Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao xã Huổi Só

 

Lễ Tủ Cải là một nghi thức có vai trò và dấu mốc quan trọng trong lễ tục vòng đời người con trai Dao, ngành Dao quần chẹt, bắt buộc người con trai nào cũng phải trải qua. Nó có ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên.

Đối với đồng bào dân tộc miền núi đặc biệt là đồng bào Dao Quần chẹt ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa (Điện Biên), con trai trong các gia đình đều phải trải qua lê Tủ Cải (lễ đặt tên âm) thì mới được coi là người đã trưởng thành có tâm, có đức, biết phân biệt phải trái, mới có đủ tư cách làm các công việc trong lễ cúng tổ tiên; có làm lễ Tù Cải khi chết hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Lễ Tù Cải nghiêm trang trong phần lễ, phóng khoáng vui vẻ trong phần trình diễn, chào đón xum vầy, tiễn đưa tổ tiên.

Nghi lễ cấp sắc cho con trai người Dao ở Huổi Só, huyện Tủa Chùa.

Lễ Tù Cải còn là dịp giao thoa văn hóa cộng đồng và cũng là nơi gặp gỡ của gia đình, dòng tộc, bạn bè, con người càng cảm thông với nhau, hướng đến những điều tốt lành; có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những nền tảng, tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao.

Hai cậu bé được làm lễ Tủ Cải (hay còn gọi là lễ trưởng thành)

Các thầy cúng trong lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao Quần chẹt.

Trước ngày diễn ra lễ từ hơn 1 tuần, gia chủ có người “thụ lễ” sẽ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm đầy đủ; đồng thời mang lễ vật đến mời các thầy cúng trong bản chọn ngày lành để tổ chức lễ. Trước khi tổ chức lễ một ngày, thầy cả sẽ phân công cho các thầy cúng, họ hàng thân tộc, dân bản có mặt đầy đủ tại gia đình người được thụ lễ để cùng dựng đàn lễ trong nhà (nơi ngự của tổ tiên), đàn lễ ngoài trời (nơi ngự của các thần linh), dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh...