VPUB – Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại Điện Biên

Dienbien.gov.vn – Điện Biên là tỉnh có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, có nhiều sông, suối và nằm trong vùng phòng hộ đầu nguồn của sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông; giao thông đi lại hết sức khó khăn vào mùa mưa; gần 80% dân số sống nhờ vào canh tác nông nghiệp, diện tích sản xuất lương thực chủ yếu trên đất dốc, điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống của người dân một phần dựa vào sản phẩm của rừng... Tuy nhiên trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt và đạt được kết quả tích cực, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, giảm dần nạn phá rừng, mất rừng.

Người dân trên địa bàn tích cực tham gia quản lý và phát triển rừng.

Cụ thể, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các Văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc việc thực hiện làm cơ sở để các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh đã củng cố, kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 cấp tỉnh; kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của 10/10 Ban Chỉ đạo cấp huyện; phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên” và triển khai đồng bộ gắn với các mục tiêu của các đề án, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh.

Hàng năm, rà soát, bổ sung, kiện toàn tổ chức của lực lượng Kiểm lâm, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm cho phù hợp với đặc thù từng cơ sở (theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 24/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ), lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở cơ sở (bổ sung 15 biên chế cho huyện Mường Nhé năm 2018).

Nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó: Giai đoạn 2011 – 2016, toàn tỉnh trồng rừng phòng hộ được 804,9 ha, trồng rừng sản xuất 1.680,2 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng 54.063 lượt ha, bảo vệ rừng135.809,8 lượt ha; hỗ trợ gạo trồng rừng thay thế nương rẫy 2.649,45 lượt ha; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng 306,2 tỷ đồng; giao đất có rừng 319.919,02 ha đạt 84,1% kế hoạch của tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2016 tăng 1,9% so với năm 2011; phát hiện 2.340 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khởi tố hình sự là 33 vụ (đã khởi tố là 13 vụ, số bị can là 29 đối tượng, số bị cáo bị xét xử là 11 người; 20 vụ không xét xử được do không đủ các căn cứ, hồ sơ theo trình tự); xử lý tịch thu 1.454,4 m3 gỗ các loại, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 21.149.280.000 đồng.

Cán bộ kiểm lâm cùng người dân đi tuần tra rừng.

Song song với đó, đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn, từ năm 2017 đến hết tháng 6/2019, trồng rừng phòng hộ: 366,8 ha; trồng rừng đặc dụng: 9,36 ha; trồng rừng sản xuất: 1.908,6 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng: 21.607 lượt ha; bảo vệ rừng (ngoài nguồn vốn DVMTR): 77.789,58 lượt ha...

Cùng với đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân (trên 40.108 hộ gia đình được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bình quân mỗi hộ được hưởng từ 1,53 triệu đồng/năm), góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển rừng và chế biến lâm sản.

Có 7/10 huyện  nghèo (theo Nghị quyết 30a, Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013) thực hiện hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất, với tổng kinh phí thực hiện là 71.802,7 triệu đồng (thực hiện hỗ trợ hơn 12.716 lượt hộ, nhóm hộ, cộng đồng nhận khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc; hỗ trợ cây lâm nghiệp trồng 810 ha rừng cho 3.693 hộ; trợ cấp 298 tấn gạo cho 1.046 hộ nghèo chăm sóc bảo vệ rừng…). Chính sách chăm sóc, bảo vệ rừng đã góp phần cải thiện được một phần không nhỏ trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia bảo vệ rừng...

Tuyết Anh