Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 8 năm 2023

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

*Baodienbienphu.com.vn (23/8): Kiểm soát hoạt động thương mại điện tử còn khó khăn

Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMÐT) trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển. Ðến nay, toàn tỉnh có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn TMÐT; tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản TMÐT đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn TMÐT đạt 50%. Qua đó, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận được thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.

Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay việc kinh doanh trên sàn TMÐT vẫn còn nhiều thách thức. Những rủi ro liên quan đến tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế, việc mua hàng qua mạng tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng bởi không ít tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.

Ðể đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thời gian qua Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng thực hiện việc mua sắm tại các website TMÐT, các sàn giao dịch điện tử uy tín để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thúc đẩy TMÐT phát triển theo chiều hướng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến hơn 400 lượt tổ chức, cá nhân về kinh doanh, buôn bán liên quan đến TMÐT. Ðồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động TMÐT hoặc ứng dụng công nghệ số để kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thời trang, may mặc, đồ điện... có sử dụng nền tảng TMÐT, các trang mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm. Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ðiển hình, giữa năm 2022, sau khi nhận được thông tin của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về việc website TMÐT bán hàng tadinhquystore.vn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện thủ tục thông báo theo quy định, Ðội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TMÐT đối với hộ kinh doanh N.X.Q trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Qua kiểm tra, ông N.X.Q chủ hộ kinh doanh đồng thời là chủ sở hữu, sử dụng website tadinhquystore.vn đã có hành vi vi phạm hành chính “không thông báo website TMÐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng” với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Ðoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.X.Q với số tiền 10 triệu đồng.

Thời gian qua số vụ việc được phát hiện, xử lý trên địa bàn tỉnh còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMÐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang website, đặc biệt trên mạng xã hội... gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng. Thế nhưng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên môi trường điện tử, mạng xã hội gặp không ít khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Ðể tổ chức một cuộc kiểm tra và xác định vị trí, địa điểm, đối tượng vi phạm là không hề dễ. Các đối tượng dễ dàng giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ... Mặt khác, các đối tượng kinh doanh hàng hoá vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra và xử lý.

Ðể đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng, thời gian tới tỉnh Ðiện Biên thực hiện nghiêm Quyết định số 319/2023/QÐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT đến năm 2025. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMÐT, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

 

*Baodienbienphu.com.vn (22/8): Lộn xộn giao thông khu vực cầu Mường Thanh, cầu A1

Sau khi TP. Ðiện Biên Phủ tạm đóng đường hai đầu cầu Thanh Bình (phường Thanh Bình) trên tuyến đường Trần Ðăng Ninh để thi công cầu Thanh Bình, toàn bộ phương tiện giao thông đi hướng trung tâm thành phố - sân bay và ngược lại phải chuyển hướng di chuyển qua cầu A1 và cầu Mường Thanh. Do lưu lượng phương tiện cao, trong khi ngã ba, ngã tư đoạn đầu cầu A1 và đầu cầu Mường Thanh lại không có đèn tín hiệu giao thông, nên các phương tiện “mạnh ai nấy đi”, gây lộn xộn.

Vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều hàng ngày, đoạn qua khu vực đầu cầu A1 và cầu Mường Thanh trên tuyến quốc lộ 12 kéo dài, có rất đông người, phương tiện qua lại; từ người đi bộ bán hàng đến xe đạp điện, xe máy, ô tô, xe khách, xe thi công công trình… Lưu lượng phương tiện nhiều, mặc dù chưa ùn tắc giao thông, nhưng gây ra tình trạng lộn xộn, nhất là tại ngã tư khu vực đầu cầu Mường Thanh, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều người điều khiển xe máy, xe đạp điện vô tư lấn làn, chạy ngược chiều gây nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Ðiều đáng nói, tại khu vực này không có đèn tín hiệu giao thông nên các phương tiện di chuyển tự do. Cùng đó, hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường vào ban đêm bị hạn chế. Ðể khắc phục tình trạng này, trước đây TP. Ðiện Biên Phủ đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng thấp, nhưng chỉ được một thời gian, nhiều đèn chiếu sáng bị hỏng, không phát huy tác dụng. Do đó, các phương tiện di chuyển ban đêm gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Tuyền, người dân phường Thanh Bình cho biết: Do tính chất công việc, nên gần như tối nào cũng đi xe máy qua tuyến đường này. Mỗi khi qua đoạn ngã tư cầu Mường Thanh và cầu A1 rất lo lắng, vất vả, phải quan sát thật cẩn thận mới dám qua đường. Một mặt do đây là đoạn có các đường giao nhau, lại không có đèn tín hiệu giao thông, mặt khác ý thức chấp hành luật giao thông của một số người chưa cao; nhiều người điều khiển phương tiện di chuyển rất tự do, thậm chí phóng nhanh, vượt ẩu. Nếu không cẩn thận thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ðể đảm bảo an toàn giao thông, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự đô thị, UBND phường Mường Thanh, phường Thanh Trường phối hợp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự giao thông cũng như trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang, vỉa hè. Ðầu năm 2023, tổ dân phố 3, phường Mường Thanh đã thành lập đội trật tự đô thị của tổ dân phố, phối hợp cùng Ðội Quản lý trật tự đô thị thành phố, Công an phường Mường Thanh tổ chức tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn chấp hành quy định về quản lý đô thị, luật giao thông; không cơi nới, lấn chiếm, chiếm dụng lòng đường, hè phố căng bạt, kinh doanh buôn bán, họp chợ... để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị khu vực đầu cầu Mường Thanh.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện (chủ yếu ô tô tải, xe khách, container) ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó nhắc nhở, xử lý các phương tiện dừng, đón trả khách, chạy sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu… Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã tổ chức ký cam kết cho 103 lượt chủ phương tiện là doanh nghiệp, 49 lượt chủ phương tiện là cá nhân, 9 lượt bến xe, xe khách, 6 điểm trung chuyển, đón trả khách và trên 1.700 lái xe kinh doanh vận tải hành khách chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm tại khu vực này, trong đó, chủ yếu xử lý lỗi đi sai làn đường, ngược chiều, xe quá khổ, quá tải, nồng độ cồn.

Tình trạng giao thông lộn xộn tại khu vực đầu cầu A1 và cầu Mường Thanh khó được xử lý dứt điểm nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Ðặc biệt, tới đây khi học sinh bước vào năm học mới, lưu lượng phương tiện sẽ tăng cao, sẽ gây tình trạng lộn xộn hơn. Cùng với đó, mỗi người tham gia giao thông cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ quy tắc tham gia giao thông, đi đúng làn đường, phần đường quy định.

 

*Laodong.vn (22/8): Điện Biên khôi phục các hoạt động tại lối mở A Pa Chải

Ngày 22.8, Sở Công Thương Điện Biên vừa có văn bản thông báo về việc khôi phục hoạt động qua lại biên giới tại lối mở A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Liên quan đến việc khôi phục hoạt động qua lại biên giới, ngày 4.8, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản về việc triển khai các hoạt động khi hai bên khôi phục hoạt động qua lại biên giới tại lối mở A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc).

Do vậy, Sở Công Thương Điện Biên thông báo đến các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu, lối mở A Pa Chải - Long Phú chính thức khôi phục các hoạt động qua lại biên giới, mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân 2 nước.

Trước đó, do ảnh hưởng từ các hoạt động phòng chống dịch COVID-19, ngày 30.1.2020 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã ra quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại lối mở A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé từ ngày 7h ngày 30.1.2020 cho đến khi có thông báo trở lại.

Đồng thời, tạm dừng việc cấp giấy thông hành và không tổ chức các hoạt động thương mại tại lối mở A Pa Chải trong thời gian Chính phủ công bố dịch.

 

* Dienbientv.vn (21/8): Triển khai Dự án "Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm"

Sau nhiều lần khảo sát và tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm”, trong tháng 7/2023, các gói thầu số 6, số 7 của dự án đã được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ, cũng như còn khó khăn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nên đến nay các gói thầu của dự án cũng chưa thể triển khai thực hiện đồng bộ.

Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm” có tổng mức đầu tư trên 981 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA từ Cơ quan Phát triển Pháp AFD là trên 665 tỷ đồng; vốn đối ứng là hơn 275 tỷ đồng và nguồn vốn EU viện trợ không hoàn lại là 40,5 tỷ đồng. Đây là một trong các dự án được Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ký hiệp định sau chuyến thăm Châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong năm 2021.

