ĐBQH Lò Thị Luyến: Tinh giản biên chế cần nghiên cứu, xem xét tới các yếu tố vùng miền

ĐBP - Sáng 9/11, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia phát biểu ý kiến.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Nhiều chương trình, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được Quốc hội và Chính phủ đồng lòng triển khai là động lực quan trọng để cử tri và nhân dân vững tin vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Hiện nay, Chính phủ chủ trương thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, cử tri rất đồng thuận, ủng hộ. Đây là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam vì chúng ta có quan hệ rộng mở với hầu hết các nước, độ mở nền kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, để đạt được phương châm này, Chính phủ cần quan tâm bảo đảm có đủ vắc xin bao phủ toàn dân, kể cả đối tượng trẻ nhỏ, khi đó dù nhiễm SARS-CoV-2 thì người bệnh cũng chỉ ở thể nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Chính phủ cần có giải pháp để từ năm 2022 Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin theo nhu cầu, đặc biệt là nguồn vắc xin trong nước, khi đó chúng ta không phải vất vả, chạy vạy ngược xuôi như thời gian vừa qua, đồng thời giảm được chi phí mua vắc xin. Bên cạnh đó, sớm phổ biến thuốc đặc trị như Molnupiravir, Remdesivir hiện nay đang được thử nghiệm và được đánh giá rất tốt giúp người bị nhiễm SARS-CoV-2 nhanh chóng khỏi bệnh trong vòng 5 đến 7 ngày.

Về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ có nêu “tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương chưa giải quyết triệt để”. Vấn đề này, thực tế ở một số địa phương (trong đó có tỉnh Điện Biên - thiếu 1.495 giáo viên) việc giao định mức giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo theo quy định nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giảm biên chế lại căn cứ vào số biên chế hiện có (tức là tinh giản khi định mức giáo viên đứng lớp chưa giao đủ theo quy định). Các tỉnh miền núi địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, một trường có nhiều điểm trường, việc xã hội hoá giáo dục không khả thi. Việc cắt giảm số lượng người làm việc hàng năm để đảm bảo đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến ngày càng thiếu giáo viên đứng lớp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét tới các yếu tố của các tỉnh miền núi như đã nêu ở trên, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát thực tế để có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương.

Trong bài phát biểu, đại biểu đã chuyển nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đến Quốc hội và Chính phủ về các nội dung, như: Tiếp tục đẩy nhanh chương trình cấp điện nông thôn miền núi để phấn đấu đến năm 2025 Điện Biên có 100% số hộ được sử dụng điện; quan tâm bố trí vốn cải tạo nâng cấp quốc lộ 279, đoạn Điện Biên đến Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang theo trình tự dự án quan trọng, cấp bách (dự án đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn nhưng chưa được bố trí vốn) và bổ sung Dự án hầm đường bộ qua đèo Pha Đin trên tuyến quốc lộ 6 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn còn lại mà Chính Phủ chưa phân bổ, tạo điều kiện kết nối giao thông thông suốt, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, ứng phó với các tình huống về quốc phòng an ninh.

Theo Baodienbienphu.info.vn