VPUB - Từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân

Dienbien.gov.vn - Trong 5 năm (2013 - 2018), Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tham mưu, thực hiện, triển khai có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, từ việc phân bổ, xây dựng, thẩm định, giám sát, đôn đốc thu hồi tiền gốc và phí vay, kiểm tra tiến độ thực hiện của các dự án bảo đảm đạt được hiệu quả thiết thực. Từ đó đã góp phần đưa nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của hộ vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và mang hiệu quả thiết thực. Những kết quả đó đã giúp hội viên, nông dân có vốn phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Tỏa Tình,huyện Tuần Giáo bán quả sơn tra trên đèo Pha Ðin.

Để Quỹ hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả, các cấp Hội trên địa bản tỉnh đã tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình hành động của Hội về đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mục đích ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân với nhiều hình thức như tuyên truyền thông qua hoạt động của các câu lạc bộ nhóm nông dân củng sở thích; hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, phát báo nông thôn ngày nay… từ đó đã thông tin công tác hội đến 100% các chi, tổ hội và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cua Trung ương Hội về hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời không ngừng tập trung kiện toàn Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố phân công cán bộ có năng lực, trách nhiệm nhiệt tình phụ trách Quỹ hỗ trợ nông dân để quỹ hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả.

Năm 2015, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Điện Biên được thành lập với nguồn vốn được hình thành từ hai nguồn. Trong đó nguồn từ ngân sách cấp gồm 1.500 triệu đồng; nguồn từ xã hóa được 348,839 triệu đồng. Bên cạnh đó còn nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác là 10.700 triệu đồng và nguồn vốn bổ sung từ kết quả hoạt động là 6,161 triệu đồng. Nhìn chung nguồn vốn được Hội Nông dân các cấp xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất và nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân địa phương. Các dự án đã và đang triển khai đạt được những kết quả nhất định.

Kết quả sau 5 năm, nguồn vốn đã tạo điều kiện cho các hộ vay mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bình quân thu nhập các hộ tăng thêm 15-20 triệu đồng mỗi năm, nhiều hộ đã trở thành hộ khá, giàu. Không chỉ dừng tại đó, nguồn vốn vay cũng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương và tập quán sản xuất của các hộ gia đình. Tổ chức Hội có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, nông dân trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững...  Đồng thời các mô hình sản xuất theo hướng tập trung và xử lý chất thải cũng đã góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn. Thông qua các câu lạc bộ, nhóm nông dân cùng sở thích, các tổ vay vốn đã phát huy tinh thần đoàn kết tưong trợ giúp đỡ lẫn nhau, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, góp phần giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Trước xu thế phát triển chung, hàng năm Hội Nông dân cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ và tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cán bộ Hội phụ trách ủy thác. Nổi bật đã phối hợp với Hội Nông dân Trung ương mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho vay Quỹ hỗ trợ nông dân cho cán bộ Hội cấp cơ sở; phối hợp với ngành nông nghiệp phát triển nông thôn mở 29 lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 870 hội viên, nông dân và các hộ tham gia dự án.

Theo ông Vàng A Cử - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: "Nhìn chung trong 5 năm triển khai thực hiện (2013 - 2018), đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã thực sự đi vào cuộc sống. Không chỉ giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân với ý chí thoát nghèo, giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, một lòng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Tuy vậy, trong việc triển khai thực hiện Quỹ hỗ trợ nông dân cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh những khó khăn chung của tỉnh miền núi như cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại cách trở, thời tiết khắc nghiệt, đời sống của hội viên, nông dân khó khăn... thì cấp ủy, chính quyền một số nơi còn chưa thực sự quan tâm đến công tác hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân; việc tham mưu của Hội Nông dân các cấp còn hạn chế, chưa kiên quyết; một số cán bộ Hội tinh thần trách nhiệm chưa cao trong việc tổ chức thực hiện chương trình ủy thác; một số huvện, thị chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhũng khó khăn, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện ủy thác ở cơ sở.

Trước những khó khăn, bất cập ấy, để Quỹ hỗ trợ nông dân đạt được hiệu quả bền vững và đi vào chiều sâu, Hội Nông dân tỉnh đã không ngừng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hàng năm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh cho Quỹ hỗ trợ nông dân; Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa của Quỹ; đồng thời vận động cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân; thực hiện tốt chương trình phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác... để Quỹ hỗ trợ nông dân thực sự là nguồn lực giúp đỡ nhân dân yên tâm lao động, làm giàu chính đáng./.

Phạm Hà