VPUB – Hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Dienbien.gov.vn – Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 – 2021) đầu tháng 12/2018 vừa qua, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua quyết sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có tính cạnh tranh cao, cải thiện nhanh đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Nhờ có chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong những năm qua mà tỉnh được công nhận thương hiệu gạo Điện Biên.

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới, có địa hình phức tạp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, số hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao; trình độ dân trí chưa đồng đều, người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung và có vị trí, thương hiệu trên thị trường nông sản, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vì thế đòi hỏi cần có một chính sách hỗ trợ tạo đà cho các sản phẩm phát triển, tiềm năng chất lượng của nông sản Điện Biên, từng bước nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; nâng cao trình độ canh tác của người dân, góp phần cải thiện cuộc sống, tiến tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp thì việc ban hành, thông qua, quyết nghị chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; người tham gia phòng chống dịch bệnh động vật, bản có diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa là một chính sách thiết thực và cần thiết hiện nay.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế xã hội của địa phương, trong những năm qua, Điện Biên cũng đã ban hành Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Sau 4 năm triển khai thực hiện chính sách đã giúp nông dân tiếp cận được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có đặc tính ưu việt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nông dân ổn định, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cùng Đoàn công tác thăm Công ty TNHH giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được chính sách còn bộc lộ nhiều nội dung bất cập như: Việc hỗ trợ đang còn dàn trải và hạn mức hỗ trợ, mức hỗ trợ thấp, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều nội dung không triển khai thực hiện được; công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện chính sách chưa kịp thời, chưa sát với thực tế dẫn đến hỗ trợ không trọng tâm, trọng điểm....Vì thế không còn phù hợp với tình hình thực tế cũng như chủ trương yêu cầu tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020.

Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp được triển khai, thực hiện sẽ khắc phục được những bất cập của chính sách tại Quyết định 02/2014/QĐ-UBND trước đó, đồng thời tạo động lực, sức hút triển khai các hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi; thực hiện dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất tập trung; thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tính cạnh tranh cao, phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh như: Gạo Điện Biên, cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa và các loại nông sản khác.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến, thăm HTX Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và địa phương về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với liên kết bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường; đặc biệt là nguồn lực để thực hiện việc tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, phục vụ phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh; thúc đẩy các hoạt động trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh rừng góp phần nâng cao độ che phủ rừng.

Tuyết Anh