VPUB - Huyện Tuần Giáo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn

Dienbien.gov.vn - Giai đoạn 2014 - 2019, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tuần Giáo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Qua đó, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã được huyện coi trọng, chỉ đạo các ngành, các cơ sở vào cuộc, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Lễ hội Xên Pang Phóng của dân tộc Kháng, huyện Tuần Giáo được bảo tồn.

Huyện Tuần Giáo nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Điện Biên, là huyện miền núi có địa bàn rộng, đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều; có 18/19 xã đặc biệt khó khăn, dân số trên 87.000 người, có 14 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc trong huyện đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Trước xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Tuần Giáo rất đa dạng, phong phú với các giá trị văn hóa vật thể: gồm 2 di tích cấp Quốc gia (Hang Thẳm Khương - xã Chiềng Đông; Hang động Há Chớ - xã Pú Nhung), 2 di tích cấp tỉnh (Khu căn cứ cách mạng Pú Nhung; Hang động Mùn Chung), 3 di tích nằm trong cụm di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Đèo Pha Đin; Điểm tập kết hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ; Hang Thẳm Púa). Cùng với những giá trị văn hóa vật thể, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể tiếp tục được bảo tồn và phát huy như: Tiếng nói, chữ viết (đối với các dân tộc có chữ viết); Ẩm thực độc đáo của các dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ, các bài thơ, câu chuyện dân gian thường xuyên được thực hành, giao lưu và biểu diễn; trang phục truyền thống, nhạc cụ, nghề thủ công được giữ gìn; một số môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống như: Đẩy Gậy, Tù Lu, Bắn Nỏ, Tung còn, Kéo co,... Nhiều nghi lễ và lễ hội truyền thống được bảo tồn như Lễ hội Xên Pang Phóng của dân tộc Kháng, Xên bản của dân tộc Thái, Lễ hội dòng họ của dân tộc Mông,... Một số nơi đã tổ chức phát huy, khai thác, phát triển du lịch.

Tính đến tháng 9/2019, trên địa bàn huyện Tuần Giáo có 6 nhà văn hóa xã, 61 nhà văn hóa khối, bản; 211 đội văn nghệ cơ sở, hàng năm tổ chức trên 500 cuộc giao lưu, biểu diễn; 60 Câu lạc bộ thể dục thể thao hoạt động thường xuyên, có 1 Nghệ nhân ưu tú và trên 500 nghệ nhân, người am hiểu về văn hóa các dân tộc, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì thực tế cho thấy, công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện còn gặp nhiều khó khăn, sự xâm nhập của nền văn hóa từ bên ngoài trong quá trình hội nhập ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa truyền thống các dân tộc, thế hệ trẻ ngày nay không còn mặn mà với các loại hình di sản, không có ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, chính quyền cơ sở chưa có những giải pháp quyết liệt trong bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, việc truyền dạy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn mang tính tự phát nên nguy cơ mai một và thất truyền là rất lớn. Việc đầu tư cho bảo tồn các di sản văn hóa còn hạn chế nhất định, chưa thúc đẩy được các hoạt động sưu tầm, khai thác. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn bàn sắc văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đội ngữ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở cơ sở còn mỏng và thiếu kinh nghiệm, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ.

Ông Mùa Va Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, thời gian tới, huyện Tuần Giáo đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, vai trò trách nhiệm điều hành, triển khai nhiệm vụ cụ thể của các cấp chính quyền đặc biệt là cấp cơ sở, phát huy sự chủ động, tích cực của các đoàn thể, và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các hội thi, hội diễn, các cuộc họp tại khối, bản; tích cực đấu tranh phòng chống văn hóa độc hại, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa: đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông về nghề nghiệp, có năng lực quản lý nhà nước; xây dựng quy hoạch đào tạo văn hóa, nghệ thuật, ưu tiên việc đào tạo đội ngũ cán bộ thuộc các dân tộc thiểu số; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện đến cơ sở. Thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Nâng cấp, cải tạo và xây mới bãi tập, khu vui chơi cho nhân dân trong huyện... Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép giữa các chương trình dự án về phát triển văn hóa các dân tộc với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Lan Phương