VPUB – Người “giữ lửa” cho nghề thêu truyền thống của dân tộc Mông hoa

Dienbien.gov.vn - Nghề thêu truyền thống của người Mông hoa ở huyện Tủa Chùa đã có từ bao đời nay. Song chủ yếu, chị em chỉ thêu các họa tiết truyền thống đơn giản để làm đẹp cho các bộ váy áo mặc trong các dịp lễ hội. Thời điểm những năm 2000 trở về trước, nghề này đứng trước nguy cơ bị lãng quên do giá trị kinh tế mang lại không lớn. Đến năm 2003, được sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, nghề thêu truyền thống ở thôn Tà Là Cáo xã Sính Phình đã phát triển trở lại với sự góp sức quan trọng của bàn tay người con của đồng bào Mông hoa - Giàng Thị Mảy.

Chị Giàng Thị Mảy hướng dẫn chị em phụ nữ trong tổ thêu sử dụng máy khâu

Trao đổi với chúng tôi, chị Giàng Thị Mảy - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa cho biết: Với vai trò là nhóm trưởng, thuyết phục mãi, kêu gọi mãi, chị Mảy cũng chỉ vận động được gần 20 chị em tham gia, bản thân chị cũng không khỏi nản lòng. Nhưng nhớ tới lời dạy của Bác "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền", chị Mảy lại càng quyết tâm hơn trong tia hy vọng nhỏ nhoi. Những ngày đầu, chị và các chị em trong nhóm được sự giúp đỡ của Trung tâm hỗ trợ dạy nghề nhân đạo và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm truyền thống (Craft Link) tại Hà Nội, các chị nắm được các kỹ thuật, họa tiết thêu đơn giản để làm quen. Không biết tiếng phổ thông, không biết chữ nên việc tiếp thu kiến thức cũng rất khó khăn và có nhiều hạn chế. Xác định để làm được việc này thì nhất thiết phải học chữ, phải biết nói tiếng phổ thông. Nói rồi chị Mảy lại tiếp tục vận động những chị em chủ chốt cùng tham gia theo học lớp xóa mù; học tiếng phổ thông để tiện cho quá trình trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và giao dịch công việc. Biết chữ, biết nói tiếng phổ thông rồi, qua các lớp tập huấn, chị Mảy cùng các hội viên khác đã nắm được mẫu mã, nhận biết màu chỉ để có sự lựa chọn phù hợp với từng mẫu thiết kế. Từ đó truyền đạt lại bằng tiếng Mông cho các chị em khác. Hai năm sau khi thành lập, nhóm thêu đã bán ra thị trường gần 750 sản phẩm, thu được 20 triệu đồng; 1 năm sau đó nhóm đã bán được gần 4.500 sản phẩm thu được 66 triệu đồng; tăng gấp 3 lần so với năm trước. Hiệu quả kinh tế mang lại trông thấy rõ rệt qua các năm nên ngày càng có nhiều chị em từ khắp các xã khác trong huyện, các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn tới đăng ký tham gia. Đến nay, nhóm thêu truyền thống thôn Tà Là Cáo xã Sính Phình huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên do chị Giàng Thị Mảy làm nhóm trưởng đã có tới hơn 110 hội viên tham gia. Mỗi năm nhóm làm ra 50 - 60 nghìn sản phẩm các loại. Toàn bộ sản phẩm làm ra được đối tác bao tiêu với mức giá phải chăng và ổn định. Qua thống kê, mức thu nhập của hội viên trong nhóm thêu truyền thống đạt từ 1 - 3 triệu đồng/người/tháng. Điều đặc biệt ở đây là các chị có thể tranh thủ làm thêm những lúc rảnh rỗi để tăng thêm thu nhập.

Chị Thào Thị Dợ - Thôn Tà Là Cáo xã Sính Phình cho biết: "Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, chúng tôi đã vay tiền ngân hàng để mua xe máy, mua ti vi. Từ khi vào nhóm thêu tôi có công việc để làm, được chị Mảy nhiệt tình hướng dẫn nên tôi đã biết làm những sản phẩm thông thường, rồi làm những sản phẩm khó hơn, phức tạp hơn. Ở nhóm nếu làm chăm chỉ thì mỗi tháng cũng được 2 triệu. Nếu ai không làm chăm chỉ, ban ngày đi làm nương, tối về thêu thì mỗi tháng cũng được 6 -7 trăm nghìn, được 1 triệu. Bây giờ tôi đã trả hết nợ tiền vay mua xe máy, mua ti vi lần trước cho ngân hàng rồi.

Tuy không phải là người có học thức cao, tầm hiểu biết rộng nhưng chị Giàng Thị Mảy biết việc gì cần làm và việc gì nên làm. Chỉ bằng những suy nghĩ mộc mạc, chất phác, những hành động nhỏ song lại có sức lan tỏa lớn. Ghi nhận những nỗ lực của chị, trong những năm qua, nhiều lần chị Mảy được Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen. Gần đây nhất chị vinh dự được Trung ương Hội phụ nữ trao tặng giải thưởng phụ nữ Việt Nam 2010. Ngoài ra, chị Giàng Thị Mảy còn là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho hàng chục nghìn chị em hội viên phụ nữ trong tỉnh đi dự các kỳ Đại hội đại biểu Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong các kỳ gần đây. Những gì chị Giàng Thị Mảy phấn đấu hôm nay sẽ góp phần xây dựng quê hương Tủa Chùa mai sau ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chị xứng đáng là chân dung người phụ nữ vùng cao, với 8 chữ vàng "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" mà Bác Hồ trao tặng./.

Ngọc Thủy