Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 3 năm 2021

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

* Baophapluat.vn (7/3): Công nhân mỏ chì tử vong vì quặng rơi trúng đầu

Ngày 7/3, thông tin từ UBND huyện Điện BiênĐông, tỉnh Điện Biên xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ramột vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại một mỏ chì,khiến 1 người tử vong.

Được biết, vụ tai nạn lao động xảy ra vào khoảng 16h, ngày 5/3, tại mỏ chì của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hiệp Thành (thuộc bản Huổi Tao A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên). Nạn nhân được xác định là anh Lò Văn Điếng (sinh năm 1998) hiện chưa xác định được nơi cư trú.

* Baodienbienphu.vn (07/3): Điện Biên được phân bổ 1.900 liều vắc xin phòng Covid-19 đợt 1

Trong tổng số 117.000 liều vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ đợt 1 (ngày 6/3) thì tỉnh Điện Biên được phân bổ 1.900 liều. Cụ thể, Bộ Y tế phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên 1.800 liều và Bệnh viện dã chiến TP. Điện Biên Phủ 100 liều.

Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị tiếp nhận, vận chuyển vắc xin tới các cơ sở tiêm chủng; đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vắc xin phòng Covid-19 theo Hướng dẫn về việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và  sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo quy định tại Nghị Quyết số 21/NQ-CP, ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

* Qdnd.vn (7/3): Quy hoạch tỉnh Điện Biên tầm nhìn đến năm 2050

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; là một trong những tỉnh dẫn đầu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc dân tộc, nét đẹp văn hóa các dân tộc; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nội dung Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019 của Chính phủ, trong đó, phân tích, đánh giá thực trạng và dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Điện Biên và thực trạng phát triển kinh tế-xã hội.

* Baodienbienphu.vn (08/3): Ðiện Biên Ðông tập trung chăm sóc cây lúa vụ đông xuân

Những ngày đầu tháng 3, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân huyện Ðiện Biên Ðông tích cực ra đồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân, đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021, huyện Ðiện Biên Ðông gieo cấy 745ha lúa, chủ yếu trên địa bàn các xã: Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ, Pú Hồng, Na Son. Theo lịch thời vụ, trà sớm được gieo cấy từ ngày 1 - 20/12/2020 với diện tích khoảng 75ha; trà chính từ ngày 21/12/2020 - 5/1/2021, diện tích khoảng 520ha và trà muộn gieo cấy sau ngày 5/1, diện tích khoảng 150ha. Về cơ cấu giống lúa, chủ yếu là những loại giống ngắn ngày, năng suất cao và phù hợp với đặc thù địa phương, như: Bắc thơm số 7, IR64, N97, Thiên ưu 8...

Vụ đông xuân năm nay, xã Mường Luân được giao chỉ tiêu sản xuất 111,6ha lúa, nhờ được chỉ đạo kịp thời và triển khai nhiều giải pháp, xã đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao 4ha. Các giống lúa được người dân gieo cấy chủ yếu là N97, IR64, HDT10. Tranh thủ thời tiết những ngày đầu năm mới thuận lợi, người dân trên địa bàn xã đang tập trung xuống đồng để tỉa giặm, bón phân, đảm bảo nước cho cây lúa. Anh Quàng Văn Hợp, bản Na Ten, xã Mường Luân chia sẻ: Vụ đông xuân năm nay gia đình gieo cấy gần 5.000m2 ruộng, mọi công việc cày bừa, làm đất, ủ giống, gieo sạ đều được gia đình hoàn thành trước Tết Nguyên đán, theo đúng khung lịch thời vụ. Ăn tết xong, tranh thủ thời gian vợ chồng tôi đang tập trung tỉa giặm, bón phân, diệt ốc bươu vàng và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa.

* Dienbien.tv (06/3): Cuộc sống ổn cư, ổn canh ở các điểm bản tái định cư Đề án 79

Sau 8 năm được sắp xếp tại nơi ở mới theo Đề án 79 của Chính phủ, đến nay, cuộc sống của người dân ở các điểm bản 79 trên địa bàn huyện Mường Nhé đã cơ bản ổn định. Người dân không còn du canh, du cư, không phá rừng làm nương rẫy; tích cực lao động sản xuất trên diện tích được cấp và chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống.

Trong căn nhà gỗ rộng, mái lợp tôn chắc chắn, anh Khá chia sẻ: từ khi được sắp xếp theo Đề án 79 về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình anh và bà con đã thay đổi nhiều hơn, không còn tư tưởng quay về nơi ở cũ, mọi người đều xác định ổn canh, ôn cư lâu dài tại nơi ở mới.

Xã Mường Toong có 7 điểm bản 79, sau khi sáp nhập các thôn, bản, xã còn 5 điểm bản 79. Đây là một trong những xã có số điểm bản 79 nhiều nhất so với các xã của huyện Mường Nhé.

Hiện các công trình phúc lợi điện, đường, nước sinh hoạt, điểm trường đã được đầu tư, cuộc sống của người dân các điểm bản đều ổn định.

Không còn du canh, du cư, nhưng thực tế đời sống của người dân tại các bản tái định cư theo Đề án 79 vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức pháp luật của người dân nơi đây có mặt còn hạn chế.

Để người dân an cư, lạc nghiệp trên vùng đất mới, huyện Mường Nhé đang tiếp tục triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn ở nơi phên dậu của Tổ quốc.

* Giaoducthoidai.vn (07/3): Điện Biên: Hơn 200 cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú từ ngày 8/3

Ngày 8/3, hơn 200 cơ sở giáo dục trên địa bàn Điện Biên sẽ tổ chức ăn bán trú trở lại cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học.

Hoạt động này được chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT chấp thuận trên cơ sở nguyện vọng đăng kí của phụ huynh học sinh với nhà trường.

Thống kê sơ bộ, TP Điện Biên Phủ sẽ có 26 trường mầm non, 11 nhóm trẻ, 10 trường tiểu học; huyện Mường Nhé có 12 trường mầm non, 12 trường PTDTBT tiểu học; huyện Điện Biên có 25 trường mầm non; 2 trường tiểu học (Trường Tiểu học xã Thanh Hưng, Trường Tiểu học xã Noong Luống); huyện Mường Chà có 15 trường mầm non và Trường Tiểu học thị trấn Mường Chà, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh tổ chức ăn bán trú trở lại.

Các địa phương còn lại như huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay chỉ có các trường mầm non đăng ký tổ chức ăn bán trú trở lại cho trẻ mầm non.

Các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú (nấu, ăn, ngủ) cho học sinh đều được Sở GD&ĐT Điện Biên yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19. Trước khi đến trường, phụ huynh phải thực hiện kiểm tra thân nhiệt cho học sinh.

* Baodienbienphu.vn (08/3): Hạn chế xe ô tô lưu thông giờ cao điểm trên đường Sùng Phái Sinh

Sở Giao thông vận tải vừa thực hiện giải pháp cấm xe ô tô hoạt động theo khung giờ tại tuyến đường Sùng Phái Sinh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Cụ thể, vào các khung giờ sáng từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ, trưa từ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và chiều từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ. Các loại xe ô tô, kể cả xe máy 3 bánh có thùng sẽ không được lưu thông theo hướng rẽ từ đường Võ Nguyên Giáp vào đường Sùng Phái Sinh. Ðây là giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông vào khung giờ cao điểm trên tuyến đường này.

Tuy vậy, dù đã có lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn, một số lái xe vẫn chưa chú ý tới quy định trên, hoặc cố tình đi vào khu vực đường cấm.

Theo Khoản 4, Ðiều 5 Nghị định 100 quy định, lỗi đi vào đường cấm đối với ô tô có thể bị phạt tối đa lên đến 2 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 3 tháng. Vì vậy, lái xe cần chú ý quan sát các biển báo, chủ động chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông.     

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Vtv.vn (08/3): Khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 8/3, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bàn về: Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước; và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hội nghị diễn ra trong không khí cả nước vừa vui Xuân, đón Tết, mừng thành công rất tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng và đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống đại dịch COVID-19...; đồng thời khẩn trương chuẩn bị để tiến hành thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị đã khẩn trương chỉ đạo việc hoàn chỉnh và công bố các văn kiện của Đại hội; chuẩn bị ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị xây dựng các quy chế làm việc, cùng một số nội dung quan trọng khác. Bộ Chính trị cũng đã thông qua chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; tiến hành phân công một bước các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bước đầu bố trí và sắp xếp lại nhân sự một số cơ quan Trung ương; đồng thời tích cực chuẩn bị giới thiệu nhân sự thuộc diện Trung ương quản lý ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV...

Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 9/3/2021.

* Vtv.vn (08/3): Ngày (8/3), Việt Nam chính thức tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 8/3, Việt Nam tiêm những mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, ưu tiên các lực lượng chủ chốt tuyến đầu tại 13 địa phương có dịch.

Những mũi tiêm đầu tiên trong sáng nay dành cho các nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Việc tiêm chủng sẽ được giám sát bởi các đoàn công tác của Bộ Y tế. Đơn vị triển khai là Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC.

Đối tượng ưu tiên trong đợt này bao gồm nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, người truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng.

