VPUB - Phát triển kinh tế sau tái định cư thủy điện Sơn La

Dienbien.gov.vn - Tại Đại hội các Dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ III, năm 2019, ông Chu Văn Tờn - nhân dân Tổ dân phố 1, phường Na Lay, thị xã Mường Lay là một trong những tấm gương người dân tộc thiểu số tiêu biểu được vinh danh vì đã nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống gia đình sau tái định cư.

Những năm qua, sau công tác tái định cư dự án thủy điện Sơn La, đời sống của nhân dân thị xã Mường Lay còn gặp phải một số khó khăn, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, giá cả mặt hàng tăng cao. Song, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cấp từ thị xã đến phường đã phát động nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động, quan tâm đến đào tạo nghề, định hướng chuyển đổi ngành nghề phát triển kinh tế gia đình sau tái định cư.

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo sau tái định cư, gia đình ông Chu Văn Tờn cũng như bao gia đình khác trăn trở suy nghĩ nên chuyển đổi nghề gì, nuôi con gì để đảm bảo đời sống sau tái định cư.

Chia sẻ với về những ngày đầu sau tái định cư, ông Chu Văn Tờn cho biết: “Nhận thấy thế mạnh ở địa phương thích hợp với chăn nuôi trâu, bò, dê vì có bãi chăn thả, gia đình tôi đã tận dụng diện tích đất đồi sẵn có làm nguồn thức ăn. Ngoài việc tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh, tôi còn tích cực học hỏi kinh nghiệm thực tế ở những người đi trước, tham gia theo học các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt tổ chức tại địa phương, chuyên đổi ngành nghề do thị xã tổ chức để tạo thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm về làm kinh tế”.

Với địa hình thuận lợi có khe suối Huổi Mút, gia đình ông đã quyết định thuê máy xúc đào 5 cái ao để nuôi cá và chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng; mua thêm 7 con trâu, 7 con bò và 23 con dê, để phát triển kinh tế gia đình; trồng cây ăn quả lâu năm. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò, dê, gia đình ông đã tận dụng những bãi đất đồi trồng 1.000 m2 cỏ voi, tận dụng thêm các phụ phẩm từ nông nghiệp như: lá mía, ngô, đậu... Với những sản phẩm này, trong mùa đông gia đình thực hiện phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu, bò, dê nên nguồn thức ăn luôn được đảm bảo. Hàng năm, gia đình trồng ngô, sắn, rong riềng, rau vụ đông các loại và nuôi thêm 2 lứa lợn/năm nhờ đó đảm bảo được sinh hoạt và nâng cao đời sống của gia đình, con cái được học hành, có công ăn việc làm ổn định.

Sau tái định cư Thuỷ điện Sơn La, diện tích đất sản xuất của nhân dân bị thu hẹp việc chuyển đổi ngành nghề của người dân còn nhiều bất cập. Trước tình hình đó, ông Chu Văn Tờn đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tận dụng đất bán ngập để sản xuất trồng lúa, trồng rau các loại để có thêm thu nhập. Vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, cùng nỗ lực phấn đấu vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tích cực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; vận động nhân dân cùng tham gia các lớp học nghề, chủ động chuyển đổi ngành nghề phù hợp tạo việc làm.

Ngoài ra, là một người Đảng viên, bản thân ông cũng luôn tích cực học tập các Chỉ thị, Nghị quyết, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp phát động, xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực ‘No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tham gia các lớp học nghề ngắn hạn như: kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, chuyển đổi ngành nghề... cùng giao lưu học hỏi kinh nghiệm về làm kinh tế xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng, trao đổi kinh nghiệm về chăn nuôi, cách phòng trị bệnh cho gia súc gia cầm...

Bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng, ông luôn gương mẫu đi đầu, tích cực vận động gia đình và cộng đồng dân cư thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa; toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tham gia tích cực phong trào xây dựng Tổ dân phố, bản làng văn hóa và các phong trào do Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị các cấp phát động. Động viên, tạo điều kiện cho con cháu ham học, chăm làm, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Vận động gia đình và cộng đồng dân cư xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không mắc các tệ nạn, nhất là không trồng, không buôn bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Xây dựng quy ước, hương ước, góp phần xây dựng khu dân cư tiên tiến, xây dựng bản làng văn hóa.

Lan Phương