Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 15 tháng 02 đến ngày 19 tháng 02 năm 2021

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

* Vov.vn (17/2): Phạt hành chính 2 thanh niên không đeo khẩu trang nơi công cộng

Ngày 17/2, Ủy ban Nhân dân phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) vừa ra quyết định xử phạt hành chính 2 công dân vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Vào ngày 10/2, khi di chuyển vào địa bàn phường Nam Thanh, hai công dân trên đã được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng yêu cầu tuân thủ việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên đã không chấp hành và có thái độ chống đối với lực lượng chức năng.

Được biết, 2 công dân trên là các trường hợp đầu tiên trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên bị xử phạt hành chính vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tuy nhiên đây là biện pháp mạnh nhằm giáo dục, răn đe người dân trên địa bàn nâng cao ý thức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 

* Vietnamplus.vn (16/2): COVID-19: Điện Biên siết chặt đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia tiếp giáp Trung Quốc và Lào. Bộ đội Biên phòng tỉnh đang duy trì nghiêm 69 tổ, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới.

Tại các đơn vị, tổ, chốt kiểm soát, phòng chống dịch, các cán bộ, chiến sỹ biên phòng và lực lượng chức năng tham gia đã và đang phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác biên phòng, ngăn chặn dịch bệnh.

Địa bàn có nhiều đường mòn, lối mở ra khu vực biên giới nên tình trạng người dân xuất, nhập cảnh trái phép để đi làm thuê, thăm người thân hai bên biên giới vẫn diễn ra. Đặc biệt, trong dịp Tết, có nhiều người trở về địa phương ăn Tết, thường đi qua các lối đường mòn để trốn cách ly.

Với tinh thần chủ động, khẩn trương, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn cao tinh thần cảnh giác, tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn kịp thời các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, tránh nguy cơ để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa.

Với người lính biên phòng trên tuyến đầu chống dịch, niềm vui của họ là khi chủ quyền biên cương của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; người dân thuộc cộng đồng các dân tộc trên địa bàn vui Xuân đón Tết an toàn; tình đoàn kết quân dân nơi biên cương càng thêm bền chặt.

 

* Baodienbienphu.com.vn (17/1): Khẩn trương giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án Cảng Hàng không Điện Biên

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan về tình hình triển khai thực hiện dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư (TĐC) theo quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được tổ chức chiều 17/2.

Tại buổi làm việc, các cơ quan liên quan đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và phương án xử lý trong thời gian tới, chủ yếu liên quan đến công tác GPMB như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; đề nghị hỗ trợ kinh phí để hỏa táng đối với 15 ngôi mộ chưa đủ thời gian để cải táng; một số hộ dân đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng do thắc mắc về phương án bố trí TĐC; công tác chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất ở của một số hộ dân chưa hoàn thành…

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo: UBND tỉnh cử 1 đồng chí Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo các sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch - Đầu tư phải tập trung toàn lực vào công tác phối hợp và nâng cao hiệu quả các buổi làm việc của tỉnh với các vụ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về các vấn đề liên quan đến dự án. Đối với công tác GPMB, hỗ trợ TĐC, các tổ chức tiếp tục rà soát, sớm phát hiện vướng mắc để xử lý ngay, chuẩn bị thật tốt để khi có quyết định là triển khai thực hiện đồng loạt. Phải lồng ghép tuyên truyền để người dân đồng thuận triển khai các dự án đồng thời thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án đền bù GPMB. Đặc biệt là phải nhận diện những khó khăn, vướng mắc và những ý kiến, yêu cầu của các hộ dân chưa đồng thuận. Từ đó, chuẩn bị sẵn các phương án giải quyết để tránh bị động, bất ngờ làm chậm tiến độ dự án. Đối với các điểm TĐC, song song với tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho người dân trong phạm vi quy định pháp luật. Đối với các hộ không đồng thuận, có biểu hiện chây ì phải tăng cường tuyên truyền, vận động nếu vẫn không đồng thuận thì tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

 

* Baodienbienphu.vn (16/2): Điện Biên: 7 ngày tết chỉ 1 vụ tai nạn giao thông

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 10/2 - 16/2), trên địa bàn tỉnh Điện Biên chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 2 người, không có trường hợp tử vong. Đây là con số khả quan so với năm 2020 (xảy ra 4 vụ, 4 người thương vong).

Cũng trong 7 ngày Tết, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 236 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (trong đó 18 trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn); tạm giữ 62 phương tiện. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị đã bắt giữ 1 đối tượng mang 31 nén (nghi ma túy tổng hợp) và bàn giao cho đơn vị chức năng xử lý.

 

* Baodienbienphu.com.vn (16/2): Mường Nhé quyết liệt các biện pháp phòng dịch Covid-19

Là địa bàn có đường biên giới dài tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Mường Nhé là rất lớn. Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán, nhiều lao động, học sinh, sinh viên từ các địa phương khác trở về đón tết. Vì vậy nhiều giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đã được huyện Mường Nhé chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc” và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch; huyện Mường Nhé tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, giải quyết công việc kịp thời không để ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Huyện đã khuyến cáo toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu. Các đơn vị, lực lượng vũ trang bố trí đảm bảo 100% quân số ứng trực, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, kịp thời xử lý khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên tới nay (ngày 16/2), trên địa bàn huyện chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19. Từ ngày 5/2 đến nay huyện đã tổ chức cách ly y tế tập trung tại các khu cách ly cho 673 trường hợp (658 trường hợp đã hoàn thành cách ly; 15 trường hợp đang cách ly tập trung). Qua rà soát, từ ngày 27/1 đến nay toàn huyện có 354 trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19 đã được áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà. Trong đó, 116 trường hợp hoàn thành đủ 14 ngày cách ly, không còn yếu tố dịch tễ liên quan (F0, F1 xét nghiệm âm tính với Covid-19) và 238 trường hợp đang trong thời gian cách ly tại nhà, hiện có sức khỏe ổn định. Đồng thời, 1.273 trường hợp về địa phương và có yếu tố dịch tễ liên quan đã thực hiện khai báo y tế đang thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp (tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà).

 

* Dienbientv.vn (17/2): Ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh cấm

Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành công văn số 350 ngày 5/2 của UBND tỉnh, yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết như: karaoke, vũ trường, quán bar… tạm dừng hoạt động từ ngày 5/2/2021 để bảo đảm phòng dịch Covid-19. Thế nhưng bất chấp quy định, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết tại thành phố Điện Biên Phủ vẫn ngang nhiên hoạt động.

21h tối mùng 5 Tết Nguyên đán Tân Sửu, dù lệnh cấm đã có hiệu lực hơn chục ngày nay, song 2 phòng hát tại quán karaoke Q7 có địa chỉ tại phố 5, phường Mường Thanh, cạnh  khu vực Quảng trường 7/5 vẫn ngang nhiên hoạt động.

Thời điểm kiểm tra, 2 phòng hát có khoảng 20 người, trong đó, có cả những công dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định lên Điện Biên chúc Tết và tham gia vui chơi giải trí.

Trước đó, khoảng 20h, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Bốn Phương, tại tổ 4, phường Mường Thanh do không chấp hành quy định trong phòng chống dịch.

Thời điểm kiểm tra, tại nhà hàng có khoảng 20 người đang tụ tập ăn uống.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

* Vnexpress.net (18/2): Tỉnh yêu cầu TP Hải Dương xét nghiệm Covid-19 diện rộng

Sáng 18/2, ông Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy TP Hải Dương cho biết chính quyền đã tìm ra nguồn lây của chùm ca bệnh 4 người trong gia đình "bệnh nhân 2278" ở phố Trần Sùng Dĩnh, phường Hải Tân.

Theo đó, qua báo cáo truy vết của công an TP Hải Dương vào cuối giờ chiều 17/2, nguồn lây của gia đình này này từ bệnh nhân 1734 - nhân viên tầm quất của Hội người mù TP Hải Dương.

Tính đến 18/2, TP Hải Dương ghi nhận 26 ca mắc phân bố tại 7 phường. Chỉ trong ba ngày, thành phố phát hiện 11 ca bệnh đều lây nhiễm trong cộng đồng. Các bệnh nhân có dấu hiệu khởi phát và khả năng lây nhiễm tại cộng đồng trong thời gian dài, khoảng 3 tuần. Nhiều mốc dịch tễ rất phức tạp, có thể còn nhiều F1 chưa được phát hiện hết do các bệnh nhân không tự giác cung cấp và các F1 cũng không tự giác khai báo.

Lãnh đạo Thành ủy Hải Dương thông tin thêm, ngay trong chiều qua đã báo cáo với tỉnh Hải Dương, "việc phong tỏa TP Hải Dương như TP Chí Linh, Cẩm Giàng hay không do tỉnh cân nhắc". Trong khi đó, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Hải Dương cho rằng, mặc dù đã tìm ra trường hợp F0 cho nhóm lây nhiễm tại cộng đồng, "tuy nhiên tình hình dịch tại thành phố vẫn còn phức tạp, đề nghị tiến hành lấy mẫu diện rộng những nơi các bệnh nhân đã di chuyển nhiều".

