VPUB - Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với hang động Huổi Cang, Huổi Đáp

Dienbien.gov.vn - Tối 28/5, UBND huyện Mường Chà long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia, hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà

Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với hang động Huổi Cang, Huổi Đáp.

Ở độ cao khoảng 480m so với mực nước biển, 2 hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, là hang động tự nhiên nằm trong khu vực núi đá vôi, cửa của 2 hang động cách nhau khoảng 450m, cùng quay về hướng Đông - Nam. 2 hang động đều được chia làm 3 khoang chính và nhiều ngách nhỏ, trong hang động là những nhũ đá với nhiều hình thù khác nhau như hình trụ đá, măng đá, nhũ đá, hình rèm, hình những cây nấm, hình tượng phật, ông bụt, hình các con vật, vân đá toát lên một bức tranh trong thế giới thiên nhiên, đặc biệt có những nhũ đá mang hình thù những quả Chuông mà khi gõ vào đó phát ra những  âm thanh kỳ lạ khác nhau. Xung quanh hang động là khu rừng tái sinh và một số hang động nhỏ khác nằm quanh khu vực xã như: Hang động 72, hang sơ tán thời kỳ chiến tranh biên giới 1979.

Cụ thể, Hang động Huổi Cang có tổng chiều dài 1.016m; Hang động Huổi Đáp có tổng chiều dài 350m, rộng trung bình 3m, cao 1,5m đi sâu xuống lòng đất khoảng khoảng  5-7m.

Danh lam thắng cảnh Huổi Cang, Huổi Đáp có 3 kiểu hệ sinh thái, bao gồm: Hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái hang động và hệ sinh thái dưới nước. Đây là một di sản văn hóa độc đáo chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của trái đất, cũng như các tiến trình địa chất đang diễn ra về địa hình, địa mạo sinh học; có vẻ đẹp hoang sơ, thuận lợi trong khai thác phát triển du lịch sinh thái kết nối với các điểm di tích trên tuyến đường từ thành phố Ðiện Biên Phủ đi huyện Mường Chà qua huyện Tuần Giáo.

Tại Quyết định số 1183//QĐ-BVHTTDL ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã xếp hạng di tích quốc gia đối với 2 danh lam thắng cảnh hang động Huổi Cang và Huổi Đáp.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, ông Đào Ngọc Lượng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị: UBND huyện Mường Chà cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về Di sản Văn hóa, đặc biệt là Quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn huyện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trong quản lý, bảo vệ, khai thác phát huy giá trị di tích trên dịa bàn. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị các di tích; Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng và UBND cấp xã làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm xâm hại tới di tích theo thẩm quyền và quy định của Nhà nước. Đồng thời, tổ chức thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và khai thác, phát huy giá trị di tích thuộc địa phương quản lý. Nghiên cứu, áp dụng mô hình xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy trị di tích theo quy định của pháp luật; đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cùạ mọi tầng lớp nhân dân; khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Việc 2 hang động trên được xếp hạng di tích quốc gia sẽ là cơ sở để huyện Mường Chà nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung làm tiền đề quan trọng để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ cũng như khai thác để phát triển du lịch.

Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 22 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận xếp hạng; trong đó, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh./.

Lan Phương