Vaccine của đợt đầu tiên này là nhập của AstraZeneca. 117.600 liều vaccine đã được vận chuyển đến các địa phương. Bộ Y tế cho biết, đợt này khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi trên toàn quốc.

Thời gian đầu thực hiện tiêm vaccine, Việt Nam triển khai thận trọng, bảo đảm giám sát, theo dõi, đánh giá, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để tiêm trên diện rộng hơn, tăng độ bao phủ trong thời gian ngắn nhất có thể. Với vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Bộ Y tế đưa ra khung thời gian là tiêm mũi 1 và 2 sau 3 tháng để bảo đảm tính miễn dịch và tăng độ bao phủ của vaccine này.

* Tienphong.vn (06/3): Đề nghị truy tố cựu Phó Chủ tịch TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng 15 đồng phạm

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) và chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 16 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Các bị can trên bị đề nghị truy tố do có hành vi sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.

 Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đề nghị truy tố 16 bị can. Trong đó đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM); Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TPHCM); Phan Trường Sơn (cựu Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM); Vân Trọng Dũng (cựu Chủ tịch HĐTV SAGRI); Trần Quốc Đạt; Lê Tấn Hoà; Lê Văn Thanh; Nguyễn Thanh Chương về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 

* Tienphong.vn (07/3): Ông Trần Vĩnh Tuyến phạm tội, UBND TPHCM có trách nhiệm gì?

Ngày 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAGRI) và chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 16 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khi biết sai phạm trong vụ chuyển nhượng này, ngày 12/6/2019, Thường trực UBND TPHCM tổ chức họp, giao tổ công tác hướng dẫn thực hiện các thủ tục huỷ hợp đồng chuyển nhượng dự án trên. Ngày 22/6/2019, ông Võ Văn Hoan (Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký ban hành quyết định thu hồi và huỷ bỏ quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án này.

 Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định ngoài bị can Trần Vĩnh Tuyến, không có căn cứ xử lý đối với tập thể Thường trực UBND TPHCM và Chủ tịch UBND TPHCM. 

* Vtv.vn (08/3): 377 người được tiêm vaccine COVID-19 trong ngày đầu tiên

Trong ngày 8/3, tại Hà Nội, Hải Dương và TP. Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho 377 người, tất cả các trường hợp tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.

Sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương.

Trong ngày 8/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm cho 377 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

TIN QUỐC HỘI

* Vtv.vn (08/3): UBTVQH sẽ cho ý kiến về nhân sự trình Quốc hội vào ngày 15/3

Phiên họp thứ 54 của UBTVQH dự kiến sẽ được diễn ra trong ngày 15/3/2021 để xem xét, cho ý kiến một số vấn đề. Trong đó có nội dung về công tác nhân sự để trình Quốc hội.

Ngày 8/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định dự kiến về chương trình phiên họp thứ 54 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đó, phiên họp dự kiến diễn ra trong ngày 15/3 tới.

Tại phiên họp này, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBNVQH sẽ xem xét cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, UBTVQH; cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội.

Buổi chiều cùng ngày, UBTVQH tiếp tục xem xét cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

CHỈ THỊ MỚI

* Baochinhphu.vn (06/3): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện; vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt đến 20 triệu đồng; tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ.

 Tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện: Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo đó, Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện phù hợp với khả năng và lứa tuổi. Bảo đảm thực hiện chính sách phổ cập giáo dục; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí; đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm... cho thanh niên.

 Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt đến 20 triệu đồng: Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, trong đó quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi.  Cụ thể, Nghị định quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền từ 1-7 triệu đồng tùy quy mô trang trại. Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng cũng bị phạt tiền từ 3-10 triệu đồng tùy quy mô trang trại…

 Mức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2021/NĐ-CP quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án.

 Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới: Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm đối tượng sàm sỡ phụ nữ ở Hồ Tây: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ những thông tin báo chí phản ánh về hành vi sàm sỡ phụ nữ tại khu vực Hồ Tây, thành phố Hà Nội, nếu đúng cần có ngay biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Vtv.vn (08/3): Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh việc nhiều địa phương điều chỉnh bảng giá đất

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu phản ánh nhiều địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất.

Trước đó, Báo điện tử Tuổi trẻ ngày 2/3/2021 có bài viết "Đừng tăng giá đất làm ngạt thở thêm, kìm giá đất giúp dân" có phản ánh: Trước việc nhiều địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh cần cân nhắc để doanh nghiệp phục hồi, phát triển để thu lâu dài.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, việc tăng bảng giá đất địa phương có tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài...

Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đánh giá và xử lý.

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Vtv.vn (07/3): Chính thức bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên từ 2022

Từ ngày 1/7/2022 sẽ có chế độ tiền lương mới và bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương, trong đó có phụ cấp thâm niên của giáo viên.

 Năm 2021 giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên: Tại Điều 76 Luật giáo dục 2019 quy định về lương của giáo viên nêu rõ, Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Như vậy, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên.

 Đồng thời tại Nghị quyết 27 năm 2017 cũng nêu rõ, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.

 Do đó, tính từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên chỉ còn được hưởng lương, ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề còn phụ cấp khác và phụ cấp thâm niên đã bị bãi bỏ.

 Mức hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên: Mức phụ cấp được tính cho nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

 Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập; Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập)…

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

* Thanhnien.vn (08/3): TP.HCM có 'ATM nhận và trả hồ sơ 24/7' đầu tiên

Người dân TP.HCM có thể nộp hồ sơ bất cứ lúc nào tại hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ 24/7 của Q.6 mà không cần phải đến bộ phận một cửa bấm số thứ tự rồi mất công chờ đợi.

Sáng 8.3, UBND Q.6, TP.HCM đã ra mắt Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 (đặt gần cổng UBND Q.6 trên đường Phạm Văn Chí). Nhìn bề ngoài, hệ thống này giống như một trụ ATM với màn hình chính hiển thị các loại hồ sơ, túi đựng hồ sơ có mã vạch, khay nhận hồ sơ, khay thu lệ phí và khay trả kết quả.

5 thủ tục nhận và trả hồ sơ tại máy

Hiện hệ thống nay có tính năng cung cấp tiếp nhận và giao hồ sơ tự động, liên tục 24/7 với 5 thủ tục hành chính gồm: đăng ký thành lập hộ kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ và cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng.

Đồng thời, bổ sung chức năng trả 8 thủ tục hành chính mức độ 3 không thu phí tại máy gồm: thủ tục chấp dứt hoạt động hộ kinh doanh, thủ tục đăng ký nội quy lao động, thủ tục gửi thỏa ước lao động tập thể, cấp giấy phép đào đường vỉa hè, cấp giấy phép tạm sử dụng vỉa hè, xác nhận nhà không thuộc diện nhà nước quản lý và thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà ở.

Chỉ 5 phút là xong

Trước khi vận hành chính thức, hệ thống đã thử nghiệm từ ngày 15.12.2020 đến 31.1.2021 với có 56/529 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả. Trong 18 ý kiến đánh giá về hệ thống, có 50% ý kiến đánh giá thao tác dễ dàng, 100% ý kiến đánh giá đáp ứng đủ điều kiện vận hành, thanh toán đơn giản. Đơn vị vận hành cũng đã khắc phục 11 lỗi qua các giai đoạn vận hành thử nghiệm và lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Vtv.vn (08/3): Gói kích thích 1.900 tỷ USD của Mỹ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Để tận dụng gói kích thích 1.900 tỷ USD của Mỹ và đạt được mức tăng trưởng GDP 6,5 - 7%, Việt Nam buộc phải tăng cường xuất khẩu.

Theo trang VnEconomy, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại VinaCapital, kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 6,5 - 7% so với mức 2,9% năm 2020 do yếu tố tiêu dùng trong nước và quan trọng hơn đến từ xuất khẩu.

Phân tích này dựa trên số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Theo đó, doanh số bán lẻ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam tại Mỹ tăng vọt 70% so với cùng kỳ năm trước đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, trong đó xuất khẩu hàng điện tử tăng tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Mỹ, con số tăng trưởng bán lẻ tăng mạnh tới 5,3% trong tháng 1/2021 so với mức âm 1% của tháng trước. Đây là mức tăng cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng thị trường là dương 1,1% và cao hơn cả mức dự báo tăng trưởng lạc quan nhất.

* Nld.com.vn (08/3): Thị trường bán lẻ Việt sàng lọc khốc liệt

Những thương hiệu bán lẻ đình đám thế giới lần lượt biến mất khỏi Việt Nam, thay vào đó là sự xuất hiện thương hiệu của những người chủ mới. Cuộc sàng lọc vẫn đang tiếp diễn, thị trường bán lẻ Việt chưa bao giờ bớt sôi động

Hôm 1-3, thương hiệu Big C đã chính thức được Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) tuyên bố xóa sổ, thay vào đó là thương hiệu Go! và Tops Market 100% "made in Thailand". Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, chủ sở hữu hệ thống Big C Việt Nam, cho biết việc thay đổi này nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu của họ.

Theo giới phân tích, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á lẫn châu Á, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Độ hấp dẫn của thị trường thể hiện qua con số cụ thể: từ năm 2019 trở về trước, bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số và năm sau cao hơn năm trước. Ngay cả trong lúc bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, doanh số bán lẻ năm 2020 vẫn tăng hơn 11 tỉ USD so với năm 2019, đạt hơn 172 tỉ USD.

