VPUB – Sáng chế máy gặt lúa xếp dãy từ động cơ xe máy

Dienbien.gov.vn – Là một trong số 103 gương điển hình tiên tiến được Tỉnh đoàn Điện Biên tuyên dương ngày 30/6 vừa qua. Anh Trần Quang Trung trú tại thôn Tân Ngam, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã tận dụng động cơ xe máy cũ để chế tạo và lắp ráp thành công máy gặt lúa xếp dãy, dễ sử dụng, vận chuyển, giúp nông dân giảm bớt sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Máy gặt lúa xếp dãy do anh Trung tự chế có động cơ khỏe hơn, tốn ít nhiên liệu, phù hợp với mọi địa hình

Chia sẻ về ý tưởng chế tạo máy gặt lúa, anh Trung tâm sự: Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, sau khi học hết lớp 12, năm 2007 anh thi vào trường trung cấp nghề cơ khí tại thành phố Vũng Tàu, vừa đi học anh vừa đi làm thêm ở các xưởng và doanh nghiệp ngoài để lấy tiền trang trải việc học. Tốt nghiệp trung cấp anh tiếp tục học lên Cao đẳng dầu khí, sau khi ra trường anh thi vào Công ty đóng tàu tại thành phố Vũng Tàu làm khi hết hợp đồng năm 2015, anh trở về Điện Biên mở xưởng cơ khí nhỏ. Thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, vốn là người từng theo học cơ khí, ham mày mò học hỏi, anh luôn ấp ủ ý tưởng làm ra một chiếc máy gặt thông minh không chỉ giúp việc đồng áng của gia đình, mà còn giúp bà con nông dân đỡ vất vả, tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình làm ra hạt lúa. Anh bắt đầu lên mạng tìm hiểu và mày mò nghiên cứu về máy gặt lúa, lần đầu anh chế tạo chiếc lồng gặt nắp vào máy phát cỏ tuy nhiên khi thử nghiệm trên đồng ruộng thì thấy chiếc máy hoạt động không hiệu quả. Anh tiếp tục tìm hiểu và thử nghiệm trên động cơ xe máy cũ rồi mày mò cách lắp giáp liên kết với bộ phận mồm gặt sao cho phù hợp để gặt lúa, kết quả lần 2 đã khắc phục được những lỗi không hợp lý và hoàn thiện hơn. Anh đưa máy ra thử nghiệm tại cánh đồng và nhận được sự ủng hộ của bà con, chiếc máy gặt đầu tiên dưới bàn tay khéo léo của người thợ cơ khí được ra đời. Nói về khó khăn khi chế tạo máy gặt, anh Trung cho biết: Khi tìm hiểu được cách lắp đặt thì chưa hiểu được nguyên lý hoạt động của động cơ cùng với đó là dao cắt lúa cũng do anh tự chế vì là nước thép nên không đủ chất lượng và cánh quạt tự chế không đồng đều. Rút kinh nghiệm từ lần đầu thất bại, anh đặt mua dao và quạt ở Công ty phụ kiện máy gặt ở Miền Nam về làm. Nếu so với những chiếc máy gặt lúa xếp dãy trên thị trường sử dụng rơ le thì chiếc máy gặt anh Trung chế tạo có động cơ khỏe hơn, tốn ít nhiên liệu (0,25 lít xăng/1.000m2), gặt 1.000m2 ruộng lúa chỉ mất từ 10 - 15 phút. Với ưu điểm, phù hợp với mọi địa hình, nhất là ruộng bậc thang, máy gặt êm không rụng thóc, tiện lợi cho việc phơi rơm, thóc ngoài cánh đồng, thu gom nhanh, rất tiện lợi cho việc tận dụng rơm cho chăn nuôi, trồng trọt....Sản phẩm máy gặt lúa xếp dãy được bà con nhân dân tin dùng và đưa vào sử dụng trong các mùa vụ, là động lực để anh sản xuất máy nhiều hơn. Không chỉ  phục vụ nhân dân trong xã và huyện Điện Biên, máy gặt lúa của anh còn được người dân các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu...biết đến và đặt mua. Trung bình hàng năm anh xuất ra thị trường khoảng 10 chiếc máy với giá bán mỗi máy là: 22.000.000đ.

Anh Trung bên chiếc máy gặt lúa xếp dãy tự chế

Sau thành công chế tạo chiếc máy gặt lúa xếp dãy, năm 2017 anh Trung tiếp tục chế tạo thành công chiếc máy xới đất có thể sử dụng ở mọi địa hình, máy nhỏ gọn dễ tháo rời vận chuyền bằng xe máy.

Chia sẻ thêm về dự định trong thời gian tới, anh Trung cho biết: Ý tưởng thì nhiều, nhưng việc nhà nông cứ liên miên nên chưa biết bao giờ anh mới thực hiện được. Đó là việc chế tạo một chiếc máy phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ có công suất lớn, phục vụ cho việc chăm sóc cây ăn quả của gia đình. Tiến tới là chiếc máy 3 trong 1 bao gồm các chức năng: xới đất, gặt lúa và phun thuốc trừ sâu.

Mô hình chế tạo máy gặt xếp dãy là bước đột phá trong ý tưởng sáng tạo không chỉ của riêng cá nhân anh Trung mà còn là của tuổi trẻ huyện Điện Biên. Qua đó, giúp người dân trong thu hoạch lúa và áp dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả kinh tế, giảm chi phí và sức lao động. Với ý tưởng của mình, anh vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tặng Bằng khen đạt giải ba trong Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Điện Biên” năm 2019.

Ngọc Thủy