng năng lực còn hạn chế, nên có những bất cập, không đồng bộ trong chính sách pháp luật. Vì vậy, quá trình xử lý công việc sai sót là điều khó tránh khỏi, nhưng cũng chỉ vì dám nghĩ, dám làm để vượt qua khó khăn vì lợi ích chung của Khánh Hòa.

“Trong những ngày tháng ở trong trại giam, tôi vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản và không hổ thẹn đối với những gì mà tôi làm được cho nhân dân và tỉnh Khánh Hòa. Tôi kính mong HĐXX phán xét với tinh thần đúng pháp luật, nhân văn và khoan hồng để tôi có cơ hội sớm trở về với xã hội và gia đình”, ông Thắng nói.

Đến lượt bị cáo Đào Công Thiên (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), ông này cho biết mình đang mắc bệnh hiểm nghèo và khi được HĐXX chỉ ra những sai phạm, ông cảm thấy bản thân có những thiếu sót khi còn giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

“Trong quá trình điều tra, qua phiên tòa tôi thấy bản thân có những thiếu sót. Kính mong HĐXX xem xét, xử bị cáo đúng tính chất, mức độ vi phạm cũng như chiếu cố đến tình trạng sức khỏe của tôi để tôi phấn đấu vừa chữa bệnh, vừa tập trung cải tạo để sớm trở về hòa nhập với cộng đồng”, ông Thiên nói.

*Tienphong.vn (13/12): Quảng Ngãi: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ mắc nhiều vi phạm

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vừa ký thông báo kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, 3 nội dung tố cáo ông Thành được Thanh tra tỉnh xác minh, kết luận cho thấy những đều có thông tin tố cáo đúng và một phần tố cáo sai.

Cụ thể, nội dung tố cáo thứ nhất, ông Thành tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho ông Phan Xuân Hội - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp làm chủ nhiệm đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Tuyển chọn, nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại Quảng Ngãi” triển khai sản xuất 2 giống sắn HN3, HN5 khi chưa được phép lưu hành tại tỉnh này vi phạm quy định pháp luật, tố cáo đúng một phần.

Thứ hai, ông Thành tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH KH&CN Nông Tín thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Thực nghiệm mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Sacha inchi theo chuỗi giá trị tại huyện Ba Tơ và Trà Bồng” khi giống dược liệu chưa được phép lưu hành tại tỉnh Quảng Ngãi, cũng đúng một phần.

Nội dung tố cáo cuối cùng, ông Thành tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh cho 15 cơ quan chức năng không đáp ứng quy định về trình tự, thủ tục.

Trong đó, ông Thành tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh cho 9 cơ quan không đáp ứng quy định về trình tự, thủ tục. Hành vi của ông Thành vi phạm các quyết định của tỉnh Quảng Ngãi.

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ông Thành có bản kiểm điểm trách nhiệm đối với các vi phạm đã chỉ ra tại kết luận nội dung tố cáo gửi Sở Nội vụ. Bên cạnh đó, Sở KH&CN có trách nhiệm kiểm tra, rà soát đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh có vi phạm đã được chỉ ra, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

THẾ GIỚI

*Tuoitre.vn (12/12): Úc: Mua nhà rồi bỏ trống, người nước ngoài sẽ bị phạt nặng

Chính phủ Úc sẽ áp dụng mức đóng phạt gấp 6 lần phí với người nước ngoài mua nhà để trống - một nỗ lực nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà.

Bộ trưởng Ngân khố Úc Jim Chalmers ngày 10-12 cho biết "có quá nhiều bất động sản bỏ trống trên khắp nước Úc". Trong khi đó nguồn cung khan hiếm khiến nhiều người thuê nhà gặp khó khăn trong việc tìm nơi ở.

Chính phủ tuyên bố các biện pháp khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào việc phát triển nhà ở mới, thay vì mua cổ phiếu hiện có.

Người nước ngoài bị cấm mua nhà ở Úc trừ khi sinh sống tại nước này để làm việc hoặc học tập và họ thường phải bán nhà khi rời đi.