Tuy nhiên, sự rút lui của các tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài cho thấy đây không phải là miếng bánh dễ xơi. Ngoài áp lực cạnh tranh càng lúc càng khốc liệt hơn, những vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng hệ thống đang là trở ngại lớn khiến một số nhà bán lẻ ngoại không thể hiện thực hóa mục tiêu, chiến lược kinh doanh tại Việt Nam. 

* Vtv.vn (07/3): "Đại bàng" mở rộng tổ tại Việt Nam

FDI, dòng vốn được xem là "tiền tươi thóc thật" tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng.

Những điểm sáng 

Theo thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2 đạt trên 8.000 doanh nghiệp, cao hơn so với mức trung bình 5 năm qua. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế.

"Đại bàng" mở rộng tổ

Bất chấp tác động của dịch COVID-19, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Dòng vốn được xem là "tiền tươi thóc thật" trong 2 tháng đầu năm nay tăng lên.

Nhiều "đại bàng" đã và đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay. Điển hình như dự án LG Display lần thứ 4 điều chỉnh tăng vốn kể từ khi đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn Foxconn cũng vừa khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại Thanh Hóa sau dự án đầu tư xây dựng nhà máy tại Bắc Giang.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho rằng, một số công ty đa quốc gia đang dịch chuyển một phần các cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản trả lời sẽ mở rộng kinh doanh trong năm 2021 là 46,8%.Trong khi Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam đánh giá, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

* Vtv.vn (07/3): Đề xuất mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Gần đây, báo chí đã phản ánh việc chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề nghị được mở rộng cao tốc này để chống ùn tắc.

Chủ đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng cao tốc này cần phải được nâng lên từ 6 làn xe hiện nay, lên 8 hoặc đến 10 làn để chống ùn tắc. Các chuyên gia cho rằng, mở rộng thêm là nhu cầu cần thiết của nhiều dự án.

Thực tế, từ khi thu phí tháng 9/2015 đến nay, không mấy khi trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ phải xả trạm, tức không có ùn tắc trên 500 m như quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Cao tốc này chỉ ùn tắc trong khoảng 3 km từ trạm thu phí đến nút giao Pháp Vân do bất hợp lý trong tổ chức nút giao Pháp Vân và đường vành đai 3. Việc mở rộng thêm làn được cho là không xử lý được vấn đề.

* Vtv.vn (08/3): Tiến độ các dự án, công trình đầu tư công bị chậm lại trong tháng 2

Tháng 2/2021 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trùng với đợt bùng phát COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, do đó tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại.

Đồng thời, chủ đầu tư, nhà thầu chủ yếu tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm so với kế hoạch đạt không cao, bằng 9%, tuy nhiên vẫn cao hơn 5 năm trở lại đây.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 2/2021 ước tính đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: vốn Trung ương quản lý 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2%; vốn địa phương quản lý 15,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 7,2% và tăng 17,9%).

* Vtv.vn (08/3): Việt Nam “tính kế” nối lại thị trường du lịch quốc tế

Việt Nam bắt đầu tính kế hoạch nối lại thị trường du lịch quốc tế trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực rục rịch mở cửa đón khách trở lại với những chính sách riêng.

Theo Tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, nếu Singapore đã mở cửa dần cho khách hội nghị, cho phép các hội nghị lớn kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến thì Indonesia cũng đã công bố kế hoạch mở lại thiên đường du lịch Bali với "Hành lang không COVID-19".

Mới đây, ngày 2/3, một số công ty du lịch lớn ở Thái Lan đã phát động chiến dịch "Mở cửa Thái Lan An toàn" nhằm kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1/7 tới và tiếp sau đó là thông tin Thủ tướng Thái Lan cho biết, nước này đang nghiêm túc nghiên cứu về ý tưởng "hộ chiếu vaccine" để chuẩn bị sử dụng trong tương lai đã khiến giới kinh doanh du lịch Việt Nam bàn đến việc mở cửa du lịch quốc tế nhiều hơn.

* Vtv.vn (08/3): Sốt đất Bình Phước: Sân bay "trên giấy", bong bóng vỡ tung, tan mộng làm giàu

Rất nhiều giấc mộng làm giàu đã tan vỡ theo cơn sốt đất ảo tại Bình Phước vừa qua.

Những cơn sốt đất

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi.

Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.

Ôm nợ hàng chục tỷ đồng

Tại xã An Khương và Tân Lợi (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) - vùng phụ cận sân bay Téc-Ních Hớn Quản hiện im ắng, trái ngước với cảnh náo nhiệt, xe ô tô tấp nập, ùn tắc cả một đoạn dài trên tuyến đường liên xã những ngày qua.

Trên tuyến đường liên xã An Khương – Tân Lợi không còn những điểm tư vấn mua bán đất, băng rôn rao bán và quảng cáo cũng đã được gỡ bỏ. Giới "cò" đất đã không còn cắm chốt, chèo kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất như những ngày trước đó.

Có trường hợp, một nhóm nhà đầu tư quyết định "lướt sóng" thửa đất của người dân tại địa phương bán với giá 23 tỷ đồng. Họ đặt cọc cho chủ đất 4 tỷ đồng. Vài ngày sau, có một nhóm khác đến hỏi và trả giá mua miếng đất trên với giá 30 tỷ đồng. Biết rằng đây là chiêu trò của giới "cò" đất để dụ dỗ chủ đất phá cọc.

Tuy nhiên, chủ đất vẫn quyết giữ lời hứa bán cho người đặt mua đầu tiên và nhóm người này sau đó không tìm được người để bán lô đất trên.

Quay trở lại câu chuyện Bình Phước, việc người dân địa phương chạy theo cơn sốt và bán đi những mảnh đất mà đã là nguồn thu nhập chính từ trước giờ được đánh giá là quan ngại bởi các chuyên gia. Tại Huyện Hớn Quản, nơi mà đa phần người dân địa Phương trước giờ sống nhờ vào nông nghiệp như là trồng cây cao su và thu hoạch mủ cao su để nuôi sống gia đình. Vậy việc bán đi những mảnh đất này không khác gì bán đi cần câu cá khi giờ họ đã mất đi nguồn thu nhập chính.

* Vtv.vn (07/3): Xếp hạng nền kinh tế tự do: Việt Nam tăng 15 bậc

Với 61,7 điểm, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có Chỉ số Tự do kinh tế ở mức trung bình, trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng năm nay.

 Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) vừa công bố, năm nay là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 2,9 điểm và thăng 15 bậc so với năm ngoái (nhóm hầu như không tự do).

 Nguyên nhân chỉ số này của nền kinh tế Việt Nam thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện.

 Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

 Quỹ Di sản nhận định thứ bậc xếp hạng của Việt Nam có thể tăng hơn nữa nếu chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.

 Chỉ số tự do kinh tế đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các nền kinh tế trên thế giới. Chỉ số này đánh giá 10 yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế, được nhật báo The Wall Street Journal và Quỹ Di sản công bố thường niên. 

* Plo.vn (07/3): Thủ tướng: Không để cơ chế, chính sách phục vụ lợi ích nhóm

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi “Đối thoại 2045” với đại diện doanh nghiệp và trí thức tiêu biểu, chiều 6-3 tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM.

 Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu, Thủ tướng cho rằng qua các phát biểu thấy rõ khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đó là niềm tin mãnh liệt đến năm 2045 xuất hiện những doanh nghiệp, tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam.

 Theo Thủ tướng, có 5 vấn đề được nêu ra tại buổi đối thoại.

 Thứ nhất, đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia.

 Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và của đất nước.

 Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng.

 Thứ tư là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo, đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 Và cuối cùng là bảo vệ văn hóa Việt Nam vì nếu mất văn hóa là mất tất cả.

 “Chúng ta thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn” - Thủ tướng nói và tin rằng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

* Cafef.vn (06/3): Ông Đỗ Minh Phú: 4 từ khoá để “cởi trói” cho kinh tế tư nhân

Tại sự kiện "Đối thoại 2045" diễn ra chiều ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank phát biểu, mục tiêu tăng trưởng liên tục và dài hạn rất thách thức, song Việt Nam có nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực.

  Cũng tại đây, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI cho hay, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới cải cách và cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực. Ông Phú cho rằng, để làm được điều này, cần tập trung vào một số điểm cốt lõi.

 Thứ nhất, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Điều này có nghĩa là các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ "quản lý": quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy "phục vụ": phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Đồng thời, các cơ quan công quyền cần ở tâm thế "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng họ", lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

 Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thấy vinh dự, tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo công ăn việc làm. Nhất quán trong nhìn nhận, đánh giá tôn vinh sự đóng góp vai trò của các doanh nghiệp tư nhân/ hộ gia đình trong sự phát triển kinh tế tại địa phương và với đất nước.

 Theo ông Phú, doanh nghiệp tư nhân ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn, mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng...

