Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023

 

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

*Dienbientv.vn (25/11): Điện Biên: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt trên 90%

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Điện Biên thực hiện nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành công việc, phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trên hệ thống của tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt trên 90%.

Tỉnh Ðiện Biên hiện đang cung cấp gần 1.790 thủ tục hành chính được đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia; trong đó 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình trên Hệ thống của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 100% hồ sơ thủ tục hành chính do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND xã tiếp nhận, giải quyết được thực hiện qua hệ thống.

Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt trên 90%; tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt gần 60%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 70%; hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa đạt trên 80%...

Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả; đồng thời giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo kết quả đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Ðiện Biên hiện xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

Chinhphu.vn (27/11): Thủ tướng phê bình, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm chậm giải ngân đầu tư công

Phê bình và yêu cầu các cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

Về kết quả đạt được, giải ngân đến hết tháng 10/2023 đạt gần 389,7 nghìn tỷ (55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 3,68% và tăng trên 99 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Ước giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%).

Theo vùng, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ giải ngân bình quân cao (lần lượt là 82,25% và 73,87%).

Có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng. Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.

Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời.

Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng).

Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy", phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công (Chỉ thị số 08, Công điện số 749…); tăng cường kiểm tra, giám sát; duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác và cơ chế hằng quý thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, các tổ công tác đặc biệt do chủ tịch UBND các tỉnh làm tổ trưởng.

 "Xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí.

Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (25/11): Công điện của Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng và quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tăng trưởng tín dụng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 01 tháng 12 năm 2023.

2. Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xử lý theo thẩm quyền.

3. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.

 

TIN QUỐC HỘI

*Daibieunhandan.vn (27/11): Quốc hội thông qua Luật Căn cước

Sáng 27.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước với 431/468 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỉ lệ 87,25% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Luật Căn cước sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương 46 điều. Luật quy định những quy định chung; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; việc cấp, quản lý căn cước điện tử; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; quản lý nhà nước về căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; điều khoản thi hành.

Theo Điều 3 Luật Căn cước, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này. Luật Căn cước quy định, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 45 Luật Căn cước, quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2024. Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 68/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành.

*Daibieunhandan.vn (27/11): Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 423/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%).

12 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 198 điều, quy định quy định chung; sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; phát triển nhà ở; phát triển nhà ở thương mại theo dự án; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính để phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở; điều khoản thi hành.   

Luật quy định, có 12 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội gồm: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này; hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở; học sinh, sinh viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.

Luật cũng quy định, hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cụ thể gồm: hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này; đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Căn cứ điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định việc hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 của Luật này.

Hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công về nhà ở để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Hỗ trợ tặng cho nhà ở cho đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này; việc miễn, giảm tiền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân cho đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này mà chưa được hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều này.

Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này thì được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.

Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

*Daibieunhandan.vn (27/11): Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với 468/472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

Cấm lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 Chương, 86 Điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ưu tiên phục hồi “dòng sông chết”

bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 Chương Bảo vệ và phục hồi nguồn nước bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Tapchitaichinh.vn (27/11): Thị trường bất động sản cần thời gian để “chữa bệnh”

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa thể chuyển sang trạng thái khởi sắc. Những khó khăn của thị trường chủ yếu vẫn là pháp lý, tín dụng và tổ chức thực hiện của các chủ thể tham gia thị trường. Để thị trường chuyển sang trạng thái “nhộn nhịp”, các chuyên gia khuyến nghị phải giải quyết được các vấn đề nội tại của thị trường.

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Làm rõ khó khăn của thị trường BĐS, theo VNREA, có cả những khó khăn chủ quan và khách quan, trong đó nổi lên là vấn đề pháp lý, tín dụng và tổ chức thực hiện.

Trong bối cảnh khó khăn của thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS trên toàn quốc trải qua trạng thái “mong manh” và từng bước tìm giải pháp để vượt qua khó khăn.

“Theo thống kê, hiện nay, có khoảng 300.000 môi giới BĐS hoạt động trên thị trường, một phần lực lượng môi giới rời bỏ thị trường cũng chưa thành vấn đề lớn, nhưng vai trò của môi giới rất quan trọng. Hiện thanh khoản của thị trường rất thấp, vấn đề một phần là do không có nhiều sự tham gia của môi giới như trước đây. Nếu có dự án nhưng không có lực lượng môi giới thì cũng khó bán hàng”, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nêu thực trạng.

