VPUB - Tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội đầu xuân 2019

Dienbien.gov.vn - Từ đầu năm 2019 đến nay, với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là việc hướng dẫn ban quản lý các di tích, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội. Đồng thời xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội lành mạnh, thiết thực, phù hợp với phong tục, tập quán; không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự đảm bảo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia các hoạt lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay năm 2019.

Theo ông Đào Ngọc Lượng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Cục Văn hóa Cơ sở về quản lý và tổ chức lễ hội, Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên đã trực tiếp tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản với các giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nuớc về hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện và triển khai có hiệu quả Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, các quy định của Đảng, nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội tại địa phương. Từ đó các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho các phòng chuyên môn, UBND các xã, ban quản lý di tích cơ sở thực hiện việc công bố thủ tục hành chính về đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền; kiểm kê, phân loại lễ hội và thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương.

Nhìn chung công tác tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản đâ đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ VHTT&DL đều được các địa phương kịp thời triển khai thực hiện, phần lớn các lễ hội đầu xuân Kỷ Hợi năm 2019 trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nổi bật là trong các ngày lễ, tết truyền thống, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, tại di tích lịch sử văn hóa thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt và các địa điểm văn hóa tâm linh như Linh Sơn, Linh Quang tại huyện Điện Biên đã được Ban quản lý tiếp tục quán triệt thực hiện tôt các quy định hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; rà soát hệ thống thiết bị và công tác phòng, chống cháy nổ, hạn chế tối đa du khách đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân không cài, đặt tiền trên các đồ vật, đồ thờ tùy tiện gây phản cảm; bố trí hòm công đức hợp lý để phục vụ nhân dân công đức tu bố di tích; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, bố trí người thu gom kịp thời các loại hương, tiền công đức, tiền lễ mà nhân dân đặt không đúng nơi quy định... đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Trong dịp Tết Dương lịch 2019, lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ V được tổ chức tại Bến thuyền Cơ khí thị xã Mường Lay, trong không khí tưng bừng, náo nức, với nhiều hoạt động, chương trình văn nghệ chào mừng; tổ chức các môn thể thao như đua thuyền, kéo co, trò chơi dân gian các dân tộc... đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến tham dự, cổ vũ, động viên, tạo khí thế sôi nổi cho lễ hội, quảng bá hình ảnh, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung... Bên cạnh đó, các lễ hội dân gian, truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục được duy trì và tổ chức đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu xuân Kỷ Hợi năm 2019 còn một số hạn chế, như cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các khu vệ sinh công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, việc bố trí đặt các thùng đựng rác còn hạn chế, do đó tình trạng xả rác của khách tham quan và người dân tham dự lễ hội vẫn còn khá phổ biến; tại một số các cơ sở thờ tự vẫn còn xảy ra hiện tượng thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn. Một số điểm bán hàng hóa, dịch vụ lấn chiếm lòng đường, chèo kéo du khách để bán hàng dẫn tới mất an toàn giao thông; một số điểm trông giữ xe đôi lúc không thực hiện đúng quy định về mức thu phí trông giữ xe, nhất là vào các ngày lễ hội, lễ tết, ngày mùng một và ngày rằm (Âm lịch) hàng tháng.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức của một số cá nhân chưa cao, nhận thức về lễ hội chưa đầy đủ, ý thức thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành pháp luật còn hạn chế. Một bộ phận nhân dân vẫn còn thói quen mua sắm lễ mang tính chất lãng phí không đúng với bản chất của lễ hội. Bên cạnh đó nhân lực bố trí tại di tích - nơi diễn ra lễ hội còn ít, không đủ người làm công tác hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các quy định khi tham gia lễ hội; nếp sống văn hóa - văn minh của người phục vụ và người tham gia lễ hội còn yếu. Sự bùng nổ nhu cầu tham gia lễ hội của đông đảo nhân dân ngoài dự kiến đã dẫn đến tình trạng chen lấn, khó kiểm soát tại một số lễ hội lớn. Ngoài ra, phải kể đến trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của một bộ phận cán bộ văn hóa cơ cở và những người trực tiếp quản lý di tích, điều hành lễ hội cũng còn hạn chế...

Trước tình trạng trên, để góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về các hoạt động lễ hội từ nay đến hết năm 2019 và những năm tiếp theo, Sở VHTT&DL đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh ban hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; ban hành các vãn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định; tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Song, bên cạnh đó, cũng cần phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức lễ hội trên cơ sở phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, có hiệu quả thiết thực. Đồng thời cũng cần phải tăng cường kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội. Đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng để trục lợi; kích động bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác... góp phần tạo những chuyển biến tích cực từ cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội./.

Lan Phương