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

* Daibieunhandan.vn (08/3): Giảm gánh nặng trên vai nông dân 

Giá phân bón tăng đột biến từ cuối năm 2020 đến nay, đặc biệt là sản phẩm DAP, một loại phân vô cơ dễ hấp thu cho cây trồng. Trong những ngày đầu tháng 3 này, giá nhập khẩu phân bón DAP Trung Quốc về Việt Nam có lúc chạm mức 16 triệu đồng/tấn, tăng hơn 6 triệu đồng/tấn so với tháng 11 năm ngoái. Trên thị trường, giá các loại phân DAP sản xuất trong nước (của Nhà máy DAP Lào Cai và Nhà máy DAP Đình Vũ thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cũng tăng gần 2 triệu đồng/tấn lên mức 10,4 triệu đồng/tấn. Ngại giá cao quá khó bán, nhiều doanh nghiệp cũng chùng chình, không dám nhập hàng về.

Tình cảnh ấy khiến nông dân đứng ngồi không yên bởi mùa vụ hè thu đang đến gần, nhu cầu sử dụng DAP cho sản xuất nông nghiệp rất lớn, khoảng 1 triệu tấn/năm và 60 - 70% số đó phải nhập khẩu.

Để giảm bớt áp lực lên chi phí sản xuất của nông dân, một doanh nghiệp đã đề nghị Thủ tướng và Bộ Công thương tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu. Trước đó, từ tháng 3.2018, Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với phân bón DAP và MAP, mức thuế trên 1 triệu đồng/tấn, như một cách bảo vệ các nhà máy sản xuất DAP trong nước, chủ yếu là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai.

Ai cũng hiểu giá nhập khẩu DAP đã cao, cộng thêm thuế tự vệ nữa thì cuối cùng gánh nặng chi phí gia tăng đều đổ lên vai nông dân, vốn là người sử dụng cuối cùng. Doanh nghiệp kinh doanh không chịu ảnh hưởng mấy vì họ mua cao sẽ bán giá cao, còn doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước được đặt trước “cơ hội” tăng giá bán một cách "hợp lý".

Có thể việc áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu xuất phát từ yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước và được đưa ra sau một quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam; có thể biến động giá DAP gần đây chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao... đúng như Bộ Công thương khẳng định. Tuy nhiên, ở góc độ khác, quyết định này ảnh hưởng xấu đến thu nhập của hàng triệu hộ nông dân, bởi dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn phân bón mà phải nhập khẩu.

Tháng 3.2021 là thời hạn rà soát để xem xét việc gia hạn thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu DAP và MAP. Đây là lúc Bộ Công thương phải phối hợp với Bộ NN - PTNT và các đơn vị liên quan để đánh giá một cách khách quan, tổng thể, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng khách quan nhất và có lợi cho nông dân cũng như toàn xã hội.

Dù pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm thì với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương hoàn toàn có thể đề xuất ban hành để nâng cao hiệu quả điều hành. Trường hợp vẫn muốn giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, Bộ có thể tính đến các giải pháp khác không xung đột lợi ích với nông dân.

* Daibieunhandan.vn (08/3): Tránh lặp lại sai sót 

Sau khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6, bản mẫu SGK định dạng PDF đã được các nhà xuất bản đưa lên website và giáo viên đã được cấp tài khoản để nghiên cứu, tìm hiểu, góp ý. Điều khiến cả xã hội quan tâm lúc này là làm sao để lựa chọn được bộ sách SGK chất lượng nhất, có tính ổn định, tránh đi vào vết xe đổ như nhiều bộ SGK lớp 1.

Các SGK được phê duyệt của 4 đơn vị xuất bản, gồm: NXB Giáo dục Việt Nam (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo); NXB Đại học Sư phạm (thuộc Trường Đại học sư phạm Hà Nội) và NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (bộ sách Cánh Diều); NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (SGK tiếng Anh). Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế, với trên 40 đầu sách. Nếu như đối với lớp 1, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ SGK thì ở lớp 2 và lớp 6, để tập trung nguồn lực, đơn vị này đã hợp nhất thành 2 bộ SGK trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng sự tương đồng của chúng.

Rút kinh nghiệm từ SGK lớp 1, đối với SGK lớp 2 và lớp 6, Bộ GD - ĐT đã kiểm soát chặt việc thực nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi với các bản mẫu trước khi ban hành. Bộ GD - ĐT cũng đã yêu cầu các đơn vị của Bộ bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, Nhân dân trước khi in bản chính thức.

Bộ GD - ĐT cũng đã thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định SGK, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các hội đồng, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng trong việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6. Cùng với đó, mở thêm kênh phản biện độc lập với hội đồng thẩm định, các ý kiến góp ý được Bộ chỉ đạo rà soát và cung cấp để hội đồng thẩm định nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời thảo luận với tác giả, nhà xuất bản về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, Bộ GD - ĐT phải sửa quy trình biên soạn và thẩm định SGK theo hướng buộc các tác giả và NXB phải tăng số lần thực nghiệm bản mẫu SGK mới lên ít nhất 3 lần. Đồng thời, việc dạy thực nghiệm phải được thực hiện trên nhiều loại trường bao gồm các trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt, trường có điều kiện cơ sở vật chất kém, trường ở vùng đô thị và trường ở vùng nông thôn, miền núi.

Thực nghiệm SGK mới càng lâu, diện càng rộng thì càng tốt, giúp giáo viên phát hiện ra lỗi sai, những điểm không phù hợp trong sách, tạo cơ hội có được bộ sách chất lượng tốt. Tháng 9.2020 đã thẩm định xong vòng 1 sách lớp 2 và lớp 6, vì vậy nên triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi ít nhất được 8 tháng, cho tới tháng 5.2021, trước khi in và ban hành chính thức cho năm học 2021 - 2022. Với cách làm “gối vụ” như thế này thì tất cả sách trước khi ban hành dạy đại trà đều được thực nghiệm một cách có bài bản.

Đặc biệt, những người biên soạn sách và hội đồng thẩm định cần thống nhất quan niệm chung về cách giáo dục ở từng bậc học, nhất là với học sinh tiểu học. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với lứa tuổi tiểu học, việc giáo dục phải lấy nêu gương tốt làm cốt yếu. Cho các em tiếp xúc và làm quen với những hiện tượng phức tạp, với cái ác, cái xấu sẽ được tính toán và thực hiện từng bước trong những bậc học cao hơn khi tâm sinh lý của trẻ đã phát triển đến trình độ nhất định. Việc lựa chọn bài học, từ ngữ chưa hợp lý sẽ gây ra phản ứng buộc các NXB phải thay đổi qua từng năm học, gây xáo trộn, lãng phí, vì không sử dụng được sách cũ. 

Khi biên soạn SGK lớp 2 và lớp 6, những người có trách nhiệm cần lắng nghe phản biện và có thái độ cầu thị để điều chỉnh cho hợp lý. Các ý kiến đóng góp đều vì mục đích cuối cùng là có được những cuốn SGK tốt nhất tới tay học sinh.

Điều quan trọng nhất mà xã hội quan tâm, đó là việc lựa chọn SGK làm sao bảo đảm công bằng, minh bạch. Chúng ta tạo điều kiện xã hội hóa SGK nhưng phải giám sát chặt chẽ từ việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, lựa chọn tới in ấn, cung ứng, giá thành, không để xảy ra sai sót như SGK lớp 1.

* Thanhnien.vn (07/3): Đối đầu với “ông lớn”

Những quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính được đánh giá là khả thi để kiểm soát thuế với các “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, Google...

 Theo đó, nếu trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài như Google, Facebook, Amazon… không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì bên mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài sẽ kê khai nộp thuế thay cho họ và được tính vào chi phí khi kê khai thuế thu nhập.

 Chuyện quản lý thuế với các dịch vụ xuyên biên giới đã nói nhiều năm nay nhưng nhà thuế nhìn chung vẫn còn hết sức lúng túng. Trong khi các “ông lớn” này đang thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Điều này cũng có thể hiểu được.

 Chẳng riêng gì chúng ta, nhiều nước trên thế giới cũng đau đầu với các chiêu lách thuế của các "ông lớn" mạng xã hội. Không chỉ thuế, việc "xài chùa” tin tức báo chí không trả phí của các "ông lớn" này cũng đã khiến chính phủ nhiều nước lên tiếng và đỉnh điểm câu chuyện xảy ra ở Úc. Facebook đã bị chỉ trích dữ dội sau khi xóa bỏ các trang tin tức của các cơ quan báo chí, truyền thông Úc; chặn người dùng chia sẻ tin tức trên trang cá nhân; nhằm phản ứng với dự luật của nước này yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các nhà xuất bản và cơ quan báo chí. Tất nhiên rất nhanh sau đó, 2 bên đã đạt được thỏa thuận và Facebook cũng cam kết sẽ đầu tư ít nhất 1 tỉ USD hỗ trợ báo chí trong 3 năm tới.

 Việt Nam đang là 1 trong 10 quốc gia có lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất, Facebook cũng là một kênh quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam, thế nên không chỉ kiểm soát thuế, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng nên tính đến chuyện yêu cầu các "ông lớn" này trả tiền cho báo chí, như Úc và một số nước đang làm.

