VPUB - Phong trào xây dựng Nông thôn mới ở Điện Biên “Nông dân phấn khởi góp sức”

Dienbien.gov.vn - Đánh giá vai trò của nông dân trong tỉnh về công tác xây dựng nông thôn mới, đồng chí Vàng Thị Bình - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên (nhiệm kỳ 2018 - 2023) cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên...

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội - thăm xã Nông thôn mới Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Với vai trò cơ quan thường trực, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, ban hành các văn bản nhằm chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân triển khai thực hiện các phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần chuyển biến tích cực làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới về mọi mặt như: Điện, đường, trường trạm được đầu tư, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của nông dân từng bước được cải thiện, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, đại bộ phận nông dân phấn khởi, yên tâm tăng gia sản xuất, ổn định đời sống.

Để triển khai nhiệm vụ, trước hết, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch số 153-KH/HNDT ngày 19/7/2017 Hội Nông dân trong tỉnh, phát động phong trào “Xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn toàn tỉnh nhằm huy động mọi nguồn lực, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng phong trào với mục tiêu phấn đấu và đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn 2016-2020. Tiếp theo đó, nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội, đa dạng hóa công tác vận động, tập hợp hội viên, nông dân; tổ chức sâu rộng phong trào thi đua “dân vận khéo” thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu ngành Nông nghiệp bằng các hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Nhờ những nỗ lực liên tục trong những năm qua, kế thừa thành công sau khi kế hoạch số 153-KH/HNDT kết thúc, các cấp hội đã phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng ngô, đậu tương năng suất, giá thành sản phẩm thấp chuyển sang trồng cây có năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm cao như: Cây sả ở Mường Nhé, cây sa nhân ở Nậm Pồ và Mường Ẳng, cây mía và cây dứa ở Tuần Giáo... Có hơn 50 mô hình kinh tế tập thể theo hình thức tổ hợp tác trong đó nhiều mô hình đã phát triển lên thành hợp tác xã, như mô hình chăn nuôi gà đen ở thị trấn Tủa Chùa, mô hình liên kết cây dong giềng ở Nà Tấu... góp phần nâng tổng số HTX trong toàn tỉnh lên hơn 200 HTX; hàng trăm trang trại tổng hợp có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có trên 30 trang trại cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; có 03 sản phẩm được bình chọn “sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” của tỉnh Điện Điện, được tôn vinh là các sản phẩm: Chè Tuyết san cổ thụ Tủa Chùa, bột sữa gạo lứt, thịt sấy khô… Vận động hơn 200 hội viên tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi cung ứng/tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình liên kết cánh đồng lớn; trồng dong riềng, chè… Bên cạnh đó còn có các mô hình do Hội triển khai thực hiện như mô hình: “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, “Mô hình xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” ở 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh với hàng nghìn con trâu, bò sinh sản, đến nay đã có gần 3.000 con, luân chuyển cho hàng ngàn hộ để hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo bình quân mỗi năm có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo bền vững.

Cũng theo ý kiến đồng chí Vàng Thị Bình - Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên - Quý I năm 2023, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022, xây dựng phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; trong đó, tích cực phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất. Đến nay, các cấp hội nhận uỷ thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng, cho gần 21.000 hộ nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục quản lý và hướng dẫn nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền trên 22 tỷ đồng...

Lễ đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới của xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên - Xã đầu tiên đạt danh hiệu Nông thôn mới của tỉnh Điện Biên (12/2015).

Ngoài ra, phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện dự án “Hỗ trợ hợp tác xã, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ cây lúa”, hướng dẫn các Hội Nông dân cơ sở tham gia các câu lạc bộ sở thích chăn nuôi, các mô hình hợp tác xã, các dự án nuôi gà, nhóm sở thích chăn nuôi bò. Tuyên truyền vận động tham gia dự án nuôi bò thuộc Chương trình 135, mô hình trồng bưởi thuộc Chương trình Nông thôn mới; Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng các dự án và tiếp tục duy trì các dự án từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền hàng chục tỉ đồng, giúp cho hàng trăm lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất theo nhóm hộ. Thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức giải ngân cho hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Theo thống kê của Văn phòng Hội Nông dân tỉnh, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực: Công tác tuyên truyền tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng người dân nông thôn. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, nhân dân đã xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2022, nhân dân đã đóng góp hơn 5.097 triệu đồng (bằng ngày công và hiện vật quy đổi) để thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành Chương trình, các hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành đầy đủ, kịp thời; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình được thường xuyên. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp, kinh tế nông thôn có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn. Y tế, giáo dục được đầu tư xây dựng, đời sống văn hoá ở nông thôn, vệ sinh môi trường ở nông thôn được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Mấy năm qua, mặc dù ảnh hưởng chung bởi dịch covid-19, đến hết năm 2022, tỉnh ta tiếp tục duy trì và giữ vững 21 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận thêm 04 xã (đang hoàn thiện hồ sơ, trình xét công nhận), nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới lên 48 xã; có 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 37 thôn, bản so với năm 2021. Chương trình OCOP bước đầu đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ. Ước thực hiện hết năm 2022: Toàn tỉnh có thêm 12 sản phẩm được chứng nhận, nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên con số 56 sản phẩm (trong đó, có 04 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm, đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập khả quan bước đầu.

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn, hạn chế trước mắt hoặc có thể lâu dài trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên - có nhiều trăn trở: Phải thừa nhận một thực tế là tại một số cơ sở phong trào xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện còn chậm, cán bộ lãnh đạo các cấp hội ở một số địa phương chưa thật sự năng động, chưa khai thác và phát huy được nhiều nhất sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, đa số hội viên, nông dân kinh tế còn khó khăn, nhận thức về lợi ích của việc thực hiện xây dựng nông thôn mới hiểu chưa rõ, chưa cụ thể nên sự tham gia đóng góp chưa nhiệt tình, hiệu quả chưa như mong muốn.

Mặt khác, công tác tuyên truyền ở một số cơ sở Hội chưa được sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trình độ dân chưa đồng đều, sự tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Nhân đây, đề nghị Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh hàng năm quan tâm hỗ trợ kinh phí, để Hội Nông dân tỉnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, hỗ trợ tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, hội viên nông dân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Nhìn chung, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã có nhiều địa phương thực hiện hiệu quả, góp phần làm chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn, đời sống người dân nâng lên, ý thức xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dần đi vào nề nếp, nhân dân đã tình nguyện hiến đất, đóng góp công lao động làm đường giao thông nông thôn, làm các công trình thủy lợi, di chuyển chuồng trại, tự chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh...

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, được các cấp ngành ở Trung ương và địa phương nỗ lực nhập cuộc, triển khai. Với một tỉnh miền núi, dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển như Điện Biên, thiết nghĩ, xây dựng nông thôn mới càng cần thiết và hữu ích. Chúng ta mong sao chương trình mỗi ngày một tốt hơn nữa, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, toàn diện hơn nữa; mở ra tương lai no cơm ấm áo cho các địa phương, các dân tộc, các bản làng và từng hộ gia đình nông dân Điện Biên.../.

Tuyết Anh