Tại các cuộc hội thảo, cơ quan phát triển Pháp AFD và tỉnh Điện Biên đã thảo luận và khẳng định Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm” có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ dân sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai; cùng với đó là chỉnh, trị dòng chảy cũng như tăng cường khả năng thoát lũ, chống ngập; đảm bảo cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của người dân trên địa bàn.

Sau khi đã thống nhất, hoàn thiện thủ tục, cũng như đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng dự án. Ngày 12/7, các gói thầu số 6, số 7 của dự án đã được Ban quản lý dự án các công trình NN&PTNT tỉnh Điện Biên tiến hành khởi công xây dựng.

Mặc dù chưa thể tiến hành xây dựng vì ảnh hưởng của mưa lũ, song các đơn vị nhà thầu đã và đang tập trung máy móc thiết bị, nhân lực để triển khai đúc các cấu kiện bê tông áp mái. Dự kiến đến trung tuần tháng 9 các hạng mục kè 2 bên bờ sông sẽ được triển khai thi công.  

Theo thông tin từ Ban quản lý các công trình NN&PTNT tỉnh Điện Biên: Ngoài 2 gói thầu trên, hiện nay một số gói thầu khác của dự án còn đang vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Trong thời gian tới, Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, đẩy nhanh việc thực hiện giải phóng mặt bằng; đảm bảo các gói thầu khởi công xây dựng theo kế hoạch.

 

* Baotainguyenmoitruong.vn (21/8): Điện Biên khắc phục thực trạng chồng lấn, khó quy chủ đất lâm nghiệp

Một trong những tồn tại kéo dài rất nhiều năm qua tại Điện Biên là việc giao đất, giao rừng nhưng không bàn giao ngoài thực địa, dẫn đến chồng lấn, khó quy chủ và người dân không xác định được đất, rừng của mình đến đâu. Để khắc phục tồn tại, Điện Biên đã đề ra giải pháp cho soát lại toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở quy chủ giao đất, giao rừng và cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho dân.

Giải pháp đồng bộ…

Để thực hiện được đồng bộ những giải pháp tháo gỡ về công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (GCNQSDĐ) trên địa bàn toàn tỉnh. Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 có quy chế hoạt động rõ ràng cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên BCĐ. Đồng thời thành lập 02 tổ giúp việc tổ trưởng giao cho Sở NN&PTNT và Sở TN&MT để theo dõi hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đến nay, công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đang đi đến giai đoạn đua nước rút đã có nhiều kết quả tiến bộ, vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn cần phải nỗ lực trong thời gian tới. Đánh giá vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh Điện Biên đã đo đạc 284.362,88ha/359.903,89ha đất lâm nghiệp (đạt 79% kế hoạch). Trong đó đất lâm nghiệp có rừng đã đo đạc được 79.777,5ha/86.486,8ha (đạt 92% kế hoạch); đất lâm nghiệp chưa có rừng 204.221,49ha/273.417,09ha (đạt 74% kế hoạch).

Tại thời điểm này, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thị xã (trừ huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ) đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã có rừng với tổng diện tích 33.393,1ha (đạt 38% kế hoạch). Còn 3 huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng với tổng diện tích 13.034,31ha (đạt 4,8% kế hoạch). Có thể nói công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra.

Nguyên nhân do một số UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo huyện, ủy ban nhân dân cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo; phương pháp tổ chức triển khai chưa thật sự phù hợp tình hình thực tế địa phương. Hiện nay, công tác đo đạc thực địa tại một số địa phương còn thấp. Đối với đất lâm nghiệp có rừng: huyện Điện Biên Đông (đạt 47,2% kế hoạch), huyện Điện Biên (đạt 79% kế hoạch). Đất lâm nghiệp chưa có rừng: Thành phố Điện Biên Phủ (mới đạt 28,7% kế hoạch), huyện Điện Biên (đạt 28,3% kế hoạch), huyện Mường Ảng (đạt 56,2% kế hoạch).

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, đặc biệt đối với đất lâm nghiệp có rừng tại các huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ đều chưa thực hiện, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng chỉ đạt khoảng 29% kế hoạch. Cùng với đó, công tác tuyên truyền vận động triển khai thực hiện giao đất giao rừng chưa đồng bộ hiệu quả dẫn đến việc người dân chưa đồng tình, ủng hộ đo đạc, quy chủ đất đai. Ban Chỉ đạo cấp huyện, tổ giúp việc chưa thường xuyên sâu sát, phối hợp hỗ trợ đơn vị tư vấn và UBND cấp xã để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương còn phó mặc cho đơn vị tư vấn thực hiện. Phần lớn người dân chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; tâm lý lo sợ khi giao đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, phát triển rừng thì không được tiếp tục canh tác, sản xuất nương rẫy. Do vậy người dân chưa thực sự ủng hộ, đồng tình việc đo đạc, quy chủ đất lâm nghiệp.

Cần một quyết tâm cao

Nhận định về ý nghĩa trọng việc rà soát lại để làm cơ sở giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong việc thu hút kêu gọi các nhà đầu tư đến Điện Biên đầu tư về lâm nghiệp - nông nghiệp. Khi đất được quy chủ rõ ràng sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, lành mạnh đảm bảo lợi ích, quyền lợi 3 bên giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị để khắc phục những tồn tại, hạn chế và đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023.

Hiện nay, công tác giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang chậm so với kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, BCĐ tỉnh yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các tổ giúp việc, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện công tác giao đất giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời hướng dẫn UBND cấp huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền.

 

* Dangcongsan.vn (20/8): Điện Biên đẩy mạnh bố trí đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc, địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, nên vấn đề giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trước đây, nhờ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nên tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đã được giải quyết một phần. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ hết nhu cầu đồng bào.

Dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ 2021 - 2025 có nội dung “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” đã giúp các địa phương, trong đó có tỉnh Điện Biên có thêm nhiều nguồn lực để từng bước giải quyết tình trạng này. Trước mắt, tỉnh Điện Biên ưu tiên bố trí đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2023, tỉnh Điện Biên được bố trí nguồn vốn là hơn 112,2 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là gần 47,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 64,7 tỷ đồng) để thực hiện Dự án 1.

Ngay từ đầu năm, sau khi được phê duyệt kế hoạch và cấp vốn, tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung của dự án.

Với nội dung hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: UBND các huyện, thị xã, thành phố đang khẩn trương rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng để làm căn cứ triển khai thực hiện chính sách. Ước thực hiện hỗ trợ đến 31/12/2023 được 600 hộ, đạt 100% kế hoạch.

Nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán hiện nay đã triển khai đến 2.956 hộ, kinh phí thực hiện giải ngân thanh toán gần 1,8 tỷ đồng, đạt 7,68% kế hoạch vốn giao. Ước thực hiện đến 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung hiện đã đầu tư 25 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 1.955 hộ, kinh phí thực hiện giải ngân thanh toán hơn 16,5 tỷ đồng, đạt 34,83% kế hoạch vốn giao. Ước thực hiện đến 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch giao.

Riêng với nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, hiện đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Lý do: mặc dù đã được quy định tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg quy định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng theo cơ chế đặc thù trong đầu tư công hay cơ chế đặc thù quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP./.

 

*Qdnd.vn (20/8): Điện Biên: Hủy nổ an toàn quả bom còn sót lại sau chiến tranh

Ngày 20-8, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phối hợp với lực lượng chức năng địa phương hủy nổ an toàn quả bom lớn còn sót lại sau chiến tranh.

Trước đó, vào sáng 17-8, mưa lớn đã làm sạt lở đất tại khu vực gần cầu Nà Yên 2 (bản Xôm, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), làm lộ một vật thể nghi là bom.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo từ quần chúng nhân dân, Ban CHQS TP Điện Biên Phủ đã cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường, phong tỏa khu vực có nghi ngờ bom, tiến hành cắm biển khu vực nguy hiểm, tổ chức canh trực 24/24 giờ không để người và gia súc đến gần khu vực nghi ngờ có bom.

Qua xác minh, quả bom bị han rỉ, còn nguyên kíp nổ, có ký hiệu MK117, nặng khoảng 360kg, do thực dân Pháp ném xuống Chiến trường Điện Biên Phủ từ những năm 1950.

