VPUB – Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn

Dienbien.gov.vn - Dồn điền đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, từ đó chuyển nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Bên cạnh đó, dồn điền đổi thửa còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên đất, đáp ứng yêu cầu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến thời điểm này xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên đã quy hoạch lại toàn bộ bờ lô, bờ vùng, từ đó phá hết các bờ vùng cũ để làm lại các bờ vùng lớn

Dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhưng dồn điền đổi thửa giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi cho hộ nông dân canh tác, nhất là việc đưa máy nông cụ vào sản xuất nông nghiệp. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước phân công lao động trong từng địa bàn, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Xã Thanh Hưng, cũng như nhiều xã khác ở khu vực lòng chảo có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Là một trong hai xã của huyện Điện Biên được lựa chọn làm điểm thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa trong năm 2018 đang chạy đua với thời gian hoàn thành bờ vùng, bờ thửa; chia lô, xác định địa giới của từng hộ để chuẩn bị các điều kiện cần và đủ đưa vào sản xuất vụ lúa Đông xuân 2018 – 2019.. Trước đây thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ruộng đất nông nghiệp của xã Thanh Hưng được giao khoán đến từng hộ gia đình và được chia bình quân có ruộng tốt, có ruộng xấu, có gần, có xa. Do vậy rất phân tán, manh mún, bình quân mỗi hộ có từ 4 đến 6 thửa, cá biệt ở một số thôn đội rộng đất được chia nhỏ, bình quân từ 5 đến 10 thửa/hộ. Diện tích bình quân từ 400 – 500m2/thửa, cá biệt có nơi diện tích chỉ từ 70 - 100m2/thửa. Ruộng đất manh mún đã không còn phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay vì không thể đầu tư thâm canh, không đưa được cơ giới hóa vào đồng ruộng, gây lãng phí nguồn công lao.

Ông Vì Văn Biến - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biện: Thực hiện chủ trương của huyện Điện Biên về đồn điền đổi thửa để sản xuất cánh đồng lớn, xã Thanh Hưng đã và đang chạy đua với thời gian thực hiện từng phần việc trong đồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn. Theo đó, Thanh Hưng đã quy hoạch lại toàn bộ bờ lô, bờ vùng, từ đó phá hết các bờ vùng cũ để làm lại các bờ vùng lớn tại khu vực đội 5 và đội 6 của xã. Phương án dồn đổi được Thanh Hưng lựa chọn là nhiều thửa dồn đổi thành từ 1-2 thửa; riêng đối với những chân ruộng bằng phẳng, xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gần nhau phá bờ thành 1 thửa diện tích lớn canh tác chung. Cùng với đó, xã còn đầu tư làm mới hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng để phục vụ nưới tiêu cho diện tích đã dồn đổi.

Qua tìm hiểu thực tế ở 1 số xã trong huyện cho thấy, công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất sản xuất cánh đồng lớn đã được huyện Điện Biên triển khai từ năm 2014, khởi điểm là ở khu vực C9A, C9B và C9C, xã Thanh Xương, rồi sau đó đến xã Thanh Chăn và khu vực C2, xã Thanh Yên. Qua công tác dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, dồn điền đổi thửa sẽ giúp việc đưa máy nông cụ vào sản xuất nông nghiệp được thuận lợi hơn, góp phần giảm bớt công lao động trong các khâu làm đất, thu hoạch, từ đó chuyển một bộ phận lao động làm nông nghiệp sang làm các ngành, nghề khác. Về hiệu quả kinh tế, dồn điền đổi thửa sẽ tạo ra những lô, thửa rộng có diện tích lớn để sản xuất nông sản hàng hóa, nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến trong buổi kiểm tra xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Thanh Hưng cho rằng: Việc dồn điền đổi thửa tại xã Thanh Hưng bước đầu đã có những thuận lợi, được người dân ủng hộ. Trong thời gian tới, các sở, ban, ngành liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để giúp xã làm tốt việc dồn điền, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng đường nội đồng, hệ thống kênh mương nội đồng cho người dân, việc hỗ trợ sản xuất sẽ tiến hành hỗ trợ theo hướng liên kết giữa các nhóm hộ, không hỗ trợ cá nhân. Đối với xã Thanh Hưng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, thực hiện kế hoạch dự toán kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng và bàn giao đất cho bà con sản xuất.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM với mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 16/25 xã đạt chuẩn xã NTM, thời gian tới huyện Điện Biên sẽ tiếp tục nhân rộng và đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa ở những xã có điều kiện thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của từng xã và toàn huyện./.

 

Ngọc Thủy