Dienbien.gov.vn - Sáng nay (14/9), Đoàn giám sát Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình quản lý, tình hình huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, huyện thị làm việc với Đoàn giám sát.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên triển khai và thống nhất tổ chức thực hiện đồng bộ. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ bản nhận thức sâu sắc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị.
Hoạt động tín dụng chính sách được cơ bản đảm bảo về cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực thực hiện; quy trình, thủ tục đơn giản, không phải thế chấp; lãi suất ưu đãi; nhận tiền vay, trả nợ trả lãi tại Điểm giao dịch xã đã giúp người dân từng bước tiếp cận được các dịch vụ tài chính, tín dụng chính thức; trực tiếp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen; giảm chi phí và từng bước cung ứng dịch vụ tài chính, ngân hàng thuận tiện cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tăng trưởng hàng năm bình quân đạt 12%. Doanh số cho vay 10 năm (năm 2014-2023) đạt 8.614 tỷ đồng. Dư nợ tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm. Nguồn vốn cho vay chủ yếu tập trung vào các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là tại các nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đã giúp cho trên 217 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế hộ, xây dựng nhà ở ổn định, từ đó thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống; hỗ trợ được các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và cải thiện đời sống. Kết quả đó đã đóng góp một phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Điện Biên, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân từ 3 đến 5% so với năm trước. Trật tự an toàn xã hội được duy trì, quốc phòng an ninh và biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững, niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta ngày càng được củng cố và nâng cao.
Sau khi báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, các thành viên đoàn giám sát đã trao đổi, yêu cầu tỉnh Điện Biên làm rõ một số hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn như: Vấn đề liên quan đến quỹ hoàn lương; kết quả kiểm tra việc quản lý nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn, chất lượng tổ tiết kiệm vay vốn; vấn đề nhu cầu vay vốn tạo việc làm...
Cũng tại buổi làm việc Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đã nêu lên những khó khăn, tồn tại khi triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW được áp dụng trên địa bàn, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là đường giao thông xuống xã, bản, tạo điều kiện để người dân ổn canh, ổn cư, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả vào phát triển sản xuất hàng hóa, đạt mục tiêu giảm nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững. Cho phép chi phụ cấp cho Trưởng thôn/bản khi tham gia thực hiện quản lý, giám sát hoạt động tín dụng chính sách, để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quản lý của Trưởng thôn/bản đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng mức cho vay với các hộ đầu tư sản xuất kinh doanh, cho vay về chương trình nước sạch; mở rộng về đối tượng và nâng hạn mức cho vay từ 10 triệu đồng lên mức 20 triệu đồng.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả tỉnh Điện Biên đạt được trong thời gian qua, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo hàng năm; tỷ lệ học sinh, sinh viên tiếp cận nguồn vốn vay để học tập đạt hiệu quả tốt; Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Các tổ chức hội, đoàn thể đã phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo đến 100% cơ sở Hội trên địa bàn, với nhiều nội dung phong phú, thiết thực.../.
Tuyết Anh