 Việc này khó không? Quá khó. Nhưng không phải là không làm được. Là một doanh nghiệp, Facebook hay Google hay bất cứ bigtech nào cũng phải cân nhắc lợi ích giữa việc chia sẻ hay "cắt" thẳng tay với báo chí.

 Trở lại việc thu thuế Facebook, Google... cũng phải nói thêm là, mấy năm trở lại đây, bằng sự nỗ lực của ngành thuế, số thu từ các dịch vụ xuyên biên giới đã tăng đáng kể. Nhưng so với thực tế, xu hướng tăng trưởng trong tương lai thì vẫn còn rất khiêm tốn. Quan trọng hơn, kiểm soát chặt thuế của các “ông lớn” Facebook, Google… không chỉ tránh thất thu, nó còn nhằm tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này có cơ hội sống sót. Đối đầu với "người khổng lồ" đã quá khó. Đối đầu với "người khổng lồ" không thuế phí thì chẳng khác nào trứng chọi với đá, không đơn vị nào sống nổi. Họa may là đi vào các thị trường "ngách" mà mấy "ông lớn" này chưa nhòm ngó đến mà thôi. 

Giải pháp đã có, điều quan trọng hơn là sự quyết tâm của tất cả những cơ quan ban ngành có liên quan. Phải coi đây là nhiệm vụ và chiến lược quốc gia chứ không phải chỉ riêng ngành thuế. Đối đầu với các “ông lớn”, cần một quyết tâm khổng lồ và cả sự liên kết tầm quốc tế thì mới hy vọng thành công. 

* Daibieunhandan.vn (07/3): "Cơn khát" sân bay

Cơn khát sân bay không phải bây giờ mới hiển hiện. Từ 10 năm trước nó đã manh nha, rồi lắng xuống và giờ đây lại bùng lên khi Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. 

Việc lấy ý kiến, góp ý của các tỉnh, thành phố vào dự thảo quy hoạch kéo dài 2 tháng nữa, dự kiến kết thúc vào tháng 5 tới. Đáng chú ý, trong số hơn 20 địa phương đã gửi ý kiến đóng góp thì có đến 10 địa phương hoặc muốn xây sân bay mới hoặc muốn nâng hạng từ nội địa lên quốc tế. Con số chắc chắn chưa dừng lại ở đây nếu Bộ Giao thông Vận tải nhận đủ các ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành phố.

 “Khởi xướng” cuộc đua đề xuất bổ sung vào quy hoạch các sân bay mới là Hà Nội với mong muốn có sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa. Kế đó, Ninh Bình - dù chỉ cách sân bay Nội Bài (Hà Nội) vỏn vẹn 120km, cách sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vài chục kilomet, lại có đường cao tốc nối với Thủ đô - cũng đề xuất xây sân bay tại huyện Yên Khánh để phát triển du lịch và công nghiệp.

 Nối tiếp làn sóng này, Bắc Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép chuyển sân bay Kép vốn là sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, mà mục đích sử dụng dân sự là chủ yếu để phục vụ phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Rồi đến lượt Lai Châu, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Giang, Bình Phước... mỗi địa phương một lý do và thoạt nghe thì lý do nào cũng đầy xác đáng.

 Cơn khát sân bay không phải là điều khó hiểu. Thông thường, có cảng hàng không, địa phương sẽ có lợi thế trong phát triển du lịch, kết nối giao thương và kêu gọi đầu tư. Ngay cả khi sân bay mới chỉ được vào quy hoạch, còn thời điểm xây dựng vẫn “xa tít mù khơi”, thì cũng đã tạo ra một số giá trị tích cực cho địa phương như thúc đẩy kinh tế - xã hội, đi kèm với đó tất nhiên có cả mặt tiêu cực như tạo thông tin ảo, đẩy giá đất...

 Tuy nhiên, những lợi thế kể trên chỉ là lý thuyết màu xám nếu một dự án xây dựng sân bay không khả thi về hiệu quả kinh tế. Thực tế hiện nay, cả nước có 6/23 sân bay kinh doanh có lãi (hoặc mới bắt đầu có lãi). Còn lại 17 sân bay bị thua lỗ và phải lấy lợi nhuận các cảng có lãi bù qua. Trong khi đó, nhu cầu vận tải là yếu tố quyết định đến việc một cảng hàng không được xem xét đưa vào quy hoạch hoặc nâng cấp thành cảng quốc tế, đặc biệt là khả năng hoàn vốn của cảng hàng không. Hơn nữa, một địa phương muốn phát triển mạnh thì sân bay mới chỉ là một điều kiện cần, điều kiện đủ là phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.  

Những địa phương muốn bổ sung vào quy hoạch sân bay của mình chắc chắc biết tất cả những vấn đề đó nhưng vẫn đề xuất. Chuyện này cũng không thành vấn đề. Đề xuất là việc của địa phương, lựa chọn như thế nào để tham mưu cho người đứng đầu Chính phủ đưa ra quyết định chính là Bộ Giao thông Vận tải. Mong muốn của địa phương nếu không hợp lý thì phải kiên quyết từ chối, như vậy mới tránh được đầu tư theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

QUẢN LÝ

* Laodong.vn (08/3): Tăng cường thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tiêu cực, tham nhũng

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 124/TTCP-KHTH ngày 15.1.2021 về việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dự luận về tiêu cực, tham nhũng. Trong đó có các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước...

Đặc biệt, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng không ngừng được cải thiện ở địa phương, giảm dần số địa phương không có án tham nhũng khởi tổ mới, bước đầu khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Đã phối hợp xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp, qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

* Vtv.vn (07/3): Bộ Công an đề xuất đăng ký thường trú, tạm trú qua mạng

 Bộ Công an đã đề xuất thêm một hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú là đăng ký qua cổng dịch vụ công.

Bộ Công an vừa hoàn thành bốn dự thảo Thông tư liên quan lĩnh vực cư trú để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong số này có dự thảo thông tư quy định về quy trình đăng ký cư trú.

Dự thảo Thông tư quy định về quy trình đăng ký cư trú gồm đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú; Xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; Hủy bỏ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; tách hộ; Xác nhận thông tin về cư trú; Khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú; Tiếp nhận thông báo lưu trú, tiếp nhận khai báo tạm vắng.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo thông tư là ngoài hình thức tiếp nhận đăng ký cư trú trực tiếp như trước kia, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú từ cổng dịch vụ công.

* Vtv.vn (07/3): Hà Nội chốt sách giáo khoa lớp 2 và 6 vào đầu tháng 4

Thông tin này được Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đưa ra trong hội nghị trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa lớp 2 của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với việc khẩn trương chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, việc lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy trong các nhà trường là khâu rất quan trọng.

Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp các nhà xuất bản, tổ chức hội nghị giới thiệu các bộ sách giáo khoa lớp 6 vào ngày 13/3 tới. Khoảng đầu tháng 4, thành phố Hà Nội sẽ ban hành quyết định lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh cần sớm khởi động biên soạn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10. Do khối lượng công việc bộn bề, vì vậy, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước rất quan trọng để quản lý, giám sát mọi khâu, tránh xảy ra những sai sót không đáng có, đảm bảo chất lượng sách giáo khoa tốt nhất.

* Vtv.vn (07/3): Hoàn thành chạy thử robot đào hầm đầu tiên của tuyến Nhổn - ga Hà Nội

Ngay sau khi hai chiếc máy đào hầm TBM hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư, dự án sẽ dùng 2 máy này thi công đào song song 4km đường hầm.

Sau khi máy đào hầm TBM thứ hai hoàn thành kiểm tra chạy thử và được bàn giao cho chủ đầu tư, dự án sẽ dùng hai máy TBM thi công đào song song 4km đường hầm, bắt đầu từ ga ngầm S9 (Kim Mã) tới ga S12 (ga Hà Nội) ở cuối đường Trần Hưng Đạo. Trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m, khi đào đến đâu vỏ nắp hầm sẽ được đưa vào để ổn định kết cấu nắp hầm đến đó.

Bộ đôi robot TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.

Máy TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong thân máy.

* Vtv.vn (07/3): Đề xuất mở rộng vùng phục vụ của 2 tuyến bus năng lượng sạch tại Hà Nội

Sở GTVT Hà Nội đề xuất kết nối, mở rộng vùng dịch vụ đối với 2 tuyến bus sử dụng nhiên liệu sạch, đồng thời điều chỉnh dịch vụ xe bus để phục vụ người dân.

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất thành phố phương án kết nối, mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ xe bus đối với các tuyến bus CNG04, CNG07 sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG).

Theo đó, tuyến bus CNG04 Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long sẽ điều chỉnh lộ trình nhằm tiếp cận đến trung tâm xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) và điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt với 106 lượt xe/ngày (tăng 20 lượt xe/ngày). Giá vé 9.000 đồng/lượt/hành khách.

Tuyến bus CNG07 Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức cũng sẽ điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt với 96 lượt xe/ngày (tăng 12 lượt xe/ngày). Giá vé 9.000 đồng/lượt/hành khách.

* Vtv.vn (07/3): Cục CSGT: “Sẽ giảm tối đa CSGT đứng trên đường, giảm đối mặt với người vi phạm”

Cục CSGT cho biết, sau khi lắp đặt camera giám sát toàn quốc sẽ giảm tối đa CSGT đứng trên đường, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa CSGT với người vi phạm để khó có chuyện xin cho hoặc bỏ qua vi phạm vì chứng cứ được lưu hệ thống.

 Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” đã được thủ tướng phê duyệt đầu tháng 2. Khi hệ thống dữ liệu camera trên toàn quốc hoàn thiện, sẽ giảm tối đa CSGT trên đường, CSGT cũng có thể ra quyết định xử phạt điện tử.

 Theo ông Bình, sau khi được phê duyệt, Cục CSGT đã họp và đề xuất Bộ Công an thành lập ban chỉ đạo chuyên trách thực hiện đề án này, hoạch định chi tiết các công việc. Khi bắt đầu thực hiện, ban chỉ đạo sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả của hệ thống camera đã có, lên phương án kết nối hệ thống dữ liệu camera trung tâm của Cục trên phạm vi toàn quốc với hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia; kết nối hệ thống giám sát của ngành giao thông đang xây dựng để phục vụ CSGT trong quá trình xử lý vi phạm.

 Bên cạnh đó, khi hệ thống camera kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc xử phạt vi phạm sẽ được cải tiến. Ông Bình giải thích, hiện nay lực lượng chức năng phải lập biên bản giấy, 7 ngày sau mới ra quyết định xử phạt, người vi phạm trực tiếp lên nộp phạt và bị tước bằng lái. Sắp tới, CSGT chỉ cần đánh số căn cước công dân của người vi phạm rồi ra quyết định xử lý vi phạm điện tử, sử dụng chữ ký số để hoàn thiện việc xử phạt trên mạng.

Khi hệ thống camera được tích hợp trên toàn quốc, Cục CSGT sẽ xây dựng một app điện thoại để nhận thông tin, hình ảnh của người dân cung cấp. Qua đó các tiêu cực nếu có sẽ được xác minh, xử lý căn cứ trên phản ánh của người dân.

* Phapluattphcm.vn (06/3): Đồng Tháp: Tiến độ cấp căn cước công dân chậm so với kế hoạch

Ngày 5-3, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tiến độ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) còn chậm và chỉ tiêu đến đầu tháng 7-2021 sẽ cấp 800.000 thẻ CCCD khó có thể hoàn thành.

 Cụ thể, tại buổi làm việc mới đây với Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Công an tỉnh cho hay đến ngày 1-3, tổng số 13 đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu nhận được 10.554 hồ sơ cấp CCCD. Trong đó, Phòng PC06 Công an tỉnh thu nhận 5.075 hồ sơ, Công an các huyện thu 5.479 hồ sơ.

 Công an tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh xây dựng Kế hoạch đăng ký và bổ sung thông tin hộ tịch của công dân để phục vụ cho công tác cấp, quản lý CCCD. Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng nhưng đến nay chỉ mới giải quyết được 85.667 trường hợp thiếu ngày, tháng sinh.

* Vietnamnet.vn (08/3): Chỉ cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM với ông Lê Thanh Hải là chưa "quyết liệt"

Cử tri tỉnh Long An băn khoăn, ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM là "chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt". 

Thanh tra Chính phủ mới đây có văn bản gửi các địa phương về việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14. 

Theo đó, cử tri tỉnh Long An gửi kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện thời gian vừa qua.

Cử tri tỉnh này cho rằng, việc phòng, chống tham nhũng góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, cử tri Long An cho rằng, vẫn còn một số vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ cấp cao chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt.

* Vietnamnet.vn (08/3): TP.HCM: Vũ trường, bar, karaoke tiếp tục đóng cửa, loại hình dịch vụ khác hoạt động bình thường

Kể từ ngày (9/3), các loại hình kinh doanh dịch vụ tại TP.HCM được phép trở lại hoạt động bình thường, riêng vũ trường, quán bar, karaoke vẫn tiếp tục đóng cửa.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký ban hành quyết định về việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo đó, những lĩnh vực tiếp tục dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới là vũ trường, quán bar và karaoke.

Các loại hình kinh doanh dịch vụ khác khác được phép hoạt động trở lại kể từ ngày mai (9/3), nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế, nhất là tuân thủ nguyên tắc 5K.

Ngoài ra, UBND TP yêu cầu thủ trưởng TP Thủ Đức và các quận, huyện không được chủ quan, coi thường dịch bệnh, tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Bắt buộc mọi người đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc...

* Cafef.vn (08/3): 6 người mắc "bệnh lạ" ở Kon Tum, 3 người đã tử vong

Sau khi ăn tiệc, 6 người trong 1 mâm cỗ ở Kon Tum đã mắc "bệnh lạ" với các triệu chứng như sốt, nôn ói, đau bụng. Đến nay, 3 người đã tử vong, 2 người đang tiếp tục được chữa trị.

Ngày 8-3, Sở Y tế Kon Tum đã có kết quả điều tra, giám sát các trường hợp tử vong do "bệnh lạ" tại thôn Kon Kum, xã Măng Cành, huyện Kon Plông.

Trước đó, người dân thôn Kon Kum tổ chức ăn "tết chuồng trâu". Sau khi ăn xong, 6 người ngồi cùng mâm cỗ có biểu hiện bị sốt, nôn ói, đau bụng...

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Kon Tum phối hợp với BVĐK tỉnh Kon Tum điều tra dịch tễ và lấy mẫu dịch họng, dịch não tủy đối với bệnh nhân A.V và A.D, gửi mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm và kết quả đều âm tính lần 1 với SAR-CoV-2.

* Daibieunhandan.vn (09/3): Hải Phòng gỡ bỏ phong tỏa tại hai điểm cách ly cuối cùng 

Sau thời gian thực hiện phong tỏa, cách ly do có tiếp xúc với hai bệnh nhân nhiễm virus Sar-Cov-2 vừa qua, 0h ngày hôm nay 9.3, Hải Phòng đã gỡ bỏ đối với hai địa điểm cuối cùng là xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên và lô 112 Công nhân Dư Hàng, phố chợ Cột Đèn, đường Dư Hàng, phường Dư Hàng, quận Lê Chân.

Trước đó, ngày 21.2.2021, thực hiện việc xét nghiệm diện rộng cho nhân viên y tế, tại Bệnh viện Đại học Y Dược Hải Phòng đã phát hiện 1 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 của bệnh nhân số 2385 tên Đ.T.P (nữ, sinh năm 1995, địa chỉ xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), là điều dưỡng viên, làm nhiệm vụ tiếp đón, phân luồng bệnh nhân đến khám thuộc Bệnh viện Giao thông Vận tải. Sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng đã phát hiện thêm 1 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 của bệnh nhân số 2391 N.V.Q (nam, sinh năm 1993, địa chỉ số 1/112 khu Công nhân phường Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng), làm điều dưỡng Khoa Ngoại thuộc Bệnh viện Giao thông Vận tải và là bạn trai của bệnh nhân 2385.

Thực hiện quyết định dỡ bỏ cách ly, đúng 0h, bà con nhân dân xóm phố Lô 112 Công nhân Dư Hàng, phố chợ Cột Đèn, đường Dư Hàng, phường Dư Hàng, quận Lê Chân cùng đại diện lãnh đạo quận Lê Chân cùng các lực lượng chức năng đã làm lễ, tuyên bố dỡ bỏ lệnh cách ly phong tỏa khu vực.

Cùng dỡ bỏ lệnh phong toả là xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, nơi gia đình của bệnh nhân nữ Đ.T.P (sinh năm 1995) sinh sống.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 8.3, 2 nhân viên của bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng mắc Covid-19 là N.V.Q và Đ.T.P có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hiện đang được điều trị tích cực; 2.557 mẫu F1 tại các khu dân cư thôn 4, xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên) và khu Công nhân phường Dư Hàng (quận Lê Chân) có liên quan đều có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính. Vì thế, thành phố đã quyết định dỡ bỏ nốt 2 địa điểm cuối cùng. Trước đó, chiều ngày 8.3, thành phố quyết định dỡ bỏ phong toả địa điểm gồm Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng. Đây là nơi hai bệnh nhân N.V.Q và Đ.T.P đã làm việc.

* Vtv.vn (09/3): Hà Nội tập trung xử lý 18 "điểm đen" tai nạn giao thông trong năm 2021

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2021.

Trong các "điểm đen" về tai nạn giao thông này, có tới 3 điểm nằm trên quốc lộ 1A. Những điểm này đã tồn tại từ năm 2019 chuyển tiếp sang năm 2021 (gồm các điểm tại Km199+855 đến Km200+50; Km196+625 đến Km196+750; Km202+138 đến Km202+490) đang triển khai bước lập thiết kế bản vẽ thi công và sẽ triển khai thi công trong năm 2021.

Trong 6 "điểm đen" chuyển tiếp từ năm 2020 sang 2021, có 4 điểm thuộc dự án của các quận, huyện đang triển khai thi công, gồm: đường Ngọc Hồi đoạn từ Km13+400 đến Km13+500 và quốc lộ 1A đoạn từ Km190+400 đến Km190+763 (thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín) và Km189+400 (thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín); tỉnh lộ 427 từ Km1+300 đến Km1+740 (thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công.

