VPUB – Dân tộc Thái qua một vài phong tục

Dienbien.gov.vn - Dân tộc Thái gồm các tiểu ngành với những tên gọi như: Táy Đón, Táy Đăm, Táy Thanh, Pú Khay, Hàng Tổng và Thổ Đà Bắc... Căn cứ vào mức dân khoảng trên 1.500.000 người (thống kê Điều tra dân số 2009), dân tộc Thái được coi là một dân tộc đa số trong số những dân tộc thiểu số. Đồng bào Thái thích cư trú dọc hai bên triền sông, triền suối, nơi có địa thế bằng phẳng, rộng rãi, phì nhiêu, thuận tiện cho việc phát triển cây lúa nước. Người Thái sống tập trung nhất tại các tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Sơn La, Hoà Bình và Lai Châu. Tiếng nói người Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.

Vòng xòe - Biểu trưng văn hóa của đồng bào Thái Điện Biên nói riêng, các tỉnh Tây Bắc nói chung.  

Đồng bào Thái ưa sự thênh thang, thoáng đãng, do vậy mỗi bản của họ thường chỉ vài ba chục nóc nhà. Nhà người Thái là nhà sàn, rộng và cao, nhiều gian, lắm cột; nhà có hai chái, mỗi chái có một sàn sân, mỗi sàn sân có một cầu thang. Chái nhà người Thái trắng (Táy đón) hình vuông, còn chái nhà người Thái đen (Táy đăm) hình mai rùa. Nhà ngư­ời Thái trắng có khá nhiều điểm gần với nhóm Tày - Nùng. Còn nhà người Thái đen lại gần với nhà của các cư­ dân nhóm Môn - Khơ me. Tuy vậy, nhà người Thái đen lại có những nét đặc tr­ưng không thấy ở nhà của cư­ dân Môn - Khơ me. Bộ khung nhà Thái có hai kiểu cơ bản là khứ kháng và khay điêng. Kết cấu vì nhà kiểu khay điêng là vì nhà kiểu khứ kháng đư­ợc mở rộng bằng cách thêm hai cột nữa (kiểu vì nhà này gần giống với kiểu vì nhà của nhóm Tày - Nùng). Cách bố trí sinh hoạt của nhà người Thái đen khá độc đáo, các gian đều có tên riêng. Từ xa xưa, kiểu dáng chái nhà của người Thái đen đã từng là đề tài cho một câu chuyện cổ tích khá thú vị (đó là chuyện “tụp cống”, đại ý từ cái mai con rùa gợi ý cho con người kiểu mái nhà). Mỗi đầu ngôi nhà truyền thống của người Thái đen có gắn một bộ khau cút, gồm hai thanh gỗ chạm khắc hình rồng, đan chéo nhau theo thế giao long, cùng đâm vút lên trời.

Bà con dân tộc Thái có nhiều kinh nghiệm trong việc chinh phục nguồn nước tự nhiên, các công trình thuỷ lợi như mương phai, ống máng, guồng cọn, lái lịn hoặc máy cán bông và cối gạo nước... là những bằng chứng cho kết luận trên. Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc của nền nông nghiệp Thái là cơm lam, nếp cẩm, nếp tan; toàn những thứ đã thơm lại dẻo, đã dẻo lại bùi. Hầu hết mọi phụ nữ Thái đều thành thạo các công việc trồng bông, kéo sợi, ươm kén, chăn tằm, dệt vải, nhuộm chàm... Với chất liệu bông sợi, thổ cẩm Thái đã đạt đến trình độ kỹ thuật cực kỳ tinh xảo: rực rỡ và sang trọng trong phối màu, mềm mại và tao nhã trong đường nét hoa văn; mát vào mùa hạ, ấm vào mùa đông. Không chỉ riêng dân tộc Thái mà dân tộc nào cũng thích, không chỉ người Việt Nam mà khách du lịch nước ngoài cũng thích. Tại một số địa bàn vùng sâu, các cô gái Thái thường lên rừng bóc lấy vỏ cây xo xe (cây tươi), mang về giã nát, lọc lấy bột để pha nước gội đầu (và cả tắm). Theo kinh nghiệm dân gian con gái gội đầu bằng nước bột cây xo xe, tóc sẽ dài, mượt và đen; tắm bằng nước vỏ cây xo xe làn da sẽ thơm, trắng mịn và hấp dẫn hơn.