 

* Vnexpress.net (18/2): Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Cần coi vaccine Covid-19 là tài sản chung

Quốc tế cần hợp tác triển khai chiến lược tiêm chủng, bảo đảm tiếp cận vaccine Covid-19 với tất cả các nước, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc.

Cộng đồng quốc tế cần hợp tác triển khai chiến lược ứng phó đại dịch và tiêm chủng hiệu quả, coi vaccine là tài sản chung của cả cộng đồng quốc tế, bảo đảm tiếp cận vaccine với giá cả phù hợp cho tất cả các nước và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao và tuyến đầu chống dịch, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết khi tham dự Phiên thảo luận trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 17/2.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tiếp tục đoàn kết và tăng cường hợp tác đa phương để điều phối hiệu quả các nỗ lực chung phòng chống dịch, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung cùng các nước vượt qua đại dịch.

 

* Laodong.vn (16/2): Dịch diễn biến phức tạp, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cần biện pháp chống "toang"

Diễn biến dịch COVID-19 tại Hà Nội khá phức tạp, nhất là sau ca của bệnh nhân người Nhật, phát hiện F0 sau khi chết. Đây là trường hợp gây khó khăn trong truy vết để kiểm soát dịch tễ. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh nói: "Chúng ta vẫn chủ động, kiểm soát được tình hình. Từ trường hợp người Nhật Bản đặt ra yêu cầu các đơn vị phải kiểm soát, khống chế dịch bệnh phải nhanh hơn nữa”.

 Cũng cần nhắc lại phát biểu của ông Chu Ngọc Anh tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội chiều 2.12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cam kết: “Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm".

 Một trong những thách thức đặt ra với Hà Nội là lượng người về quê ăn Tết trở lại Hà Nội rất đông, kiểm soát y tế được toàn bộ là điều không dễ. Chủ tịch Chu Ngọc Anh chỉ đạo kiểm soát y tế, nhưng cần phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo quận huyện, phường xã. Đặc biệt đối với các nhà máy, xí nghiệp, cần chủ động bảo vệ công nhân của mình để đảm bảo sản xuất.

 Một biện pháp khác rất đúng đắn, đó là học sinh phổ thông tại Hà Nội sẽ nghỉ học tập trung đến hết ngày 28.2, chuyển sang học bằng hình thức trực tuyến để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Nhưng thêm một biện pháp nữa xin được đề xuất cùng Chủ tịch Chu Ngọc Anh, đó là chỉ đạo cho các cơ quan chính quyền làm việc trực tuyến trong các trường hợp có thể, hạn chế tối đa ra đường. Chủ tịch cũng nên kêu gọi các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội triển khai làm việc trực tuyến, đây không chỉ là biện pháp phòng dịch, mà còn là cơ hội để thay đổi.

 Chỉ cần một phần ba lực lượng lao động offline chuyển sang làm việc online thì đã ngăn chặn được 1/3 nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chưa kể đây là giải pháp chống kẹt xe, hạn chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

 

* Tuoitre.vn (17/2) : Bài học xét nghiệm COVID-19 thần tốc diện rộng

Từ ngày 10-2, TP.HCM đã không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, xuất phát từ chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công.

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công trong việc kiểm soát chuỗi lây bệnh từ sân bay Tân Sơn Nhất. Xét nghiệm được thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ như F1, mở rộng cho nhóm F2, lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh các địa điểm liên quan đến bệnh nhân khi có thời điểm TP phong tỏa đến 35 địa điểm.

 Sau khi thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng, đánh giá nguy cơ và dựa trên các bằng chứng điều tra, các địa điểm phong tỏa được gỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện TP còn 12 nơi phải phong tỏa phòng dịch.

 Theo HCDC, một nguyên tắc tối quan trọng để kiểm soát được ổ dịch hoặc chuỗi lây nhiễm là phải tìm ra được nguồn lây.

 Hiện đã bắt đầu có những thay đổi về chiến lược xét nghiệm, theo hướng xét nghiệm sàng lọc rộng rãi thay vì chỉ xét nghiệm ở vùng có ca bệnh và người liên quan ca bệnh. Tại Hà Nội, việc xét nghiệm tại sân bay Nội Bài với hơn 12.000 mẫu khi ở đây chưa ghi nhận ca bệnh là đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên.

 Ngoài ra, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu CDC Hà Nội cần có kế hoạch triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên, nhất là khu công nghiệp có người đi từ 12 tỉnh thành đang có dịch. Tại TP.HCM, việc tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người đến TP bằng các phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ được thực hiện khi người lao động trở lại TP. 

 

* Saigongiaiphong.vn (17/2) : Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Xử lý nghiêm người khai báo y tế gian dối

Sáng 17-2, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả chăm lo Tết Tân Sửu 2021 của TPHCM.

 Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Tết Tân Sửu 2021 là tết rất đặc biệt, vừa tổ chức tết, vừa phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, TPHCM đã chủ động, có điều chỉnh kịp thời khi dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM cùng chia sẻ, đồng lòng chung tay mang đến tết an lành, đầm ấm và nghĩa tình.

 Đánh giá cao kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, việc phòng, chống dịch Covid-19 đã được TPHCM thực hiện một cách bài bản, quyết liệt. Đặc biệt là đội ngũ “chiến sĩ áo trắng” đã nỗ lực thực hiện đúng tinh thần “thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”, kiên trì các nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch”.

Cụ thể hơn, cần kiểm soát những người trở lại TPHCM bằng việc khai báo y tế toàn dân. Công tác này cần được thực hiện một cách chặt chẽ hơn, nghiêm túc hơn và cần thiết sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai báo y tế gian dối hoặc không chấp hành, tránh né. “Một lời khai sai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác truy vết”, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

 Bí thư Thành ủy TPHCM kêu gọi người dân TP không lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Trong đó có việc nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo 5K và hạn chế tối đa việc tiếp xúc không cần thiết.

 Tại cuộc họp, Giám đốc Công an TPHCM Lê Hồng Nam báo cáo về 2 vụ án mạng xảy ra trong dịp tết. Trong đó có một vụ, người đi xe máy nẹt pô, bị người đi đường phàn nàn liền nhảy xuống xe rút dao đâm chết người. Bức xúc trước thông tin này, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, vụ án mạng này không phải do băng nhóm gây ra, nhưng thể hiện rất rõ tính côn đồ.

 

* Vtv.vn (17/2): Hải Dương siết kỷ luật trong khu cách ly tập trung

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 103 khu cách ly tập trung, trong đó, nhiều nhất ở thành phố Chí Linh có 29 điểm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường quản lý khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, bệnh viện dã chiến… thực hiện quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo.

 Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 103 khu cách ly tập trung, trong đó, nhiều nhất ở thành phố Chí Linh có 29 điểm, tiếp đến là thị xã Kinh Môn có 27 điểm, huyện Cẩm Giàng 16 điểm cách ly tập trung.

 Mới đây, trong Hội nghị trực tuyến giữa Tỉnh ủy Hải Dương với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về chỉ đạo phòng, chống dịch mới tổ chức ngày 14/2 vừa qua, một số chuyên gia của Bộ Y tế bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Một số dẫn chứng được đưa ra là: cơ sở vật chất, việc thực hiện quy định giãn cách tại một số điểm cách ly chưa đảm bảo về kiểm soát nhiễm khuẩn, nhất là những điểm đang cách ly cho hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam.

 Các chuyên gia đã đề nghị Sở Y tế Hải Dương xây dựng danh mục cụ thể, chi tiết và bổ sung đầy đủ các phương tiện cho các nơi cách ly này. Đồng thời, tăng lực lượng quân đội kiểm tra, giám sát yêu cầu người cách ly chấp hành nghiêm quy định cách ly; tăng cường biện pháp bảo vệ cho đội ngũ làm tại các khu cách ly tập trung như: xét nghiệm định kỳ hàng tuần, hướng dẫn sử dụng thành thạo các phương tiện bảo hộ cá nhân, cách vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt môi trường…

 

* Tienphong.vn (17/2): Bắc Ninh yêu cầu cán bộ, công chức không ra tỉnh ngoài vì việc riêng

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID - 19 khi kết thúc nghỉ Tết.

 Theo đó, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tạm thời không đi tham quan du lịch, đi việc riêng ra tỉnh ngoài, kể từ ngày 17/2/2021; trừ trường hợp đặt biệt phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan đơn vị.

 Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị mình.

 Đối với trường hợp ra khỏi tỉnh Bắc Ninh khi quay lại phải thực hiện khai báo y tế, những trường hợp đi về từ vùng dịch thuộc các ổ dịch phải thực hiện cách ly tập trung.

 Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh bố trí cơ sở cách ly tập trung theo hình thức tự trả phí đối với tất cả người đến Bắc Ninh từ toàn tỉnh Hải Dương và các ổ dịch tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước (là những khu vực có quyết định phong tỏa, hoặc giãn cách xã hội); trừ các trường hợp thực hiện công vụ và được sự đồng ý của trưởng ban chỉ đạo tỉnh.

 

* Vtv.vn (17/2): 32 địa phương lùi thời gian đến trường, học trực tuyến sau Tết

Đến 18h ngày 16/2/2020, đã có 32 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên lùi thời gian đến trường, học trực tuyến sau Tết.

 Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, đối tượng chưa đủ ý thức, hạn chế về kỹ năng tự phòng ngừa, đồng thời hạn chế việc tập trung đông người và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố đã cho phép học sinh, học viên các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, THCS, TPPT; trung tâm ngoại ngữ, tin học... tạm dừng đến trường từ ngày 17/2. Học sinh, sinh viên các cấp tiếp tục học trên Internet để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 theo quy định.

 Đến 18h ngày 16/2/2020, đã có 32 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên lùi thời gian đến trường, học trực tuyến sau Tết.

 Cụ thể 32 tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Định, Thái Nguyên, Điện Biên, Bạc Liêu, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Thuận, Bình Phước, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Hậu Giang, Quảng Nam, Bến Tre, An Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Bình, Kon Tum, Đồng Tháp, Hưng Yên, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Sơn Lam và Tuyên Quang.

 

* Laodong.vn (17/2) : Nhiều tỉnh tá hỏa bác bỏ tin học sinh nghỉ Tết kéo dài

Ít nhất 2 tỉnh là Thái Nguyên và Lào Cai đã lên tiếng bác bỏ thông tin sai lệch trên mạng xã hội về việc học sinh được kéo dài kì nghỉ Tết. 

Sáng 17.2, trao đổi với PV Báo Lao Động qua điện thoại, bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết cơ quan này vừa phải ban hành văn bản hỏa tốc gửi đến các đơn vị trực thuộc để bác bỏ những thông tin sai lệch đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. 

Nội dung văn bản như sau: "Hiện nay trên mạng xã hội lan truyền thông tin (giả mạo văn bản của UBND tỉnh Lào Cai) cho phép học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 29.02.2021 để phòng chống dịch COVID-19. Qua xác minh, Sở GD&ĐT xác nhận đây là thông tin giả mạo.

  Ngay lập tức, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã đều lên tiếng khẳng định Văn bản trên là giả mạo, đã được đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải phản ánh nội dung sai sự thật. 

 

* Vtv.vn (15/2): Thủ tướng yêu cầu phải có vaccine COVID-19 trong tháng 2

Thủ tướng lưu ý, trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Nhấn mạnh việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và trong tháng 2 phải có vaccine, Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới, chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra…

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 15/2 (mùng 4 Tết).

Thủ tướng nhất trí việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ tỉnh Hải Dương để ngăn chặn dịch này một cách quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực mà chúng ta cho rằng có khả năng lây nhiễm cao.

 

* Vtv.vn (15/2): Bộ Y tế: Dịch ở Hải Dương nguy cơ cao hơn Đà Nẵng

Chiều 14/2, tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế và Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định: "Tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng trước đây vì tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng đào thải nhanh hơn. Tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ".

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định: Hải Dương chống dịch trên tinh thần vì Hải Dương và vì cả nước. Từ khi dịch bùng phát đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, phản ứng nhanh trước diễn biến của dịch bệnh, bám sát chiến lược Bộ Y tế: truy vết thần tốc, cách ly nhanh, phong tỏa gọn. Việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nay đã tăng lên 30.000 mẫu/ngày.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của Hải Dương là kiểm soát lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm, tập trung chỉ đạo việc phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.

 

* Vtv.vn (16/2): Giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương từ 0h ngày 16/2

Từ 0h ngày 16/2, tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian thực hiện giãn cách là 15 ngày (kể từ 0h ngày 16/2, tức mùng 5 Tết Tân Sửu). Việc giãn cách xã hội được thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện; phân xưởng, nhà máy phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, khử trùng theo quy định.

Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy; cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động.

Khi ra khỏi nhà, người dân phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp tại nơi công cộng; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...

Toàn thể nhân dân được yêu cầu tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở Hải Dương diễn ra chiều 15/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương còn "phức tạp, khó lường và có thể kéo dài". Ông đề nghị tỉnh Hải Dương nghiên cứu áp dụng theo Chỉ thị 16 ở diện rộng hơn để chúng ta không đi chậm hơn dịch.

 

* VTv.vn (16/2): Quảng Ninh cách ly tập trung có thu phí với người đến từ vùng dịch sau kỳ nghỉ Tết

Bắt đầu từ 0h ngày 16/2, Quảng Ninh kiểm soát chặt người ra, vào tỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 15/2, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục họp và thống nhất các nội dung nhằm sớm khống chế, ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập.

Theo đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở một số địa phương trong tỉnh, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh không phát sinh các ca nhiễm ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong cả nước vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao khi người dân quay trở lại tỉnh Quảng Ninh làm việc, UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm soát chặt người ra, vào Quảng Ninh kể từ 0h ngày 16/2.

Đối với người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh: Tỉnh bố trí cơ sở cách ly tập trung theo hình thức tự trả phí đối với tất cả người đến Quảng Ninh từ toàn tỉnh Hải Dương và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác trong nước (là những khu vực có quyết định phong tỏa hoặc giãn cách xã hội).

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan nhà nước: phải xét nghiệm COVID-19 và chỉ được đi làm trở lại khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Đối với các trường hợp đến Quảng Ninh từ các vùng không có dịch: Khi vào Quảng Ninh phải có giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính trong thời gian từ 3 - 7 ngày trước khi vào tỉnh. Trường hợp không có giấy xét nghiệm, phải thực hiện tự cách ly và theo dõi y tế tại nhà đủ 14 ngày trước khi được phép đi lại, làm việc tại Quảng Ninh.

Đối với người từ Quảng Ninh đi các địa phương khác: được phép ra khỏi tỉnh Quảng Ninh nhưng nếu quay lại phải thực hiện các nội dung quy định đối với người tỉnh ngoài vào Quảng Ninh.

 

* Vtv.vn (16/2): Người dân các địa phương trở lại Hà Nội sau Tết phải khai báo y tế

TP Hà Nội yêu cầu toàn bộ người dân từ tất cả các địa phương trở về Hà Nội sẽ phải khai báo y tế.

Đây là yêu cầu được đưa ra tại phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội. Việc khai báo y tế nhằm kiểm soát rõ nơi đến và nơi đi của người dân trong dịp Tết, trước khi quay lại Thủ đô.

Người dân trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được chia thành 2 nhóm:

- Nhóm thứ nhất là những người không đi qua vùng dịch, không tiếp xúc với những trường hợp có liên quan đến các ca bệnh chỉ cần khai báo y tế bằng hình thức điện tử, qua trang web tokhaiyte.vn của Bộ Y tế, ứng dụng NcoVi; không bắt buộc phải tới các trạm y tế phường, xã để khai báo y tế.

- Nhóm thứ hai là những người đã về vùng có dịch, nơi có ca mắc COVID-19 phải chấp hành nghiêm việc khai báo y tế tại các trạm y tế phường, xã nơi sinh sống ở Hà Nội.

Những trường hợp đi về từ vùng dịch trốn khai báo y tế, gây hậu quả lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị xử phạt theo quy định của TP Hà Nội. Trong đó, mức phạt cho hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch cao nhất là 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự.

Trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân không thể lơ là với việc đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, thực hiện nghiêm biện pháp 5K an toàn chống dịch (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế).

 

TIÊU ĐIỂM

* Cafef.vn (17/2): Hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 sẽ về Việt Nam cuối tháng 2 này

Bộ Y tế cho biết sẽ thực hiện xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 để sớm đưa vắc-xin này về Việt Nam phục vụ người dân. Dự kiến, lô vắc-xin đầu tiên sẽ về đến Việt Nam vào cuối tháng 2-2020. Số vắc-xin Covid-19 này sẽ bao gồm cả vắc-xin Việt Nam đặt mua và vắc-xin được viện trợ.

Nguồn vắc-xin viện trợ được nhận đợt đầu khoảng 25-30%/tổng số 4,8-8,2 triệu liều. Hiện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) là đơn vị được giao xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Thanhtra.com.vn (17/2): Thủ tướng: Tập trung xử lý công việc ngay ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ Tết

Ngày 17/2, trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Văn phòng Chính phủ (VPCP).

 Tại cuộc họp Thủ tướng đánh giá cao cố gắng, phục vụ chu đáo của VPCP đối với sự điều hành của Chính phủ trong suốt năm 2020, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau Tết.