* Vnexpress.net (09/3): Cầu xây xong không có đường dẫn

Cầu Bình Đào, huyện Thăng Bình, được đầu tư hơn 43 tỷ đồng, hoàn thành sau 8 tháng, nhưng thiếu đường dẫn nên chưa thể lưu thông.

Cầu Bình Đào do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án 6 là đơn vị quản lý. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Tổ chức JICA và nguồn vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam. Cầu xây dựng để thay thế cho cầu cũ làm bằng sắt cách đó 100 m.

Cầu được khởi công cuối tháng 9/2019 trên quốc lộ 14E, bắc qua sông Trường Giang, nối xã Bình Đào với Bình Triều. Cầu gồm bốn nhịp, rộng 9 m, tổng chiều dài 713 m, trong đó phần cầu 185 m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, tốc độ 60 km/h.

Tháng 6/2020, cầu hoàn thành, phía xã Bình Triều được kết nối nhưng phần đường dẫn hướng về xã Bình Đào vẫn chưa được thi công do vướng mặt bằng.

Phần đường dẫn đi qua năm hộ dân xã Bình Đào, trong đó ba hộ tái định cư ngay trên phần đất còn lại đã đồng ý phương án bồi thường, hai hộ phải di dời chưa đồng ý.

Một cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình cho biết các hộ có đề xuất hỗ trợ ngoài thẩm quyền nên đã báo cáo tỉnh. Sắp tới, Trung tâm sẽ làm việc với UBND tỉnh bàn phương án, trong đó đề xuất xin cơ chế riêng của cho hai hộ dân này.

* Daibieunhandan.vn (09/3): Quảng Ngãi và Đà Nẵng thống nhất mở tuyến đường thủy Đà Nẵng- Lý Sơn 

Ngày 22.2.2021, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cho ý kiến việc mở tuyến vận tải hành khách đường thủy Đà Nẵng- đảo Lý Sơn. Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo cho rằng, quyết định này chưa phù hợp nên đề nghị UBND tỉnh không thống nhất với đề xuất mở tuyến.

Lý do đơn vị này đưa ra là năng lực vận tải đường thủy của tỉnh Quảng Ngãi luôn vượt xa so với nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Tỉnh Quảng Ngãi xác định lấy Lý Sơn làm hạt nhân để thu hút khách du lịch đến địa bàn tỉnh. Vì vậy, nếu chấp thuận mở tuyến vận tải khách đường thủy Đà Nẵng- Lý Sơn sẽ phá vỡ định hướng phát triển vận tải đường thủy và các quy hoạch, đề án, chương trình, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Phapluattphcm (07/3): “Bình Phước đang là điểm sáng về cải cách, phát triển”

Ngày 5-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Phước về công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

 Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và đoàn công tác đã đến thăm, tìm hiểu mô hình hoạt động tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của TP Đồng Xoài; Trung tâm dịch vụ hành chính công và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Bình Phước.

 Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết năm 2020, Bình Phước thực hiện rất tốt mục tiêu kép mà Chính phủ, Thủ tướng đưa ra với nhiều điểm sáng. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp nhưng kết quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đạt cao so với các địa phương khác và kế hoạch đề ra.

 Bình Phước cũng là một trong 14 tỉnh không có ca mắc bệnh COVID-19…; cùng với nhiều kết quả nổi bật khác đã đóng góp vào kết quả chung, qua đó hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm năm 2016-2020 tỉnh đề ra. “Có thể nói Bình Phước đang trỗi dậy” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 

 Năm 2020, chỉ trong hai tháng, tỉnh đã đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đạt trên 87% tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Phước đã hoàn thành 100% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử. 

Bình Phước cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh từ tháng 9-2020, với 10 chức năng giám sát, phục vụ điều hành như dịch vụ hành chính công, an toàn giao thông, an ninh trật tự, tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân… Ở cấp huyện, IOC Đồng Xoài đi vào hoạt động từ tháng 5-2020 và IOC Phước Long, Bình Long đang được triển khai thêm.

 Tính chung, chỉ số cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đứng thứ ba, đấu thầu qua mạng đứng thứ ba so với cả nước. “Điều này giúp ích rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây cũng là dư địa lớn để tỉnh tiếp tục tăng trưởng, phát triển” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói. 

* Baodansinh.vn (07/3): Quảng Nam quản lý công chức, viên chức bằng phần mềm

Trong hai ngày 4 và 5/3, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai đào tạo, tập huấn phần mềm quản lý cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn tỉnh.

 Được biết, phần mềm nêu trên nằm trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt từ tháng 12/2020 theo đề án "Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2020".

 Phần mềm sẽ giúp cán bộ tổ chức ở các đơn vị theo dõi quá trình biến đổi thông tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình công tác từ khi bắt đầu vào cơ quan cho đến nghỉ hưu; quá trình khen thưởng, kỷ luật; quản lý công tác cải cách hành chính.

 Phần mềm quản lý công chức, viên chức Quảng Nam sẽ đáp ứng theo các tiêu chuẩn được quy định của Bộ Nội vụ về chế độ báo cáo, thống kê và quản lý hồ sơ công chức; đồng thời tích hợp được với nền tảng dùng chung của tỉnh (LGSP) và có sẵn các dịch vụ để kết nối với phần mềm quản lý cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ.

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Vtv.vn (08/3): Xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong vụ Ethanol Phú Thọ

Ngày 8/3, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 10 bị cáo khác sẽ hầu tòa trong vụ án Ethanol Phú Thọ.

Theo kế hoạch, ngày 8/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ - viết tắt là Dự án Ethanol.

Hội đồng xét xử gồm 5 người với 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Vũ Quang Huy là chủ tọa phiên tòa.

Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội: "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015).

Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015).

10 bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015).

Có tổng số 31 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 12 bị cáo, trong đó, bị cáo Đinh La Thăng có 3 luật sư bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có 4 luật sư bào chữa.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.

* Laodong.vn (08/3): Đã tiến hành kỷ luật 21 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương, 22 tướng công an, quân đội

Theo Thanh tra Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Uỷ viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Kiến nghị tiếp tục quyết liệt, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Trước kỳ họp, tại văn bản số 124/TTCP-KHTH do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái ký ngày 15.1.2021, TTCP đã có phúc đáp các kiến nghị của cử tri các địa phương được gửi tới trước kỳ họp 10, Quốc hội khóa 14.

Theo đó, nhiều ý kiến kiến nghị về tiếp tục tăng cường, quyết liệt, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ tham nhũng, tiêu cực.

Đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỉ đồng và hơn 897 ha đất

Theo TTCP, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 ủy viên trung ương Đảng, nguyên ủy viên trung ương Đảng (2 ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

* Phapluattphcm (07/3): Bộ Quốc phòng đề nghị truy tố 1 Thượng tá và 1 Đại uý

Cơ quanđiều tra hình sự Bộ Quốc phòng vừa kết thúc điều tra và căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được đề nghị VKS quân sự trung ương truy tố 7 bị can về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 224 Bộ luật hình sự.

 Đây là vi phạm xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên quan đến phần thi công gói thầu số 2, số 6

 Do vụ án liên quan đến thượng tá Hiệp và đại uý Hòa là quân nhân thuộc Bộ quốc phòng nên ngày 24-11-2020, cơ quan điều tra Bộ Công an đã tách vụ án liên quan đến phần thi công gói thầu số 2, số 6 chuyển qua  cơ quan điều tra hình sự Bộ quốc phòng điều tra theo thẩm quyền.

* Tienphong.vn (07/3): Đội trưởng chống buôn lậu Hải quan bị bắt liên quan vụ làm giả hơn 200 triệu lít xăng

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Thụy (57 tuổi) - cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan để điều tra hành vi nhận hối lộ.

 Cũng theo nguồn tin, ông Ngô Văn Thụy (57 tuổi) - Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền nam, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bị bắt từ giữa tháng 2/2021. Các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

 Sau khi các quyết định được phê chuẩn, cơ quan điều tra đã khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Thụy ở TP Hồ Chí Minh và thu giữ một số giấy tờ tài liệu liên quan.

 Ông Thụy bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến nhận tiền hối lộ của một số nghi can bị bắt trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả quy mô lớn do Phan Thanh Hữu cầm đầu.

 Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam tổng cộng 39 bị can để điều tra về các tội: buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ, nhận hối lộ, đưa hối lộ. Hiện, vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

* Tienphong.vn (07/3): Tổng cục Hải quan lên tiếng vụ Đội trưởng chống buôn lậu khu vực miền Nam bị bắt

Liên quan đến việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ ông Ngô Văn Thụy , Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa có thông tin chính thức.

 Cụ thể, trong thông báo phát đi ngày 6/3, Tổng cục Hải quan cho biết trên quan điểm xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm (nếu có), ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Ngô Văn Thụy để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an.

 Đồng thời, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và cá nhân có liên quan chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, hồ sơ tới cơ quan cảnh sát điều tra.

* Cafef.vn (08/3): Quảng Ngãi: Giám đốc Sở Ngoại vụ không nằm trong danh sách biên chế gần 2 tháng

Sau khi được bổ nhiệm từ Bí thư huyện ủy Lý Sơn sang làm Giám đốc Sở Ngoại vụ, ông Nguyễn Viết Vy phải nằm ngoài danh sách biên chế công chức của chính sở này suốt gần 2 tháng qua.

