VPUB - Tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

Dienbien.gov.vn – Trong 5 năm (2016 - 2022) thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa trong tình hình mới, bằng sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên, công tác đảm TTATGT đường thủy nội địa của tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân, người tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy có nhiều chuyển biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa. Qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành Pháp luật giao thông đường thủy nội địa của người dân được nâng cao. Tình trạng mất an toàn, tai nạn giao thông đường thủy nội địa được hạn chế. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy.

Lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa tại Lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã Mường Lay hàng năm.

Hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Đề án quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, các tuyến vận tải thủy trên địa bàn tỉnh dài 116 Km, trong đó tuyến đang khai thác thuộc địa phận tỉnh Điện Biên từ thị xã Mường Lay đến huyện Tủa Chùa dài 77 Km; cấp kỹ thuật đường thủy cấp III thuộc tuyến đường thủy trung ương quản lý. Hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn mang tính tự phát, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại làm nương rẫy và đánh bắt thủy sản của người dân sống dọc hai bên bờ sông; do điều kiện tự nhiên, mùa khô luồng lạch cạn. Các phương tiện đi lại rất hạn chế, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trên các tuyến đường thủy nội địa như: phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật; cắm đăng, đáy, vó bè, nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản tự phát vẫn còn khá phổ biến.

Trước tình hình đó, hàng năm, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên theo chức năng, nhiệm vụ và Ban ATGT huyện, thị xã trong tỉnh có hoạt động đường thủy chủ động xây dựng triển khai các kế hoạch năm, kế hoạch phối hợp liên ngành, kế hoạch theo chuyên đề thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, tết. mùa hè, mùa mưa lũ có chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa và phòng chống đuối nước cho học sinh trong mùa mưa lũ.

Ông Trần Thanh Kiên - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Điện Biên cho biết: xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, cũng như có ý nghĩa quyết định đến kết quả triển khai thực hiện Luật Giao thông đường thủy, Ban ATGT tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, chỉ đạo các ngành thành viên, đặc biệt là cơ quan Báo, Đài trong tỉnh. Công an tỉnh tích cực thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường thủy. Lễ ra quân thực hiện nhiệm vụ năm ATGT đợt cao điểm Tết Nguyên đán hàng năm tại Lễ hội đua thuyền đuôi én hàng năm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đã được tăng cường triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung thiết thực, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của các đối tượng tham gia giao thông và nhân dân các xã ven sông; góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các xã nơi có các tuyến sông đi qua đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền hình thị xã Mường Lay xây dựng 9 phóng sự với nội dung tuyên truyền luật giao thông đường thủy, Nghị định số 132 ngày 25/12/2015 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Đường thủy nội địa, Thông tư số 12 ngày 9/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 132 của Chính phủ, phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành giao thông làm tốt công tác tuyên truyền Luật giao thông đường thủy. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo phối hợp giữa các ngành thành viên Tỉnh đoàn, CSGT, Thanh tra giao thông phối hợp với các huyện, thị có đường thủy tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT đường thủy nội địa tại 49 lượt cụm dân cư với 4.378 lượt chủ thuyền và người dân sinh sống, làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông thuộc khu vực thị xã Mường Lay và huyện Mường Chà, Tủa Chùa; Tặng phao tròn và dụng cụ cứu nổi cho 1.500 hộ dân sinh sống và làm nghề đánh bắt thủy sản trên Sông Đà thuộc thị xã Mường Lay và huyện Mường Chà, phát tờ rơi và 500 tài liệu tuyên truyền Luật giao thông đường thủy nội địa; Phát áo phao cho các học sinh và người dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn sinh sống bằng nghề sông nước; Phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Điện Biên xây dựng 18 phóng sự tuyên truyền về Luật giao thông đường thủy nội địa trên tuyến đường thủy Sông Đà và lòng hồ thị xã Mường Lay để nâng cao nhận thức pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Nhận thức và xác định rõ công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng; từ đó các cấp chính quyền, đoàn thể, đã đẩy mạnh và đổi mới hình thức, nội dung và đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa vào sinh hoạt định kỳ của Chi bộ, các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị; gắn liền việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; gắn trách nhiệm người đứng đầu và xét thi đua tập thể, cá nhân các tổ chức chính quyền, gia đình văn hóa ở địa phương hàng năm; phát động phong trào tiên phong, gương mẫu của người thực thi nhiệm vụ, người cán bộ, đảng viên hưởng lương ngân sách nhà nước, vận động người thân thực hiện tốt quy định về TTATGT; xây dựng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về TTATGT. Phát động phong trào quần chúng tham gia bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa đặc biệt là cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được tổ chức ở nhiều điểm bản ven sông. Vì vậy, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, hoạt động lĩnh vực thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn mới, hiệu quả kinh tế chưa cao nên việc kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các bến, cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, vì vậy các bến, cảng thủy và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động lĩnh vực vận tải thủy trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch hầu như chưa được đầu tư xây dựng. Mạng lưới giao thông đường thủy nội địa trải dài trên địa bàn các huyện, lực lượng thanh tra, tuần tra, xử lý vi phạm hành chính mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo trật tự ATGT còn nhiều hạn chế, chưa triệt để; đăng kiểm viên đường thủy còn thiếu; công tác đào tạo, cấp bằng chứng chỉ còn rất nhiều khó khăn do trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở đào tạo dạy nghề cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên người lái phương tiện thủy nội địa…

Thời gian tới, các ngành thành viên của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị có đường thủy chuẩn bị những nội dung tuyên truyền được tập trung vào hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy; tiếp tục xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”: tuyên truyền về các văn bản Quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, mặc áo phao, mang dụng cụ nổi cứu sinh khi đi thuyền, xuồng trên sông; phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trên đường thủy nội địa, đặc biệt đối với trẻ em và người già, phụ nữ do bị xảy ra đuối nước.

Đối với chính quyền địa phương có hoạt động đường thủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể đối với công tác chỉ đạo, hướng dẫn các mô hình thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Ban ATGT huyện, Công an huyện, chính quyền các địa phương cần có sự quan tâm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển hành khách đường thủy để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ đò, người lái đò, người đi đò, các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải thủy để họ hiểu và chấp hành, cần phát huy tối đa vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội. Lực lượng xung kích của đoàn viên, thanh niên trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Giao thông đường thủy nội địa không chỉ trong mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng các mô hình “Bến đò tự quản”, “Bến đò an toàn”.../.

Lan Phương