Làm rõ những khó khăn tổng thể của thị trường, ông Nguyễn Văn Khôi -  Chủ tịch VNREA cho biết, hiện tại, thị trường BĐS vẫn tồn tại một số khó khăn. Về pháp lý, ông Khôi cho rằng, các tỉnh, thành phố cần phân nhóm khó khăn của các dự án dở dang để kiến nghị cấp có thẩm quyền địa phương đề xuất giải pháp với Tổ công tác của Chính phủ và Bộ Xây dựng giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Một khó khăn khác tồn tại của thị trường BĐS là quy trình thủ tục hành chính, quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại tại địa phương còn mất nhiều thời gian. Để khắc phục tình trạng này, Lãnh đạo VNREA khuyến nghị, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách cụ thể để hướng dẫn địa phương, các chủ đầu tư dự án theo quy trình thủ tục đầu tư rút gọn...

Để khôi phục niềm tin, thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, mỗi địa phương cần thành lập một tổ riêng để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang “đắp chiếu”, còn vướng mắc.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các văn bản chi tiết để làm cơ sở xử lý các vấn đề liên quan đến BĐS và có thể áp dụng ngay vào thực tế.

Đối với nhà ở xã hội, Lãnh đạo VARS khuyến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế đặc biệt, đủ sức hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để cả doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận. Thực tế, đây là phân khúc BĐS đặc thù, không thể áp dụng các quy định, chính sách liên quan như các phân khúc BĐS khác.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách phù hợp với từng dự án, góp phần hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề về nguồn vốn, tín dụng cho doanh nghiệp BĐS và người mua BĐS, nhằm hạn chế tối đa hệ lụy phát sinh và khó khăn kéo dài...

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Baotintuc.vn (27/11): Tâm phục’ về 'nồng độ cồn'

“Xin thất lễ, lát nữa tôi phải lái xe về” – câu từ chối ngày càng phổ biến và được chấp nhận tại các buổi tiệc tùng.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể. Hơn nữa, quy định này và sự nghiêm túc khi thực hiện, đã góp phần hình thành thói quen “đã uống rượu bia, không lái xe”, và xây dựng văn hoá giao thông văn minh, hiện đại. Ngày càng nhiều lần câu từ chối rượu bia “Tôi phải lái xe về”, được đưa ra trên bàn tiệc, với lý do không thể hợp lý hợp tình hơn và được đồng tình. Chính vì vậy, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự ủng hộ với quy định về việc xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn, bởi góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, duy trì trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu trao đổi về việc quy định cấm tuyệt đối về nồng độ cồn có thể dẫn tới những bất tiện trong sinh hoạt, giao tiếp, và hiệu quả kinh doanh… Có đại biểu đề xuất nên có giới hạn với người điều khiển từng loại phương tiện khác nhau (ví dụ xe chở người khác xe chở hàng); có đại biểu đề xuất một mức giới hạn nồng độ cồn nào đó là được phép....

Những đề xuất này không phải là không có cơ sở, bởi trên thực tế đời sống cũng như thói quen giao tiếp, sinh hoạt, thậm chí đặc điểm về sinh học của mỗi người cũng phần nào dẫn tới sự tồn tại một nồng độ cồn nhất định trong cơ thể. Các ý kiến của đại biểu được tổng hợp từ ý kiến của cử tri, và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như ý kiến phản biện trên tinh thần xây dựng.

Hai luồng quan điểm nêu trên, thực ra có điểm chung là sự đồng thuận với mục tiêu bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự xã hội, ngăn chặn những tổn thất vì tai nạn giao thông do rượu bia mang lại. Điểm còn gây tranh luận, chính là quy định cụ thể như thế nào, mức độ nồng độ cồn ra sao…, để đảm bảo quyền của mỗi cá nhân song song với lợi ích của xã hội; đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với mục tiêu an toàn giao thông.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, là dù theo quan điểm “0 độ cồn” hay “có phần trăm nhỏ” thì đều cần phải được đưa ra dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, để các quy định được đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích người dân.