Theo đó, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước cơ bản tốt; an sinh xã hội được quan tâm… Đặc biệt, công tác chỉ đạo phòng chống COVID-19 kịp thời, quyết liệt trước, trong và sau Tết.

 Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị VPCP tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chuẩn bị phục vụ tốt các cuộc họp, các hoạt động của lãnh đạo Chính phủ theo lịch công tác; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 để tham mưu, đề xuất các quyết sách.

 Theo Thủ tướng, cuộc sống vẫn phát triển, người dân cần thu nhập, do đó, cần xử lý các vấn đề, vướng mắc trên tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

 Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị, cán bộ, công chức VPCP phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Ngay sau Tết, VPCP cần phát động phong trào thi đua, tạo không khí làm việc phấn khởi, khí thế mới trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm, nhất là các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05 ngày 28/1/2021.

 

* Vtv.vn (15/2): Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngày cuối đợt nghỉ Tết Tân Sửu

Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện gửi các Bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngày cuối đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Công điện nêu rõ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, các bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, tình hình trật tự, an toàn giao sau 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cơ bản được bảo đảm tốt. Tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ nghỉ Tết Canh Tý. Dịch vụ vận tải đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, tối mùng 3 Tết (14/2) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa hai xe mô tô tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai làm 4 người chết và một người bị thương (nạn nhân đều là thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và qua khám nghiệm ban đầu cho thấy đều có nồng độ cồn trong cơ thể). Tình trạng vi phạm nồng độ cồn điều khiển mô tô, xe máy, ô tô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, đã phát sinh ổ dịch COVID-19 trong người lao động tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tạo áp lực rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông, vận tải trong ngày còn lại của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu và thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các bộ, ngành, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô và thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung và Khai báo y tế".

Người dân, người tham gia giao thông phản ánh kịp thời qua điện thoại đường dây nóng về tình hình ùn tắc giao thông, các nguy cơ gây tai nạn giao thông về hạ tầng, phương tiện, những hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19 của người điều khiển phương tiện vận tải công cộng, đơn vị kinh doanh vận tải.

Các bộ, ngành, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị quản lý bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng… và các đơn vị kinh doanh vận tải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch, thực hiện ghi nhận, cung cấp thông tin về hoạt động của phương tiện, hành khách tham gia giao thông theo quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan chức năng; yêu cầu toàn bộ người lao động và hành khách thực hiện nghiêm khử khuẩn cá nhân, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc và tham gia giao thông…

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Thanhnien.vn (15/2): Miễn thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm từ 50.000 đồng trở xuống

Đây là một trong những nội dung Tổng cục thuế hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (QTT TNCN) năm 2020 theo quy định mới.

Để cắt giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế và giảm áp lực xử lý hồ sơ quyết toán cho cơ quan thuế, theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH13 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định miễn thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm đối với cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Như vậy, các cá nhân này sẽ không phải nộp thêm thuế cũng như không phải thực hiện việc QTT TNCN. Cá nhân thực hiện việc quyết toán thuế TNCN theo hình thức tự quyết toán hoặc ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập theo quy định.

Để hỗ trợ cá nhân nộp hồ sơ khai thuế được thuận lợi, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai việc khai QTT TNCN thông qua các ứng dụng điện tử tại website https://thuedientu.gdt.gov.vn. Để nộp hồ sơ khai thuế theo phương thức điện tử, người nộp thuế cần đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế. Đây là một tiện ích mà cơ quan Thuế cung cấp cho người nộp thuế từ kỳ QTT TNCN năm 2020 nhằm mục đích cắt giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế không phải đến cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ QTT TNCN như thời gian trước đây. Sau khi khai thuế, cá nhân có thể thực hiện nộp thuế qua các nền tảng ứng dụng ngân hàng thương mại như IntenetBanking, MobileBanking…

 

* Thanhnien.vn (16/2): Phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke từ 4 - 12 triệu đồng/giấy

Đây là mức phí tại Thông tư số 01/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

Thông tư quy định tại các thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke từ 4 - 12 triệu đồng/giấy tùy thuộc số phòng, giảm 2 triệu đồng/giấy so với quy định cũ. Mức thu đối với trường hợp tăng thêm phòng karaoke là 2 triệu đồng/phòng nhưng tổng mức thu không quá 12 triệu đồng/giấy phép/lần thẩm định. Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường ở các thành phố trực thuộc trung ương và thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh là 15 triệu đồng/giấy.

Tại các khu vực khác, mức thu từ 2 - 10 triệu đồng/giấy. Mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đối với trường hợp tăng thêm phòng là 1 triệu đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 6 triệu đồng/giấy phép/lần thẩm định. Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường là 10 triệu đồng/giấy. Mức thu phí thẩm định đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu dịch vụ karaoke / vũ trường là 500.000 đồng/giấy.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.2.2021 và thay thế Thông tư số 212/2016/TT-BTC ngày 10.11.2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Laodong.vn (16/2): Miễn giảm thuế: Thuốc bổ đúng lúc cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ là được miễn giảm thuế tới 12 năm, bắt đầu từ 1.3.2021 tới đây.

Hồi giữa năm 2019, tại diễn đàn phát triển công nghệ Quốc gia, ông Nguyễn Thế Tân- Tổng Giám đốc  một doanh nghiệp công nghệ lớn đã phàn nàn rằng chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất so với các công ty outsource hay các công ty công nghệ xuyên biên giới.

Bởi thế, việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cho là một đột phá lớn trong việc phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tổng cộng sẽ được miễn giảm tới 12 năm.

Nghị quyết 01 của Chính phủ hồi đầu năm 2021 đưa ra yêu cầu: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây chính là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải có thêm nhiều động lực để phát triển doanh nghiệp lĩnh vực khoa học, công nghệ làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, kinh tế số, biến những nguy cơ từ dịch COVID-19 thành cơ hội để phát triển.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ, hơn lúc nào hết cần được tiếp sức, không chỉ đơn thuần là những lời động viên, hô hào trên giấy tờ mà bằng cả những chương trình hành động cụ thể, thiết thực.

 

* Vtv.vn (18/2): Xuất khẩu gạo đầu năm 2021 "hạ nhiệt"

Nguyên nhân của việc xuất khẩu gạo "hạ nhiệt" là do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường chủ lực thời điểm đầu năm thường thấp.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu hơn 347,7 ngàn tấn gạo với kim ngạch đạt gần 192 triệu USD, giảm 36,4% về lượng và giảm 34,2% về giá trị so với tháng 12/2020); đồng thời giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Theo một số doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL, nguyên nhân của việc xuất khẩu gạo "hạ nhiệt" là do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường chủ lực thời điểm đầu năm thường thấp trong khi giá bán gần đây ở mức cao cùng với khó khăn trong việc vận chuyển.

Mặc dù vậy, giới chuyên môn nhận định tình hình trên có thể chỉ là ngắn hạn, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 dược dự báo sẽ tiếp tục khả quan do nhu cầu của thị trường vẫn ở mức cao, nhất là khi Việt Nam đã định hình được phân khúc gạo chủ lực, chiếm ưu thế hơn so với gạo giá rẻ từ Ấn Độ hay Pakistan, có sức cạnh tranh với gạo thơm của Thái Lan.

 

* Vtv.vn (18/2): Doanh nghiệp xuất nhập khẩu khó khăn vào cảng do giãn cách xã hội

Từ sáng 17/2, hàng chục chiếc container chở hàng xuất khẩu từ tỉnh Hải Dương đi về cảng Đình Vũ, TP Hải Phòng đã phải dừng lại nằm chờ nhiều tiếng đồng hồ.

Nguyên nhân là do TP Hải Phòng đã dừng tiếp nhận công dân và hàng hóa từ Hải Dương để phòng dịch COVID-19. Việc phòng chống dịch là cần thiết, các doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương đều nắm rõ, song việc dừng tiếp nhận hàng hóa đi về cảng Đình Vũ khi đây là 1 trong những cảng chủ yếu ở phía Bắc để doanh nghiệp xuất khẩu, trong tức thời đã khiến cho các doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương bối rối, không kịp xử lý.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, tại tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng, TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét từng trường hợp cụ thể, gắn với yêu cầu bảo đảm các điều kiện như: có Hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao và nhận hàng…) có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định; Lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có Giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 03 ngày gần nhất.

Cũng theo đại diện TP Hải Phòng, đối với lái xe chở hàng hóa từ TP Hải Phòng vào tỉnh Hải Dương thì cũng cần phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm.

 

* Vtv.vn (17/2): FTA “mở toang” cánh cửa giúp Việt Nam hội nhập quốc tế

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới góp phần đưa Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu.

Năm 2020 đã chứng kiến sự trụ vững thành công của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng âm hầu khắp thế giới do đại dịch COVID-19. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phục hồi ấn tượng từ 5,8 đến trên 6%.

Việt Nam được đánh giá là tâm điểm của các dòng chảy với 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. Những kết quả này có được là nhờ định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước về "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực", tự cường trên "Đại lộ" hội nhập.