Ban CHQS TP Điện Biên Phủ đã huy động cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng dân quân di chuyển quả bom đến vị trí tập kết để hủy nổ. 

Quá trình tiêu hủy quả bom bảo đảm đúng quy trình và an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

 

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Luatvietnam.vn (23/8): Chính sách mới có hiệu lực hôm nay

Hôm nay - ngày 23/8/2023, Thông tư của Bộ Tài chính về trợ cấp xã hội với học sinh dân tộc thiểu số chính thức bãi bỏ.

Thông tư 45/2023/TT-BTC bãi bỏ 02 Thông tư của Bộ Tài chính về học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số là:

- Thông tư liên tịch 43/2007/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 02/5/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Quyết định 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập;

- Thông tư liên tịch 40/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 10/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 - 2015.

Hiện nay, quy định về học bổng chính sách được hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, trong đó:

- Đối tượng hưởng học bổng chính sách gồm: Sinh viên theo chế độ cử tuyển; học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

- Mức hưởng:

+ Đối với sinh viên học theo chế độ cử tuyển, học sinh các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng;

+ Đối với học viên là thương binh thuộc hộ nghèo học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 100% mức lương cơ sở/tháng.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (22/8): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/2023

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2014/NĐ-CP ngày 27/1/2014 của Chính phủ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp 

Chính phủ ban hành Nghị định 62/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2014/NĐ-CP ngày 27/1/2014 của Chính phủ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 5 Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống khủng bố của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có đơn vị tham mưu, giúp việc gọi là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm:

Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Trưởng ban.

Các Phó Trưởng ban gồm: Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phó Trưởng ban thường trực); Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố Hà Nội), Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Thành phố Hồ Chí Minh), Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác).

Các thành viên gồm: Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách an ninh (Thành viên thường trực); Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (nếu có); Giám đốc Sở Ngoại vụ (nếu có); Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Công Thương; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không (nếu có); Giám đốc Cảng hàng không (nếu có); Đài trưởng Đài kiểm soát không lưu (nếu có); Chủ tịch UBND cấp huyện tại nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; các thành viên khác có liên quan theo đề nghị của Trưởng ban Chỉ đạo.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Giúp UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ở nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng theo quy định của Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không.

Phê chuẩn bầu, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cụ thể, tại Quyết định 971/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV thành phố Đà Nẵng.

Tại Quyết định 970/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Ngô Thị Kim Yến.

Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỉ lệ 1/10.000 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 976/QĐ-TTg ngày 21/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỉ lệ 1/10.000.

Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Hiệp Hòa, ranh giới cụ thể: Phía bắc giáp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; phía đông giáp huyện Tân Yên và huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; phía nam giáp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; phía tây giáp thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Hiệp Hòa khoảng 20.599,65 ha.

Đến năm 2045, Hiệp Hòa trở thành đô thị loại III

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa những định hướng chiến lược phát triển của quốc gia, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022.

Xây dựng Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025, trở thành thị xã vào năm 2030 theo hướng xanh, thông minh, có những bước đột phá nhằm đưa nền kinh tế Hiệp Hòa phát triển bền vững; đến năm 2045 trở thành đô thị loại III, mang đặc trưng nổi bật về sự gắn kết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn gắn với thương hiệu "xanh - sinh thái - bản sắc - bảo tồn môi trường cảnh quan".

Dự báo nhu cầu phát triển giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2045 phù hợp với bối cảnh phát triển mới, gồm dự báo quy mô dân số, chỉ tiêu đất đai, nhu cầu cung cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang…; đề xuất hướng tuyến và mặt cắt một số tuyến giao thông đối ngoại, đối nội cho phù hợp với yêu cầu phát triển đến năm 2045.

Công nhận 9 xã, phường An toàn khu tại Thành phố Hồ Chí Minh 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 977/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 công nhận 9 xã, phường thuộc Huyện Củ Chi và Quận 12 của Thành phố Hồ Chí Minh là các xã, phường An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

9 xã, phường được công nhận là các xã, phường An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ gồm:  

1- Huyện Củ Chi: Xã Nhuận Đức; xã Phú Mỹ Hưng; xã Phú Hòa Đông; xã An Phú; xã An Nhơn Tây; xã Phạm Văn Cội.

2- Quận 12: Phường An Phú Đông; phường Thạnh Lộc; phường Thạnh Xuân.

Các xã, phường An toàn khu nêu trên được thực hiện chính sách ưu đãi theo các quy định hiện hành.

Giải quyết khiếu nại của Liên danh Hoa Lư về gói thầu 5.10 sân bay Long Thành

Công văn số 6374/VPCP-CN nêu: Xét các Đơn khiếu nại, kiến nghị của Liên danh Hoa Lư liên quan đến kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với vai trò chủ đầu tư, người có thẩm quyền của gói thầu 5.10 giải quyết theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với đơn kiến nghị/khiếu nại nêu trên của Liên danh Hoa Lư.

Việc giải quyết kiến nghị/khiếu nại phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, không để chậm tiến độ thực hiện gói thầu 5.10 và Dự án thành phần 3.

Quá trình thực hiện, ACV phải tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để được hướng dẫn giải quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 22/8/2023; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 trước ngày 22/8/2023 (đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp).

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng quản lý Nhà nước về đấu thầu giám sát, hướng dẫn ACV trong việc tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 và giải quyết Đơn kiến nghị của nhà thầu tham dự thầu.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn ACV thực hiện tốt việc đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 cũng như các gói thầu khác thuộc Dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và không để chậm tiến độ./.

 

* Chinhphu.vn (19/8): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023 yêu cầu các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành sách giáo khoa bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành; phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật nhằm ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm 

Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. 

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật...

Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ từ ngày 15/8/2023

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. 

Theo đó, Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.

Nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước. 

Cụ thể, Nghị quyết số 128/NQ-CP sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 như sau:

Miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thuỵ Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn NSNN phòng, chống COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 129/NQ-CP ngày 18/8/2023 về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. 

Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian qua, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, một số địa phương, cơ sở y tế đã mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm cao hơn nhu cầu thực tế bằng nguồn ngân sách nhà nước để cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19. Đến nay, tình hình dịch COVID-19 đã được khống chế nên việc sử dụng số thuốc, vật tư, sinh phẩm trên cho nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 không còn cấp thiết.

Do vậy, Chính phủ quyết nghị: Cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.

Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. 

Nghị định 59/2023/NĐ-CP nêu rõ: Thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được bầu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư. Số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được xác định trên cơ sở tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 thành viên.

Về phương thức hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

Làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, phân tích, đối chiếu, tổng hợp thông tin và đánh giá, làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.

Tiêu chuẩn xét thăng hàm cấp tướng trước thời hạn

Nghị định số 57/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung thêm quy định về xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân. 

Theo quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Công an nhân dân được quy định cụ thể như sau:

Sĩ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn trong trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà được tặng thưởng một trong các hình thức huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước (không tính các hình thức khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng quá trình cống hiến) như sau:

+ Các hình thức huân chương: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;

+ Danh hiệu vinh dự nhà nước: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Danh hiệu Anh hùng Lao động.

Điều kiện công nhận hương ước, quy ước

Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện công nhận hương ước, quy ước.

Theo đó, hương ước, quy ước được công nhận khi có đủ các điều kiện về: 1- Phạm vi nội dung, hình thức phù hợp với quy định; 2- Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định 61/2023/NĐ-CP.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng.

Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 18/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Quyết định quy định đối tượng vay vốn bao gồm:

1- Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá;

2- Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Về mức vốn cho vay, Quyết định quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.

Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Ninh Thuận

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã kí Quyết định số 954/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Phát triển kinh tế thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Thuận thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 90% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý, trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người chăm sóc, không có điều kiện sống tại cộng đồng, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Bảo đảm trật tự, ATGT dịp 2/9 và tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường. 

Công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT và ùn tắc giao thông như vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm khi đi qua đường ngang…

 

* Chinhphu.vn (19/8): MTQG đạt ít nhất 90% vốn năm 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, nghiên cứu, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp cơ sở, quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023 được giao để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 335/TB-VPCP ngày 18/8/2023 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại các Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 với các địa phương thuộc 04 Vùng: Trung du và Miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và cho ý kiến đối với nội dung bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chú trọng nghiên cứu Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ; 02 Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2023 và số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư và Văn bản hướng dẫn mới ban hành của các Bộ, cơ quan Trung ương để triển khai thực hiện ngay tại các cấp, các ngành; kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý điều hành ở địa phương theo thẩm quyền bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn, khách quan, minh bạch và phù hợp điều kiện đặc thù của từng vùng miền; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

 

TIN QUỐC HỘI

* Chinhphu.vn (21/8): Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 559/KH-UBTVQH15 về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV (Hội nghị).

Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào ngày 26/8 tại Hải Phòng, kết hợp trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và 41 địa phương trên cả nước.

Hội nghị nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng của các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 để các Bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện pháp luật; đồng thời, quán triệt đầy đủ các nhiệm vụ được Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. 

Làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân để tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá. 

Thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. 

Hội nghị cũng sẽ đánh giá tình hình thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Kịp thời đôn đốc và xem xét, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết. 

Tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, các giải pháp bảo đảm được đề ra tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ lập pháp cần hoàn thành trước ngày 31/12/2022. 

Thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai công tác xây dựng pháp luật, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Việc tổ chức hội nghị cũng nhằm mục đích bám sát Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 14/10/2021, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 5/112021; các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Hội nghị được UBTVQH tổ chức dựa trên quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Khoản 2, Điều 50 của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 65/2020/QH13: UBTVQH giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

Công tác giám sát việc thi hành pháp luật là công việc thường xuyên của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên UBTVQH Khóa XV tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, góp phần đổi mới công tác xây dựng pháp luật và tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, UBTVQH đối với việc triển khai thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội trong thực tiễn cuộc sống./.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Nhandan.vn (22/8): VCCI đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống 20%

Mới đây, trong góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động. Tuy nhiên, VCCI cũng đề xuất không nên tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội lên mức 27% mà giảm xuống còn 20% do lo ngại mức đóng cao hơn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo quan điểm của VCCI, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là 17% đối với doanh nghiệp, cộng cả phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác đã lên đến 32%.

Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn nhiều, như Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%. Điều này khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển bảo hiểm xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng của cả của doanh nghiệp và người lao động xuống còn khoảng 20%.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp không ít khó khăn như hiện nay việc hạn chế gia tăng chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Đặc biệt, khi nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam và nhiều đối thủ cạnh tranh sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí về bảo hiểm xã hội.

 

*Vtv.vn (22/8): Phiên đấu giá biển số xe ô tô lần thứ nhất bị sự cố do truy cập cao đột biến

Chiều 22/8, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã chính thức có thông tin tới các cơ quan báo chí về sự cố kỹ thuật xảy ra tại Phiên đấu giá biển số xe ô tô lần thứ nhất.

Giám đốc Công ty Lâm Thị Mai Anh cho biết, theo Thông báo số 04/2023/TB-VPA ngày 18/8/2023 của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, từ 9h15 - 11h05 ngày 22/8, Công ty tổ chức đấu giá trực tuyến 11 biển số xe ô tô của 10 tỉnh, thành phố.

Công tác chuẩn bị cho Phiên đấu giá thứ nhất đã được Công ty triển khai chu đáo, tổ chức nhiều phiên đấu giá thử nghiệm cho cá nhân, tổ chức tham gia trải nghiệm. Đến ngày 21/8/2023, hệ thống đấu giá biển số xe ô tô đã cơ bản được vận hành một cách thông suốt. Tuy nhiên, từ 8h sáng 22/8, do lượng truy cập vào trang đấu giá trực tuyến (https://dgbs.vpa.com.vn) tăng cao đột biến, dẫn đến hệ thống kỹ thuật gặp sự cố, khách hàng không truy cập được vào phòng đấu giá biển số.

Hiện nay, Công ty tập trung mọi nguồn lực để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đối với những khách hàng đã nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước và tham gia đấu giá 11 biển số xe ô tô ngày 22/8/2023, sẽ được giữ nguyên quyền lợi khi tham gia cuộc đấu giá tiếp theo theo đúng Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và Quy chế đấu giá đã ban hành.

Thời gian tổ chức lại các cuộc đấu giá sẽ được Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam thông báo tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.

 

* Chinhphu.vn (21/8): Bảo đảm đủ gạo dự trữ quốc gia cho các tình huống đột xuất

Trước bối cảnh thị trường có biến động mạnh về lượng cung cầu và giá lương thực tại thời điểm đang tổ chức mua gạo nhập kho DTQG, ngày 18/8/2023, Tổng cục DTNN có Văn bản số 1259/TCDT-KH yêu cầu các Cục DTNN khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023.

Theo đó, Tổng cục DTNN yêu cầu các Cục DTNN khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền; theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo DTQG đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp với với Tổng cục DTNN trong các trường hợp phát sinh vượt quá thẩm quyền xử lý của đơn vị.

Đồng thời, yêu cầu các Cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ hàng DTQG; báo cáo, tham mưu cho Tổng cục trong chỉ đạo điều hành nhập, xuất, luân phiên đổi hàng DTQG phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia.

Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực DTQG để kịp thời tham mưu cho Tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; bảo đảm mức tồn kho DTQG, đáp ứng chủ động sẵn sàng, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách; không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh....

Cùng với đó, tăng cường phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật dự trữ quốc gia, của Bộ Tài chính và của Tổng cục DTNN trong nhập, xuất, bảo quản, bảo vệ, bảo đảm an toàn về số lượng và chất lượng hàng DTQG; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân trong việc thực thi nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân; nghiêm cấm mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình nhập, xuất hàng DTQG; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định, đúng thẩm quyền của đơn vị.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Daibieunhandan.vn (23/8): Gỡ khó cho hoạt động giám định tư pháp

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không được thu hồi. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giám định tư pháp còn nhiều hạn chế. Đây là tồn tại mà đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) đã chỉ ra khi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực tế cho thấy, công tác giám định tư pháp nói chung, giám định tư pháp đối với các vụ án tham nhũng nói riêng đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Theo báo cáo thống kê của các bộ, ngành và địa phương, từ năm 2020 đến hết năm 2022, các tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp trong cả nước đã thực hiện 538.638 vụ việc, trong đó: ở Trung ương là 69.867 vụ việc và địa phương là 468.771 vụ việc.

Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể, một số quy định pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập; đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực, địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nhiều lúc chưa tốt; nội dung trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng ở một số trường hợp còn chưa rõ; việc thực hiện yêu cầu giám định trong một số vụ việc còn chậm, chưa sát.

Trong tố tụng hình sự, công tác giám định tư pháp có ý nghĩa quan trọng, là một trong những căn cứ để làm rõ có tội hay không có tội. Tuy vậy, trên thực tế khi giải quyết một số vụ án, thời gian bị kéo dài có nguyên nhân từ việc phải “chờ” kết quả giám định.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác giám định tư pháp. Đó là còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, thời hạn giám định chưa hợp lý; chất lượng giám định chưa cao, xã hội hóa trong công tác giám định chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó là nhân lực và chế độ chính sách đối với đội ngũ làm công tác giám định cũng là một "điểm nghẽn" cần phải giải quyết. Thực tế cho thấy, công tác giám định tư pháp rất vất vả và độc hại nhưng kinh phí chi cho cán bộ giám định viên lại chưa tương xứng, thời gian làm việc 8 tiếng nhưng chỉ được 180.000 đồng/người. Điều đáng nói là, chế độ này dành cho giám định viên từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được cải thiện. Khi chế độ, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn, sẽ rất khó để thu hút những người làm công tác giám định. 

Để thực hiện tốt hơn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, trong đó có vụ việc tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, tiến độ công tác giám định tư pháp. Muốn vậy, cần rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, nhất là yêu cầu giám định tư pháp trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế.

Cùng với đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp. Trong đó, xử lý mạnh tay đối với những cá nhân, cơ quan cố tình kéo dài thời gian giám định làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết các vụ án. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển lĩnh vực giám định tư pháp. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp rất cần sửa đổi các quy định để bảo đảm chế độ, chính sách đủ để thu hút và “giữ chân” đối với giám định viên tư pháp - những người làm nghề được đánh giá là khá vất vả, đòi hỏi chuyên môn cao nhưng thu nhập lại chưa tương xứng.

