VPUB – Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nâng tầm thương hiệu, sản phẩm địa phương

Dienbien.gov.vn - Bắt đầu triển khai thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” từ năm 2018, các cấp, ngành, địa phương và người dân tại Điện Biên đã tích cực, chung tay vào cuộc, đến nay sau hơn 3 năm chương trình đã đạt được những kết quả rất khả quan, với 35 sản phẩm thuộc 19 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ đăng ký kinh doanh được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó: có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao...

Sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên được trưng bày, quảng bá tại sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, thực trạng việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh theo Chương trình OCOP vẫn đang gặp một số khó khăn. Do đó, mà Điện Biên đã ban hành Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 24/02/2021 về việc Phê duyệt Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 Điện Biên phấn đấu có khoảng 225 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Trong đó: Theo nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm I (Thực phẩm) 144 sản phẩm; Nhóm II (Đồ uống) 14 sản phẩm; Nhóm III (Thảo dược) 25 sản phẩm; Nhóm IV (Vải và may mặc) 7 sản phẩm; Nhóm V (Trang trí và nội thất) 9 sản phẩm; Nhóm VI (Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch) 26 sản phẩm. Theo địa phương, huyện Điện Biên có 37 sản phẩm, huyện Tuần Giáo có 34 sản phẩm, huyện Mường Ảng có 32 sản phẩm, huyện Mường Nhé có 28 sản phẩm, huyện Điện Biên Đông có 26 sản phẩm, thành phố Điện Biên có 25 sản phẩm, huyện Tủa Chùa có 13 sản phẩm, huyện Nậm Pồ 12 sản phẩm, Thị xã Mường Lay 11 sản phẩm và huyện Mường Chà 5 sản phẩm.

Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" trở thành Chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; phát triển sản xuất sản phẩm dịch vụ hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định; phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại của tỉnh; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm và các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.

Để Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phát huy được thế mạnh truyện thống, Điện Biên đã hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các chủ thể kinh tế từ 2 nguồn chính là theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và Chương trình OCOP. Đến nay, đã có 6 chủ thể được hỗ trợ theo Quyết định số 45/QĐ-UBND, với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng. Nội dung hỗ trợ chủ yếu để mua giống, vật tư thực hiện dự án và máy móc, thiết bị chế biến. Đối với Chương trình OCOP, đã có 9 chủ thể được hỗ trợ trong việc hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí để xây dựng thành công sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, tổng kinh phí khoảng 1,456 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Nông nghiệp, Công Thương thường xuyên quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong công tác kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện OCOP yêu cầu cần được triển khai một cách có hệ thống với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà không phải là một phong trào hay một cuộc vận động, lại càng không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành lĩnh vực nông nghiệp do đó Điện Biên rất quan tâm, chú trọng trong việc phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Đề án mỗi xã một sản phẩm triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã cho kết quả tích cực. Điển hình năm 2020, toàn tỉnh có 26 sản phẩm của 11 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, hầu hết các sản phẩm bị ảnh hưởng dẫn đến quy mô sản xuất và sản lượng tiêu thụ của các sản phẩm đều giảm so với cùng kỳ năm trước…

Mặc dù đây là Chương trình mới, chưa có tiền lệ và kinh nghiệm, tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực các cấp, ngành, từ chính quyền địa phương đến chủ thể kinh tế, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Đề án bước đầu đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết./.

Tuyết Anh