VPUB – Đồng chí Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Tuần Giáo
Dienbien.gov.vn – Ngày 18/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Tuần Giáo về công tác giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cùng lãnh đạo huyện và lãnh đạo các phòng chuyên môn huyện.
Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc tại huyện Tuần Giáo
Qua báo cáo cho thấy diện tích đất lâm nghiệp chưa giao của huyện Tuần Giáo là 47.560,63 ha. Tính đến thời điểm hiện tại đơn vị tư vấn đã phối hợp với Tổ công tác giao đất, giao rừng huyện và Hội đồng giao đất, giao rừng các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, đo đạc thực địa 19/19 xã; với tổng diện tích đã đo đạc là 38.181,94 ha/47.560,63 ha đạt 80,28% diện tích cần giao; đã hoàn thiện công tác biên tập bản đồ 9/19 xã, thị trấn. Đã thực hiện giao đất, giao rừng và cấp 26 GCNQSD đất lâm nghiệp có rừng cho 11 cộng đồng, 14 hộ gia đình với diện tích 196,52 ha; Đang thẩm định hồ sơ cấp GCNQSD đất lâm nghiệp có rừng cho 3 cộng đồng, 79 hộ gia đình với diện tích 243,14 ha. Hiện tại đơn vị tư vấn đang tiếp tục đo vẽ, biên tập bản đồ, thực hiện lồng ghép bản đồ giữa 2 loại đất có rừng, chưa có rừng của các xã và thực hiện quy chủ, hoàn thiện hồ sơ gửi Trung tâm Kỹ thuật trình Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phê duyệt bản đồ.

Lãnh đạo huyện Tuần Giáo trao đổi cùng đoàn công tác
Dự kiến trước ngày 30/06/2023 hoàn thành công tác rà soát, đo đạc, ngoài thực địa đối với tất cả các xã, thị trấn; đến 31/12/2023 hoàn thành việc giao đất, giao rừng và cấp GCNQSD đất theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
Về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Trồng rừng phòng hộ, trồng rừng thay thế, trồng rừng sản xuất, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng trồng thay thế, khoanh nuôi tái sinh năm thứ nhất, đều đạt kế hoạch giao. Huyện đã tích cực quản lý, bảo vệ 43.945,2 ha rừng hiện có. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 38,7%. Tổ chức 88 buổi tuyên truyền Luật Lâm nghiệp tại các khối, bản với 5.032 người tham gia; tổ chức 266 lượt tuần tra rừng với 1.493 người tham gia; Xây dựng Phương án PCCCR mùa khô năm 2022-2023. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng huyện và Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã.
Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn vướng mắc trong công tác giao đất, giao rừng như: Một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình, cá nhân chưa thống nhất được ranh giới thửa đất, để xảy ra tranh chấp; Khi tham gia làm việc tại thực địa người dân thường đến không đầy đủ, không đúng thời gian hẹn làm việc, phải đợi mất thời gian; Một số nơi người dân không đồng ý để đơn vị tư vấn đo đạc; Ranh giới quy hoạch 3 loại rừng chưa được cắm mốc xác định, do đó khó khăn trong công tác phân định ranh giới rừng; Nhiều hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang quản lý bảo vệ rừng nhưng không có hộ khẩu thường trú tại xã.
Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh: Bổ sung kinh phí xây dựng các công trình phục vụ việc quản lý bảo vệ, PCCCR như chòi canh, các công trình PCCCR, dụng cụ chữa cháy rừng; Đề xuất các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tăng mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất được quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích người dân tham gia; Có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các diện tích trồng cây Mắc ca đã khép tán. Các Sở ngành tỉnh cần nghiên cứu, sớm ban hành hướng dẫn chi tiết đối với các Tiểu dự án, Dự án chưa có hướng dẫn; Đề nghị UBND tỉnh xem xét, có ý kiến với các bộ, ngành liên quan về việc chuyển nguồn đối với các Tiểu dự án, Dự án đến nay chưa có hướng dẫn chi tiết và các dự án còn nhiều khó khăn vướng mắc sang năm 2024.
Về tình hình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang) là: 315.132 triệu đồng. Tổng giá trị giải ngân đến ngày 15/5/2023 là 53.779 triệu đồng, đạt 17,1% kế hoạch vốn giao. Một số Tiểu dự án chưa có hướng dẫn cụ thể, trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc về lựa chọn nội dung, phương thức thực hiện, chủ chuỗi liên kết; hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển cây dược liệu; trình độ, khả năng tiếp thu kỹ thuật trồng cây dược liệu của người dân... nên sẽ không đảm bảo mùa vụ trồng năm 2023.
Tại buổi làm việc đoàn công tác đã tập trung thảo luận tháo gỡ những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong công tác giao đất, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp, từ đó đề ra giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp.

Thành viên Đoàn công tác tham gia đóng góp ý kiến với huyện Tuần Giáo
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo giao đất, giao rừng cấp GCNQSD dụng đất lâm nghiệp, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đề nghị huyện Tuần Giáo cần có giải pháp, phương án cụ thể, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng và cấp GCNQSD đất lâm nghiệp. Đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền đến với người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa… Theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”… Đến 30/6/2023 hoàn thành công tác rà soát, đo đạc, ngoài thực địa đối với tất cả các xã, thị trấn; tối thiểu phải hoàn thành 50% diện tích giao đất giao rừng, cấp GCNQSD đất; rà soát các diện tích, dự án trồng mắc ca trên địa bàn, dự án nào không đảm bảo tiến độ thực hiện cắt giảm quy mô dự án.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Quài Tở./.
Trần Ngọc