 

QUẢN LÝ

*Qdnd.vn (23/8): Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu chính sách ưu đãi về nhà ở đối với nhân tài

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chính sách ưu đãi về nhà ở đối với nhân tài ở trong nước và nhân tài ở nước ngoài về Việt Nam làm việc trình Chính phủ tháng 9-2024.

Đây là một trong những nhiệm vụ tại Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài (người có tài năng) vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và trình Chính phủ tháng 10.2023.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức gắn với chính sách nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trình Chính phủ tháng 10-2023.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức (liên quan đến tiêu chí đánh giá, công nhận, thu hút, trọng dụng và quản lý nhân tài) trình Chính phủ sau khi sửa Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam xây dựng Nghị định quy định thu hút, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài hoạt động khoa học và công nghệ (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam) trình Chính phủ sau khi sửa Luật Khoa học và Công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam xây dựng Đề án thiết lập và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu trình Thủ tướng Chính phủ năm 2024.

Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chính sách ưu đãi về nhà ở đối với nhân tài ở trong nước và nhân tài ở nước ngoài về Việt Nam làm việc trình Chính phủ tháng 9-2024.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính nghiên cứu chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và xác định tiêu chí nhân tài trong lực lượng quân đội nhân dân trình Chính phủ tháng 9-2024.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính nghiên cứu chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài trong lực lượng công an nhân dân trình Chính phủ tháng 9-2024.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định và thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, cấp thị thực, cư trú... theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài là người Việt Nam và gia đình về nước làm việc, sinh sống trình Chính phủ năm 2024.

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách phát hiện, tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài là người dân tộc thiểu số trình Chính phủ tháng 9-2024.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia và cơ chế hỗ trợ kinh phí để Quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật trình Chính phủ năm 2024.

 

*Vtv.vn (22/8): Hà Nội: Triển khai khám sức khỏe cho 100% người dân trong quý 2/2024

Để quản lý sức khỏe người dân thực chất hơn, ngành Y tế Hà Nội cam kết triển khai khám sức khỏe cho 100% người dân trong quý II/2024.

Thực hiện Chương trình “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, đến nay, 82,5% người dân thành phố đã được quản lý sức khỏe, hướng tới đạt mục tiêu 100% người dân được quản lý sức khỏe vào năm 2025.

Ngành Y tế Thủ đô đã triển khai hoạt động này đến tất cả quận, huyện. Đến nay, một số đơn vị thực hiện tốt như: Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ. Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai rộng khắp, cam kết đưa bác sỹ ở các bệnh viện tuyến thành phố khám, chữa bệnh miễn phí tại các quận, huyện.

Đối với chỉ tiêu bác sỹ, hiện thành phố có 14 bác sỹ/1vạn dân, để đạt mục tiêu của chương trình còn thiếu 1.555 bác sỹ, chia bình quân 3 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 518 bác sỹ. Số lượng bác sỹ này sẽ được thu hút qua các đợt tuyển dụng viên chức, qua các đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Về xã hội hóa các bệnh viện để tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có thông báo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài Nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Gia Lâm, Sóc Sơn rà soát để kêu gọi xã hội hóa các bệnh viện.

 

* Chinhphu.vn (21/8): Đề xuất bãi bỏ 5 thông tư liên quan đến thanh tra ngành giao thông vận tải

Bộ Giao thông vận tải đề xuất bãi bỏ 5 thông tư liên quan đến thanh tra ngành giao thông vận tải.

 Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.   

Trong đó, bãi bỏ toàn bộ 5 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh tra ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành sau đây:

 1- Thông tư số 33/2013/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam.

2- Thông tư số 34/2013/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam.

 3- Thông tư số 64/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc thành lập; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải.

 4- Thông tư số 67/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về trách nhiệm của cá nhân và việc xử lý vi phạm trong công tác thanh tra của ngành giao thông vận tải.

 5- Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT ngày 25 tháng 2 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của ngành giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bãi bỏ 2 văn bản quy phạm pháp luật:

+  Quyết định số 2106/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Thể lệ bốc dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá tại cảng biển Việt Nam được xây dựng để phù hợp hoạt động thực tiễn của các cảng biển Việt Nam trong cơ chế thị trường.

+ Thông tư số 27/2014/TT-BGTVT 28 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đề xuất bãi bỏ Thông tư số 27/2014/TT-BGTVT là do Thông tư này không còn phù hợp với thực tế. Đồng thời, công tác quản lý vật liệu xây dựng nhập khẩu sử dụng cho thi công xây dựng công trình đã được quy định tại Điều 7 Thông tư số 06/2017/TT-BXD; trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý xây dựng công trình đã được quy định tại Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

Đề xuất bãi bỏ các Thông tư 33/2013/TT-BGTVT; 34/2013/TT-BGTVT; 64/2013/TT-BGTVT; 67/2013/TT-BGTVT do văn bản đã hết hiệu lực, không còn phù hợp với quy định hiện hành.

 

*Vtv.vn (21/8): Người dân vẫn bức xúc vì vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác

Người dùng vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc gọi không mong muốn. Một trong những lý do chính là việc mua SIM rác vẫn còn rất dễ dàng.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi khoảng 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác.

Những tưởng chiến dịch rầm rộ này sẽ mở ra một môi trường viễn thông lành mạnh hơn, tuy nhiên, người dùng vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc gọi không mong muốn, quảng cáo gây phiền toái và cả những cuộc gọi lừa đảo. Một trong những lý do chính là việc mua SIM rác vẫn còn rất dễ dàng, cả từ các cửa hàng và trên mạng xã hội.

Tại một tuyến phố ở Hà Nội chuyên bán SIM điện thoại, tháng 3 năm nay, nhiều người có thể dễ dàng mua SIM đã kích hoạt sẵn ở đây mà không phải xuất trình giấy tờ, căn cước công dân. Cửa hàng đã bị xử phạt và thu hồi SIM vi phạm. Giờ đây, sau 5 tháng, với nhiều nỗ lực chuẩn hóa thông tin thuê bao và thanh tra toàn quốc để loại bỏ SIM rác, việc mua SIM vẫn hoàn toàn dễ dàng như vậy.

Khi tải ứng dụng của nhà mạng về máy điện thoại để kiểm tra thông tin, có thể thấy đó là SIM đã được kích hoạt sẵn với tên một người khác.

Không chỉ mua SIM dễ dàng ở nhiều cửa hàng, SIM còn được bán trực tiếp tràn lan trên các nền tảng như TikTok, Shopee. Thậm chí, người dùng có thể mua số lượng lớn hàng trăm SIM cũng không phải đăng ký bất kỳ giấy tờ gì.

SIM rác vẫn bán tràn làn và có thể mua dễ dàng, do đó, cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Vietnamplus.vn (21/8): Lào Cai chính thức vận hành Cửa khẩu Số, rút ngắn thời gian thông quan

Kể từ ngày 21/8, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ mở tờ khai điện tử và khai đầy đủ thông tin trên phần mềm Cửa khẩu Số trên app điện thoại hoặc web.

Từ ngày 21/8, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai đã chính thức triển khai ứng dụng số tại Cửa khẩu Đường bộ Quốc tế số II Kim Thành, Lào Cai nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này.

Lào Cai là địa phương thứ hai trong cả nước, sau tỉnh Lạng Sơn triển khai Cửa khẩu Số trong giải quyết thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Đường bộ số II Kim Thành thực hiện khai báo trên hệ thống https://cuakhauso.laocai.gov.vn để được giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết kể từ ngày hôm nay (ngày 21/8), các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ mở tờ khai điện tử và khai đầy đủ thông tin trên phần mềm Cửa khẩu Số trên app điện thoại hoặc web.

Đối với các lái xe, chỉ cần khai báo thủ tục tại một điểm đầu vào ở bãi KB2 thay vì nhiều điểm như trước kia.

Hệ thống cam AL tại các chốt barie sẽ quét biển số phương tiện đã được đăng ký trước đó.

Căn cứ vào những thông tin trên hệ thống, các lực lượng chức năng cũng dễ dàng kiểm soát được phương tiện, hàng hóa xuất khẩu, nắm bắt được các vấn đề xảy ra và xử lý, điều phối kịp thời.

Cửa khẩu Số tại Lào Cai đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Việc ứng dụng các công nghệ mới nhằm tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhanh chóng, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng quản lý nhà nước trong quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đồng thời nền tảng giúp doanh nghiệp làm thủ tục, tra cứu, theo dõi từ xa, nắm bắt được thủ tục hành chính của doanh nghiệp đang ở công đoạn nào, vướng mắc ở đâu.

 

* Vietnamnet.vn (21/8): Nguy cơ các bộ, tỉnh không hoàn thành mục tiêu về dữ liệu số

Từ kết quả tổng hợp hiện trạng triển khai trong những tháng đầu năm nay, Bộ TT&TT nhận thấy nguy cơ các bộ, tỉnh không hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ Năm dữ liệu số quốc gia là hiện hữu.

Trong kế hoạch hoạt động năm 2023, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã nêu rõ 8 chỉ tiêu quan trọng về dữ liệu số cần đạt như: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch.

Cùng với đó, trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Cũng tại kế hoạch nêu trên, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã đề ra lộ trình triển khai các hành động trọng tâm trong Năm dữ liệu số quốc gia theo từng tháng, từ tháng 4 đến tháng 12, tập trung vào các chủ đề chính gồm: Dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; phân tích, xử lý dữ liệu; quản trị dữ liệu; nhân lực dữ liệu; hạ tầng dữ liệu quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, một trong những tồn tại hạn chế là việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy hết hiệu quả.

Đáng chú ý, trong văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ của Năm dữ liệu số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, qua tổng hợp hiện trạng triển khai, Bộ nhận thấy kết quả triển khai của các bộ, ngành, địa phương hiện còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra trong năm 2023.

Với hiện trạng này, Bộ TT&TT nhận thấy nguy cơ các bộ, ngành, địa phương không hoàn thành các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã chỉ đạo tại Quyết định 17 ngày 4/4/2023 của Ủy ban đang hiện hữu.

Vì thế, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở nghiên cứu hướng dẫn về yêu cầu đối với các mục tiêu về dữ liệu số được nêu tại Quyết định 17, khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số nếu không hoàn thành các mục tiêu trên đúng thời hạn.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị nghiên cứu Báo cáo chuyên đề về kết nối, chia sẻ dữ liệu tính đến hết tháng 6/2023 và tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý nghiệp vụ chuyên ngành, chỉ đạo điều hành được hiệu quả.

Bộ TT&TT cũng cho biết thêm, Bộ sẽ căn cứ vào kết quả triển khai nhiệm vụ Năm dữ liệu số quốc gia để đánh giá mức độ chuyển đổi số, đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Nld.com.vn (23/8): Nguyên Giám đốc CDC Cà Mau bị đề nghị truy tố

Ông Đặng Hải Đăng, nguyên Giám đốc CDC Cà Mau, và 2 cán bộ ngành y tế tỉnh này bị đề nghị truy tố do liên quan đến Việt Á.

Ngày 22-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã kết thúc điều tra và đề nghị VKSND cùng cấp truy tố bị can Đặng Hải Đăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cà Mau về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng hành vi trên, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố bị can Hồ Quang Nhu (nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ CDC Cà Mau) và Lê Ngọc Định (nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở Y tế Cà Mau).

Ba bị can này đã nộp lại số tiền nhận từ Công ty CP Công nghệ Việt Á (gọi tắt Công ty Việt Á) cho cơ quan chức năng vào đầu năm 2022. Trong đó, bị can Đăng đã nộp lại khoảng 1 tỉ đồng.

Như đã thông tin, từ tháng 1-2020 đến tháng 10-2021, Sở Y tế, CDC Cà Mau và Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện 11 gói thầu mua kít xét nghiệm, máy tách chiết DNA/RNA tự động, hóa chất, sinh phẩm và thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19 của Công ty Việt Á với số tiền hơn 49 tỉ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra, Sở Y tế Cà Mau mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá cao hơn so với chi phí sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận và chi phí khác), dẫn đến thiệt hại hơn 9,1 tỉ đồng; còn lại gói thầu 40.000 kít chưa thanh quyết toán.

Theo đó, CDC Cà Mau mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á cao hơn so với giá của chi phí sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận và chi phí khác), dẫn đến thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng.

Trong quá trình thực hiện hồ sơ đấu thầu mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, các bị can trên đã làm không đúng quy định về đấu thầu, "không bảo đảm công bằng, minh bạch", vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước khoảng 12,4 tỉ đồng.

 

* Dantri.com.vn (22/8): Nguyên Phó chánh án tỉnh Bạc Liêu ép nữ bị cáo hối lộ tiền, tình

Để giúp một nữ bị cáo từ án tù sang án treo, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần đòi quan hệ tình dục và số tiền 100 triệu đồng.

Ngày 22/8, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Châu Văn Mỹ (53 tuổi, nguyên Phó Chánh án thường trực TAND tỉnh Bạc Liêu) 4 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận địa phương khi bị cáo từng nhiều năm công tác trong ngành tòa án và là một lãnh đạo của TAND tỉnh.

Muốn án treo phải đưa tiền

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, bị cáo Châu Văn Mỹ là thẩm phán trung cấp, Phó chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu, được phân công là thành viên tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án ‘trộm cắp tài sản’ xảy ra ngày 3/4/2022, tại ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hoà Bình.

Bà D.H.T, ngụ phường 8, thành phố Bạc Liêu, là bị cáo trong vụ án. Trước đó, ngày 22/8/2022, Tòa án nhân dân huyện Hòa Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 6 tháng tù. Sau đó, D.H.T gửi đơn kháng cáo đến Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xin được giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo. Qua người quen giới thiệu D.H.T gặp bị cáo Châu Văn Mỹ và nhờ Mỹ giúp đỡ được hưởng án treo.

Ngày 29/8/2022, bị cáo Mỹ gọi điện thoại hẹn gặp T. để trao đổi về việc T. nhờ. Ông Mỹ nói với T. vụ án xét xử ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh muốn được xem xét xử án treo phải đưa 50 triệu đồng. T. nói gia đình kinh tế khó khăn, chỉ có khoản tiền 22,9 triệu đồng đang bị tạm giữ trong vụ án. 

Mỹ hứa phần tiền còn lại sẽ lo giúp, nhưng T. phải thực hiện theo yêu cầu của mình. Sau đó, Mỹ lấy xe ô tô chở T. đến một nhà nghỉ ở khu vực thành phố Bạc Liêu yêu cầu cho quan hệ tình dục. T. lo sợ Mỹ không giúp đỡ sẽ bị đi tù, không có người nuôi con nên miễn cưỡng đồng ý. Sau đó các ngày 31/8; 29/9 Mỹ liên tục đưa T. đến các nhà nghi để quan hệ tình dục với lý do trao đổi về vụ án.

Sau đó Mỹ thông báo cho T., yêu cầu T. phải đưa số tiền 100 triệu đồng mới lo được. Thấy Mỹ liên tục đòi quan hệ tình dục và yêu cầu phải đưa số tiền cao hơn nên T. đã dùng điện thoại chụp hình ảnh khỏa thân của bị cáo và ghi âm lại.

Theo yêu cầu của bị cáo, sau khi đã chuẩn bị được số tiền 80 triệu đồng, ngày 4/11/2022, T. điện thoại hẹn gặp Mỹ để đưa tiền. Việc giao nhận tiền diễn ra trên xe ô tô riêng của bị cáo Mỹ, Mỹ tiếp tục nhắc T. phải nhớ đưa đủ 20 triệu đồng.

Ngày 5/11/2022, bị cáo thông báo cho T. biết về việc đã họp xin giải quyết vụ án ‘trộm cắp tài sản’ và hướng dẫn T. nộp giấy xác nhận tạm trú cho Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu để đủ điều kiện xem xét hưởng án treo. Ngày 8/11/2022, bị cáo Mỹ tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án D.H.T phạm tội ‘trộm cắp tài sản’, đã quyết định xử phạt bị cáo T. 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngày 11/11/2022, T. điện thoại hẹn gặp Mỹ để đưa số tiền còn lại. Khoảng 20h40 phút cùng ngày, bị cáo đi xe ô tô đón T. đến một khách sạn ở phường 1, thành phố Bạc Liêu. Tại một phòng nghỉ trong khách sạn, T. đã đưa 20 triệu đồng cho Mỹ. Khoảng 21h20 phút, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện, bắt quả tang Châu Văn Mỹ trong khách sạn, trong tình trạng trên người không mặc quần áo, cùng tang vật là số tiền 20 triệu đồng.