Với 14 Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp cận gần 60 quốc gia có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Trong đó phải kể đến các Hiệp định thương mại có quy mô lớn như: Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu…

Năm 2020 đầy khó khăn nhưng lại chính là cơ hội để Việt Nam thử sức với những FTA chất lượng cao, độ mở lớn. Có thể thấy, từ 2016 - 2020, xuất siêu năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP. Ấn tượng nhất là con số xuất siêu kỷ lục năm 2020 với gần 20 tỷ USD. Có được điều đó là nhờ Việt Nam tận dụng rất tốt độ phủ của các thị trường có FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP với thị trường rộng lớn và các cam kết sâu rộng.

Ngay tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu khởi sắc với 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điểm nhấn là 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD: gỗ, thủy sản, gạo, cà phê, trái cây, cao su... đều vào các thị trường lớn có FTA như: EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Dệt may đang có dấu hiệu dần ổn định trở lại khi có tới một nửa nhãn hàng thời trang sẽ tăng mua từ Việt Nam. Da giày, túi xách dự báo cũng sẽ tăng trưởng 15 - 20%.

Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 70.000 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi vào châu Âu với kim ngạch hơn 2,6 tỷ USD ngay trong năm 2020.

Thống kê Bộ Công Thương cho thấy tỷ lệ khai thác và sử dụng C/O cho những ưu đãi ở các thị trường mới có FTA thường xuyên từ 30% đến hơn 80%, tập trung vào các ngành hàng giày dép, dệt may; nông thủy sản; sản phẩm mây, tre, đan; hàng điện tử... Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được thực thi.

Nội dung của các hiệp định cho thấy tác động với tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đáng kể, lâu dài (10 - 15 năm trở lên), như đối với EVFTA, tạo lực đẩy tích cực tới GDP, tăng thêm lũy tiến 2,5%, 4,6% và 4,3% tương ứng vào các năm 2020, 2025 và 2030 so với trường hợp không có hiệp định. Tính trung bình, với hiệp định này, GDP tăng thêm mỗi năm 5,3 tỷ USD, tương đương 0,34 điểm phần trăm.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam đã vượt khó ngoạn mục và là một trong hiếm hoi các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng GDP cao nhất. Đó chính là nguồn lực lớn để kinh tế Việt Nam tiếp đà trong năm mới này. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đứng trước thách thức nặng nề khi độ mở của nền kinh tế rất cao, tới 200%. Các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia sẽ mở ra những cánh cửa mới, nhưng thách thức và cơ hội luôn đan xen.

 

* Vtv.vn (18/2): Ngành sản xuất thiết bị máy móc Nhật Bản phục hồi tích cực

Ngành sản xuất thiết bị máy móc của Nhật Bản đang cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, với số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong những tháng gần đây.

Trong dự báo trước đó do Chính phủ Nhật Bản đưa ra, ngành sản xuất thiết bị máy móc sẽ tăng trưởng âm, tuy nhiên theo số liệu thống kê gần đây, điều này lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Cụ thể, trong tháng 12/2020, tổng giá trị đơn hàng đạt trị giá 889,6 tỷ Yen (8,5 tỷ USD), trong khi đó máy móc phục vụ các ngành sản xuất tăng 12,2%, đạt trị giá 3,6 tỷ USD và ngành phi sản xuất như tài chính, vận tải, bán lẻ tăng 4,3, đạt trị giá 4,9 tỷ USD.

Thời gian tới, duy trì tăng trưởng sẽ là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp sản xuất máy móc của Nhật Bản, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dẫn đến nhu cầu sụt giảm như đã từng diễn ra trước đó.

 

* Vtv.vn (18/2): TP Hồ Chí Minh "đói" khách du lịch dịp Tết

Theo báo cáo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lượng khách du lịch Tết Tân Sửu sụt giảm mạnh, công suất phòng của các khách sạn cũng chỉ đạt dưới 10%.

Thời báo kinh tế Sài Gòn Online dẫn báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, khách hàng bắt đầu hủy tour từ ngày 28/1 khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương...

Đáng chú ý, khác với các đợt bùng phát dịch trước đó, lần này, hầu hết khách hàng yêu cầu hoàn toàn 100%, chỉ một số ít khách hàng đồng ý sẽ đi du lịch trở lại vào thời điểm thích hợp.

Có thể thấy, khả năng tồn tại của doanh nghiệp lữ hành đang rất mong manh và sẽ càng mong manh hơn sau đợt bùng dịch lần này.

Nhiều chính sách sách "may đo" dành riêng cho ngành du lịch cũng đã được đề xuất như: miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tiếp cận các gói vay ưu đãi; giảm giá điện; nới lỏng chính sách bảo hiểm xã hội - bảo hiểm thất nghiệp cho ngành…

 

* Cafef.vn (17/2): Nikkei Asia: Cập nhật dự báo tăng trưởng GDP tại ASEAN, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu

Theo Nikkei Asia, năm 2021, các nền kinh tế Đông Nam Á đang hướng đến mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng như trước giai đoạn đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, với những diễn biến phức tạp cũng như các dự báo cho thấy rủi ro vẫn tiếp tục "rình rập".

 Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,9% nhờ thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như xuất khẩu mạnh mẽ đồ điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác. Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

 

* TTXVN.vn (17/2) : Chuyên gia Séc nhận định về chiến lược công nghiệp 4.0 của Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã thông qua một chiến lược mới thích ứng nền kinh tế với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), nhằm chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa trên việc sử dụng lao động giá rẻ.

 Chiến lược dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong tổng GDP lên 30% vào năm 2030. Sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ mang lại một số cơ hội mới cho các công ty của Séc, đã bắt đầu thành lập trong lĩnh vực này ở Việt Nam, như trong lĩnh vực an ninh mạng hoặc ngân hàng kỹ thuật số.

 Theo phóng viên TTXVN tại Praha, trên đây là nhận định của tác giả David Jarkulisch, nhà ngoại giao công tác tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc ở Hà Nội, trong bài viết đăng trên trang mạng của Bộ ngoại giao Cộng hòa Séc (mzv.cz) mới đây.

 Tác giả bài viết nhận định chiến lược mới của Việt Nam về công nghiệp 4.0 có những mục tiêu tương đối tham vọng.

 Theo đó, bên cạnh sự ra đời nhanh chóng của các công nghệ mới và số hóa nền kinh tế, chiến lược này cũng kỳ vọng năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế sẽ tăng trưởng và vị thế của Việt Nam trong so sánh quốc tế sẽ được cải thiện đáng kể. 

 

* Tuoitre.vn (17/2) : Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025

Một nghị quyết mới về phát triển doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng.

 Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 1,3 - 1,5 triệu DN vào năm 2025, trong đó có 15 - 20 DN tư nhân có vốn hóa đạt trên 1 tỉ USD.

 Với khoảng 810.000 DN tính đến năm 2020, để đạt mục tiêu trên, tốc độ tăng trưởng số lượng DN trong 5 năm tới phải đạt 12 - 14%/năm, tính ra mỗi năm sẽ có thêm 100.000 - 150.000 DN.

 Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu thúc đẩy quá trình chuyển đổi hàng triệu hộ kinh doanh thành DN.

 Dù mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN hoạt động được Chính phủ đề ra trong nghị quyết 35 (NQ35) vẫn chưa đạt được, nhưng các chuyên gia cho rằng việc triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ phát triển DN thời gian qua đã tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, mang đến làn sóng khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết tính đến năm 2020, khoảng 30 mã chứng khoán có vốn hóa trên 1 tỉ USD, trong đó có 13 DN tư nhân. Để phát triển các DN có quy mô vừa và lớn, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành các chính sách đột phá hỗ trợ phát triển DN theo hướng tạo ra các sản phẩm thương hiệu quốc gia, khẳng định thương hiệu hàng Việt trên thị trường quốc tế. 

 

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

* Daibieunhandan.vn (18/2): Xử nghiêm để răn đe 

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay khá đặc biệt. Nhiều người, trong đó có cán bộ, nhân viên y tế, công an, quân đội… đã không có Tết đoàn viên đúng nghĩa. Vì sự bình yên, an toàn cho sức khỏe của người dân, họ đã hy sinh niềm vui bên gia đình để ra tuyến đầu chống dịch... Trong khi đó, một số đối tượng lại cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch, cần nghiêm trị để răn đe.

