VPUB - Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên

Dienbien.gov.vn - Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp tại xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên được ví như một tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên; là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng về địa hình, địa chất, địa mạo, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường. Dù mới được phát hiện trong thời gian gần đây nhưng có ý thức gìn giữ, bảo vệ nên hang Huổi Cang, Huổi Đáp vẫn còn nguyên vẹn những giá trị về văn hóa cũng như cảnh quan thiên nhiên, hứa hẹn tiềm năng du lịch trong thời gian tới.

Nhũ đá hình rèm trong hang động Huổi Cang.

Pa Ham là một địa bàn vùng cao, cách trung tâm huyện Mường Chà gần 80km. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Pa Ham cũng được thiên nhiên ưu đãi về địa chất, địa mạo và nhiều cảnh đẹp thơ mộng, núi non hùng vĩ, cảnh đẹp sông nước… Vẻ đẹp kỳ vĩ ấy chứa những điều bí ẩn của tạo hóa mà con người muốn chinh phục, khám phá như hang động 72, hang sơ tán thời kỳ chiến tranh Biên Giới năm 1979, là nơi cất dấu lương thực, kho bạc và các loại vũ khí, đạn dược của quân và dân phục vụ chiến tranh đồng thời cũng là nơi sơ tán của người dân và các cơ quan, ban ngành tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên. Danh lam thắng cảnh nằm trên khu vực có tên Pom Thẳm Bẻ (hay còn gọi khu vực đồi hang dê theo tiếng địa phương) thuộc bản Huổi Cang, bản Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trong khu vực núi đá vôi, cao khoảng 480m so với mực nước biển, cửa của hai hang cách nhau khoảng 450m, cùng quay về hướng Đông - Nam, có ba kiểu hệ sinh thái bao gồm hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái hang động và hệ sinh thái dưới nước. Hai hang động đều được chia làm ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, trong hang động là những nhũ đá với nhiều hình thù khác nhau như hình trụ đá, măng đá, nhũ đá, hình rèm, hình những cây nấm, hình tượng phật, ông bụt, hình các con vật, vân đá toát lên một bức tranh trong thế giới thiên nhiên, đặc biệt có những nhũ đá mang hình thù những quả chuông mà khi gõ vào đó phát ra những âm thanh kỳ lạ khác nhau. Xung quanh hang động là khu rừng tái sinh và một số hang động nhỏ khác nằm quanh khu vực xã như: Hang động 72, hang sơ tán thời kỳ chiến tranh biên giới 1979.

Cụ thể, hang động Huổi Cang có tổng chiều dài 1.016m, được chia làm ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, có rất có nhiều nhũ đá, màu xám, vàng, trắng, xanh rêu mang hình thù như các cột đá, măng đá, hình rèm, hình những cây nấm, hình tượng phật và hình các con vật. Các khoang có chiều cao trung bình từ 10 - 15 m, rộng từ 5 - 12 m. Mỗi khoang đều có những nét đẹp đặc trưng riêng khiến người xem không khỏi choáng ngợp. Nếu khoang thứ nhất  có nhũ đá với hình thù như những móng vuốt tua tủa sắc nhọn, như bức rèm chứa đầy bí ẩn như những bàn tay, nhũ đá hình những cây măng, hình tượng phật, hình các cây nấm khổng lồ, những cột đá cao khoảng từ 4 - 5m… thì khoang thứ hai lại là những gườm đá dài nối từ trần hang động xuống dưới nền như dải san hô; trên vách và trần hang động, nhũ đá buông xuống như những dải lụa. Đặc biệt trên trần hang động, nhũ đá kết lại như những cụm đèn chùm bằng pha lê, hình quả chuông, những nhũ đá hình thù như những bọt nước, sau bức rèm hình các cô tiên đang nô đùa, ẩn mình trong đó có khối giống các con tê giác một sừng, cá sấu, hải cẩu… Khoang thứ ba thì được chia thành hai ngách lớn và các ngách nhỏ, ở mỗi ngách đều có hình thù sư tử biển, chim, vượn…

Nhũ đá như những móng vuốt tua tủa sắc nhọn trong hang động Huổi Cang.

