VPUB - Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Dienbien.gov.vn – Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào phát triển nông nghiệp được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra các sản phẩm an toàn cho sản phẩm nông nghiệp. Do đó, những năm qua, ngành nông nghiệp Điện Biên luôn nỗ lực để đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình giai đoạn 2012 – 2020, Điện Biên đã triển khai thực hiện 67 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với tổng kinh phí đầu tư 60,43 tỷ đồng.

Đặc sản gạo Điện Biên trưng bày tại Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.

Trong đó, tập trung ứng dụng kết quả nghiên cứu tuyển chọn và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của Điện Biên.

Đối với thủy lợi Điện Biên đã ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng mô hình tưới tiết kiệm cho một số cây trồng với tổng diện tích đến năm 2020 là 753 ha, điển hình tưới phun mưa cục bộ 39 ha (rau), tưới nhỏ giọt 714 ha (cam, bưởi, chanh leo, mắc ca) đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước tưới cho cây trồng, tránh gây lãng phí, thất thoát nước.

Trong chăn nuôi tỉnh đã triển khai 2 dự án chăn nuôi lợn theo theo tiêu chuẩn VietGAHP (dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư) với quy mô từ 1.200 - 3.000 con lợn thịt/lứa (2-3 lứa/năm). Các doanh nghiệp đã thực hiện liên kết với các công ty chăn nuôi lớn như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lợn thịt theo hướng hàng hóa, chất lượng cao theo tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), kết hợp phương pháp xử lý ép tách phân giảm chi phí làm hầm biogas, bảo vệ môi trường sinh thái, sản lượng lợn hơi xuất chuồng  năm 2020 đạt 840 tấn.

Mô hình bưởi da xanh, tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong sản xuất và đời sống như: Nuôi cá Hồi tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; nuôi cá Tầm thương phẩm tại hồ thủy lợi Pe Luông, huyện Điện Biên; ứng dụng khoa học công nghệ ghép cải tạo nhãn tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện trên địa bàn tỉnh; phát triển hàng hóa sản phẩm Nếp Tan Na Son, huyện Điện Biên Đông; hỗ trợ phát triển rừng bạch đàn mô tại các huyện thị trong tỉnh.

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP. Điển hình một số sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh đã được lựa chọn quảng bá, giới thiệu tại cac hội chợ thương mại một số tỉnh, như: Gạo Điện Biên các loại, mật ong Hoa Ban và mật ong bánh tổ của Hợp tác xã (HTX) Ong mật Ðiện Biên đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh được xếp hạng 4 sao. Với quy mô trên 2.000 đàn ong nuôi tự nhiên, thời điểm chính vụ mùa hoa rừng, sản lượng mật ong do HTX Ong mật Ðiện Biên sản xuất ra đạt 100 tấn mật ong thô/vụ…

Tuyết Anh