Khi đợt Covid-19 thứ 3 bùng phát, đã đặt ra yêu cầu đối với một số địa phương là điểm nóng phải nâng cao một bước về phòng, chống dịch. Cán bộ, nhân viên y tế đã phải đón Tết trong bệnh viện và các khu cách ly. Nhiều cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an đã có những đêm không ngủ khi phải canh đường mòn lối mở, ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ nguồn lây bệnh từ bên ngoài. Nhiều người đã tham gia vào phòng chống dịch theo cách “ở đâu thì yên ở đó” để tránh sự lây lan dịch bệnh. Biết bao công nhân, người lao động đã chấp nhận một cái Tết xa nhà chỉ mong muốn mỗi ngày nhận một tin vui “không ghi nhận ca mắc mới”…

Khi Hải Dương đang trở thành điểm “nóng” của dịch, thì tối mùng 2 Tết, 34 thanh niên đi xe máy từ tỉnh Hải Dương cố tình vượt chốt kiểm soát dịch để vào Hải Phòng. Khi lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát ra tín hiệu dừng lại để khai báo y tế, các đối tượng này vẫn cố tình không chấp hành. Đáng nói, có trường hợp còn tông xe vào người một cán bộ đang làm nhiệm vụ khiến người này bị thương. Hay mới đây, tại Đông Triều, tổ tuần tra phòng dịch Covid-19 của địa phương phát hiện cô gái N.T.P.T, 19 tuổi, trú tại thôn Thanh Bình, xã Việt Dân, thị xã Đông Triều trốn chốt kiểm soát để đi từ vùng dịch H.Cẩm Giàng (Hải Dương) sang Quảng Ninh. Điều đáng nói, người này đang làm việc tại Công ty Sumidenso, Khu Công nghiệp Đại An ( huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), nơi đang là ổ dịch Covid-19. Công an thị xã Đông Triều đã ra quyết định xử phạt 25 triệu đồng và cưỡng chế cách ly tự trả phí đối với cô gái này về hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19.

Không chỉ vượt chốt kiểm dịch, trốn chốt kiểm dịch, có một số đối tượng còn khai báo y tế không trung thực. Đó là trường hợp 2 công nhân quê huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu làm việc tại Cẩm Giàng nhưng khi về quê ăn tết thực hiện khai báo y tế thì khai làm việc tại TP Hà Nội. Sau đó, 1 công nhân thuộc diện F1, tiếp xúc gần với F0 cùng Công ty Brother. Ngay sau khi bị phát hiện, hai người này đã được đưa đi cách ly, mỗi người bị xử phạt 15 triệu đồng vì cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…

Đây chỉ là một trong số các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Vượt, trốn chốt kiểm dịch hay khai báo y tế không trung thực… đều là những hành vi rất nguy hiểm có thể là nguồn lây lan dịch nếu không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Pháp luật đã có quy định về việc xử lý đối với những hành vi liên quan đến phòng chống dịch. Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với người có một trong các hành vi: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Bên cạnh xử phạt hành chính, đối với những người đến từ vùng có dịch không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự tùy mức độ nguy hiểm của hành vi. Mức phạt tù tối đa đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Các chế tài đối với vi phạm quy định về phòng, chống dịch đã có. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm quy định để răn đe. Sức khỏe, tính mạng con người không thể bị đánh cược bởi sự thiếu trách nhiệm của một số người coi thường biện pháp phòng, chống dịch.

 

* Saigongiaiphong.vn (17/2): Khát vọng phát triển

Cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021 thật vui tươi, an lành và hôm nay bắt đầu trở lại nhịp độ công việc, học tập thường ngày. Năm nào cũng vậy, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương phải xử lý, giải quyết công việc ngay ngày làm việc sau tết, nhất là những công việc tồn đọng từ trước tết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công việc của người dân.

 Nhìn lại năm Canh Tý 2020, vừa chống chọi thiên tai, vừa chống dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91%, là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất thế giới. Việt Nam còn đạt kỳ tích trong xuất khẩu, với mức xuất siêu 20,1 tỷ USD. Về GDP đầu người, năm 2020 đạt 2.750 USD/người; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt khoảng 268,4 tỷ USD.

 Bối cảnh trong nước và trên thế giới hiện có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta. Kinh tế nước ta tuy có bước phát triển vượt bậc, song chưa tương xứng với tiềm năng; sự tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao.

 Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số nơi còn lỏng lẻo; vẫn còn có những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, nhũng nhiễu người dân. Việc bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách trong một số lĩnh vực còn thấp. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đồng bộ; hiệu quả chưa cao…

 Nhận thức rõ những yếu kém, hạn chế, khó khăn và thách thức, trong mùa xuân mới Tân Sửu 2021, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

 Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không chỉ xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5-10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045.

 Các mục tiêu cụ thể đã được đại hội nhất trí là: Năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có lẽ chưa có đại hội nào mở ra một tầm nhìn xa như vậy!

 Với quyết tâm và ý chí cao độ, bắt đầu từ ngày làm việc đầu năm mới Tân Sửu 2021 này, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp tăng cường sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, làm tốt chức trách, nhiệm vụ, nỗ lực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, tin chắc chúng ta sẽ gặt hái những thành tựu đầy ngoạn mục, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. 

 

QUẢN LÝ

* Laodong.vn (18/2): Hạn chế phương tiện trên Quốc lộ 5 để phòng dịch COVID-19

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm phân luồng phương tiện qua địa bàn tỉnh Hải Dương để phòng chống dịch COVID-19.

Tổng cục Đường bộ đề nghị các Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các hiệp hội vận tải thông tin, quán triệt đến các doanh nghiệp vận tải và các tổ chức, cá nhân có phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, hạn chế lưu thông thông trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Theo đó, Quốc lộ 5 (QL5) chỉ cho phép các phương tiện tải phục vụ phòng chống dịch COVID-19, các phương tiện ưu tiên theo quy định Luật Giao thông đường bộ; các phương tiện khác di chuyển theo phương án phân luồng và các trường hợp đặc biệt khác theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ và theo sự chỉ đạo của Ban phòng chống dịch địa phương.

Trước đó, ngày 15.2.2021, Sở GTVT tỉnh Hải Dương đã thông báo về việc hạn chế phương tiện và phân luồng giao thông trên địa bàn tỉnh để thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

 

* Vtv.vn (17/2): Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, trong đó nghiêm trọng nhất là ngành du lịch, vận tải. Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của COVID-19.

Sự sụt giảm tăng trưởng của các đối tác lớn đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021, cần thiết phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất.

Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

 

* Vtv.vn (15/2): 5 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí

Từ ngày 10/2 đến 14/2 (tức 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 3 Tết Tân Sửu), tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với dịp Tết năm 2020.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 5 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 10/2 đến ngày 14/2, tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), toàn quốc xảy ra 123 vụ tai nạn giao thông, làm chết 75 người, bị thương 74 người. So với 5 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giảm 21 vụ, giảm 27 người chết (26,4%) và giảm 34 người bị thương (31,4%).

Lực lượng Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 11.877 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần 13,5 tỷ đồng; tạm giữ 3.193 phương tiện giao thông, trong đó có 77 xe ô tô, 3.116 xe mô tô; tước 1.416 giấy phép lái xe các loại. Đã có 1.214 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 4 trường hợp dương tính với ma túy bị xử lý.

 

* Laodong.vn (16/2): Xử lý 1.879 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 7 ngày nghỉ Tết Tân Sửu

Trong 7 ngày nghỉ Tết Tân Sửu 2021, Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 16.758 trường hợp vi phạm; phạt tiền 17 tỉ 113 triệu đồng; tạm giữ 101 xe ô tô, 4.642 xe mô tô; tước 1.930 giấy phép lái xe các loại.

Cụ thể, đường bộ: Các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 16.300 trường hợp vi phạm; phạt tiền 16 tỉ 623 triệu đồng; tạm giữ 101 xe ôtô, 4.642 xe mô tô; tước 1.930 giấy phép lái xe các loại.

Trong số này, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 1.879 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy 4 trường hợp.

Ngoài ra, các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện xử lý 63 trường hợp vi phạm, phạt tiền 123 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 trường hợp.

Đường thủy, các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 458 trường hợp vi phạm; phạt tiền 490 triệu đồng.

Đường sắt, các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra, nắm tình hình công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên 21 chuyến tàu khách, 3 lượt đường ngang, kiểm tra quy trình tác nghiệp của 57 nhân viên đường sắt.

 

* Vtv.vn (18/2): Thái Bình đóng cửa di tích và dừng đón khách ở cơ sở tín ngưỡng

Từ 0h ngày 18/2, Thái Bình tạm thời đóng cửa các di tích và không đón khách tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Đây là yêu cầu của UBND tỉnh Thái Bình. Đối với các dịch vụ ăn, uống trong các nhà hàng, khách sạn, hay các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống khác phải sắp xếp bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người, 2m giữa bàn với bàn.

Người lao động đến từ địa phương khác có trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng kể từ ngày 27/1/2021 đến nay, phải thực hiện khai báo y tế và phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng kỹ thuật PCR trong vòng 3 ngày kể từ ngày lấy mẫu xét nghiệm mới tiếp nhận vào làm việc.

Người lao động từ tỉnh Thái Bình vào các ổ dịch đang phải phong tỏa hoặc từ vùng dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu không quay trở lại tỉnh Thái Bình cho đến khi các địa phương đó kết thúc phong tỏa hoặc kết thúc giãn cách xã hội; khi trở về phải khai báo y tế ngay và thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.

