VPUB - Điện Biên chú trọng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Dienbien.gov.vn - Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giúp các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các DTTS&MN. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS&MN trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua việc ban hành nhiều văn bản. Từ đó, tạo thuận lợi cho các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS&MN một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh cho biết: Hàng năm, Sở đã tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về văn hóa, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương cho cán bộ cơ sở nhằm triển khai, hướng dẫn các nội dung về các quy định của pháp luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ đó giúp cán bộ cơ sở nâng cao nhận thức và tiếp thu, cập nhật những chính sách, pháp luật để vận dụng vào thực tiễn trong quá trình công tác. Sở đã quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn tới toàn thế cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng đồng bào DTTS&MN. Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm truyền tải các nội dung về các chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân kịp thời nắm bắt và thực hiện theo quy định. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở đã tham mưu triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Trung ương và của tỉnh đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS&MN, tiêu biểu như: Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn lễ hội truyền thống; Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Sở VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ VHTTDL và một số tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thê đại diện của nhân loại; tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Xòe Thái”. Trong đó, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm triển khai, Đã tiến hành kiểm kê chi tiết về văn hóa dân tộc Dao, dân tộc Mông (gồm ngành Mông xanh và Mông đen).

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; Tết Nào pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin pang then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; Lễ gạ ma thú của người Hà Nhì tỉnh Điện Biên; Tết Hoa của người Cống tỉnh Điện Biên; Lễ Tủ cải của người Dao quần chẹt, bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa. Hàng năm, ngành đã tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc hỗ trợ chế độ cho những Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được Sở VHTTDL phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, đã có 20/28 Nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế khám chữa bệnh theo quy định.

Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, đã tiến hành bảo tồn một số di sản từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như: “Lễ Nhảy lửa” của dân tộc Dao, ngành Dao đỏ tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; “Lễ cầu mùa” dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo; “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào, tại bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông. Tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật xòe truyền thống của người Thái cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành; các đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố; giáo viên, học sinh một số trường học; lực lượng vũ trang... Thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức bảo tồn hội Hạn khuống của người Thái tại bản Him Lam II, phường Him Lam và bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái tại bản Noong Chứn, phường Nam Thanh. Huyện Điện Biên đã bảo tồn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông; bảo tồn lễ hội truyền thống của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào, Cống; mở lớp truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái và múa Lăm Vông của người Lào. Thị xã Mường Lay đã bảo tồn di sản Nghệ thuật Xòe Thái, Lễ hội đua thuyền đuôi én. Huyện Mường Ảng đã thực hiện bảo tồn Tết Nào pê chầu của người Mông tại các xã tập trung người Mông sinh sống.

Công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Điện Biên đã được các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cá nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Các nghệ nhân là người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Họ là những người am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống và trao truyền cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 28 cá nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Có thể thấy, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên quá trình bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả. Nhiều di sản văn hóa phi vật thế đã bị mai một, không được cộng đồng thường xuyên thực hành….

Nguyên nhân do Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp; tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ dân trí không đồng đều. Một số nơi còn tồn tại phong tục tập quán lạc hậu, tình trạng di cư tự do còn diễn biến phức tạp…

Thời gian tới, để công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả hơn, tỉnh đã đề nghị Ủy ban Dân tộc đề xuất Chính phủ ban hành chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các DTTS&MN; trong đó ưu tiên các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc ít người./.

Lan Phương