VPUB - Thực trạng việc thi hành các quy định của Luật Phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Dienbien.gov.vn - Luật phòng chống ma tuý được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09/12/2000; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật phòng, chống ma tuý năm 2000 đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03/6/2008. Đây là 02 văn bản quan trọng và là cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và thực hiện các cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy. Đồng thời cũng phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên phối hợp với Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ và Bộ Chỉ huy An ninh huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Ly (Lào) triệt phá thành công chuyên án 032Lv (ngày 11/6/2018), bắt giữ 3 đối tượng đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ gồm: 10 bánh Hêrôin; 31.000 viên ma túy tổng hợp; 2 kg thuốc phiện...

Trong những năm qua, tội phạm về ma tuý vẫn tăng cường hoạt động trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhất là tại các địa bàn, khu vực trên tuyến biên giới, vùng giáp ranh với các tỉnh Bắc Lào. Các đối tượng cấu kết hình thành những đường dây ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia có tổ chức chặt chẽ, vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào thẩm lậu vào địa bàn Điện Biên, sau đó trung chuyển đi các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Khi vận chuyển ma tuý với số lượng lớn thì hầu hết đối tượng có trang bị vũ khí để bảo vệ, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Việc mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng có chiều hướng gia tăng, tệ nạn nghiện ma túy tuy đã được kiềm chế nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra, số người nghiện trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, tình trạng trồng và tái trồng cây có chất ma túy vẫn còn diễn ra, tập trung tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn giáp ranh giữa các huyện.

Trước tình hình trên, ngay sau khi Luật phòng, chống ma tuý và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật phòng, chống ma túy được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức triển khai thực hiện Luật và các văn bản  hướng dẫn thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, quy định Luật phòng, chống ma tuý và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý tới cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị, mở các lớp tập huấn; sao gửi văn bản, đĩa CD, VCD, in ấn tài liệu, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, văn hoá, văn nghệ... để cán bộ, nhân dân nắm và thực hiện.

Nổi bật, các sở, ban, ngành của tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức pháp luật về phòng, chống ma tuý; tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn công dân tham gia tệ nạn ma tuý; giám sát hoạt động phòng, chống ma tuý ở các cơ quan, nhà trường, các cơ sở giáo dục và địa bàn dân cư; phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để vận động cai nghiện ma tuý; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện. Đồng thời phối hợp xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình như “Trường học nói không với ma túy”, “Cơ quan ban, ngành, trường học không có ma túy…

Các đơn vị, lực lượng vũ trang đã tích cực vận động, tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tích cực phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn ma tuý; phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan thực hiện có hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh chống các tội phạm về ma túy tại các địa bàn biên giới và nội địa. Các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma tuý, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma tuý.

Đối với việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, UBND tỉnh Điện Biên đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh, đồng thời thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân trong việc sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để ngăn chặn sự thất thoát của tiền chất ma túy; tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin về những sai phạm trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Thường xuyên kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định của ngành Y tế trong việc bảo quản, phân phối, mua bán, sử dụng thuốc tân dược gây nghiện, hướng thần tại các nhà thuốc, đại lý, cửa hàng thuốc và các cơ sở chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá công tác cai nghiện ma túy, thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện ma túy đã được các cấp, các ngành, các địa phương, toàn xã hội quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Các hình thức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng được áp dụng đối với tất cả người nghiện ma tuý; thủ tục lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được rút ngắn, đơn giản hóa. Đối với người nghiện ma tuý là người bị tạm giam, phạm nhân, Công an tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách pháp luật về cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện; chủ động phát hiện, phòng ngừa, có kế hoạch quản lý và điều trị thích hợp đối với các đối tượng nghiện ma tuý. Việc người đã cai nghiện ma tuý được chính quyền cơ sở, gia đình và các tổ chức tiếp nhận, tạo điều kiện học nghề, tìm việc làm, vay vốn, tham gia các hoạt động xã hội để hoà nhập cộng đồng đã được Luật quy định nhằm tạo điều kiện cho người sau khi cai nghiện ma túy có điều kiện tốt hơn để tái hòa nhập cộng đồng.

Trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống ma túy, từ năm 2000 đến nay, đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: UBND tỉnh Điện Biên đã xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống ma tuý trên địa bàn tỉnh; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý. Từ đó nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người dân trong xã hội đối với công tác phòng, chống ma túy và về tác hại của ma túy được nâng lên; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Qua đó, đã góp phần tích cực vào việc kiềm chế, ngăn chặn tệ nạn ma túy; cơ bản giải quyết được tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh; công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm về ma túy, trong đó có tội phạm ma túy xuyên quốc gia thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng thẩm lậu ma túy từ Lào vào địa bàn tỉnh.

Như vậy, qua 18 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma túy và 09 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy, trên địa bàn tỉnh; nhìn chung các cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức đã đề cao trách nhiệm trong việc giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân và người dân về tác hại của ma tuý và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp Luật về phòng, chống ma tuý. Việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy đã giảm rõ rệt; các cơ quan chức năng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma tuý; quy hoạch, cơ cấu công nghiệp, dịch vụ và thị trường phù hợp để nhân dân chuyển hướng sản xuất có hiệu quả./.

Lan Phương