 

* Vtv.vn (18/2): Xử nghiêm hành vi tung tin thất thiệt về giá cả, thị trường

Bộ Tài chính đề xuất thời gian tới cần chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Trong báo cáo trình Chính phủ về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất trên. Theo đó, Bộ Tài chính đã đưa ra 5 giải pháp bình ổn thị trường giá cả sau Tết.

Giải pháp cuối cùng là tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết, trong dịp giáp hạt của người dân và các hàng hóa, vật tư y tế phòng, chống dịch; đồng thời chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

 

* Danviet.vn (16/2): 5 điều cán bộ, công chức cần biết khi đi làm sau Tết Tân Sửu 2021

Cán bộ, công chức, viên chức cần đặc biệt chú ý những điều này khi đi làm trở lại sau dịp Tết Tân Sửu 2021.

 Cán bộ công chức phải khai báo y tế khi trở về Hà Nội: Đối với những cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc ở Hà Nội sẽ phải thực hiện khai báo y tế khi đi làm trở lại sau Tết Tân Sửu 2021.

 Cán bộ công chức phải bắt tay vào công việc: Theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 10/12/2019 về việc tổ chức Tết năm 2020, ngay trong ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, cán bộ, công chức bắt buộc phải đi làm đúng giờ, đủ số lượng và bắt tay ngay vào công việc, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan.

 Cán bộ công chức không được uống rượu trong giờ làm việc: Thông thường nhiều cơ quan, đơn vị sẽ tổ chức liên hoan mừng năm mới khi đi làm sau Tết. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian làm việc nên cán bộ, công chức, viên chức phải hết sức lưu ý khi sử dụng rượu, bia trong khi tham dự "khai xuân".

 Theo quy định của Chỉ thị số 26/CT-TTg được Thủ tướng ban hành năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước. Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.

 Cán bộ công chức không đi lễ hội, chùa, du xuân trong giờ hành chính: Bên cạnh việc không được uống rượu bia trong giờ làm việc, cán bộ công chức cũng không được dùng thời gian này để đi lễ hội, chùa và du xuân. Điều này được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý trong Chỉ thị số 26 và tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP.

 Cán bộ công chức không dùng xe công đi lễ hội, chùa sau Tết: Ngoài ra, Nghị định 110 cấm cán bộ công chức tuyệt đối không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

 Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà việc sử dụng xe công cho mục đích cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

 

* Vtv.vn (17/2): Hết Tết, TP Hồ Chí Minh phục vụ người dân bình thường trong bối cảnh bất thường

TP Hồ Chí Minh đang triển khai công tác phòng dịch căng thẳng sau Tết mà vẫn phải đảm bảo bộ máy công quyền hoạt động thông suốt để phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân.

 Những tiểu cảnh bày biện Tết giờ đang được thu dọn như một lời tuyên bố chính thức Tết đã hết. Tại UBND quận 12 ở TP Hồ Chí Minh sáng 17/2, các công chức đã trở lại nhiệm sở để phục vụ người dân như thường lệ.

 Công tác phòng chống dịch được đặc biệt quan tâm. Từ cổng vào đã đo thân nhiệt, khuyến cáo bà con rửa tay, giữ khoảng cách. Bên trong từ cán bộ đến người dân buộc phải đeo khẩu trang đầy đủ. Chỗ ngồi cũng cách quãng. Ngay cạnh khu nhận trả hồ sơ còn có thêm cả chỗ uống cà phê, đọc sách để nếu đông quá bà con ra ngồi cho thông thoáng.

 Sau Tết, người dân các nơi đổ về các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh - chắc chắn sẽ lại là một thử thách nữa với công tác phòng chống dịch bệnh. Việc các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết sức để phục vụ được người dân như bình thường trong bối cảnh đầy bất thường này rõ ràng là điều rất đáng ghi nhận. 

 

* Dantri.com.vn (17/2) : Hải Dương tạm dừng thủ tục hành chính công

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành công văn số 515/UBND-VP về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19.

 Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu: Tạm dừng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã (trừ việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ của Thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải và thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội) kể từ ngày 17/2 đến hết ngày 2/3.

 Đối với những hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết và đến thời hạn trả kết quả cho người dân thì chỉ được sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển kết quả đến cho người dân.

 Bưu điện tỉnh Hải Dương phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp tuyên truyền, hỗ trợ tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Ictvietnam.vn (17/2): Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số

Theo Bộ TT&TT, các tỉnh/thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số để chỉ đạo ở tầm chiến lược chuyển đổi số tại địa phương và UBND tỉnh, thành phố có chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai nghị quyết. 

Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến đầu tháng 2/2021, đã có khoảng 30 tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số. Một số địa phương như Bến Tre, Thái Nguyên đã ra nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số.

 Mới đây, Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT đã có công văn 132 gửi các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trên cả nước để đôn đốc việc xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số tại địa phương.

 Trong văn bản nêu trên, Cục Tin học hóa nhấn mạnh, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số tại các địa phương, trong thời gian tới cần có sự chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng. Các tỉnh/thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số để chỉ đạo ở tầm chiến lược chuyển đổi số tại địa phương và UBND tỉnh, thành phố có chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai nghị quyết.

 Các Sở TT&TT tỉnh, thành phố được đề nghị xem xét, tham mưu tỉnh/thành ủy ban hành nghị quyết để chỉ đạo, định hướng về chuyển đổi số của địa phương; đồng thời tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai (nếu chưa ban hành).

 Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số xã; đồng thời hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình chuyển đổi số.

 

* Viettimes.vn (17/2) : Ninh Bình: Ứng dụng Công dân số thành hệ sinh thái hành chính công nhiều tiện ích

Đều đặn 19h hàng ngày, 6 nhân viên Bưu điện tỉnh Ninh Bình lại về nhà văn hóa các thôn để hướng dẫn bà con đăng kí tài khoản định danh và xác thực điện tử PostID, tải app “Công dân số”, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản, tra cứu thông tin trên hệ sinh thái hành chính công.

 Những ngày đầu năm mới 2021 câu chuyện của những người nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, với sản phẩm chạch sụn và rau cần nổi tiếng đã sôi nổi, rôm rả hơn khi cùng nhau hướng dẫn cách tải app Công dân số từ kho ứng dụng CH Play, App Store về điện thoại thông minh; hoặc trên máy tính kết nối mạng có thể truy cập vào website https://congdanso.vnpost.vn.

 Chỉ trong 2 ngày đầu tiên xã Yên Hòa tổ chức cài đặt tập trung nhưng hơn 400 người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, ao cá đã không quản ngại đêm hôm, rét mướt cùng nhau đi đăng kí tài khoản PostID để sử dụng ứng dụng mới. Nhiều người đi về đã giới thiệu cho những thành viên trong gia đình, bạn bè, hàng xóm để cùng cài đặt nền tảng mới. Đồng thời hướng dẫn tới Bưu điện để đăng kí tài khoản PostID.

  Với chính quyền xã, ngoài việc thực hiện các dịch vụ liên quan đến hành chính công, cán bộ công chức của xã còn có thể chủ động tuyên truyền về các thông tin đến với đông đảo người dân trong xã trên ứng dụng Công dân số. Khi có bất cứ thông tin mới nào của xã được cập nhật, người Yên Hòa dù ở đâu chỉ cần có tài khoản PostID đều có thể cập nhật ngay các thông tin thông qua ứng dụng.

 

*Thoibaotaichinhvietnam.vn (15/2): 3 Cục Hải quan dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính

Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 3751/QĐ-TCHQ về việc công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2019 (Chỉ số cải cách hành chính) của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Theo đó dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính thuộc về 3 cục hải quan: Đà Nẵng, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

Theo bảng chấm điểm xếp hạng kèm theo Quyết định 3751/QĐ-TCHQ, 3 cục hải quan tỉnh, thành phố nêu trên, xếp hạng 1 với cùng 89/90 điểm. Đứng thứ 2 bảng xếp hạng gồm: Cục Hải quan Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai - Kom Tum với cùng 88,5/90 điểm. Các cục hải quan tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Ninh xếp hạng 3 với cùng 88/90 điểm.

Tại khối cục trực thuộc Tổng cục Hải quan, đứng đầu bảng xếp hạng là Cục Kiểm định hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan; khối vụ thuộc Tổng cục Hải quan đứng đầu là Vụ Pháp chế.

Được biết, Chỉ số cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan được xác định trên 7 lĩnh vực, đánh giá với từng khối với các tiêu chí, thành phần, thang điểm khác nhau được ban hành tại Quyết định 1500/QĐ-TCHQ (ngày 24/5/2019) của Tổng cục Hải quan.