Hang động Huổi Đáp cũng được chia thành ba khoang với tổng chiều dài 350m, rộng trung bình 3m, cao 1,5m và đi sâu xuống lòng đất khoảng 5 - 7m. Nhưng càng đi vào trong lại càng mở rộng, có nơi rộng đến 20 - 25m, trần cao từ 10 - 15m. Nền hang động chủ yếu là những tảng, ụ đá lớn, nhô lên cao khoảng 4 - 5m như đàn voi, đàn hươu… và những cột đá, măng đá hình cây thông, cây xương rồng, chiều cao trung bình khoảng 2 - 3m. Vách màu vàng, xanh xám đan xen nhau buông xuống nền hang động như những dải lụa, bức màn gió, đèn chùm to nhỏ khác nhau được trang trí cho một tòa lâu đài sang trọng, nhiệt độ luôn ở mức 20 - 21 độ C. Đặc biệt trong hang có rất nhiều sinh vật cư trú như dơi, chim, nhện và ốc rừng hay còn gọi ốc thuốc. Có khoang lại được chia thành nhiều ngách nhỏ với nền là những viên đá cuội tròn, những cột đá, măng đá khổng lồ. Trên trần có những nhũ đá nhỏ xuống thành những khe nước chảy len lỏi trong hang. Có ngách lại được hình thành nhẵn nhụi như những giao thông hào, liên kết liền mạch, thông suốt và mang những vẻ đẹp riêng biệt…

Về mặt lịch sử, đây là một di sản văn hóa độc đáo chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của trái đất, cũng như các tiến trình địa chất đang diễn ra về địa hình, địa mạo sinh học. Về văn hóa, theo thuyết vạn vật hữu linh, người dân quan niệm vạn vật trong thiên nhiên đều có hồn do các vị thần cai quản như thần động, thần đá, thần rừng; hang động Huổi Cang, Huổi Đáp cũng được quan niệm có một vị thần cai quản, chính giá trị tín ngưỡng tâm linh khiến mọi người không đập phá, lấy đi những nhũ đá ra khỏi hang động, là đối tượng nghiên cứu văn hoá vật thể và phi vật thể; về mặt khoa học, sanh lam thắng cảnh hang động Huổi Cang, Huổi Đáp giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu các chu kỳ vận động, sự hình thành các dạng đất, đá, đặc điểm về địa hình, địa mạo và môi trường, sinh vật của trái đất.

Về mặt du lịch, thẩm mỹ, danh lam thắng cảnh hang động Huổi Cang, Huổi Đáp là một vẻ đẹp hoang sơ, thuận lợi trong khai thác phát triển du lịch sinh thái kết nối với các điểm di tích trên tuyến đường từ thành phố Ðiện Biên Phủ đi huyện Mường Chà qua huyện Tuần Giáo, du khách có thể tham quan, nghiên cứu các điểm di tích khảo cổ học Thẳm Khương, Há Chớ, Mùn Chung và di tích lịch sử cách mạng Pú Nhung của huyện Tuần Giáo, khám phá du lịch sinh thái trên dòng sông Nậm Mức thơ mộng, với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các món ăn mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc.

Để đến tham quan hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, du khách có thể đi theo nhiều cách bằng các phương tiện xe cơ giới, xe thô sơ hoặc có thể đi thuyền, xuồng. Tuyến 1: từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 đến thị xã Mường Lay,  ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động. Tuyến 2: Từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279 đến thị trấn Tuần Giáo, ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động. Tuyến 3: Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 qua thị trấn huyện Mường Chà đên Huổi Lèng rẽ phải theo đường tỉnh lộ 144b qua xã Hừa Ngài rẽ trái đến Quốc lộ 6A, rẽ trái đi xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động.

Có thể nói, hang động Huổi Cang, Huổi Đáp là một thắng cảnh đẹp, nằm trong một vùng đất lịch sử, với hệ thống nhũ đá nguyên sơ, hình tượng phong phú đã được thiên nhiên kiến tạo qua hàng nghìn năm và ngày nay vẫn đang tiếp tục được bồi đắp tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt mỹ, đó là những minh chứng của thời gian và tạo hóa để lại trên miền đất Tây Bắc tuyệt đẹp này, tất cả đã tạo nên một không gian kỳ ảo, huyền bí, kích thích trí tưởng tượng của người xem, thỏa mãn niềm đam mê khám phá, nghiên cứu địa chất, địa mạo, khoáng sản, khảo cổ, sinh học đa dạng tại di tích, trải nghiệm những bí ẩn của tạo hóa và thiên nhiên./.

Lan Phương