ĐBQH: Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) có nhiều tiến bộ, đảm bảo quyền công dân

Quốc hội thảo luận tại hội trường lần đầu về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc sửa đổi dự án Luật này, nhằm cụ thể hoá Hiến pháp 2013, trong đó có phần quy định quyền và nghĩa vụ của con người, hạn chế những bất cập của luật hiện hành và thực tiễn thi hành án hình sự hiện nay, phù hợp với các điều ước quốc tế…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần thảo luận.

ĐBQH Sùng A Hồng (Điện Biên) đồng tình với Ban soạn thảo, dự án Luật này nên thông qua ở 2 kỳ họp theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã thông qua bởi các lý do:

Theo Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự và các bộ luật khác, đặc biệt Hiến pháp năm 2013, để đảm bảo triển khai một cách kịp thời, đúng đắn chương trình quy định của pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì việc tập trung nghiên cứu, sửa đổi, thông qua ở 2 kỳ họp là cần thiết.

“Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp nêu nhiều khó khăn, tôi đã nghiên cứu và tập trung vào 7 lý do chính, tuy nhiên tôi thấy chủ yếu nêu khó khăn đối với việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, đồng thời yêu cầu đánh giá yếu tố tác động” – ông nói.

Ông đánh giá đây là vấn đề mới, chúng ta chưa thực hiện, mới đưa vào luật, nếu yêu cầu đánh giá tác động là rất khó khăn, và nếu nêu cụ thể như trong dự thảo Luật thì tính khả thi không cao. “Theo tôi nội dung này cần quy định mang tính định khung, còn việc triển khai cụ thể nên giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn thực hiện. Nếu có vấn đề mới, nảy sinh, bất cập thì bổ sung, sửa đổi cho kịp thời sẽ phù hợp hơn”, đại biểu nêu.

Về mặt thời gian, từ nay đến Kỳ họp thứ 7 là tháng 5-2019, còn đủ thời gian để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội cho thông qua ở 2 kỳ họp, triển khai thực hiện mang tính đồng bộ với các luật khác, nhất là cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013.

ĐBQH Trịnh Ngọc Thuý (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, hiện nay các đạo luật có liên quan đã được áp dụng trong thực tiễn, nhất là Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Vì vậy rất cần một Luật Thi hành án hình sự đồng bộ để thi hành. Bà đề nghị Ban soạn thảo cần tập trung, nỗ lực, khẩn trương để sớm ban hành Luật khả thi.

 ĐBQH Sùng A Hồng.

“Qua đây tôi cũng muốn chia sẻ với ban soạn thảo vì Luật Thi hành án hình sự là một dự luật rất quan trọng, bảo đảm thực thi Hiến pháp và đề cao quyền con người, kết hợp trừng trị, răn đe, cải tạo, hướng thiện đối với người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy đòi hỏi Ban soạn thảo phải thận trọng, cân nhắc một cách hài hoà, nhân văn để cho ra đời một đạo luật khoa học và khả thi” – nữ đại biểu nói.

Bà cũng nhận định, dự thảo luật có nhiều tiến bộ, đã khắc phục được hạn chế của luật trước đây. Đặc biệt dự thảo luật đã bổ sung Điều 27 quy định 9 nhóm quyền của phạm nhân và 1 nhóm quyền mang tính nguyên tắc, đó là phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và các luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

“Quy định này đã thể hiện đầy đủ các quyền của một công dân đang chấp hành án phạt tù. Nó bao quát, tiến bộ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” – ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

 ĐBQH Nguyễn Hữu Chính.

Góp ý kiến vào dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, việc trại giam phối hợp doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động (khoản 5 Điều 32) là quy định mới so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, giúp huy động các nguồn lực xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

 Mặt khác quy định như vậy sẽ mở rộng quyền tự do của phạm nhân trong thời gian thi hành án, cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người. “Có ý kiến cho rằng phải được sự đồng ý của phạm nhân trong trường hợp lao động như vậy. Theo quan điểm của tôi, người đã chấp hành án phạt tù là những người đã bị hạn chế quyền công dân, việc tham gia lao động do trại giam tổ chức vừa là quyền nhưng đồng thời là nghĩa vụ của phạm nhân” – đại biểu lý giải.

Đồng thời khoản 5, Điều 32 dự thảo Luật cũng đã quy định rất rõ về việc khi tổ chức lao động phải đảm bảo các chế độ chính sách của phạm nhân theo quy định của pháp luật. Do đó, đại biểu cho rằng, việc trại giam phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động không nhất thiết phải có sự đồng ý của phạm nhân.

Theo baodienbienphu.com.vn