Để mua một ngôi nhà hiện có, họ phải trả một khoản phí "đầu tư nước ngoài" khác nhau tùy thuộc vào giá nhà. Ví dụ phải đóng 28.200 AUD (18.500 USD) cho một ngôi nhà ở Sydney có giá trung bình hơn 1 triệu AUD một chút. Theo chính sách mới, phí này sẽ tăng gấp 3 lần.

Ngoài ra, chủ sở hữu nước ngoài của những ngôi nhà bỏ trống hơn 6 tháng sẽ phải đối mặt với mức phí bỏ trống hằng năm cao hơn. Khoản phạt sẽ được tăng gấp đôi theo kế hoạch mới. Và tác động của cú đánh kép là phí hằng năm sẽ tăng gấp 6 lần với người nước ngoài để trống nhà hiện có.

Trao đổi với các phóng viên ở Brisbane, ông Chalmers nói những thay đổi được công bố vào ngày 10-12 sẽ tạo ra khoảng 500 triệu AUD. Với số tiền này chính phủ có thể đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như nhà ở.

*Bnews.vn (13/12): Nhật Bản: Sẽ ưu đãi thuế cho chất bán dẫn, xe điện và 3 lĩnh vực khác

Ngày 13/12, Tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản đưa tin Chính phủ nước này đang lên kế hoạch đưa ra các ưu đãi thuế trong 10 năm để thúc đẩy sản xuất hàng loạt trong 5 lĩnh vực, trong đó có sản xuất xe điện (EV) và chất bán dẫn.

Nikkei Asia cho biết đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản dự kiến đưa việc giảm thuế vào khuôn khổ cải cách thuế trong tài khóa 2024. Ngoài sản xuất EV và chất bán dẫn, các lĩnh vực có thể được hưởng ưu đãi thuế trong 10 năm gồm nhiên liệu hàng không bền vững, thép xanh và hóa chất xanh.

Theo kế hoạch trên, mỗi xe EV sẽ được nhận mức ưu đãi thuế trị giá 400.000 yen (2.750,28 USD), trong khi mỗi lít nhiên liệu hàng không bền vững sẽ được hưởng 30 yen và mỗi tấn thép xanh được ưu đãi 20.000 yen.

Đối với chất bán dẫn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ được giảm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong mỗi năm tài chính, trong khi các lĩnh vực khác sẽ được hưởng ưu đãi thuế ở mức tối đa 40%.

*Thanhnien.vn (13/12): Indonesia đặt mục tiêu đưa 100.000 lao động đến Nhật

Một quan chức khác của Bộ Nhân lực Indonesia nói trong Diễn đàn nguồn nhân lực chung đầu tiên tại Jakarta, do Bộ Nhân lực Indonesia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, rằng Indonesia có mục tiêu "gửi 100.000 lao động lành nghề đến Nhật trong 5 năm tới".

Theo đó, Bộ Nhân lực Indonesia hy vọng 70.000 công nhân sẽ đến Nhật bằng một chương trình thị thực lao động có tay nghề của Nhật cho phép ở lại lên đến 5 năm. Dự kiến 30.000 người còn lại sẽ làm việc theo các chương trình khác nhau.

Cũng tại Diễn đàn nói trên, hai nước còn nhất trí thiết lập một nền tảng trao đổi thông tin liên quan đến việc làm giữa các khu vực công và tư, cũng như cung cấp các kỹ năng và đào tạo tiếng Nhật cho người Indonesia.

Với hơn 270 triệu dân, Indonesia có dân số lớn thứ tư thế giới và lâu nay đã tìm cách đưa lao động đến những nơi như Trung Đông, Hồng Kông và Hàn Quốc để tăng thu nhập ngoại tệ và hạn chế tình trạng thất nghiệp tại quê nhà.

Tỷ lệ thất nghiệp ở người Indonesia trong độ tuổi từ 15 đến 24 ở mức 13% vào năm 2022 mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ổn định ở mức khoảng 5%, theo Ngân hàng Thế giới.

Ngược lại, số lượng công dân Nhật trong độ tuổi lao động đang giảm, đe dọa tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Một nghiên cứu của JICA cho thấy Nhật sẽ cần khoảng 6,7 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040, gấp khoảng 4 lần so với hiện nay, theo Nikkei Asia.