VPUB - Chủ động quản lý sinh vật gây hại trên cây lúa vụ mùa

Dienbien.gov.vn - Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 18.424 ha lúa (đạt 95% kế hoạch), hiện tại trà sớm và trà chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - kết thúc đẻ nhánh, trà muộn trong giai đoạn gieo - đẻ nhánh, lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Nông dân Điện Biên đang tích cực chăm sóc lúa vụ mùa.

Trong thời gian qua, điều kiện thời tiết nắng nóng, kết hợp với mưa rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây lúa.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, trên các trà lúa một số sinh vật gây hại chính đang có diễn biến phức tạp như bệnh đạo ôn lá diện tích xuất hiện trên 900 ha, hại nặng trên giống Hana, Séng cú, Bắc thơm số 7, Đài thơm; tập đoàn rầy phát sinh và gây hại sớm, mật độ ổ trứng cục bộ trên 500 ổ/m2. Ngoài ra, chuột, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bạc lá... đã xuất hiện và gây hại tại một số vùng.

Thời gian tới, thời tiết được dự báo vẫn tiếp tục có nắng nóng xen kẽ mưa, dông thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng. Để chủ động quản lý, phòng chống hiệu quả sinh vật gây hại lúa vụ mùa năm nay và bảo vệ an toàn sản xuất, theo ông Nguyễn Trọng Kính, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các huyện, thị, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã căn cứ vào tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, cập nhật thời tiết, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của sinh vật gây hại để dự báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời phương án phòng chống, trong đó tập trung vào một số đối tượng dịch hại chính như: Tập đoàn rầy lứa 5 xuất hiện và gây hại trên trà sớm, trà chính vụ từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Tiến hành phun trừ ở những nơi có mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên bằng một số thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Pymetrozine, Nitenpyram, Thimeathoxam...

Bên cạnh đó, khả năng trưởng thành của sâu cuốn lá ra rộ đầu tháng 8, nên nông dân cần theo dõi kỹ diễn biến của sâu cuốn lá, phun thuốc bảo vệ thực vật khi trưởng thành ra rộ được 5 - 7 ngày bằng một số thuốc có chứa hoạt chất Chlorfennapyr, Pyrethroid, Abamectin, Emamectin. Đồng thời, chủ động phát hiện để khoanh vùng phòng trừ sớm bệnh đạo ôn lá, đặc biệt trên các giống lúa nhiễm như Séng Cù, Hana, Bắc thơm số 7, Đài thơm.

Nông dân chủ động thực hiện biện pháp canh tác phù hợp như rút nước xen kẽ giai đoạn lúa đẻ nhánh, bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, phân ka-ly để giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu, đẻ nhánh tập trung; chủ động phát hiện, phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời…

Tuy nhiên, để chủ động quản lý sinh vật gây hại trên cây lúa vụ mùa Ngành nông nghiệp Điện Biên đã yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố cần tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc chính quyền cấp xã tập trung vào các cao điểm dịch hại trong vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; xử lý nghiêm các trường hợp tư vấn, hướng dẫn không chính xác để nông dân chăm sóc, phòng trừ không có hiệu quả, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

Cùng với đó, Chi cục Bảo vệ thực vật thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi sát diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng, sinh vật gây hại; chủ động phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện kiểm tra, đánh giá nguy cơ dịch hại vào các giai đoạn xung yếu trong vụ để tham mưu, hướng dẫn biện pháp phòng chống sâu bệnh hại kịp thời, không để bùng phát trên diện rộng...

Tuyết Anh