VPUB - Phấn đấu đến năm 2025, 80% trở lên các Trường THCS, THPT có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương

Đó là 1 trong những mục tiêu nằm trong kế hoạch số 1607/KH-UBND về Triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025 do UBND tỉnh Điện Biên ban hành vào ngày 19/6/2018.

Lớp sửa chữa xe máy tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh (baodienbienphu.info.vn).

Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, 50% trở lên Trường THCS và Trường THPT trên địa bàn tỉnh có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 50% trở lên Trường THCS và Trường THPT trên địa bàn tỉnh có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; Ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Phấn đấu đến năm 2025, 80% trở lên Trường THCS và Trường THPT trên địa bàn tỉnh có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 80% trở lên Trường THCS và Trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; Ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; Ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra các nội dung thực hiện: Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông

UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Đề án. Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo nói chung và thực hiện Đề án nói riêng./.

 Lan Phương (BS)