VPUB - Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Dienbien.gov.vn - Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2742/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020 công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng còn có 22 di sản văn hóa phi vật thể được đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này như: Nghề làm muối ở Bạc Liêu; Hát ru của người Việt ở Cần Thơ; Lễ Nhảy lửa của người Dao Đỏ Hà Giang; Nghề làm nón lá Sai Nga ở Phú Thọ...

Nghi thức cầu bình an, sức khỏe cho các gia đình trong dòng họ.

Lễ hội Pang Phoóng được tổ chức 2 hoặc 3 năm một lần vào khoảng tháng 11-12 dương lịch và diễn ra trong 2 ngày. Đây được coi là lễ hội đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò, ngành Lò Khun. Bắt nguồn từ sự tích về câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng Vượn hóa thân thành thiếu phụ, mà các dòng họ khác của dân tộc Kháng trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có, nhằm để tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, những người đã có công dựng bản, xây mường và là dịp để con cháu trong dòng họ gần gũi, chia sẻ những khó khăn vui buồn, thắt chặt tình đoàn kết anh em ruột thịt. Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa nhằm tôn vinh gốc linh, hướng con người luôn nhớ về cội nguồn, gắn kết cộng đồng.

Do là lễ hội của dòng họ, nên Pang Phoóng được tổ chức tại nhà trưởng dòng họ, với sự tham gia của các gia đình trong dòng họ. Phần lễ thường tiến hành từ sáng sớm. Quá trình làm lễ không thể thiếu những con vật hiến tế như: Lợn, gà. Ðặc biệt, theo quan niệm, tổ tiên của dòng họ Lò Khun là mẹ Vượn nên trong mâm cúng Pang Phoóng không thể thiếu các loại rau, củ, quả như: Khoai lang, đu đủ, khoai sọ, chuối, bí đỏ, bí xanh…

Sau khi trưởng dòng họ thắp hương xin tổ tiên, mời thầy cúng vào làm lễ. Thầy cúng lấy ở mỗi mâm một ít thức ăn cho vào mâm lý nhỏ được làm bằng lá gọi là mắc chắc (loại lá có ý nghĩa trong văn hóa tâm linh của người dân tộc Kháng). Vừa rải mâm, thầy cúng vừa khấn gia tiên, với nội dung báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và phù hộ con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Khi thầy cúng gõ chiêng, còn chủ nhà gõ chúm chọe là báo hiệu tổ tiên đã cho phép con cháu mở hội.

Kế tiếp, thầy cúng lấy chum rượu cần, cầm “Peng chẹp kha” vẩy rượu từ trong chum ra ngoài với ý nghĩa mời rượu tổ tiên. Ðại diện các gia đình trong dòng họ cũng làm theo, vừa làm vừa khấn. Sau khi hoàn tất các thủ tục trong nhà, thầy cúng và gia chủ tiếp tục làm lễ ngoài trời, xin phép thổ địa được tổ chức lễ Pang Phoóng tại gia đình.

Sau các nghi thức cúng bái tổ tiên và thổ địa, gia chủ mời mọi người vào dự tiệc. Vò rượu đặt giữa nhà, chủ nhà làm nghi lễ khai tiệc, mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần. Bữa cơm diễn ra trong sự ấm cúng, vui vẻ của cả dòng họ. Tại đây, mọi thành viên trong dòng họ cùng nhau tâm sự, chia sẻ để gắn kết yêu thương cũng như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Mọi người quây quần bên nhau cùng chung vui điệu nhảy “Xé pang”.

Khi mọi người đã ngà ngà say trong hơi men rượu cần, cũng là lúc phần hội chính thức bắt đầu. Mọi người quây quần bên nhau cùng chung vui điệu nhảy “Xé pang”. Trên nền nhịp điệu âm thanh sôi nổi của trống, chiêng, chum chọe, già trẻ, gái, trai mỗi người đều cầm theo một ống tre (tăng bu) uyển chuyển và mạnh mẽ trong điệu múa cách điệu nghi thức chọc lỗ tra hạt truyền thống. Họ đứng sát vào nhau tạo thành vòng tròn để di chuyển vòng quanh, một tay đặt lên vai người phía trước, tay kia gõ tăng bu xuống mặt sàn. Cứ thế nối tiếp nhau đi vòng tròn cùng với những bài hát truyền thống thể hiện sự đoàn kết dân tộc.

Hiện nay nghi lễ vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, được giữ gìn, kế thừa, trao truyền qua các thế hệ và đã trở thành di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Kháng, dòng họ Lò, ngành Lò Khun. Điều đó cho thấy ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ phong tục tập quán lâu đời của cha ông truyền lại, đây cũng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc Kháng.

Lan Phương