Phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Tiếp theo chương trình của kỳ họp thứ 6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiến hành trong 3 ngày (30/10 - 1/11). Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành, phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Đại biểu Mùa A Vảng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên chất vấn.

Tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các đại biểu Quốc hội sẽ trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực nào thì trách nhiệm trả lời sẽ do các Bộ trưởng, trưởng ngành đó chịu trách nhiệm về lĩnh vực trả lời. Những vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ thì các Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời và để làm rõ thêm yêu cầu xung quanh những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, riêng đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ do Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời. Sau phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo làm rõ thêm những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên chất vấn.

Sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Trưởng Ban dân nguyện, của Ủy  ban thường vụ Quốc hội trình bày các báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Với tinh thần thẳng thắn xây dựng, trách nhiệm, dân chủ, phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham gia phiên chất vấn một số nội dung:

Đại biểu Mùa A Vảng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chất vấn hai Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên đối với các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ ngày càng khó khăn hơn do nguồn lực đầu tư còn hạn chế và khó huy động xã hội hóa bởi các xã còn lại chủ yếu là xã nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém. Vì vậy, để phấn đấu đạt tiêu chí quan trọng là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 36 triệu đồng. Trong khi nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang là lõi nghèo của cả nước thì đây là tiêu chí khó khả thi, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết những giải pháp cụ thể, đột phá của Bộ trưởng để thực hiện mục tiêu trên.

Đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ngày 15/6/2016 Chính phủ ban hành Nghị quyết 52/NQ-CP đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có nhiều mục tiêu cần phải đạt vào năm 2020. Nghị quyết giao cho Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực giúp Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Xin Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này Bộ trưởng có hài lòng kết quả thực hiện nghị quyết không? Bộ trưởng có giải pháp nào để đảm bảo các mục tiêu đạt được theo nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, Nguyễn Xuân Cường trả lời:

Mặc dù chúng ta đã quyết định đầu tư hơn về phần hỗ trợ kinh phí Trung ương cho các xã, huyện, tỉnh miền núi nhưng khoản hỗ trợ này chưa đủ so với yêu cầu phát triển các địa phương miền núi. Vì vậy, cần rất nhiều giải pháp, trong các tiêu chí thì rõ ràng, tiêu chí đẩy mạnh thu nhập của người dân, đây là một tiêu chí cơ bản vì thế phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đối với Điện Biên nói riêng và các tỉnh miền núi, trong đó có một giải pháp là phải thúc đẩy sản xuất trên cơ sở tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách phát huy lợi thế trên ngay vùng đó. Ví dụ, Điện Biên vừa qua đã làm một số việc rất tốt, đã rà soát, đánh giá, đưa cây ăn quả, đưa một số cây công nghiệp trọng điểm, phát triển kinh tế rừng thành lợi thế riêng của chúng ta. Ví dụ cây mắc ca đã tổng kết và xác định là một lợi thế để phát triển ở quy mô nhất định, hay cánh đồng Mường Thanh, coi lúa gạo là đặc sản.

Vừa rồi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quyết định tổ chức hội nghị gắn du lịch trải nghiệm với chương trình nông thôn mới để qua đó phát triển kinh tế nông thôn mang tính chất đặc hữu ở vùng này. Chúng tôi nghĩ rằng những biện pháp này để làm sao biến những vùng không có lợi thế này từng bước trở thành lợi thế, cho ra nhiều sản phẩm đặc hữu. Riêng về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chúng tôi hoàn toàn nhất chí, chúng tôi sẽ có những chương trình nghiên cứu để phục hồi những giống cây con đặc sản gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp với các đồng chí để từng bước một cùng với giải pháp vĩ mô khác.

Thứ hai, chúng tôi rất đồng tình là muốn cho vùng này phát triển nhanh hơn thì rõ ràng các yếu tố hạ tầng đối ngoại là phải tập trung. Riêng Điện Biên và vùng Tây Bắc, yếu tố giao thông đối ngoại còn rất kém. Đề nghị các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến vấn đề này, bởi vì chính yếu tố giao thông đối ngoại sẽ góp một phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, trong đó có vùng Tây Bắc của chúng ta.

Đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội tại phiên chất vấn.

Đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, có hai chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế: Từ đầu năm 2018, Bộ Y tế cho dừng việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân tại phòng khám đa khoa khu vực đã dẫn đến rất nhiều bệnh nhân nghèo và người dân tộc không thực hiện được việc khám chữa bệnh của mình. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của Bộ trưởng về mô hình này đối với những địa bàn như tôi chất vấn, 5 năm vẫn chưa có bệnh viện như bệnh viện huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông phải đảm bảo giảm áp lực cho học sinh nhưng qua thí điểm, cử tri phản ánh không giảm mà còn tăng rất nặng. Đối với chương trình sách giáo khoa cấp 1, có gần 50 địa phương thí điểm và còn hơn 10 địa phương không thí điểm và có địa phương trả lời không thí điểm, bởi vì chương trình này chỉ dành cho những địa phương học sinh khó khăn trong việc tiếp cận tiếng Việt. Đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu có thực hiện được lộ trình như Nghị quyết 33 của Quốc hội hay không?

Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời:

Hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam có 3 tuyến cơ bản cũng như các nước hiện nay đang tuân theo. Tuyến cao nhất là bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện và trạm y tế xã vừa làm chức năng phòng bệnh và chữa bệnh, tức là y tế cơ sở gắn với trung tâm y tế huyện. Trong quá trình lịch sử phát triển do nhu cầu những xã ở xa bệnh viện huyện đã hình thành trung gian gọi là phòng khám đa khoa khu vực, trực thuộc bệnh viện huyện để giải quyết trường hợp cấp cứu người dân phải đi xa và chủ yếu là khám và điều trị ban ngày rồi cho về. Đã có nhiều thời gian, chính quyền địa phương nói là nên xóa phòng khám đa khoa khu vực này, bởi vì vừa đầu tư lãng phí và con người ít nên tập trung trạm y tế xã hoặc nặng thì lên bệnh viện huyện gần đó.

Đặc biệt, gần đây, Bảo hiểm xã hội có ý kiến với Bộ Y tế rằng đề nghị không thanh toán điều trị nội trú cho phòng khám đa khoa khu vực, bởi vì theo chúng ta nghĩ phòng khám có nghĩa là để khám thôi và trực thuộc bệnh viện huyện. Trường hợp khám mà bệnh nặng thì vào bệnh viện huyện điều trị và Bảo hiểm xã hội phản ứng rất gay gắt với các địa phương cũng như Bộ Y tế là tại sao lại cho phép điều trị nội trú tại phòng khám đa khoa khu vực.

Tuy nhiên, thời gian qua, để hài hòa nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân ở xa, Bộ Y tế vẫn cho phép khám và điều trị nội trú năm lưu tại phòng khám đa khoa khu vực. Qua kiểm tra, thực sự là có một số phòng khám đa khoa khu vực ở những vùng xa mà bệnh nhân đến bệnh viện huyện cấp cứu thì có thể duy trì được nhưng với điều kiện phải có đủ cán bộ y tế và trang thiết bị. Nhưng ngược lại, có một số phòng khám đa khoa khu vực thì không nên để điều trị nội trú. Đối với những tỉnh vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế đã rất hài hòa, tuy thẩm quyền của Sở Y tế thẩm định, nếu như có nhu cầu của nhân dân thật sự khám chữa bệnh và điều trị nội trú, có đủ người và trang thiết bị thì vẫn duy trì và làm việc với Bảo hiểm xã hội của tỉnh. Vấn đề ở đây là thanh toán tiền nội trú còn vấn đề khác thì có lẽ Bộ Y tế cũng không phản ứng gì.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ trả lời:

Chúng tôi xin được báo cáo một trong những mục tiêu rất quan trọng của đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này là phải giảm tải được việc học và dạy cho học sinh và giáo viên. Cho đến nay, ban soạn thảo cũng như các chuyên gia bám sát và đạt được mục tiêu này.

Vấn đề chuẩn bị, báo cáo với Quốc hội, trong thời gian qua, với tinh thần rất thận trọng và chuẩn bị chu đáo, Bộ đã chỉ đạo Ban soạn thảo và đã soạn chương trình tổng thể và chương trình các môn học. Nhiệm vụ tới đây, Bộ cũng xin ý kiến của Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục chuẩn bị sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên cùng các với địa phương để chuẩn bị trường lớp theo tinh thần cụ thể, thận trọng. Trong thời gian cho phép của Quốc hội, Nghị quyết 81 và quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đổi mới lần này liên quan đến rất nhiều hoạt động phải thận trọng cho nên chúng tôi thấy việc chuẩn bị các khâu phải chu đáo và nằm trong thời gian của Quốc hội cho phép trong Nghị quyết 51, tiếp Nghị quyết 88 là thời gian áp dụng từ năm học 2020 - 2021 cho lớp 1 theo lộ trình cuốn chiếu, đúng như Nghị quyết 51 kỳ họp trước Quốc hội đã cho phép. Chúng tôi thấy, khoảng thời gian đấy đủ thời gian để Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các địa phương chuẩn bị các điều kiện để khi thực hiện chương trình nào tốt nhất. Khi đã thực hiện rồi thì không có thí điểm.

Vừa qua có môn thí điểm là Tiếng Việt, cách đây 2 năm chúng tôi đã cho khảo sát, vừa rồi đánh giá tổng kết và đưa ra một phương pháp trong dạy Tiếng Việt lớp 1, bây giờ không còn là phương pháp thực nghiệm nữa nhưng thường hay nói cửa miệng là "thực nghiệm" nhưng phương pháp dạy Tiếng Việt lớp 1 và tới đây cùng với VNEN đổi mới thì sẽ phải thẩm định lại theo yêu cầu đầu ra của chương trình, nếu đáp ứng được thì sẽ xây dựng được bộ sách và lúc đó sẽ trở thành một sách quy định chứ không còn thí nghiệm nữa.

Báo cáo Quốc hội, Bộ đang tích cực chuẩn bị cho các công việc thực hiện Nghị quyết 51 theo quy định của Quốc hội.

Riêng đối với nội dung chất vấn về nguồn nhân lực của dân tộc thiểu số của đại biểu Mùa A Vảng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến sẽ tiếp thu, nghiên cứu và trả lời bằng văn bản.

Theo baodienbienphu.com.vn