Trên thực tế, tính mạng, sức khoẻ của con người luôn là điều được đặt lên trên hết, và sự đồng tình chấp hành của người dân thời gian qua với quy định xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm nồng độ cồn đã cho thấy lợi ích của quy định này. Để có thể lượng hoá những lợi ích này, khiến quy định trở nên thuyết phục hơn nữa, cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, đơn vị, để đưa ra được các con số cụ thể, dựa trên kết quả thống kê, nghiên cứu và phân tích một cách khoa học, có sự so sánh, cân nhắc một cách toàn diện với các mặt lợi ích khác.

Có như vậy, mọi quy định sẽ đi vào cuộc sống với sự “tâm phục khẩu phục” hoàn toàn, và mọi quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người dân ngày càng được bảo đảm.

*Tapchitaichinh.vn (27/11): Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với Thỏa thuận xanh EU

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), việc chuyển đổi xanh hiện đang là xu hướng tất yếu của toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận xanh (EGD) từ đầu năm 2020.

EGD là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.

Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong EGD sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không sớm thích ứng, chắc chắn EGD sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường EU như nông sản, dệt may, giày dép, sắt thép, xi-măng, điện tử,...

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại khi mới đây, VCCI thực hiện một khảo sát cho thấy, có tới 88-93% số doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc mới chỉ nghe nói sơ qua về EGD và các chính sách, quy định cụ thể mà EU đã thực hiện đến thời điểm này. Trong khi đó, không ít chính sách xanh khác của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã được ban hành hoặc đang dự thảo, sẽ sớm được thông qua trong thời gian tới. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự định thực hiện các chính sách tương tự EU.

Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không sớm thích ứng, chắc chắn EGD sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường EU như nông sản, dệt may, giày dép, sắt thép, xi-măng, điện tử,...

Có thể thấy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ EGD sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn.

 Tuy nhiên, với việc chủ động theo dõi, tìm hiểu kỹ và thích ứng nhanh với các chính sách trong khuôn khổ EGD có liên quan, sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt, phát triển xuất khẩu bền vững ở thị trường EU và nhiều thị trường khác tương tự.

Về lâu dài, nếu sớm triển khai EGD, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường xanh tiềm năng, xuất khẩu bền vững đi các thị trường phát triển, tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả kinh doanh trong thời gian dài hạn và góp phần chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Xét về vĩ mô, để vượt qua khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai và đạt mục tiêu đề ra, nền kinh tế Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững, trong đó tiến tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh. Từng doanh nghiệp tham gia cũng góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế, đóng góp có ý nghĩa vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.

 

QUẢN LÝ

*Tienphong.vn (27/11): Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý bến cảng, bến bãi không phép ở Sóc Sơn

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm của những bến cảng, bến bãi không phép ở huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội).

Trước đó, theo phản ánh của dư luận, tại khu vực ven sông Cầu qua địa phận xã Tân Hưng và xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) xuất hiện nhiều bãi tập kết vật liệu, bến cảng xây dựng, trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Văn phòng UBND thành phố và UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân (nếu có) theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy "Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố". Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*vtv.vn (27/11): Tiện ích khi nộp thuế điện tử trên ứng dụng ngân hàng

Tính đến tháng 9 năm nay, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 57 ngân hàng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Các ngân hàng cũng đang nỗ lực tạo thuận tiện cho người nộp thuế.

Việc nộp thuế điện tử có thể tiến hành 24/7, bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ. Người nộp thuế không cần phải chờ đến ngày làm việc tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ này. Ngân hàng thương mại cũng xác nhận kết quả giao dịch ngay khi giấy nộp thuế được gửi đi, mang lại sự tiện lợi và sự an tâm cho người nộp thuế.

Người dân hưởng ứng nộp thuế điện tử

Đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện là cảm nhận chung của những người tìm hiểu, sử dụng hình thức nộp thuế điện tử. Chính vì vậy, số lượng giao dịch nộp thuế qua ngân hàng gần đây cũng ghi nhận sự tăng trưởng rất lớn.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%. Tỷ lệ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức đạt tối thiểu 98%, của cá nhân đạt tối thiểu 85%.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Baotintuc.vn (27/11): Phát hiện tàu vận chuyển trái phép 80.000 lít dầu trên vùng biển Cà Mau

Sáng 27/11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết vừa phát hiện, bắt giữ một tàu mang biển hiệu BT 92009 TS đang vận chuyển trái phép 80.000 lít dầu DO trên vùng biển Cà Mau.

