VPUB - Lễ hội Thành Bản Phủ tưởng nhớ Tướng quân Hoàng Công Chất

Dienbien.gov.vn - Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm vào ngày 24 - 25/2 (âm lịch) để tưởng nhớ thủ lĩnh Tướng quân Hoàng Công Chất. Vào thế kỷ 18, Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải, tướng Khanh là hai vị thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên lãnh đạo Nhân dân các dân tộc đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh. Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo kéo dài từ năm 1739 đến năm 1769 đã tập hợp Nhân dân các dân tộc trong vùng thành một khối thống nhất, xây dựng tình đoàn kết, cùng nhau đánh giặc giữ nước bảo vệ núi rừng vùng biên cương của đất nước.

Phần Lễ tế “Nhớ công ơn Tướng quân Hoàng Công Chất”.

Tướng quân Hoàng Công Chất có tên thật là Hoàng Công Thư, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nghĩa quân của Tướng quân Hoàng Công Chất cùng Tướng Ngải, Tướng Khanh đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh (Điện Biên) vào tháng 5 năm 1754. Để có căn cứ hoạt động lâu dài, tướng Hoàng Công Chất đã cho xây dựng Thành Bản Phủ. Từ đó, căn cứ hoạt động của nghĩa quân đã phát triển ra khắp mười Châu của Phủ An Tây, phía bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía nam mở rộng xuống Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo kéo dài suốt 30 năm (1739-1769). Hoàng Công Chất đã tập hợp Nhân dân các dân tộc vùng Hưng Hóa (Tây Bắc) thành một khối thống nhất, cùng nhau đánh giặc bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc. Khu di tích lịch sử Thành Bản Phủ là nơi gắn liền với tên tuổi của vị thủ lĩnh áo vải Hoàng Công chất và Tướng Ngải, Tướng Khanh đã cùng Nhân dân chiến đấu anh dũng đánh tan giặc Phẻ bảo vệ bản Mường núi rừng Tây bắc, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền biên giới quốc gia 269 năm về trước. 

Lễ hội Thành Bản Phủ tổ chức thường niên từ năm 2014. Theo truyền thống, Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2023 diễn ra gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu bằng màn rước Lễ vật, múa rồng, màn trống hội chào mừng, sau đó là nội dung Chúc văn giỗ Tướng quân Hoàn Công Chất, lễ dâng hương, tế lễ “Nhớ công ơn Tướng quân Hoàng Công Chất”. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con nhân dân.

Màn trống khai hội.

Đồng chí Bùi Hải Bình - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên cho biết: “Lễ hội Thành Bản Phủ là hoạt động tín ngưỡng với các nghi thức văn hóa dân gian được gìn giữ từ lâu đời. Vào mỗi mùa lễ hội, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong và ngoài huyện Điện Biên đều thành kính dâng hương tưởng nhớ công ơn Tướng quân Hoàng Công Chất. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Nhân dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và cùng nhau vui chơi các trò chơi dân gian. Với cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên thì việc tổ chức các hoạt động trong mùa Lễ hội cũng là cơ hội để quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc; đồng thời thu hút đầu tư, phát triển văn hóa, du lịch của huyện Điện Biên cũng như tỉnh Điện Biên. Từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc để chung tay xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển”.

Hoạt động giao lưu văn nghệ được tổ chức tạo không khí vui tươi, phấn khởi động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái học tập, lao động, sản xuất.

Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc, tiến tới thu hút đầu tư, phát triển văn hóa, du lịch của địa phương. Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức là một trong những điểm đến lý tưởng, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch và Nhân dân các dân tộc đến tham quan, chiêm bái./.

Trần Hà