VPUB – Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

Dienbien.gov.vn – Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên quan tâm thực hiện, nhằm giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.

 Thương hiệu gạo Tâm Sáng của Điện Biên hiện đã được bày bán ở một số siêu thị khu vực miền Bắc và miền Nam. Trong ảnh, gạo Tâm Sáng của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Ðiện Biên được bày bán tại siêu thị Hoa Ba.

Vụ Đông Xuân 2020 – 2021, nông dân Điện Biên gieo cấy đạt 9.916,16 ha/9.593 kế hoạch, đạt 103,37% kế hoạch, tăng 1.057,24 ha so với vụ Đông Xuân năm trước; năng suất ước đạt 57,94 tạ/ha, đạt 97,76% kế hoạch, sản lượng ước đạt 57.458,11 tấn, tăng 425,61 tấn.

Đặc biệt, bà con nông dân đã duy trì sản xuất lúa hàng hóa tại vùng lòng chảo Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo, Mường Ảng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang duy trì 14 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) đối với các sản phẩm gạo, rau, củ, quả, chè cà phê, miến dong đã xác nhận. Diện tích chứng nhận VietGap còn hiệu lực đến thời điểm hiện tại là 11 ha của 2 Hợp tác xã (HTX) là: HTX trang trại sinh thái Điện Biên; HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Hiện nay, các sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được bày bán tại một số tỉnh lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… Trong đó, sản phẩm gạo được tiêu thụ chủ yếu tại địa phương và một số đã xuất đi thị trường các tỉnh: Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu; sản phẩm chè, cà phê, miến dong ngoài việc tiêu thụ tại tỉnh, một số xuất đi các tỉnh Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương. Riêng sản phẩm quả dứa tươi, hiện nay diện tích trồng khoảng 436,27 ha, tăng 118,57 ha so với năm 2020. Diện tích trồng dứa được mở rộng để đáp ứng nhu cầu xuất ra các thị trường như Hà Nội, Ninh Bình, Sơn La... thông qua các đầu mối thu mua tương đối ổn định.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng lúa gạo trên địa bàn tỉnh và tăng thu nhập cho các xã viên, người lao động, ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động (năm 2016), HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Ðiện Biên đã liên kết với bà con nông dân trong xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo thương hiệu Ðiện Biên chất lượng cao.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, cho biết: HTX mong muốn được hỗ trợ để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng trong hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa của siêu thị, cửa hàng tiện ích trên cả nước; công tác xúc tiến cần đi vào thực tế hơn…

Hiện nay thương hiệu “Gạo Tám”, “Gạo Tâm Sáng” của HTX đã được phân phối rộng khắp các tỉnh miền Bắc và các tỉnh phía Nam, sản phẩm có mặt ở các chuỗi siêu thị lớn, uy tín như: Vinmart; Big CGo...

Để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn của Điện Biên đến một số tỉnh trên cả nước, đầu năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên đã làm việc với Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc có trụ sở tại tỉnh Sơn La và một số Công ty, Hợp tác xã về kết nối tiêu thụ đối với sản phẩm gạo Điện Biên nhằm hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Tuyết Anh