Sau khi sự việc xảy ra, T. đã gửi đơn tố cáo, cùng toàn bộ các tài liệu, vật chứng là file ghi âm nội dung các cuộc nói chuyện, ảnh chụp bị cáo...

 

* Dantri.com.vn (22/8): Đổi tội danh nguyên Giám đốc Sở trong vụ án biến đất công thành đất tư

Nguyên giám đốc Sở TNMT Đồng Nai được chuyển tội danh từ Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sang tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Ngày 22/8, TAND tỉnh Đồng Nai mở lại phiên tòa xét xử liên quan đến sai phạm biến đất công thành đất tư tại dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái (phường Tam Phước, TP Biên Hòa). 

13 bị cáo liên quan đến vụ án này được đưa ra xét xử, trong đó 11 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc các sở ngành, địa phương gồm: Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai; ông Nguyễn Tấn Long, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa; ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh - chi nhánh TP Biên Hòa…

Trước đó vào ngày 21/6, TAND đã đưa vụ án ra xét xử và đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. HĐXX cho rằng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Viết Hưng đã ký văn bản với nội dung đề nghị UBND tỉnh giao cho TP Biên Hòa nhưng không có văn bản trả lời cho TP Biên Hòa và các cơ quan khác về nội dung bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư được quy định.

Sau quá trình điều tra bổ sung, VKS thay đổi tội danh ông Lê Viết Hưng từ Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sang tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Việc chuyển sang tội danh nhẹ hơn không làm thay đổi nội dung cáo trạng mà VKS đã truy tố trước đó.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Lê Viết Hưng bị xét xử về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sang tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị cáo còn lại bị buộc tội Vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bị cáo Nguyễn Tấn Long vắng vì lý do sức khỏe. Dự kiến, phiên tòa sẽ đưa ra xét xử sẽ diễn ra trong 3 ngày.

 

*Vtv.vn (20/8): Việt Á được "tiếp tay" để chiếm đoạt đề tài nghiên cứu của Nhà nước, thu lợi hơn 1.200 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị VKSND tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án sai phạm mua sắm kit test của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

38 bị can bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trong số này, 6 người bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" là:

Nguyễn Thanh Long, Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long.

- Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương.

- Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế.

- Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế.

Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ". Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị đề nghị về tội "Đưa hối lộ".

Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Trịnh bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Các bị can khác bị đề nghị truy tố gồm nhiều vụ trưởng, vụ phó cấp bộ; cán bộ UBND hoặc Tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* Chinhphu.vn (21/8): Giải ngân đầu tư công: Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Công điện nêu: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đạt được kết quả khá tích cực, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm ước đạt 37,85% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). 

Bên cạnh các bộ, cơ quan, địa phương có tốc độ giải ngân trên mức bình quân của cả nước thì còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực. 

Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

- Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công

- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải ngân hằng tháng của các bộ, ngành, địa phương

- Xử lý dứt điểm về các quy định về phòng cháy, chữa cháy trước ngày 25 tháng 8

- Tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai

- Thúc đẩy giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia

 

THẾ GIỚI

*Nld.com.vn (23/8): Chính trường Thái Lan hết bế tắc

Ông Srettha Thavisin, người của Đảng Pheu Thai, đã giành đủ số phiếu cần thiết tại Quốc hội để trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan ngày 22-8.

Theo báo Bangkok Post, ông Srettha là ứng viên duy nhất của cuộc bỏ phiếu và nhận được 482 phiếu thuận, 165 phiếu chống, 81 phiếu trắng của lưỡng viện Quốc hội. 

Trước đó 1 ngày, Pheu Thai và 10 đảng khác công bố liên minh nhằm hướng đến lập chính phủ mới, qua đó phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 5. Liên minh này nắm tổng cộng 314/500 ghế Hạ viện.

Ông Srettha là tỉ phú bất động sản, gia nhập chính trường Thái Lan chỉ vài tháng trước. Ông tham gia cuộc đua vào ghế thủ tướng sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 16-8 ra phán quyết từ chối xem lại quyết định của quốc hội về việc ngăn ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), được tái đề cử làm ứng viên thủ tướng. 

MFP là đảng dẫn đầu cuộc bầu cử khi giành được 151 ghế Hạ viện, theo sau là Đảng Pheu Thai với 141 ghế.

Ông Srettha trước đó vận động tranh cử với cam kết kích thích kinh tế, công bằng xã hội và quản trị tốt hơn. 

Ông nói với trang Bloomberg hồi tháng 4 rằng các ưu tiên của mình trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền sẽ là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, bảo đảm bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng giới và soạn thảo hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện của người dân.

 

*Vietnamplus.vn (23/8): Các nước châu Á lo ngại lạm phát cao theo đà tăng của giá gạo

Sự kết hợp của nhiều yếu tố đang làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng thiếu nguồn cung gạo có thể khiến tình trạng giá các mặt hàng lương thực khác ở châu Á tăng mạnh trở lại.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lương thực thiết yếu này của châu Á.

CNBC dẫn lời Qingfeng Zhang, Giám đốc cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết giá gạo toàn cầu đặc biệt đáng lo ngại, và dường như biến động giá lương thực sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.

Ngoài Ấn Độ, lạm phát lương thực ở khu vực châu Á tương đối được kiểm soát trong năm nay. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố đang làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng thiếu nguồn cung gạo có thể khiến tình trạng giá các mặt hàng lương thực khác ở châu Á tăng mạnh trở lại.

Các yếu tố đó bao gồm khí hậu khắc nghiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng với sự xuất hiện của El Niño lần đầu tiên sau 7 năm, Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và các chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại.

ADB cho hay giá lương thực cao sẽ làm suy giảm sức mua và giá lương thực trong nước tăng 10% ở các nước đang phát triển khu vực châu Á sẽ đẩy 64,4 triệu người vào cảnh nghèo đói, dựa trên chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày, nghĩa là tỷ lệ nghèo sẽ tăng từ 27% lên 29%.

 

*Vietnamplus.vn (23/8): Mỹ phê duyệt sử dụng vaccine ngừa RSV cho phụ nữ mang thai

Quyết định của FDA mở ra cơ hội giúp các bà mẹ mang thai, các bên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi căn bệnh có thể đe dọa đến tính mạng này.

Ngày 21/8, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng Vaccine Abrysvo Ngừa virus Hợp bào Hô hấp (RSV) cho phụ nữ mang thai để phòng ngừa nhiễm bệnh ở trẻ sắp chào đời. Vaccine này do Tập đoàn Pfizer phát triển.

Trong một tuyên bố, FDA cho biết đã phê duyệt vaccine Abrysvo cho phụ nữ mang thai ở thai kỳ từ 32 đến 36 tuần. Vaccine được tiêm 1 liều duy nhất này sẽ bảo vệ trẻ từ lúc sơ sinh đến 6 tháng tuổi khỏi RSV. Như vậy, Mỹ là quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng vaccine ngừa RSV ở phụ nữ mang thai.

Ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA nhấn mạnh RSV là nguyên nhân gây bệnh phổ biến ở trẻ em. Trẻ sơ sinh nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất, thậm chí phải nhập viện.

Quyết định của FDA mở ra cơ hội giúp các bà mẹ mang thai, các bên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi căn bệnh có thể đe dọa đến tính mạng này.

Trước đó, tập đoàn Pfizer đã thử nghiệm lâm sàng vaccine Abrysvo trên khoảng 7.000 phụ nữ có thai. Kết quả cho thấy vaccine giúp giảm tới 82% nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do virus RSV gây ra ở trẻ từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi, trong khi tỷ lệ này là 69% ở trẻ từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi. Các tác dụng phụ ở những phụ nữ mang thai tiêm Abrysvo gồm đau ở vị trí tiêm, đau đầu, đau cơ và buồn nôn.

 

*Vtv.vn (22/8): Trung Quốc dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo

Chiến lược phát triển kinh tế xanh cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ đã giúp Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Lần đầu tiên, tổng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo của Trung Quốc đạt 48,8%, vượt tổng công suất điện than.

Riêng lĩnh vực sản xuất điện gió, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chiếm gần 60% công suất lắp đặt trên toàn cầu năm ngoái, cũng như chiếm thị phần ngày càng lớn ở tấm pin mặt trời. Công ty Goldwin (Trung Quốc) chiếm 13% thị phần điện gió của thế giới.

