VPUB - Đổi thay nhờ nông thôn mới

Dienbien.gov.vn – Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, tính đến thời điểm này Điện Biên có 33 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có trên 37 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 31,89% tổng số xã trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra; số tiêu chí bình quân đạt 11,7 tiêu chí/xã tăng 6,2 tiêu chí so với năm 2015; không còn xã dưới 5 tiêu chí; Thị xã Mường Lay đơn vị có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ.

Khi bắt đầu vào triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn như: xuất phát điểm thực hiện Chương trình thấp (năm 2015, số tiêu chí bình quân đạt 5,5 tiêu chí/xã; còn 68 xã dưới 5 tiêu chí và nằm trong nhóm tỉnh có kết quả thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt thấp ở khu vực miền núi phía Bắc), kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn còn yếu kém, thiếu đồng bộ...

Song các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã xác định rõ quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Chương trình xây dựng nông thôn mới là Chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc vì vậy mà cần phải đảm bảo tính kế thừa, phát triển bền vững, vừa mang tính hiện đại, vừa giữ gìn đặc trưng bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là cộng đồng dân cư và dựa vào nội lực của nhân dân. Chính vì vậy, trong mọi việc triển khai thực hiện luôn đề cao vai trò giám sát của cộng đồng, dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

Vì vậy, sau 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020), xây dựng NTM ở Điện Biên có nhiều đổi mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 5,5 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 19,5 triệu đồng/người/năm (tăng trên 3 lần); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn 39,43% năm 2019 (bình quân mỗi năm giảm 3-4%), 96,8% người dân tham gia BHYT. Văn hoá, giáo dục và môi trường nhiều nội dung có chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng; bản sắc truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ vững, phát huy.

Nhờ nông thôn mới mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của Điện Biên được công nhận là sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình hạng mục thiết yếu như: xây dựng, nâng cấp, bảo trì trên 2.300 km đường giao thông cấp huyện, xã và trên 7.200 km đường thôn xóm, nội đồng; cải tạo, nâng cấp, xây mới 112 công trình thủy lợi và kiên cố hóa trên 86 km kênh mương nội đồng đảm tưới tiêu cho hơn 100.000 ha đất trồng trọt, 1.800 ha đất nuôi trồng thủy sản; đầu tư 44 công trình/dự án phát triển trên 60 km đường dây trung thế, 50 km đường dây hạ thế nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lên 88,76%; nâng cấp, sửa chữa, xây mới hàng trăm công trình trường, lớp học và cơ sở vật chất văn hóa.

Nông thôn mới đã góp phần trong việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương; hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với lợi thế từng huyện; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng như dự án liên kết sản xuất lúa gạo tại xã Thanh Yên, Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Cùng với đó, hình thành liên kết về sản xuất và chế biến chè shan tuyết, cà phê, cao su, mắc ca, dứa...

Hiện nay, một số tập đoàn lớn đang quan tâm khảo sát, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trồng mắc ca gắn với chế biến và nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh.

Điển hình xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên không thể không nhắc đến huyện Điện Biên. Xuất phát từ một huyện nghèo nhưng từ khi làn gió nông thôn mới thổi đến, huyện Điện Biên đã đổi thay đáng kể. Những con đường làng, đường liên xóm, đường nội đồng được bê tông rộng mở, xen giữa cánh đồng lúa xanh mướt là những ngôi nhà sàn vững chãi; ngõ xóm sạch đẹp; chuồng trại được di dời ra xa nhà ở; nhà tắm, nhà vệ sinh được xây dựng; môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp... Sau gần 6 năm xây dựng NTM, đến hết năm 2019 huyện Điện Biên có 16/25 xã trong huyện được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, đây là một trong những huyện có số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM nhiều nhất của tỉnh Điện Biên.

Sau nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay những tuyến đường thôn bản, liên xã được đổ bê tông kiên cố; các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang… tạo nên bức tranh NTM mới ở Sam Mứn. Phong trào xây dựng NTM có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia góp công, góp sức. Khi mới triển khai xây dựng NTM, cũng như nhiều xã khác, Sam Mứn lựa chọn tiêu chí dễ thực hiện làm trước, khó làm sau; đặc biệt, tiêu chí nào khó đạt được, chính quyền địa phương vận động người dân hưởng ứng, chung tay góp sức.

Nhân dân trong xã thi đua thực hiện hiệu quả các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt được tiêu chí về nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 33 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm chỉ còn trên 10%. Khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên tạo động lực, sức bật để thay đổi toàn diện các lĩnh vực và đời sống xã hội. Công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được quan tâm, thực hiện nghiêm túc.

Đồng chí Lò Văn Tiến  Phó - Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Sam Mứn, huyện Điện Biên.

Ông Phạm Đức Toàn - Bí thư Huyện ủy Điện Biên chia sẻ: Nhờ nông thôn mới mà cơ sở hạ tầng vùng nông thôn ở huyện Điện Biên có nhiều đổi thay tích cực, các công trình công cộng (trường học, trạm y tế, điện thắp sáng, đường giao thông, công trình thủy lợi...) được đầu tư, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất, như: Giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, chuồng trại; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; kiến thức sản xuất của người dân được nâng lên rõ rệt, giúp cho người dân dần thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, góp phần ổn định đời sống về vật chất và yên tâm về tư tưởng, tình cảm; tạo nên sự yên vui trong các gia đình cũng như trong từng cộng đồng dân tộc, làng bản, xóm thôn...

Tuyết Anh