Được biết, ngày 13/1/2021, cùng với một số trường hợp khác, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức công bố, trao quyết định điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Vy về làm Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi. Thời hạn quyết định này là 5 năm, kể từ ngày 15/1/2021 đến ngày 15/1/2026.

Tuy nhiên, vào thời điểm được bổ nhiệm do số lượng biên chế công chức theo quy định đã đủ (15 biên chế), nên khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Ngoại vụ, ông Nguyễn Viết Vy phải nằm ngoài biên chế công chức của chính sở này suốt gần 2 tháng qua.

Sáng 8/3, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã ban hành quyết định (số 116/QĐ-UBND, ngày 5/3/2021), bổ sung thêm 1 biên chế cho Sở Ngoại vụ. Như vậy sau một thời gian gần 2 tháng nằm ngoài biên chế của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Viết Vy đã chính thức có tên trong danh sách biên chế công chức của sở này.

* Cafef.vn (08/3): Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc hưởng lợi 3 tỷ đồng khi dùng tiền dự án mua đất Tam Đảo

Đại diện VKSND xác định, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo, bàn bạc để sử dụng tiền tạm ứng của dự án Ethanol Phú Thọ để mua đất Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trái với quy định của pháp luật, qua đó hưởng lợi 3 tỷ đồng.

Ngày 8/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ Ethanol Phú Thọ. Đây là dự án được đầu tư với tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Tuy nhiên, các bị cáo đã phối hợp để chỉ định nhà thầu là Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện dự án. Dẫn đến dự án bị ngừng thi công từ năm 2013, không thể đi vào hoạt động. Các bị cáo được xác định gây thiệt hại 543 tỷ đồng.

Hành vi này gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng. Để hợp thức hóa, năm 2014 bị can Trịnh Xuân Thanh thành lập công ty Mai Phương, yêu cầu Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng khu đất trên cho công ty Mai Phương với giá hơn 20 tỷ đồng, để bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên. VKSND xác định Trịnh Xuân Thanh đã hưởng lợi 3 tỷ đồng trong vụ việc này.

* Cafef.vn (07/3): Sai phạm tại Sở Y tế Đắk Lắk: Cần làm rõ những con số chênh lệch

Nhiều mặt hàng thuốc được Sở Y tế Đắk Lắk phê duyệt trúng thầu sai hàm lượng, nồng độ, nhóm. Công an đã đề nghị lập hội đồng định giá tài sản đối với 7 mặt hàng sai nhóm để có căn cứ xác định hậu quả, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Sở Tài chính Đắk Lắk cho rằng, chênh lệch chỉ 70 triệu đồng, nhưng đơn vị trúng thầu đã trả lại hơn 2,8 tỷ đồng cho Nhà nước.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã trưng cầu Bộ Y tế giám định việc xếp nhóm trúng thầu đối với 40 mặt hàng, trong đó có 29 mặt hàng của nhà thầu Liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco với tổng giá trị thanh toán hơn 22 tỷ đồng và 11 mặt hàng thuốc trúng thầu của Liên danh Tata-Vạn Hưng với số tiền hơn 11,9 tỷ đồng.

Về vấn đề này, chiều 5/3, lãnh đạo Phòng Quản lý giá và công sản - Sở Tài chính Đắk Lắk nói rằng, không biết Sở Y tế và Cty Hoàng Vũ nộp hơn 2,8 tỷ đồng tiền chênh lệch trên; còn việc định giá thiệt hại 70 triệu đồng đối với 7 mặt hàng thuốc đều có căn cứ. “Giải thích việc nộp lại hơn 2,8 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Đắk Lắk. Chúng tôi đã căn cứ vào giá thuốc tại thị trường lúc đó (cao) và giá thuốc do Bảo hiểm Y tế Việt Nam cung cấp và quy định của Bộ Y tế để làm cơ sở giám định thiệt hại này”, vị này nói.

THẾ GIỚI

* Thanhnien.vn (08/3): Lãnh đạo ‘bộ tứ kim cương’ sắp họp lần đầu, bàn cách đối phó Trung Quốc

Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của "bộ tứ kim cương" dự kiến diễn ra vào ngày 12.3 hoặc cuối tuần.

Hãng Reuters ngày 8.3 dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay lãnh đạo các nước thuộc “bộ tứ kim cương” dự kiến sẽ có cuộc họp đầu tiên trong tuần này.

Theo đó, “bộ tứ kim cương” đang cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên và theo hình thức trực tuyến vào ngày 12.3 hoặc vào cuối tuần.

Bộ tứ này, còn gọi là Đối thoại An ninh 4 bên (Quad), gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc. Cuộc họp sẽ diễn ra chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Nhật và Hàn Quốc.

Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của 2 quan chức đến các nước đồng minh ở châu Á, kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1.

 

* Vtv.vn (09/3): Thái Lan rút ngắn thời gian cách ly với du khách đã tiêm vaccine

Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc từ 14 ngày xuống còn 7 ngày đối với khách nước ngoài đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Quy định cách ly này sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 4 tới. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Thái Lan Charnvirankul, việc tiêm ngừa phải được thực hiện trong vòng ít nhất 3 tháng trước khi đến Thái Lan và du khách phải cung cấp giấy chứng nhận không mắc COVID-19.

Sau khi nhập cảnh, họ sẽ phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày. Tuy nhiên, thời gian lưu trú không cần thị thực ở Thái Lan sẽ được kéo dài thành 45 ngày, tức hơn 15 ngày so với quy định lưu trú 30 ngày trước đây.

Động thái trên được Chính phủ Thái Lan đưa ra nhằm thúc đẩy ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

* Laodong.vn (09/3): Quyết định của ông Biden cứu giúp hàng trăm nghìn người nhập cư Venezuela

Chính quyền ông Biden ban hành quy chế bảo vệ tạm thời cho người nhập cư Venezuela đang sống tại Mỹ.

Reuters đưa tin, động thái ban hành quy chế bảo vệ tạm thời cho người nhập cư Venezuela của Tổng thống Mỹ Joe Biden được tuyên bố ngày 8.3, có thể giúp cứu trợ cho ước tính khoảng 320.000 người, thực hiện lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2020 là cung cấp nơi trú ẩn cho những người Venezuela rời quê hương giữa bối cảnh kinh tế suy sụp, khủng hoảng nhân đạo và bất ổn chính trị.

Khoảng 5,4 triệu người Venezuela đã phải di cư trong những năm gần đây, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn.

Khi Tổng thống Biden nhậm chức vào ngày 20.1, ông đã thừa hưởng từ người tiền nhiệm Donald Trump một loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm thắt chặt hơn nữa trừng phạt kinh tế đối với Venezuela.

* Vtv.vn (09/3): Mỹ có thể dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu năm 2021

Mỹ có thể dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới mạnh mẽ. Đây là nghiên cứu phân tích từ Oxford Economics.

Theo các chuyên gia, lần đầu tiên kể từ năm 2005, Mỹ dự kiến đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu so với Trung Quốc trong năm 2021.

Trước đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã được hỗ trợ bởi Trung Quốc khi Mỹ trải qua giai đoạn hồi sinh yếu nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Dự kiến, nền kinh tế thế giới có thể sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất trong gần nửa thế kỷ qua, khi các chiến dịch tiêm chủng cho phép các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ và doanh nghiệp thu hồi vốn.

* Vtv.vn (07/3): Trung Quốc thay đổi mạnh chiến lược phát triển kinh tế 5 năm

Tuần này, tại Trung Quốc đã diễn ra chuỗi sự kiện đặc biệt, đó là Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, còn gọi là Chính Hiệp, và Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội khóa XIII. Hai sự kiện này thường diễn ra liền nhau, còn được biết đến với tên là Lưỡng hội.

Hướng tới mục tiêu tăng gấp 3 lần thu nhập bình quân đầu người trong tầm nhìn 2035, đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng mạnh nền kinh tế vào thị trường nội địa 1 tỷ 400 triệu dân. Đây là những điểm nổi bật trong kế hoạch kinh tế dài hơi của Trung Quốc.

 Ở tỉnh Quý Châu, dữ liệu lớn big data đã tạo luồng sinh khí mới cho kinh tế địa phương, ngay cả trong đại dịch. Mỗi năm tỉnh này đầu tư cho công nghệ cao tăng hơn 10%, trong đó phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng đến hơn 30%. Trong giai đoạn 2019 - 2022, Quý Châu đầu từ hơn 3,1 tỷ USD cho 5G.

 Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, Trung Quốc đặt mục tiêu khắc phục các khâu yếu kém, nhất là công nghệ bán dẫn, công nghề phần mềm, đồng thời nhấn mạnh, các bộ phận quan trọng của chuỗi giá trị phải nằm tại Trung Quốc. Trong 5 năm tới, nước này xác định sẽ đầu tư mạnh cho các lĩnh vực đất hiếm, vật liệu đặc biệt, robot, phương tiện năng lượng mới, phát minh y học, các ứng dụng công nghiệp từ hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu…, phấn đấu đến năm 2025, có 56% người dân sử dụng mạng 5G./.