VPUB - Nâng cao hiệu quả việc khai thác, phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn Thị xã Mường Lay

Dienbien.gov.vn - Nằm trên tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc, có vị trí đầu mối giao thông quan trọng, thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ du lịch; thị xã Mường Lay là một địa bàn được đánh giá là có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên vùng lòng hồ và nền văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên Mường Lay vẫn phải cần có kế hoạch và sự quy hoạch, đầu tư nhất định để để việc khai thác các loại hình du lịch vùng lòng hồ trên địa bàn phát triển trong thời gian tới.

Lễ hội đua thuyền đuôi én  - nét đặc trưng được khôi phục, bảo tồn của Thị xã Mường Lay.

Mường Lay với văn hóa dân tộc Thái trắng được lưu giữ qua nhiều đời nay dưới các hình thức như: múa sạp, múa xòe, múa nón, múa quạt; những điệu dân ca; nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ... Thực hiện chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, nhiều bản người Thái được bố trí tái định cư tại chỗ. Nhờ đó, những nét văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng của dân tộc Thái mà còn của 8 dân tộc anh em khác vẫn được bảo tồn và lưu giữ. Từ khi công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành, mực nước lòng hồ dâng cao, diện tích mặt hồ có thời điểm lên chừng 100 ha. Điều kiện ấy đã tạo cho thời tiết Mường Lay mát mẻ và trong lành hơn; dòng sông Đà hung dữ nay trở nên hiền hòa, thơ mộng... là cảnh quan sinh thái hấp dẫn cho du khách.

Với những gì mà thiên nhiên ban tặng và truyền thống và lịch sử để lại đã mở ra cho Mường Lay hướng đi mới trong phát triển du lịch. Đầu tiên, phải kể đến việc kết nối giao thông giữa thành phố Điện Biên Phủ - Mường Lay và Lai Châu. Cùng với việc hình thành vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, giao thông đường thủy phát triển cũng mở ra nhiều hành trình trải nghiệm thú vị giúp du khách có nhiều lựa chọn để được giao hòa cùng thiên nhiên hùng vĩ. Bên cạnh đó, du khách còn có thể qua thăm các mô hình nuôi cá lồng; tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng tại các bản ven hồ; tham quan làng nghề dệt thổ cẩm; chế tác nhạc cụ dân tộc tại các bản; thăm cơ sở sản xuất và chế biến từ nông sản; tìm hiểu nghề đan lát đồ gia dụng và thưởng thức ẩm thực dân tộc tại các bản trong những nếp nhà sàn truyền thống. Qua đó đã thu hút được nhiều đoàn khách đến tham quan, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa và truyền thống trên địa bàn.

Người dân bản Bắc 2, xã Lay Nưa làm bánh khẩu xén - một trong những "đặc sản" của người dân tộc Thái trắng, Thị xã Mường Lay.

Có được kết quả trên, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch, thị xã Mường Lay đã xúc tiến phát triển các bản văn hoá dân tộc, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, phục hồi các hoạt động văn hoá dân gian, các sản phẩm du lịch, hình thành các tour du lịch khép kín “lịch sử - sinh thái - nghi dưỡng”, từng bước hiện đại hoá các khu du lịch, khu vui chơi giải trí và các công trình dịch vụ liên quan khác; xây dựng mới các khách sạn, nhà hàng, nhà nghi mang sắc thái riêng phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, thị xã Mường Lay đang trong giai đoạn ổn định đô thị và tái định cư. Đời sống của nhân dân còn gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất, nguồn kinh phí để đầu tư cho du lịch cũng như công tác marketing du lịch chưa được quan tâm. Việc phát triển hoạt động của các loại hình du lịch vùng lòng hồ chưa phát triển. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác du lịch chưa được quan tâm tập huấn, đào tạo... Lượng khách đến thị xã Mường Lay với mục đích du lịch còn thấp, các loại hình dịch vụ du lịch còn ít và đơn điệu nên chưa kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch…

Theo ông Hoàng Văn Sinh - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay, để phát triển du lịch trong thời gian tới, thị xã Mường Lay xác định sẽ tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường như du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa. Tập trung phát triển du lịch theo hướng có chất lượng, khai thác tối ưu các nguồn lực và lợi thế tự nhiên của thị xã; nghiên cứu hệ thống sản phẩm du lịch, loại hỉnh du lịch đặc trưng và chất lượng trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Để hướng đến các mục tiêu đó, thị xã Mường lay cần phải tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, cụ thể như: nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về lợi ích phát triển du lịch, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch trong cộng đồng dân cư; kết hợp với nhân dân địa phương, ủng hộ và khuyến khích dân cư trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Đồng thời cần giữ gìn và không ngừng phát triển tài nguyên du lịch, khuyến khích phát triển những tài nguyên du lịch nhân tạo, góp phần làm phong phú hệ thống tài nguyên du lịch. Hơn hết cần phải xây dựng, ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào các Dự án trọng diểm về du lịch, các khu vui chơi giải trí để da dạng hóa các sản phẩm du lịch và không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch, xứng tầm với những gì thiên nhiên đã ban tặng cho thị xã Mường Lay./.

Lan Phương