VPUB - Tủa Chùa: Bảo tồn phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn

Dienbien.gov.vn - Vừa qua, UBND huyện Tủa Chùa đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện.

Nghề dệt thổ cẩm tại trung tâm xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa.

Kế hoạch đề ra mục tiêu bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực, cải thiện chất lượng đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thúc đẩy phát triển du lịch, sản phẩm OCOP, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Phát triển làng nghề và làng có nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, phù hợp với điều kiện của địa phương và gắn với bảo vệ môi trường.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 công nhận được 1 - 2 nghề truyền thống; đến năm 2030 công nhận được 3 - 4 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng.

Phạm vi áp dụng đối với 3 làng nghề truyền thống: làm giấy dó (thôn Đề Tâu, xã Mường Đun); nuôi trồng thủy sản lồng bè (bản Huổi Chẳng, xã Tủa Thàng); Giầy và trang phục người Hoa - Xạ Phang (thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng); 7 nghề truyền thống của huyện: rèn dao, nông cụ dân tộc Mông (thôn Dê Dàng, xã Sính Phình); thêu ren, dệt thổ cẩm tại trung tâm xã Sính Phình; làm khèn của đồng bào dân tộc Mông (bản Sông Ún, xã Mường Báng); sản xuất chế biến chè cổ thụ Shan Tuyết (thôn Hấu Chua, xã Sín Chải); trồng, chăm sóc, chế biến chè cổ thụ Shan tuyết đồng bào Mông (thôn Páo Tỉnh Làng, xã Tả Sìn Thàng); trồng, sản xuất chế biến chè (thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình); nấu rượu Mông Pê (xã Sín Chải).

Nghề làm khèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông (bản Sông Ún, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa).

Đối tượng là các cá nhân, nghệ nhân, hộ gia đình, các cơ sở tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã; các doanh nghiệp; các làng nghề truyền thống trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ ngành nghề nông thôn.

Nhiệm vụ đặt ra là khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống lâu đời có giá trị văn hóa đặc sắc chưa được công nhận hoặc đã được công nhận nhưng hoạt động chưa hết tiềm năng, không ổn định sản xuất có nguy cơ mai một, thất truyền. Tập trung khôi phục, bảo tồn một số nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền như: Nghề làm khèn của đồng bào dân tộc Mông (bản Sông Ún, xã Mường Báng); Làng nghề giày và trang phục người Hoa - Xạ phang (thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng). Phát triển các sản phẩm làng nghề chủ lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát huy vai trò của nghệ nhân giỏi, thợ giỏi.

Phụ nữ dân tộc Mông bên những sản phẩm du lịch mang yếu tố truyền thống.

Phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ trên địa bàn huyện: Tập hợp sản phẩm nghề truyền thống của người làm nghề, các hộ kinh doanh, các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các Phiên chợ của huyện và hội chợ triển lãm, hội chợ trong nước để giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển ít nhất 1 sản phẩm nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP. Thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị cho ít nhất 1 cơ sở sản xuất nghề truyền thống để nâng cao chất lượng và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống để đáp ứng nhu cầu thị trường, trên cơ sở vẫn giữ yếu tố truyền thống, đặc trưng của sản phẩm. Giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống trên địa bàn huyện trên sàn thương mại điện tử của tỉnh và mạng xã hội để nhiều người biết. Rà soát, giới thiệu nghệ nhân tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm đối với các nghệ nhân đã biết làm nghề, nhằm nâng cao tay nghề về chất lượng và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm do tỉnh tổ chức. Cử cán bộ tham mưu, quản lý trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống và đội ngũ hướng dẫn viên và người dân địa phương tại điểm bán sản phẩm truyền thống tham gia các lớp tập huấn công tác quản lý và kỹ năng giới thiệu, hướng dẫn, thuyết trình, đón tiếp, phục vụ khách tham quan du lịch.

Nghề rèn dao, nông cụ dân tộc Mông (thôn Dê Dàng, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa).

Để thực hiện hiệu quả Đề án, Kế hoạch đưa ra các giải pháp: lãnh đạo, chỉ đạo về tuyên truyền và khen thưởng; triển khai thực hiện cơ chế, chính sách; huy động các nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ; ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực phát triển sản phẩm nghề truyền thống./.

Lan Phương