Trong số 15 công ty hàng đầu thế giới về điện gió, Trung Quốc có 10 công ty, chiếm hơn 56% thị phần lắp đặt điện gió của toàn thế giới, tăng vọt so với 37% cách đây 5 năm. Trong khi đó thị phần của các công ty châu Âu từ 55% giảm còn 42%.

Giá lắp đặt rẻ, công nghệ ngày càng tiên tiến, kênh bán hàng ngày càng rộng ở châu Âu, Nhật Bản đã khiến cho các nhà sản xuất điện gió của Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha cạnh tranh khó khăn với các đối thủ Trung Quốc vì giá thành cao hơn nhiều.

Năng lượng tái tạo đang là một ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng mới được chính quyền đầu tư mạnh, với nhiều ưu đãi. Trung Quốc đang phát triển mạnh nhiều dự án điện gió ngoài khơi, nhiều dự án điện mặt trời quy mô khủng trên các sa mạc.

Lần đầu tiên Trung Quốc vươn lên số 1 thế giới về điện gió, vượt qua châu Âu. Các chuyên gia cho rằng, thị phần của Trung Quốc tại châu Âu về điện gió sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu lo lắng.

 

*Vtv.vn (22/8): Cựu Thủ tướng Thaksin trở về Thái Lan, sẵn sàng chấp nhận thi hành án tù

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã về đến sân bay ở Bangkok sau 15 năm lưu vong. Theo cảnh sát Thái Lan, ông sẽ bị giam giữ sau khi về nước.

Chiếc máy bay tư nhân chở ông Thaksin hạ cánh lúc 9h hôm nay tại sân bay Don Mueang. Ông Thaksin, 74 tuổi, giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001, nhưng bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Ông bị bỏ tù vắng mặt năm 2008 vì lạm quyền và rời bỏ đất nước sống lưu vong.

Ông Thaksin bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng chúng mang động cơ chính trị. Gần đây ông bày tỏ sẵn sàng chấp nhận thi hành án tù khi hồi hương, để dành phần đời còn lại cùng con cháu.

Trước đó, ông Thaksin đã thông báo sẽ trở về Thái Lan vào ngày 10/8, nhưng hôm 5/8 ông đột ngột thông báo thay đổi kế hoạch với lý do ông phải thăm khám sức khỏe trước khi trở về.

Việc ông Thaksin thông báo trở về Thái Lan với các thời điểm cụ thể đã thu hút sự chú ý của các cơ quan chức năng cũng như dư luận các giới tại Thái Lan, nhất là trong bối cảnh nước này đang trong quá trình thành lập Chính phủ mới. Cơ quan chức năng Thái Lan cho biết, đã sẵn sàng các phương án để đón và áp dụng ngay lập tức các biện pháp theo trình tự tố tụng hình sự đối với ông Thaksin.

 

*Vietnamplus.vn (22/8): Nhật Bản thúc đẩy kế hoạch xả nước thải từ nhà máy Fukushima

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên kế hoạch thị sát Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima số 1 vào ngày 20/8, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển trong thời gian tới.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 21/8 cho biết ông sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ trưởng nội các liên quan trong ngày 22/8 để quyết định thời điểm bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima.

Thủ tướng Kishida đã xác nhận thông tin trên với báo giới sau khi cuộc gặp các quan chức ngành thủy sản Nhật Bản để bàn về kế hoạch xả nước thải.

Cùng ngày, Thủ tướng Kishida đã trao đổi với người đứng đầu Liên đoàn hợp tác xã Nghề cá quốc gia Nhật Bản Masanobu Sakamoto, hy vọng nhận được sự đồng thuận của quan chức này đối với kế hoạch của chính phủ bắt đầu xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima. Quá trình dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8.

Đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã công bố báo cáo cuối cùng cho rằng quá trình xả nước thải bị nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu.

IAEA cũng đánh giá hoạt động xả nước thải sẽ gây ra tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường. Mặc dù vậy, các ngư dân địa phương và quốc gia láng giềng vẫn lo ngại về chất lượng của các sản phẩm thủy sản.

 

*Nhandan.vn (22/8): Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thời tiết

Trong tháng 7 vừa qua và tháng 8 này, Phòng thí nghiệm AI Thượng Hải đã triển khai thí điểm hệ thống dự báo thời tiết tiên tiến dựa trên AI có tên là Fengwu.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành khí tượng thủy văn để nâng cao độ chính xác trong dự báo thời tiết.

Ứng dụng này được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc đã phải hứng chịu những điều kiện thời tiết cực đoan trong mùa hè như nắng nóng cực đoan, bão lũ gây thiệt hại lớn.

Trong tháng 7 vừa qua và tháng 8 này, Phòng thí nghiệm AI Thượng Hải đã triển khai thí điểm hệ thống dự báo thời tiết tiên tiến dựa trên AI có tên là Fengwu. Hệ thống này có khả năng đưa ra dự báo và cảnh báo khí tượng và thời tiết chính xác hơn đối với những cơn bão đang đến gần.

 

*Hanoionline.vn (22/8): Chuẩn bị ra mắt lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Campuchia

Hôm nay (22/8), Quốc hội Campuchia sẽ bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, lãnh đạo các Ủy ban Chuyên trách của Quốc hội khóa 7.

Quốc hội Campuchia dự kiến sẽ bầu bà Khuon Sodary, Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội khóa 6 làm Chủ tịch; ông Cheam Yeap, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội khóa 6 tiếp tục làm Phó Chủ tịch thứ nhất và ông Vong Soth, Bộ trưởng Bộ Xã hội, Cựu Chiến binh và Phục hồi thanh niên, làm Phó Chủ tịch thứ hai.

Quốc hội Campuchia cũng sẽ cho ý kiến tín nhiệm, thông qua danh sách 44 thành viên Nội các Chính phủ nhiệm kỳ 2023-2028 do Tiến sĩ Hun Manet làm Thủ tướng, với 10 Phó Thủ tướng, trong đó 8 Phó Thủ tướng kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng. Cùng với 11 Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác đặc biệt và 22 Bộ trưởng khác đứng đầu các Bộ và các cơ quan ngang Bộ.

Tân Thủ tướng và các thành viên Nội các Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ mới sẽ tuyên thệ trước Quốc vương Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia trước khi chính thức đi vào hoạt động.

 

*Vtv.vn (21/8): Người Nga chuộng tiết kiệm bằng Nhân dân tệ hơn Euro và USD

Niềm tin vào các loại tiền tệ phương Tây đã giảm ở Nga kể từ khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt nhằm vào quốc gia này

 Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hiện là ngoại tệ phổ biến nhất để tiết kiệm của người Nga, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Public Opinion Foundation đã tiết lộ.

Những người được hỏi được yêu cầu tưởng tượng rằng họ có một số tiền lớn bằng đồng Ruble với điều kiện họ phải chuyển đổi nó thành ngoại tệ mà họ chọn và giữ số tiền đó trong tài khoản tiết kiệm trong 5 năm. Khoảng 32% số người được hỏi ủng hộ đồng tiền của Trung Quốc. Đồng Euro đứng thứ hai với 26%, tiếp theo là USD với 23%.

Nhân dân tệ là loại tiền tệ được ưa chuộng phổ biến nhất trong hầu hết các nhóm tuổi, ngoại trừ những người trẻ tuổi. Những người dưới 30 tuổi ở Nga có nhiều khả năng chọn Euro (34%) hoặc USD (36%) để làm quỹ dự phòng cho những ngày khó khăn của họ, trong khi đồng Nhân dân tệ chỉ nhận được 32% phiếu bầu ở nhóm tuổi này. Nhân dân tệ là lựa chọn đầu tiên của 41% người Nga có trình độ đại học.

Năm ngoại tệ hàng đầu để tiết kiệm cũng bao gồm Bảng Anh (3%) và đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ (2%). Các phản hồi khác bao gồm đồng Dirham của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đồng Franc Thụy Sĩ, đồng Yen Nhật (khoảng 2% mỗi loại), cũng như đồng Shekel của Israel và đồng Rial của Iran (1% mỗi loại).

Phần lớn người Nga (61%) thích giữ tiền tiết kiệm bằng đồng Ruble. Chỉ 15% số người được hỏi nói rằng họ sẽ chọn ngoại tệ thay vì đồng Ruble để tiết kiệm nếu được lựa chọn.

Xem chi tiết tại đây