Chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức vào ngày 7 và 8/7 với các môn thi, bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên. Ðể kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, các hội đồng thi, thí sinh cần triển khai hiệu quả ngay từ các khâu đăng ký dự thi.

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh Mỹ Hà)

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Hữu Ðộ, ngay từ đầu năm học 2021-2022, khi dịch Covid-19 vẫn còn căng thẳng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo phải thích ứng linh hoạt để dạy và học. Ba mục tiêu quan trọng của năm học đã được đặt ra là: An toàn về dịch, hoàn thành chương trình theo kế hoạch và kiên trì mục tiêu chất lượng. Các địa phương đã nỗ lực để hoàn thành chương trình lớp 12 đúng thời gian quy định để triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 7 và 8/7. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi diễn ra hằng năm nhưng mỗi năm đều có những điểm đổi mới về mặt kỹ thuật để giúp cho kỳ thi tốt hơn, khắc phục những yếu kém, bất cập của kỳ thi năm trước.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT với ba mục đích được đặt ra là: Ðánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học; lấy kết quả đó xét công nhận tốt nghiệp cho các em học sinh; thông qua kỳ thi đánh giá chất lượng dạy học để từ đó có những điều chỉnh việc dạy học cho những năm tới. Ngoài ra, hiện nay nhiều trường đại học cũng lấy kết quả của kỳ thi làm căn cứ để tuyển sinh cho nên tính cạnh tranh cũng rất lớn.

Vì vậy, mỗi nhà trường, sở giáo dục và đào tạo cùng các cơ quan liên quan cần vào cuộc để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, minh bạch, trung thực và phản ánh đúng chất lượng học của học sinh. “Qua các kỳ thi những năm trước có thể thấy có bốn yếu tố quan trọng để tổ chức kỳ thi hiệu quả là tất cả các thành viên tham gia hoạt động tổ chức thi đều phải nắm chắc quy chế; chuẩn bị kỹ các điều kiện (cơ sở vật chất, đội ngũ, xây dựng kế hoạch, phương án trong điều kiện dịch Covid-19 bảo đảm an toàn cho cả thí sinh, cán bộ làm công tác thi); kiểm soát tốt tình hình; dự báo và xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Ðộ khẳng định.

Ðể tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức tập huấn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở giáo dục và đào tạo từ ngày 21/4. Các sở giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông lập và giao tài khoản cho thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 từ ngày 26 đến hết ngày 28/4; sau đó thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi từ ngày 26/4 đến 3/5 và thực hiện đăng ký chính thức trực tuyến từ ngày 4/5 đến 13/5. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo quyết định tổ chức các đơn vị đăng ký dự thi (là các trường phổ thông) bảo đảm thuận tiện cho thí sinh. Ðơn vị đăng ký dự thi cần chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết; tổ chức kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, các đơn vị đăng ký dự thi chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh chuẩn bị hồ sơ, điền vào phiếu đăng ký đầy đủ và đúng các thông tin; rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để bảo đảm độ chính xác. Khi đăng ký dự thi, thí sinh phải kê khai bảo đảm chính xác các thông tin về mã tỉnh, thành phố, mã trường phổ thông,... đúng quy định. Ðiểm đáng chú ý năm 2022, phiếu đăng ký dự thi không bao gồm đăng ký xét tuyển đại học và cao đẳng.

Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) lưu ý  trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh phải đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu, những điểm nào chưa rõ cần hỏi cán bộ tiếp nhận đăng ký dự thi để được hướng dẫn đầy đủ. Ðối với thí sinh đang học lớp 12 khai thông tin đăng ký dự thi trực tuyến theo tài khoản được cấp trên Hệ thống phần mềm Quản lý thi. Sau khi hoàn thành rà soát và xác nhận theo thời hạn quy định, trường THPT nơi thí sinh đang học in phiếu đăng ký dự thi và ký tên, đóng dấu để xác nhận nhân thân thí sinh.

Ðối với thí sinh tự do khai thông tin cần thiết trên bì đựng phiếu đăng ký dự thi rồi nộp cho nơi tiếp nhận đăng ký dự thi. Công an xã, phường nơi thí sinh tự do đang cư trú ký tên và đóng một dấu có phần giáp lai lên ảnh của phiếu đăng ký dự thi để xác nhận nhân thân thí sinh. Người đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở để đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phải điền tất cả các mục trên phiếu.

Ðối với quá trình dự thi, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý chất lượng Lê Mỹ Phong cho biết, các thí sinh cần đặc biệt lưu ý, khi nhận đề thi, cần chú ý lắng nghe cán bộ coi thi  phổ biến nội dung Quy chế thi. Trong đó, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Theo đó, thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước độ Tối mật đối với đề thi của các bài thi, môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài (đối với bài thi, môn thi trắc nghiệm) và hết hai phần ba thời gian làm bài (đối với bài thi tự luận).

Ðồng thời, thí sinh cần biết, mọi hành vi cung cấp, tiết lộ đề thi trong thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước độ Tối mật đối với đề thi đều bị coi là làm lộ bí mật Nhà nước và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thí sinh lưu ý chỉ mang vào phòng thi những vật dụng được cho phép theo Quy chế thi; tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi; tuân thủ việc để các vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại đúng địa điểm do hội đồng thi quy định… nhằm tham dự kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

P.V (theo Nhân dân)