VPUB - Công tác đào tạo cử tuyển của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2010 - 2019, thực trạng và giải pháp

Dienbien.gov.vn - Trong những năm qua, nhờ có chính sách cử tuyển mà con em người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên được đi học trình độ đại học tăng về số lượng, nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn cho một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhờ có chính sách cử tuyển mà con em người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được đi học trình độ Đại học tăng về số lượng, nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2010 - 2019, tỉnh Điện Biên đã chủ động triển khai Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP. Tỉnh đã ra quyết định cử 541 người thuộc dân tộc thiểu số diện cử tuyển đi đào tạo trình độ Đại học đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định.

Tính đến tháng 6/2019, tỉnh đã có 385 sinh viên tốt nghiệp ra trường, trong đó 182 người được bố trí việc làm vào các cơ quan, nhà nước (đạt 47,2%). Số còn lại làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân của các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Nội... và tham gia làm kinh tế tư nhân, tự tham gia lao động, sản xuất tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong giai đoạn trên, toàn tỉnh có 42 trường hợp học sinh, sinh viên đã tự ý thôi học, bỏ học hoặc học lực kém không thể tiếp tục học. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND cấp huyện, cùng các cơ quan, đơn vị và gia đình học sinh có liên quan thu hồi nguồn kinh phí nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Qua đánh giá, cho thấy việc thực hiện chính sách cử tuyển của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, do Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc ít người tại các huyện vùng cao còn nhiều thiếu thốn, nên yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào của học sinh cử tuyển thấp (lực học trung bình, đạo đức khá tốt), khả năng theo học chương trình đào tạo đại học của nhiều học sinh cử tuyển còn hạn chế, nhất là đối với các ngành: Y dược, kinh tế, kĩ thuật; đa số học sinh diện cử tuyển đều có kết quả học tập, rèn luyện ở mức trung bình, không có sinh viên lực học giỏi, số sinh viên có kết quả học tập khá còn chiếm tỷ lệ thấp. Một số sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp, năng lực làm việc hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo thực thi nhiệm vụ theo quy định.

Mặt khác, do thói quen, tập quán sinh hoạt, việc hoà nhập của sinh viên cử tuyển trong cộng đồng sinh viên bị hạn chế. Một bộ phận sinh viên chưa cố gắng trong học tập, rèn luyện, kết quả học tập xếp loại yếu, kém, phải ngừng học, thôi học. Ngoài ra, do thị trường lao động trên địa bàn tỉnh và khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc nhỏ và không đa dạng; tỉnh chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất để thu hút nhân lực, cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tổt nghiệp ra trường càng thấp. Việc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, cơ cấu ngành nghề đào tạo hàng năm của một số địa phương thuộc tỉnh chưa bám sát và dự báo được nhu cầu sử dụng thực tế của địa phương, dẫn đến tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng, sinh viên cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm còn chiếm tỷ lệ cao. Trên 40% sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường tự tìm kiếm việc làm và tổ chức các hình thức kinh doanh, sản xuất tại địa phương sau khi tốt nghiệp. Các cơ sở đào tạo chưa định kì thực hiện chế độ thông tin kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên cử tuyển theo năm học, do đó tỉnh chưa nắm bắt kịp thời chất lượng học tập của sinh viên. Một số sinh viên tự ý bỏ học do lực học yếu hoặc do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được, Ông Nguyễn Văn Đoạt - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, chính sách cử tuyển nhằm tạo điều kiện cho các học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số có cơ hội được học tập, tiếp thu kiến thức khoa học, kĩ thuật; được tiếp nhận, giao lưu văn hoá, nâng cao nhận thức trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường, để trở về phục vụ quê hương, địa phương, đưa kiến thức khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong cộng đồng sinh sống.

Để tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số được học tập, nâng cao trình độ, chế độ cử tuyển luôn là chính sách đúng đắn cần được tiếp tục triển khai trong những năm tới. Xuất phát từ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện công tác cử tuyển, UBND tỉnh Điện Biên đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và phân bổ chỉ tiêu đào tạo cử tuyển, cơ cấu ngành nghề do UBND tỉnh đề xuất hàng năm, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Đồng thời phân bổ chỉ tiêu cử tuyển trước thời gian tuyển sinh vào năm học mới của các cơ sở giáo dục đại học để lựa chọn được học sinh người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn có thành tích học tập tốt để lập danh sách xét cử tuyển, trong đó gồm cả những trường hợp đã có thông báo trúng tuyển đại học vào các cơ sở giáo dục đại học, qua đó để nâng cao chất lượng đầu vào công tác cử tuyển, đảm bảo công bằng tránh tình trạng cùng sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng người học tốt hơn trúng tuyển đại học thì đi học tự túc gia đình lo kinh phí trong khi người học kém hơn lại được hỗ trợ kinh phí đi học cử tuyển. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh hoặc thay đổi về tiêu chí, tiêu chuẩn, hình thức xét tuyển, chú trọng chất lượng đầu vào. Quy định về khung thời gian đào tạo tối đa trên khóa học đối với sinh viên cử tuyển, quy định thời gian hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, tránh tình trạng sinh viên học trong thời gian quá dài mà vẫn được hưởng các chính sách hỗ trợ; đồng thời để sinh viên có tinh thần nỗ lực trong học tập, rèn luyện, tạo sự công bằng trong đào tạo. Có chính sách hỗ trợ đối tượng sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đào tạo nhân lực là người dân tộc thiểu số, góp phần vào xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân các dân tộc miền núi. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin tình hình kết quả học tập của học sinh cử tuyển giữa cơ sở giáo dục đào tạo với các địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người tốt nghiệp trình độ đại học có nhu cầu vay vốn để khởi nghiệp./.

Lan Phương