Vào khoảng 12 giờ, ngày 26/11, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại vùng biển Tây Nam, cách đảo Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 130 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra tàu BT 92009 TS.

Tại thời điểm kiểm tra, tàu BT 92009 TS có 4 thuyền viên, do ông Lê Hoàng Thi (sinh năm 1985, địa chỉ thường trú tại xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu BT 92009 TS đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO, nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm, sau đó dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

*vtv.vn (27/11): Thủ tướng yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hiệu quả, khả thi

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Công điện nêu tại Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 8/7/2023, văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023, Chính phủ, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng và quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật...

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tăng trưởng tín dụng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 1/12/2023.

 Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xử lý theo thẩm quyền. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

 

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (27/11): Hàng không Trung Quốc hủy hàng nghìn chuyến bay tới Thái Lan

10 hãng hàng không Trung Quốc đã thông báo hủy hàng nghìn chuyến bay đến Thái Lan từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 do lượng đặt chỗ thấp hơn dự kiến.

Thông tin trên từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan. Theo đó, ban đầu có hơn 10.900 chuyến bay được lên kế hoạch cho tháng 12 năm nay, nhưng tới hiện tại chỉ có gần 5.900 chuyến được xác nhận, thấp hơn 46% so với kế hoạch. Sang tháng 1/2024, trong 10.900 chuyến bay dự kiến thì mới chỉ 7.400 chuyến xác nhận bay, thấp hơn 32% so với kế hoạch.

Việc hủy chuyến được cho là do sự suy giảm kinh tế và chính sách thúc đẩy du lịch nội địa của Trung Quốc. Sự phục hồi lượng khách Trung Quốc hiện mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Các sáng kiến của Chính phủ Thái Lan như cấp thị thực miễn phí cho công dân Trung Quốc đã không mang lại lượng khách du lịch lớn như kỳ vọng.

*Laodong.vn (27/11): Triều Tiên tuyên bố phóng thêm vệ tinh, tăng cường quân sự ở biên giới

Triều Tiên hôm 27.11 tuyên bố tiếp tục thực hiện các quyền chủ quyền của mình, bao gồm cả việc phóng vệ tinh, trong khi quân đội Triều Tiên được cho là đang khôi phục một số đồn gác đã bị phá bỏ ở biên giới với Hàn Quốc, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, việc phóng vệ tinh do thám quân sự vào tuần trước là để giám sát Mỹ và các đồng minh. “Đó là một cách hợp pháp và công bằng để thực hiện quyền tự vệ cũng như phản ứng triệt để và giám sát chính xác hành động quân sự của Mỹ và các nước ủng hộ” - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho hay.

Vệ tinh của Triều Tiên đã được phóng hôm 21.11, đi vào quỹ đạo thành công và đang truyền ảnh về mặt đất. Vụ phóng đã khiến Hàn Quốc đình chỉ một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 và nối lại hoạt động giám sát trên không gần biên giới hai nước.

Ngược lại, Triều Tiên tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận và sẽ triển khai vũ khí ở biên giới với Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, một số binh sĩ Triều Tiên mang vũ khí hạng nặng đã được ghi nhận đi vào biên giới Khu phi quân sự (DMZ) và thiết lập các trạm gác mà hai nước đã phá bỏ theo thỏa thuận.

Phía Hàn Quốc ước tính Triều Tiên có khoảng 160 trạm gác dọc khu vực DMZ, trong khi nước này chỉ có 60. Mỗi bên đã phá bỏ 11 trạm trong số đó sau khi thỏa thuận quân sự được ký kết năm 2018 nhằm giảm căng thẳng leo thang và ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa đến thăm trung tâm điều khiển của cơ quan vũ trụ ở Bình Nhưỡng vào sáng 27.11 và xem những bức ảnh vệ tinh mới về căn cứ Không quân Anderson của Mỹ ở đảo Guam và những nơi khác, KCNA đưa tin.

Vào ngày 22.11, chín thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cùng với Mỹ đưa ra tuyên bố lên án vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên vì sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, cho rằng hành động này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Hai trong số các thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Trung Quốc và Nga đã từ chối tham gia bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào của Hội đồng Bảo an đối với Bình Nhưỡng mặc dù nước này vẫn tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày càng mạnh mẽ.