Chính sách tiền lương năm 2022 và những điểm mới đáng chú ý

Chính sách tiền lương năm 2022 có những điểm mới gì đáng chú ý? Nếu như năm 2021, các chính sách cải cách về tiền lương nhằm cải thiện thu nhập chưa thể thực hiện thì bước sang năm 2022 khiến người lao động vô cùng trông đợi.

Chính sách tiền lương năm 2022 và những điểm mới đáng chú ý.

1. Tiền lương theo quy định của Pháp luật

Căn cứ theo Điều 90, Bộ luật lao động 2019 quy định về tiền lương nêu rõ tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động (NLĐ) theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên nhiều yếu tố như mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. 

Theo quy định, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng là căn cứ để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận lương. 

Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động. 

2. Chính sách tiền lương năm 2022 có gì mới

Nếu như người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân được trả lương với mức lương thỏa thuận theo năng lực thì đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng quân nhân, công an… sẽ có thang bảng lương chung đối với từng công việc và chức danh cụ thể.

2.1 Chính sách tiền lương năm 2022 đối với cán bộ công chức viên chức

Theo tinh thần tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 đã đề ra việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Theo như kế hoạch, đến năm 2021 chính thức áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị, theo chỉ đạo do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kế hoạch được lùi tới ngày 1/7/2022.

Hoãn thời điểm thi hành cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2022 cho đến khi có văn bản mới hướng dẫn.

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2021, ngày 13/11/2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 nhằm điều chỉnh các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 nêu rõ:

“1. Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.”

Như vậy, đối với nhóm đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ thực hiện lùi cải cách tiền lương từ 1/7/2022 đến khi có văn bản hướng dẫn chính thức. Theo chỉ đạo thì việc lùi cải cách tiền lương sẽ không kéo dài quá lâu gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người lao động. 

Mức lương năm 2022 của cán bộ công chức, viên chức sẽ vẫn được tính theo công thức sau:

Tiền lương = Hệ số lương  x  Mức lương cơ sở  + các khoản phụ cấp - các khoản đóng BHXH, khác (nếu có)

Trong đó, mức lương cơ sở 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng. Hiện chưa có thông báo chính thức về việc thay đổi mức lương cơ sở và mức lương cơ sở này được duy trì từ 1/7/2019 đến nay.

>>> Kế hoạch điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2022 của Quốc Hội

2.2 Dự kiến không tăng lương cơ sở

Do chưa thực hiện được cải cách về chính sách tiền lương, lương cơ sở vẫn là căn cứ quan trọng để tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức và nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội khác.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đời sống kinh tế, xã hội của nước ta bị ảnh hưởng nặng nề. Mọi nguồn lực hiện đang được dồn cho việc phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế. Dự kiến năm 2022, mức lương cơ sở chưa thể tăng theo như kế hoạch và theo tinh thần nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

Hiện nay, chưa có đề xuất mới về mức lương cơ sở năm 2022. Vì vậy, trong năm 2022 mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức vẫn áp dụng mức 1,49 triệu đồng/tháng cho đến khi chính thức có hướng dẫn mới.

2.3 Dự kiến giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ thỏa thuận lương giữa người sử dụng lao động và người lao động khi ký kết hợp đồng và thực hiện nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), thông thường mức lương này được điều chỉnh định kỳ vào ngày 1/7 hằng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 trong 2 năm liên tiếp năm 2020 và 2021 mức lương tối thiểu vùng không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. 

Căn cứ theo tình hình dịch bệnh và những khó khăn về kinh tế hiện nay dự kiến lương tối thiểu vùng 2022 được giữ nguyên so với năm 2021. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng năm 2022 như sau:

Mức lương

Đơn vị, Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn

4.420.000 đồng/tháng

Thuộc vùng I

3.920.000 đồng/tháng

Thuộc vùng II

3.430.000 đồng/tháng

Thuộc vùng III

3.070.000 đồng/tháng

Thuộc vùng IV

Dự kiến mức lương tối thiểu vùng năm 2022 áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

Mức lương tối thiểu vùng không tăng, dẫn đến mức lương thỏa thuận của nhiều người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Mức lương tính đóng BHXH tối thiểu theo quy định cũng sẽ được giữ nguyên so với năm 2021.

2.4 Tăng lương hưu 7,4% từ tháng 1/2022

Cải cách tiền lương chưa thể thực hiện trong năm 2021 và sẽ thực hiện ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho đối tượng là người lao động nghỉ hưu. Theo đó, tại Nghị định 108/2021/NĐ-CP ban hành ngày 7/12/2021 của Chính phủ về về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng quyết định thực hiện điều chỉnh tăng mức lương hưu từ 1/1/2022. Cụ thể:

Điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 1/1/2022.

Điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021. Áp dụng cho cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, lực lượng quân nhân, công an, cán bộ phường/ xã / thị trấn…

Điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995, cụ thể: 

      + Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; 

       + Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/ người/ tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/ người/ tháng đến dưới 2.500.000 đồng/ người/ tháng.

Lưu ý: Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều này là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Chính sách tiền lương năm 2022 đã có những đổi mới quan trọng. Mặc dù chưa thể thực hiện chính sách cải cách tiền lương triệt để theo kế hoạch, nhưng lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trong năm 2022 đã được điều chỉnh tăng. Hy vọng, trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay các chính sách cải cách tiền lương sẽ sớm được thực hiện đảm bảo cuộc sống hiện tại cho người lao động.

Theo ebh.vn