Về tín ngưỡng, đối tượng thờ cúng cơ bản của dân tộc Thái là tổ tiên, trời đất, bản mường. Theo quan niệm của đồng bào, người ta không chết mà chỉ “chuyển” cuộc sống nơi trần ai (cõi khổ) đến một nơi cực lạc (vui sướng) khác. Ở đó con người sẽ được đầy đủ hơn về vật chất, thư thái hơn về tinh thần và thanh cao hơn về phẩm giá... Xứ sở kỳ diệu ấy là Mường Trời, tức Mường Then (chính tên gọi Mường Thanh của Điện Biên bây giờ, là do đọc trệch hai chữ Mường Then mà ra). Tại nhiều địa phương, người Thái còn tổ chức một thứ nghi lễ trang nghiêm với quy mô cả bản tham gia, đó là lễ cầu mùa, đón tiếng sấm; ý nghĩa gần giống như hội Lồng tồng của dân tộc Tày ở vùng cao Việt Bắc. Hầu hết các bậc cao tuổi người Thái cho rằng trong thế giới siêu hình không hề có thần phật, mà chỉ có ma tà và ma tà ngự trị ở khắp mọi nơi: trên đỉnh núi, dưới thung sâu, ngoài bìa rừng, cạnh gốc cây đầu bản... Và cuối cùng, khủng khiếp hơn cả là giống ma cà rồng túc trực ở ngay gầm sàn của mỗi gia đình, đêm đêm rình hút máu người(!)

Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di tích văn hóa cấp tỉnh “Xên Mường Thanh” của dân tộc Thái, ngày 25/5/2018 tại UBND phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ.  

Cho tới nay, về trang phục, những gì còn lại để làm nên bản sắc dân tộc Thái, đều tập trung ở người phụ nữ. Một bộ nữ phục truyền thống của người Thái gồm 4 thứ chính: piêu, xửa cỏm, xỉn và thông (khăn, áo ngắn, váy và túi). Bấy lâu, có lẽ vì lý do tế nhị nên chúng ta thường tránh nói nhiều, nói kỹ về bộ váy áo người Thái, bởi nó liên quan trực tiếp đến những đường cong gợi cảm và tuyệt mỹ nơi cơ thể chị em. Chỉ biết rằng, trên thực tế, một phụ nữ Thái dù được học hành tới đâu và có làm đến chức vụ gì đi chăng nữa thì, họ vẫn giữ cho mình tối thiểu một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, dĩ nhiên là có chiếc xửa cỏm (áo ngắn) với hai hàng phạ khau (cúc bướm) lấp lánh ánh bạc, mang hình những chú bướm cách điệu hoặc mô phỏng đường nét của những loài cây (rau dớn) vốn được sinh ra từ chốn sơn thôn. Riêng chiếc piêu Thái thôi cũng đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho hàng loạt các tác phẩm hội hoạ, âm nhạc và nhất là văn học; cả văn xuôi lẫn văn vần, cả văn học viết lẫn văn học truyền miệng.

Dân tộc Thái có một nền văn hoá - văn nghệ đồ sộ và lâu đời, phong phú về thể loại, sâu sắc về nội dung. Chữ khắp (hát) vừa là danh từ để gọi, vừa là động từ để tả. Nhân dân lao động Thái có thể hát ở mọi nơi, vào mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh: hát đối đáp, hát mời rượu, hát lên nương, hát then, hát trong đêm xoè, hát trên sàn Hạn Khuống... Người Việt Nam, hẳn ai ai cũng đã hơn một lần được nghe bài hát Inh lả ơi với chất liệu dân ca Thái mượt mà, sâu lắng, mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc. Người Thái có hàng chục điệu dân vũ (có tài liệu nói 36 điệu) khác nhau, như: Múa xoè, múa chuông, múa khăn, múa chai, múa chọi gà, múa hái hoa, múa chèo thuyền, múa bật bông... Nhưng, hấp dẫn nhất là các điệu múa quạt, múa nón và múa sạp; đó là những điệu múa từng giành nhiều huy chương vàng tại các hội diễn trong nước và các cuộc thi quốc tế. Cùng với các bài dân ca và các điệu dân vũ, là sự góp mặt tất yếu của các nhạc cụ dân tộc. Nhạc cụ Thái, tựu trung, có thể chia làm 3 nhóm lớn: bộ gõ, bộ dây và bộ hơi. Xung quanh cây đàn tính (tính tẩu) với vai trò giữ nhịp, là các loại chiêng trống, các kiểu pí pặp, các dạng đàn môi...

Là một dân tộc có chữ viết riêng, nên nền văn học Thái có cơ hội để phát triển mạnh mẽ và có điều kiện để giữ gìn bản sắc của mình. Đó là các truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn; các trường ca, truyện thơ; các bài ca dao, đồng dao; các câu thành ngữ, tục ngữ... có nội dung bao trùm lên muôn mặt đời sống xã hội và đời sống con người, cả đời sống vật chất lẫn đời sống tâm linh. Đỉnh cao là thiên tình sử Xống chụ xon xao với độ dài 1.846 câu thơ trau chuốt, giàu hình ảnh; đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông. Ngoài Xống chụ xon xao còn có nhiều tác phẩm xuất sắc khác, như: Tản chụ xiết xương, Tản chụ xống xương, Tóng đón am ca, Táy pú xấc...

Đặng Tuyết