 

* TTXVN.vn (16/2): TP Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ số để thay đổi cuộc sống người dân

TP Hồ Chí Minh đã và đang đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống để nâng cao hiệu quả làm việc và liên kết, giao lưu trực tuyến với người dân nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Quận Thủ Đức (cũ) là một trong những quận được chọn thí điểm triển khai đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó, công nghệ thông tin được áp dụng vào các công việc hành chính, quản lý và nhắm đến việc phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả.

Theo đó, để kết nối trực tiếp với người dân, quận Thủ Đức (cũ) đã triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; ứng dụng quản lý địa bàn dân cư và hồ sơ công việc tại UBND các phường trên địa bàn (G-Office) và hàng loạt hệ thống khác… Ngoài ra, để giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền với nhân dân, UBND quận Thủ Đức (cũ) còn triển khai cổng thông tin điện tử nhằm đo lường, khảo sát sự hài lòng của nhân dân, đồng thời triển khai ứng dụng tiếp nhận, quản lý, trả lời phản ánh, góp ý của người dân thông qua các mạng như: Zalo, Facebook và Website…

Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính của các cấp chính quyền, trong các lĩnh vực chuyên ngành, TP Hồ Chí Minh cũng đang ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số hiệu quả. Ông Nguyễn Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, Sở đã triển khai nhiều đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Cand.com.vn (18/2): Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La bị bắt vì vi phạm quy định đấu thầu

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La thi hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát; Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La; Nguyên Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính và Chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tài chính về các hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 17/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La cho biết đã thi hành các Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các đối tượng bị bắt là Bùi Thị Thu, SN 1969, trú tại số 3, ngõ 42, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội (Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát); Sa Văn Khuyên, SN 1960, trú tại tổ 3, phường Chiềng Lề, Sơn La (Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La); Bùi Thị Hoa, SN 1965, trú tại tổ 11, phường Quyết Tâm, Sơn La (Nguyên Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính) và Mai Anh Tuấn, SN 1987, trú tại tổ 9, phường Quyết Thắng, Sơn La (Chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tài chính) về các hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”  và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Quá trình điều tra xác định các đối tượng trên đã có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế; nhiều danh mục hàng hóa, thiết bị y tế không đúng với danh mục trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký, gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước. 

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

 

* Vtv.vn (17/2): Xác định 203 người mua bằng giả của Đại học Đông Đô, đề nghị truy tố 10 bị can

Đã có thêm 10 cá nhân khác được phát hiện cấp bằng giả trong vụ "không học mà vẫn có bằng" ở Đại học Đông Đô.

Theo kết luận điều tra bổ sung vụ Đại học Đông Đô, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã lập danh sách, cung cấp cho VKSND Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

Về xử lý hậu quả việc làm, cấp bằng giả, kết luận điều tra bổ sung cho biết đối với 58 trường hợp sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh giả của Trường Đại học Đông Đô, ngày 12/11/2020, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản kiến nghị đơn vị chủ quản của người sử dụng văn bằng và cơ sở giáo dục mà các cá nhân này nộp văn bằng để làm hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả theo quy định. Đến nay, đã có 43 trường hợp đã có kết quả xử lý. Còn 15 trường hợp cá nhân sử dụng văn bằng chưa có kết quả xử lý, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản đề nghị các đơn vị chủ quản sớm xử lý, cung cấp kết quả nhưng nội dung này không ảnh hưởng đến việc truy tổ, xét xử đối với các bị can.

Theo Cơ quan Điều tra, dù chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô, đang bỏ trốn) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh.

 

* Tuoitre.vn (17/2): 'Né' khai báo y tế, một trưởng phòng tại Hải Dương bị phạt 15 triệu đồng

Ngày 17-2, UBND TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết vừa xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với ông P.V.Q. (41 tuổi, trú tại phường Hải Tân) về hành vi không kịp thời khai báo y tế.

Theo lãnh đạo phường Hải Tân, ông Q. có tiếp xúc với người tên Ph. (là F1, trú tại TP Hải Dương) và hiện nay ông Ph. đã trở thành F0. Dù biết mình có liên quan đến ca nhiễm nhưng ông Q. không chủ động khai báo y tế để thực hiện cách ly tại nhà dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

Căn cứ mức độ vi phạm, UBND TP Hải Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Q. 15 triệu đồng. Được biết, ông Q. là trưởng phòng một sở tại Hải Dương.

Cũng trong ngày 17-2, lực lượng chức năng phường Hải Tân đã phát hiện 2 trường hợp tụ tập câu cá tại khu vực Cống Đọ, không thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên đã lập biên bản xử phạt hành chính mỗi người 2 triệu đồng.

 

* Vtv.vn (18/2): Bắt khẩn cấp "ông trùm" liên quan đến chuyên án xăng giả khủng

Công an đã bắt khẩn cấp Lê Thanh Trung, người được xác định là "ông trùm" liên quan đến đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả quy mô cực lớn.

Liên quan đến chuyên án buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu, ngày 18/2, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Thanh Trung (sinh năm 1983, trú tại xã Long Tuyền, huyện Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) nằm trong đường dây mua, bán hóa đơn giả.

Lệnh bắt khẩn cấp Lê Thanh Trung đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Trước đó, đêm 6/2, Công an tỉnh Đồng Nai đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an triển khai 14 tổ công tác để đồng loạt khám xét khẩn cấp các kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển, mua bán, "sang mạn" tàu để pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng nhập lậu với số lượng lớn tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, hành vi của các đối tượng đã xâm hại đến thị trường xăng dầu trong nước, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt gây nguy cơ cháy nổ rất cao, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện khi sử dụng loại xăng giả, xăng kém chất lượng.

Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

 

* Nld.com.vn (18/2): Dùng “đất lậu” để san lấp công trình nhà nước, doanh nghiệp bị phạt nặng

Ngoài một doanh nghiệp bị phạt 90 triệu đồng, các cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cũng đang tính toán khối lượng vi phạm để xử phạt hai doanh nghiệp khác với hành vi tương tự.

Ngày 18-2, UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết vừa có quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng tổng hợp Đức Việt (Công ty Đức Việt; trụ sở CCN Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) về hành vi khai thác đất trái phép.

Ngoài ra, Công ty Đức Việt còn bị phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác (đất san lấp) với tổng khối lượng là 510 m3, quy giá trị hơn 7 triệu đồng; đồng thời buộc cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn trong thời gian 10 ngày.

Trước đó, đầu tháng 1 vừa qua, Công ty Đức Việt đã tổ chức khai thác đất trái phép tại khoảnh 3, tiểu khu 208, thuộc thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp để san lấp mặt bằng cho một công trình nhà nước.

 

THẾ GIỚI

* Thanhnien.vn (16/2): “Đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc lần đầu không “đánh” đảng viên cấp cao

Theo tờ Nikkei Asia ngày 16.2, không có người nào trong số khoảng 200 thành viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bị “dính chàm” trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm ngoái.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã xử lý 27 quan chức cấp cấp tỉnh và cấp bộ vào năm 2020, so với con số 41 quan chức vào năm 2019.

Không ai trong số khoảng 200 thành viên Ủy ban Trung ương bị kỷ luật, lần đầu tiên kể từ khi ông Tập trở thành Tổng thư ký Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012.

Trước đó, ông Tập công bố chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn vào tháng 1.2013, hai tháng sau khi nhậm chức, được mệnh danh là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” sau khi ông phát biểu rằng công tác chống tham nhũng cần phải đánh ở mọi cấp.

Số quan chức cấp cao bị xử lý về hành vi tham nhũng đạt đỉnh vào năm 2017, trong đó đáng chú ý là bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài cùng những người khác.

Việc các vụ chống tham nhũng liên quan những quan chức cấp cao lắng xuống không có nghĩa là chiến dịch kết thúc, mà chỉ là tập trung vào các cấp thấp hơn.

Tổng số đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bị kỷ luật tăng lên khoảng 600.000 vào năm ngoái, so với khoảng 590.000 vào năm 2019. Trong số đó có nhiều quan chức tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) do liên quan đến công tác đối phó dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu.

 

* Tienphong.vn (16/2): Rúng động vụ gần 500 quan chức, cựu quan chức Peru bí mật tiêm vắc-xin COVID-19

Tổng thống Peru - ông Francisco Sagasti cho biết hơn 480 quan chức và cựu quan chức nước này đã lợi dụng chức vụ - quyền hạn của mình để bí mật tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Theo ông Sagasti, nhóm quan chức này bao gồm cả những cựu quan chức từ thời chính quyền Tổng thống Martin Vizcarra, cũng như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Elizabeth Astete và cựu Bộ trưởng Y tế Pilar Mazzetti.

Bà Astete đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sagasti vào cuối tuần vừa qua, sau khi thừa nhận bà đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trước khi bắt đầu chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước này.

Cựu Bộ trưởng Astete được tiêm liều vắc-xin Sinopharm đầu tiên vào ngày 22/1, sau khi bà tiếp xúc với những người mắc COVID-19 vào tháng 12 và tháng 1./.

ND