VPUB - Khám phá vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá

Dienbien.gov.vn - Nằm cách trung tâm huyện Tuần Giáo khoảng 1,5 km, cách UBND xã Quài Cang 200m, danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá (thuộc địa phận bản Khá, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) mang vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên tạo nên. Với phong cảnh nên thơ, hữu tình, danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn và lý thú đối với đông đảo du khách yêu mến thiên nhiên, ưa thích du lịch.

Để đến danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá, người dân và du khách có thể đi ô tô, xe máy theo 2 tuyến đường. Từ trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ, đi theo Quốc lộ 279 đến trung tâm huyện Tuần Giáo, rồi theo Quốc lộ 6A đến xã Quài Cang, sau đó đến địa phận bản Khá. Hoặc từ trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 đến Thị xã Mường Lay, ngược lên Quốc lộ 6A đến xã Quài Cang, đi tiếp đến bản Khá.

Bản Khá, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, xen kẽ có nhiều thung lũng hẹp và đồi thấp thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 13 bản với gần 1.800 hộ dân, nguồn thu nhập chính của đồng bào địa phương chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước kết hợp nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi có nhiều cảnh đẹp thơ mộng với núi non hùng vĩ, hoang sơ, trong đó có hệ thống hang động Bản Khá chính là tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, có thể thỏa mãn niềm đam mê của những người yêu thiên nhiên, ưa du lịch, thích khám phá.

Hang động Bản Khá gồm hệ thống 3 hang động nằm gần nhau, trên một dãy núi đá vôi được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách ngày nay hàng nghìn năm. Trong hang động có nhiều khối thạch nhũ hình thù độc đáo, kỳ thú, là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường.

Cụ thể, hang động thứ nhất nằm ở vị trí lưng chừng núi, xung quanh là nương rẫy của người dân bản Khá, hang động gồm 2 cửa nhỏ cách nhau khoảng 3 - 5m, quay về hướng Đông - Bắc, cả 2 cửa của hang động đều ăn sâu xuống lòng đất khoảng 20m. Trong hang động là một khoảng không rộng, nền hang động là đất đá, cùng các phiến đá, nhũ đá mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong thảm thực vật, muôn vàn hình thù khác nhau tùy theo trí tưởng tượng của người xem. Đi sâu vào hang động có chỗ sâu khoảng 40m, vòm hang hình vòng cung, nơi cao nhất 20 - 25m, nơi thấp nhất 5 - 7m. Nhũ đá trong hang động là những mảng lớn màu vàng, xám đen đan xen sắc nhọn đâm thẳng xuống nền hang. Cuối hang động là những nhũ đá hình thác nước như đang tuôn chảy tung bọt trắng xóa. 

Hang động thứ hai cách hang thứ nhất khoảng 300m về hướng Đông - Nam, có 2 cửa quay theo hướng Tây - Nam; chiều sâu khoảng 40m, trần hang động cao trung bình khoảng 6m và  dốc dần vào phía bên trong bởi những phiến đá màu hồng, trắng đan xen. Vách hang động nhũ đá tua tủa sắc nhọn rủ xuống giống như những dải lụa, chiếc đèn chùm hay quả chuông khổng lồ. Nền hang động là những cột đá, măng đá mang hình tượng phật.

Hang động thứ ba nằm ở vị trí thấp hơn so với hang động thứ hai khoảng 200m về hướng Đông - Nam. Cửa hang rộng 1,5m, cao 1m quay theo hướng Đông - Nam; hang động có chiều sâu khoảng 110m, chia thành hai khoang, có mạch nước ngầm chảy trong hang động. Trần và vách hang động là những khối nhũ đá màu ánh vàng, xanh xám liên kết thành từng mảng lớn, mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong nhũ đá, hốc đá và măng đá hay hình thù những chiếc ô, cỏ cây hoa lá...nền hang động là đất tương đối bằng phẳng.

Hiện nay đường giao thông đến hang động bản Khá đã được bê tông hóa, người dân nơi đây đã lắp đặt thang sắt, dây thừng, điện chiếu sáng và một số đèn nháy trong hang động để thuận lợi cho du khách đến tham quan ngắm cảnh, khám phá.

Danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá là một di sản văn hóa độc đáo, chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của trái đất, cũng như các tiến trình địa chất đang diễn ra hay quá trình hình thành các dạng đất đai hoặc đặc điểm về địa hình, địa mạo, sinh học. Bên cạnh đó, hang động còn là đối tượng nghiên cứu văn hoá vật thể và phi vật thể, có giá trị về mặt khoa học, du lịch, thẩm mỹ. Hiện nay, hang động Bản Khá đang được lập hồ sơ khoa học để được công nhận là di tích cấp tỉnh. Việc được công nhận là di tích cấp tỉnh sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá, thu hút khách tham quan du lịch là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương./.

Lan Phương